Thực trạng giao thông Việt Nam chắc không cần nói nhiều, người dân Việt Nam và du khách quốc tế vẫn hiểu sự kinh hoàng của nó. Chỉ riêng con số thống kê được, cả nước ghi nhận 22.827 vụ tai nạn giao thông, hơn 8.700 người chết và hơn 21.000 người bị thương, đó là con số trong năm 2015. Trung bình, năm 2015 có 23 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông.
Tình trạng cảnh sát giao thông nhận hối lộ diễn ra ngày càng nhiều. Ảnh: SBTN
Đó là con số thống kê, còn thực tế thì con số còn khủng khiếp hơn nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM cho biết, về số liệu báo cáo TNGT có nhiều nguồn khác nhau và rất chênh lệch. “Theo quy định ngành dọc, mình đang lấy nguồn TNGT từ công an, chứ không phải từ nguồn y tế. Mà nguồn của y tế và công an thì hiện nay chênh lệch, rất khác nhau”. Như vậy, con số thống kê trên, chỉ là một phần của sự thật. Mà phần đó chắc chắn là phần nhỏ, bởi nó ảnh hưởng đến thành tích của ngành công an.
Ở Việt Nam, tai nạn giao thông là "chuyện thường ngày" đến mức người dân không thấy giật mình với những con số người chết, bị thương cũng như những thiệt hại do TNGT gây ra đối với xã hội.
Thế nhưng, thử làm phép so sánh để hiểu sự khủng khiếp của nó:
Trong 10 năm tại cuộc chiến Iraq, Mỹ khoảng gần 4.500 lính Mỹ đã bị chết và 32.000 lính bị thương. Có nghĩa là mỗi năm, trong một cuộc chiến đẫm máu, khốc liệt... thì chỉ có 450 lính Mỹ bị chết, 3.200 người bị thương - số lượng này chỉ bằng 1/20 số người chết và 1/7 số người bị thương vì tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Cảnh sát giao thông: Để làm gì?
Hẳn nhiên, ai cũng có thể trả lời rất đơn giản: CSGT có chức năng nghiên cứu, đề xuất và trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm luật giao thông, các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác trên các tuyến đường, địa bàn giao thông công cộng theo quy định của pháp luật.
Trong tất cả các chức năng nêu trên, chức năng chính là "bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".
Vậy thì với một lực lượng quân số, tướng tá hùng hậu với đầy đủ các loại trang thiết bị được mua sắm bằng tiền thuế của dân mà để giao thông hỗn loạn, số lượng người chết vì TNGT gấp 20 lần một cuộc chiến tranh khốc liệt, nhất là văn hóa giao thông không được thiết lập theo hướng văn minh, hiện đại... thì hẳn nhiên là lực lượng này hết sức yếu kém dù biện bạch bằng bất cứ lý do nào.
Vậy thì vì sao CSGT là lực lượng yếu kém?
Lực lượng vũ trang Việt Nam có hai lực lượng chính là quân đội và công an. Tất cả đều được "đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CSVN".
Nếu như quân đội, một số đơn vị được giao làm kinh tế, tạo ra những tập đoàn, những ông chủ lớn trong quân đội với những đặc quyền đặc lợi to lớn, thì hẳn nhiên việc luyện tập, đánh đấm sẽ bị lơ là và quân đội yếu kém sức chiến đấu. Bởi về tinh thần, mục đích là kiếm tiền, kỷ luật quân đội là kỷ luật sắt sẽ biến thành kỷ luật mềm dẻo kinh doanh, người lãnh đạo quân đội sẽ trở thành những ông chủ, những đại gia...
Hậu quả rất dễ nhìn thấy, là trước bọn giặc đang xâm chiếm lãnh thổ của Tổ Quốc, trước những ngư dân bị hà hiếp, bị bắt và bắn giết trên biển cũng như giặc đang lăm le bờ cõi, người đứng đầu quân đội Việt Nam chỉ một mực xoa tay: "Chúng tôi chỉ có hòa bình, hữu nghị..." và "tư tưởng ghét Trung Quốc là nguy hiểm cho dân tộc..."
Vậy thì tư tưởng sợ ra trận là bình thường. Còn nếu phải ra trận trong tinh thần và tư thế đó, thì không vỡ mặt cũng tan xương không là chuyện lạ.
Thế nên, Quân đội nhân dân chuyển nghề từ bảo vệ Tổ Quốc sang nhiệm vụ "chống diễn biến hòa bình" trong nhân dân.
Điều khá hài hước, là với giặc, Quân đội VN chỉ thích hòa bình, hữu nghị, còn với dân, quân đội kiên quyết chống diễn biến hòa bình.
Cùng một thầy một thợ, lực lượng công an, cảnh sát, nhất là CSGT cũng trong tình trạng đó.
Mãi lộ: Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu
Khác với lực lượng cảnh sát ở các nước khác, ngành công an Việt Nam thực thi nhiệm vụ theo quy trình "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Hiến pháp quy định là một chuyện, luật là một chuyện, còn thực thi thì công an chỉ căn cứ Thông Tư của chính Bộ Công an ban hành. Thậm chí có những Thông tư, thông báo đi ngược với Hiến pháp và luật pháp. Chẳng sao, người dân Việt Nam vốn đã quen khái niệm thời công an trị: "Luật là công an, công an là luật".
Một lực lượng vũ trang, để có sức mạnh, phải bảo đảm nhiều yếu tố, trong đó có tinh thần, kỷ luật của binh lính và người lãnh đạo là những yếu tố quan trọng.
Trong trào lưu thực dụng và tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam ngày càng phát triển "năm sau cao hơn năm trước", tinh thần chiến sĩ, sĩ quan Công an cũng không nằm ngoài quy luật đó khi mà "thoái hóa, biến chất..." trong đảng là một bộ phận ’không nhỏ".
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An. Ảnh: csgt.vn
Điển hình cho thực tế này, là hình ảnh và hành động của CSGT trên toàn quốc. Họ đã làm gì và người dân nghĩ về họ ra sao, chỉ cần lên mạng xã hội xem phản ứng của người dân khi nghe ông Trần Đại Quang với vai Bộ Trưởng Công an nói rằng "tuyệt đại đa số CSGT không nhận hối lộ".
Câu nói đó đã tạo ra những trận cười nghiêng ngả và là đề tài bàn tán ở mọi nơi, mọi lúc như một câu chuyện hài hước ăn khách trong mục chuyện bịa như thật.
Còn trong thực tế, có lẽ trừ khi đi bộ, còn nếu ai đã tham gia giao thông hẳn nhiên không thể không biết nạn mãi lộ, tham nhũng là vấn nạn chưa bao giờ giảm trên đất nước này. Báo chí đã có nhiều bài viết công phu, mạng xã hội liên tục đưa các hình ảnh, tài liệu về nạn này. Người ta đã phải kêu nạn mãi lộ "Ghê hơn cả cướp cạn".
Thế nhưng, nạn mãi lộ thì "ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu" - Bộ trưởng Công an.
Nạn mãi lộ, trấn lột tiền người tham gia giao thông với bất cứ hình thức nào, đều gây nên những hậu quả hết sức khủng khiếp và tai hại.
Vì mãi lộ việc chấp hành luật lệ giao thông không nghiêm chỉnh, dẫn đến tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng, tính mạng người dân luôn bị đe dọa.
Vì mãi lộ, trọng tải xe vượt quy định cho phép nhiều lần, đây là cách tốt nhất để phá hoại đường sá, tài sản công cộng được xây dựng bằng tiền thuế của người dân. Đặc biệt là không thể đảm bảo cho việc tham gia giao thông an toàn.
Vì mãi lộ, xe kém chất lượng được lưu hành không cần các điều kiện kỹ thuật bắt buộc cho phép, điều này dẫn đến việc mất an toàn trong lưu thông và tai nạn là điều dễ hiểu.
Vì mãi lộ việc chém, chặt, nêm khách vô tội vạ, chạy vượt ẩu, phóng nhanh... diễn ra thường xuyên, là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn khủng khiếp.
Và tất cả những hậu quả của nạn mãi lộ, những chi phí đó sẽ bổ vào giá thành vận chuyển, giá vé, phí đường... người hứng chịu là người dân.
Ai ai cũng biết điều đó, thế nhưng vì sao nạn mãi lộ vẫn không giảm xuống?
Tư duy "sứ quân" của ông cục trưởng
Không phải đến bây giờ, người ta mới nói đến nạn mãi lộ. Cả xã hội kêu la, báo chí lên án. Thậm chí từ thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng cách đây hơn 20 năm, khi báo chí và xã hội phản ứng dữ dội, ông tuyên bố: "Chiến sĩ CSGT nào cầm của dân 5 ngàn đồng thì sẽ bị đuổi việc".
Chắc vì sợ đuổi việc, nên từ đó đến nay, chưa bao giờ CSGT cầm 5 ngàn, mà chí ít thì đó phải là con số chục, trăm ngàn cho đến tiền triệu.
Sở dĩ, nạn mãi lộ không được ngăn chặn, trước hết phải khắng định rằng đây là một lợi ích có tính chất phe nhóm. Không ai lại không ngạc nhiên khi biết rằng 70% số tiền phạt của CSGT đối với việc vi phạm luật lệ giao thông, được giao cho Công an. Đây là một con số khủng khiếp. Chỉ một tỉnh bé như Sóc Trăng, công an đã trích tiền phạt của CSGT để mua 4 ôtô Lexus LX570 (giá thị trường mỗi chiếc trên 5 tỷ đồng) đủ biết số tiền phạt lớn đến chừng nào.
Chính vì vậy, lực lượng CSGT không chăm lo đến việc đảm bảo an toàn trật tự giao thông cho bằng nhăm nhăm việc "phạt". Họ nghĩ ra đủ chiêu, đủ trò để ăn chặn, mãi lộ và bắt phạt. Nào là rình, núp, đuổi, chặn.... đủ cả, miễn là người dân phải nôn tiền ra.
Và người dân, với tư duy vô cảm và vô sự, họ sẵn sàng chia đôi tiền phạt để được bỏ qua lỗi và tiếp tục vi phạm.
Việc mãi lộ trở thành bình thường đến nỗi một vị tai to mặt lớn còn phát biểu như không rằng: "Kể cả lái xe hối lộ cảnh sát 50-50 vẫn có tác dụng" hoặc ngay chính ông Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An năm 2012 tuyên bố một định nghĩa xanh rờn: "CSGT nhận dăm ba chục” sao gọi là tham nhũng".
Chắc là với ông này, thì cả va ly tiền triệu đô la như Dương Chí Dũng khai đã đưa ông Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - mà vẫn còn chưa coi là tham nhũng thì dăm ba chục ngàn đã là gì?
Họ muốn tạo ra một vùng đặc quyền, đặc lợi dựa trên sự cướp bóc, bất chính và dung túng, che giấu cho những hành động tham nhũng và hối lộ của cán bộ, chiến sĩ công an, nhất là CSGT.
Điển hình cho lối tư duy này, là Thiếu tướng Trần Sơn Hà, hiện là Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An.
Nghe nói đến tên ông Trần Sơn Hà, người ta nhớ ngay đến những câu nói để đời và những văn bản do chính ông ký, mục đích là ngăn chặn sự giám sát của người dân và mặc nhiên cho lực lượng quân lính của ông lộng hành ngoài đường mặc sức bóp nặn người dân.
Người ta còn nhớ đến văn bản thông báo ngày 26/4/2013 do chính ông ta ký khi còn là Đại tá Cục phó, cấm người dân quay phim chụp ảnh CSGT nhằm che giấu việc phát hiện hối lộ, mãi lộ. Văn bản này đã lập tức bị xã hội lên án và phải rút lại bởi vi phạm luật pháp.
Thế rồi, với những "thành tích" đó, ông vẫn thăng quan, tiến chức lên Thiếu tướng, cụ trưởng Cục CSGT.
Người ta cũng nhớ đến đề nghị của ông ta ở chức vụ Cục trưởng rằng phải trang bị vũ khí cho CSGT. Bởi ông cho rằng lái xe tông vào CSGT là sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng. Trong khi ông không hiểu rằng, CSGT bóp nặn người dân từng đồng bỏ túi hoặc đưa về vì lợi ích phe nhóm của ông, mặc cho tính mạng người dân cứ chết, cứ bị thương... thì không chỉ là xuống cấp đạo đức mà là sự phi nhân tính. Việc ông đề nghị cung cấp vũ khí cho CSGT với nhiệm vụ bảo đảm an toàn, trật tự giao thông, chính là suy nghĩ coi người dân là kẻ thù.
Mới đây, ông hùng hồn rằng: “Chúng ta (CSGT) không phải xuất trình gì cả, vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực CSGT có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu. Họ không có quyền đó”.
Lời phát biểu ngay lập tức bị các luật sư, những người am hiểu luật pháp và cả xã hội phản ứng dữ dội bởi ông đã tước quyền giám sát của người dân đã được hiến định, người ta khẳng định ông đã lạm quyền, không đúng quy định..
Thế nhưng, ông vẫn nhơn nhơn rằng: Đó là quan điểm của tôi.
Nhìn lại các hành động và phát ngôn của ông Cục trưởng có lịch sử từ khi còn là Cục phó đến nay, người ta thấy rõ ông tìm mọi cách để khoanh vùng cấm và tạo điều kiện tốt nhất cho nạn lén lút, trấn áp để nạn mãi lộ ngày càng phát triển.
Đó là tư duy bao che, lấp liếm của các lãnh đạo cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an.
Thực chất ông ta đang muốn xây dựng một "sứ quân" trong lòng đất nước cho chính nhóm lợi ích của ông ta.
Hà Nội, ngày 25/8/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
P/s: Mời xem video luật sư nói về quy định mới của ông Trần Sơn Hà"
https://www.youtube.com/watch?v=XiLgAB-NPs0
Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh