Tôi không hiểu tại sao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Cúm Vũ Hán của TpHCM và Sở Công thương không phác họa vài kich bản về tiếp liệu và cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến hộ gia đinh khi toàn TP phải phong tỏa?
Có phải các siêu thị và cửa hàng tiện ích là sân sau của Sở Công thương mà Sở cứ ngang nhiên đóng cửa các chợ đầu mối đến các chợ truyền thống, mà không sợ rằng nó đã cắt đứt 70% lượng hàng hóa cung ứng cho TP hàng ngày?
Sở cứ nói hệ thống siêu thị bảo đảm cung ứng đủ hàng, tức là hệ thống phải tăng công suất bán hàng gấp 300% ngày thường (để bán thay 70% lượng hàng hóa ở chợ truyền thống).
Khốn nạn hơn là cấm các tiệm tạp hóa mở cửa, trong khi đoạn đường đi lại của dân bị bị thu ngắn bởi các phường bị phỏng tỏa 100%, làm sao họ đi đường dài đến các siêu thị được?
Phường xã, công an và dân phòng lâu nay quen bị dân chửi khi tiến hành cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất, dẹp lòng lề đường, nên họ nóng giận đá đổ hàng của người mua gánh, bán bưng, nay thực hiện chỉ thị phong tỏa, phường 6 Gò Vấp còn bày chỉ tiêu phạt người dân không chấp hành chỉ thị 16, họ quá hăng máu!
Họ phạt rất nặng người dân ra đường tập thể dục, phạt tiệm bách hóa, quán ăn, cà phê, xe bánh mì… lén bán cho người mang về. Thành ra, cuộc chống dịch Cúm Vũ Hán biến thành cuộc “ngăn sông cấm chợ” triệt để hơn thời bao cấp!
Việc dân chen lấn, gom hàng ở các siêu thị suốt tuần qua, chủ tịch Nguyễn Thành Phong cảnh báo “có nguy cơ lây dịch”. Bộ Công thương kêu gọi bán hàng lưu động trong khu dân cư để giảm chen lấn, Sở không làm!
Cư dân mạng (rồi báo chí ăn theo) lấy hình ảnh chợ giãn cách trên đường phố ở Myanma, đến nay chủ tịch Phong mới nói “có thể áp dụng”.
Nhớ lại 46 năm trước, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối, dòng người từ miền Trung đi tàu vào Vũng Tàu và đường bộ đến Sài Gòn đông vô số kể, nhưng đã không xảy ra tình trạng thiếu hàng nhu yếu phẩm.
Dù rằng, Sài Gòn bị bên thắng cuộc bao vây bằng quân sự lẫn kinh tế. Quốc lộ 4 (nối SG và miền Tây) và Quốc lộ 1 (SG – miền Trung) thường xuyên bị giật mìn hư đường, sập cầu, đắp mô.
Năm 1974, miền Nam sản xuất 6,2 triệu tấn lúa, Sài Gòn phải nhập cảng thêm 350.000 tấn gạo. Lương thực dự trữ cho mấy triệu dân Sài Gòn ăn trong 6 tháng.
Do tình thế bị bao vây quân sự và kinh tế, bên thua cuộc vừa phòng thủ vừa yểm trợ các thương thuyền và xe tải tiếp liệu lương thực cho SG. Nếu không SG chết đói!
Em cô cậu tôi đi lính Hải quân Giang đoàn 74 thủy bộ, Lực lượng đặc nhiệm vùng 4 kể lại, ngoài nhiệm vụ yểm trợ các tiền đồn ven sông, họ phải yểm trợ các đoàn ghe chài chở gạo về SG, nếu để bên thắng cuộc bắn B.40 chìm, thì Giang đoàn “lãnh củ” (phạt trọng cấm)
Giang đoàn 74 cử một chiếc tàu HQ đi sau đoàn ghe chài 5 chiếc từ Chành gạo ở Cầu quay Bạc Liêu qua Vàm Lẽo, Cổ Cò (huyện Hòa Tú) đến Bảy Sào, Sóc Trăng bàn giao cho Hải quân Vĩnh Long. Cứ qua mỗi tỉnh là bàn giao cho tàu HQ khác, đến khi về kho gạo Bến Bình Đông.
Sau khi mất Ban Mê Thuột, ông Thiệu lệnh triệt thoái quân về Nha Trang. Sau đó Quân đoàn 1 cũng triệt thoái về Đà Nẵng, thì dân chúng di tản theo đông quá, các Phòng Xã hội (mỗi trung đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến có một Phòng Xã hội gồm toàn nữ quân nhân để chăm sóc vợ con lính) báo cáo không đủ thuốc men và lương thực cấp cho dân di tản.
Thủ tướng Trần Thiện Khiêm liền xuất ngân sách cho phòng xã hội và hội Hồng Thập tự cấp cho dân tỵ nạn (không có trong kịch bản triệt thoái quân của ông Thiệu).
Chiến sĩ giải phóng miền Nam được dân gói bánh tét, khô cho, còn được dân phụ vận chuyển lương thực từ “vùng địch tạm chiếm” vào chiến khu. Các anh không phải bận bịu lo miếng ăn cho dân, an tâm chiến đấu, nên thắng cuộc là phải.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống dịch Cúm Vũ Hán mà quý tư lệnh dùng thuật ngữ chiến tranh “ba mũi giáp công”, “trong đánh ra, ngoài đánh vào” nghe ớn chè đậu! Virus chưa đầu hàng, mà người dân đã đói, vì không việc làm, mà giá cả tăng vọt!
Mai Bá Kiếm