Cướp được miền nam, Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt… ... Còn chúng nó thì ta đày đi lao động khổ sai vùng kinh tế mới vào nơi rừng ... (ĐM)
Năm 1977, mối tình đầu của tôi là yêu thầm thương trộm một cô bạn cùng lớp. Một hôm, trong giờ ra chơi, bạn bè ra sân nô đùa, tôi phát hiện một mình cô ngồi gục đầu trên bàn, vai run run, hình như cô đang khóc. Tôi khều thằng bạn thân tới hỏi nhỏ: " Con H làm sao vậy ? ". Nó nói " nhà H vừa bị đánh tư sản, họ tịch thu đêm qua, cả gia đình bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng ".
Hôm sau, trong lớp học, chỗ H ngồi là một khoảng trống lạnh lùng. Tôi như kẻ thất tình, thỉnh thoảng liếc mắt vào cái khoảng trống ấy. Ngậm ngùi, đau đớn.
Rồi một tháng sau, tôi nghe loáng thoáng hung tin, chuyến tàu vượt biên của H bị chìm ngoài biển.
Một năm sau, cô N, lớp trưởng rủ chúng tôi tới nhà cô làm báo tường. Không ngờ ngôi nhà ấy chính là ngôi nhà của H. Thấy tôi ngạc nhiên, N nói nhà nầy nhà nước tịch thu của tư sản, cấp lại cho ba em.
Đó là một trong những lý do mà tôi không đi theo con đường quan chức, dù với tôi, nó luôn rộng mở....
***
Dĩ Vãng
Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng
Võ Đắc Danh
Sau năm 75, người dân miền Nam chưa kịp hưởng không khí hoà bình thì tai ương chụp xuống. Ở thành thị thì đánh tư sản, những người sản xuất kinh doanh bỗng chốc trắng tay, tan nhà nát cửa, lớp bị đày đi kinh tế mới, lớp vượt biên, bỏ thây ngoài biển, dòng chảy thị trường bị chặng đứng bởi nạn ngăn sông cấm chợ. Ở nông thôn thì xáo trộn bởi vấn nạn cải tạo nông nghiệp và chủ trương " ba thu " lương thực: thu thuế, thu nợ và thu mua.
Hôm ấy cuối tuần tôi về nhà, thấy mẹ tôi lui cui giỡ sạp giường giấu lúa, tôi hỏi làm gì, mẹ tôi giải thích: nhà nước có chủ trương mỗi nhân khẩu trong gia đình chỉ được để dành mỗi năm 12 giạ lúa đủ ăn, còn lại bao nhiêu gọi là lúa dư, phải bán hết cho nhà nước theo giá quy định, nghĩa là bằng 10% so với giá chợ đen. Nhà mình mỗi năm thu hoạch khoảng 200 giạ, ngoài 36 giạ cho 3 miệng ăn, còn lại là tiền cày, tiền cấy, tiền gặt, tiền mua quần áo, tiền chợ, rồi cúng quảy ông bà, chi phí học hành của tụi con, chưa kể lỡ đau ốm bệnh tật, chưa kể sửa chữa nhà cửa.... Tất cả nằm trong 200 giạ lúa, có đủ vào đâu mà họ gọi là lúa dư. Hôm qua ở xóm trên chúng nó đi từng nhà đo bồ người ta rồi thu mua như cướp.
Lúc nghỉ tay, mẹ tôi thở dài nói: Hồi xưa nhà mình chắt chiu từng hạt lúa góp phần cho cách mạng nuôi quân, góp cả máu xương cho nền độc lập, đâu biết giờ nầy lại giấu cách mạng từng hạt lúa....
Lớn lên tôi đi làm báo, lao đầu vào cuộc chiến đấu chống bất công với lòng tâm huyết góp phần nhỏ bé của mình để cho xã hội tốt đẹp hơn. Giờ nhìn lại, đọc lại những bài viết cũ, tự cười cợt cho cái sự ngây thơ của mình, hahaha !
Nhưng mà ngẫm lại, thà ngây thơ vẫn tốt hơn bon chen đi làm doanh nhân hoặc quan chức.