Tôi đi tàu hoả từ đầu những năm 2000, thời sinh viên. Những chuyến tàu nhanh nhất và vé mắc nhất lúc ấy mất 36h để đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, hoặc ngược lại.
Sau 20 năm, ngành đường sắt nước nhà với những con tàu cổ lỗ sỉ vẫn miệt mài vận chuyển người và hàng. Các nhà quản lý bàn nhau nên triển khai đường sắt cao tốc tỉ đô 200km/h hay 300km/h. Tới nay chưa ngã ngũ.
Thật sự khó hiểu sự rực rỡ của thời đại chúng ta ở đâu so với “bọn tư bản giãy chết”. Ví dụ, đế quốc sen đầm Mỹ vừa xác nhận Công ty công nghệ giao thông Hyperloop (HTT) công bố thiết kế đường tàu siêu tốc chở khách từ Chicago đến Cleverland (556 km) chỉ trong 35 phút. Nghĩa là tàu của họ chạy khoảng 1.200km/h, nếu triển khai tại Việt Nam thì đi Sài Gòn-Hà Nội chừng 1h30p, nhanh hơn cả máy bay.
Chủ tịch UBND Hà Nội là ông Chu Ngọc Anh, thời còn làm Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ đã đặt mục tiêu có 2.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2020. Khi ấy (2016) đất nước có chưa tới 300 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Sau 5 năm, nước mình có hơn 500 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Được hơn 1/4 so với chỉ tiêu 2020.
Nhìn lại kế hoạch 2000 doanh nghiệp khoa học công nghệ mà thở dài. Thở dài như những nhà quản lý bàn mãi về đường sắt 20km/h hay 300km/h mà vẫn chẳng xong.
Nước mình đang ở đâu? Trong thời đại rực rỡ ư? Mà sao nhà khoa học nói với người viết (hồi 2018) về 45 triệu đô la mà “bọn tư bản giãy chết” hỗ trợ cho khoa học công nghệ đã được đem đi làm… hội thảo cả rồi. Doanh nghiệp khoa học công nghệ của anh và những doanh nghiệp khoa học công nghệ khác vẫn không tiếp cận được vốn ưu đãi, vẫn không được cấp đất như Luật Khoa học công nghệ mà nhà nước ban hành.
Khi nhà khoa học gửi người viết xem các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm đang được Bộ Khoa học công nghệ “đánh bóng” trên các bản tin của Bộ; rồi hỏi người viết “Vậy Quốc Hội lập ra luật khoa học công nghệ để làm gì Ấn?” Tôi không biết trả lời sao.
Trả lời làm sao bây giờ khi sản phẩm khoa học công nghệ được chứng nhận muốn vay vốn, đem cái nhà 2,5 tỉ ra vay quỹ khoa học công nghệ được “định giá nhà nước”… 200 triệu. Doanh nghiệp khoa học công nghệ đành ôm công nghệ sản xuất… cầm hơi.
Đó là một trong vô số thực trạng của đất nước. Một đất nước trong thời đại rực rỡ.
Rực rỡ nỗi buồn…./.