Mặt trận truyền thông của đảng

Trong Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo truyền thông báo chí nhà nước cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, lợi dụng chống tham nhũng để bôi xấu chế độ và chia rẽ nội bộ.

Những chỉ đạo vừa kể của ông Nguyễn Phú Trọng được ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng bộ Thông Tin và Truyền Thông, lập lại trong đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ IV hôm 20/8 vừa qua, nhưng lần này ông Nguyễn Bắc Son nhắm vào môi trường internet. Ông Nguyễn Bắc Son nói rằng: “Các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường internet để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; kích động, xúi giục các phần tử cơ hội, thoái hóa chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ nội bộ”.

Nhìn chung thì những chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bắc Son cho truyền thông đảng chẳng khác gì nhiều so với những chỉ đạo tương tự của ông Trương Tấn Sang 5 năm trước, hay thậm chí của ông Nông Đức Mạnh 10 năm trước. Có khác chăng là thêm những cảnh giác, đề phòng về các vấn đề mà trước đây đảng chưa phải bận tâm nhiều; chẳng hạn như đa nguyên, đa đảng, minh bạch thông tin, v.v... Như thế có nghĩa là, mặc cho sự liên tục “tăng cường lãnh đạo của đảng”, những chỉ đạo dồn dập của lãnh đạo đảng trên trận địa thông tin, cả hai mặt trận báo chí và internet của đảng đều ngày càng trở nên bị động, co cụm trước sự lớn mạnh của truyền thông tự do trong thời đại tin học ngày nay.

Một thí dụ gần đây nhất cho tình trạng trên là chỉ trong tháng 7 vừa qua, vụ tướng Phùng Quang Thanh, vụ bình nước miễn phí cho dân nghèo ở Hà Nội và vụ xây dựng tượng đài ông Hồ Chí Minh ở Sơn La; trong cả ba vụ việc, báo chí và truyền thông lề đảng gần như bị tê liệt trước sự tấn công tới tấp của truyền thông lề dân, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Truyền thông lề dân không có những lợi thế để được tiếp cận thông tin như truyền thông lề đảng, nên có khi chỉ dựa vào những tin đồn trong những chuyện mờ ám cấp cao, về bí mật cung đình, về đấu đá nội bộ trong thượng tầng lãnh đạo đảng, về sự lũng đoạn của các nhóm đặc quyền... Tuy nhiên, do không phải tránh nét các “vùng nhạy cảm”, cùng sự phân tích logic, rạch ròi để làm sáng tỏ vấn đề; truyền thông lề dân thường đáp ứng được sự khao khát thông tin của công chúng. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội bất minh, sự thật bị che giấu, sự dối trá lên ngôi và quyền được thông tin của người dân không được tôn trọng.

Thế nhưng đối với đảng CSVN, một đảng vốn có bản chất bất minh, thì lãnh đạo đảng không dám nhìn vào sự thực đó, nên họ thường biện minh bằng cách “đổ lỗi”. Trước đây thì đổ lỗi cho “hậu quả chiến tranh”, cho “tàn dư mỹ ngụy”, nay thì đổ lỗi cho “các thế lực thù địch”.

Khi ông Nguyển Phú Trọng cảnh giác báo giới về những tin tức lợi dụng phòng chống tham nhũng để bôi xấu chế độ thì người ta tự hỏi có loại tin tức nào bôi xấu chế độ cho bằng lời phát biểu của ông: “Bây giờ ra khỏi nhà, cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ, rất khó chịu.”;hoặc lời phát biểu của ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”; hay lời phát biểu của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rằng: “Bây giờ người ta ăn của dân không chừa một thứ gì“.

Thế lực thù địch nào có khả năng tạo nên những vấn đề nhức nhối mà những người lãnh đạo cao nhất của đảng phải thừa nhận như vừa kể? Thế lực thù địch nào “bắt“ ông uỷ viên trung ương đảng Trần Văn Truyền “phải“ sở hữu đến mấy toà lâu đài? Hoặc “dụ“ được giám đốc công an Quảng Nam xây dựng trái phép một biệt thự 100 tỉ đồng trong rừng đặc dụng Hải Vân? Thế lực thù địch nào “nhúng tay“ vào đời tư của bác chủ tịch Nguyễn Trường Tô nằm tô hô (với nữ sinh tuổi vị thành niên) mà hình ảnh được tán phát để bàn dân thiên hạ thấy mặt thực “đời sống đạo đức“ của một trong những lãnh đạo cao cấp của đảng? Và còn bao nhiêu điều tương tự? Còn bao nhiêu “đồng chí chưa bị lộ“?

Người ta có thể đặt ra hàng trăm hàng ngàn những câu hỏi về “âm mưu của thế lực thù địch“ như vừa kể, nhưng ở đây cũng nên nhắc lại một điều hiếm thấy khi người bên ngoài được biết đến. Đó là việc ông Nguyễn Phú Trọng đã phải “nghẹn ngào“ trên TV sau khi ông bị thua trong cuộc đấu đá với “đồng chí X“. Thế lực thù địch nào đã gây chia rẽ được thượng tầng lãnh đạo đảng như vậy?

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bắc Son cảnh giác giới truyền thông lề đảng về điều mà các ông gọi là thế lực thù địch lợi dụng tự do dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, gây nghi ngờ chia rẽ nội bộ trong những ngày tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp đến, để yêu cầu báo chí cần tỉnh táo, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu “xuyên tạc, bịa đặt“.
Hẳn là cả ông Trọng và ông Son đều biết rất rõ là Hiến pháp Việt Nam hiện hành không có điều khoản nào cấm lập hội, lập đảng. Không những thế, chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng khẳng định “người dân có quyền làm những điều luật pháp không cấm”. Như vậy, những điều ông Trọng và ông Son cảnh giác ở trên đều vi hiến và vi phạm luật pháp (thế nhưng không thấy ông Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng về điều này). Như vậy làm sao truyền thông lề phải có thể “kiên quyết đấu tranh phản bác“ những đòi hỏi hợp hiến, hợp pháp được?

Cả hai ông (Trọng và Son) đều yêu cầu báo giới và truyền thông cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Thế nhưng, trong thời đại tin học ngày nay mỗi người dân đều có thể trở thành một chiến sĩ thông tin để cung cấp nhanh chóng cho quần chúng những sự thực về tình hình đất nước, về những đấu đá trong nội bộ đảng, về sự bán đất dâng biển cũng như sự quỵ luỵ của đảng đối với Trung Cộng, v.v..., truyền thông lề dân vừa soi mòn cột trụ truyền thông đảng, vừa chủ động hướng dẫn dư luận, trong khi báo đảng lúng túng như gà mắc tóc, cuối cùng phải chạy theo dư luận. Trong tình trạng như vậy thì những yêu cầu vừa kể của lãnh đạo chỉ là ước mơ không bao giờ thành sự thực.

Đến đây cũng nên mở một dấu ngoặc để nhìn vấn đề một cách rộng lớn hơn, nhân việc một cậu học sinh 14 tuổi nhận định nền giáo dục của đảng nay đã “thối nát“ lắm rồi, cần một cuộc cách mạng để thay đổi; người ta thấy không chỉ lãnh vực giáo dục, mà toàn bộ các lãnh vực khác cũng đều thối nát. Chính cái đảng đang lãnh đạo đất nước và xã hội hiện nay cũng vừa thối vừa nát (không còn hình thù gì nữa), vì vậy cũng cần phải có cuộc cách mạng để tống khứ nó đi thì đất nước mới khá lên được.


Tóm lại, truyền thông của đảng có thể đã có thời là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng và từng được đảng tặng thưởng nhiều loại huân chương “ăn giỗ“ như huân chương Sao Vàng, huân chương Hồ Chí Minh, v.v..., nhưng đó là thời còn những “bức màn tre, màn sắt“ để bưng bít, để đảng độc quyền. Thời đó xa lắm rồi! Nay mọi góc cạnh thâm u của đảng đều bị truyền thông tự do soi rọi, để lộ rõ ra mọi thứ đều thối nát. Truyền thông của đảng thì bị cùn lụt, lại không còn mảnh vườn hoang để múa gậy nữa. Vì thế trận địa truyền thông của đảng ngày càng co cụm và dần dần bị vỡ trận là thế!