Luật sư Ngô Anh Tuấn đang ở cuối tuổi “Tam thập nhi lập”, sắp bước vào tuổi “ Tứ thập nhi bất hoặc” - là tuổi hiểu được mọi sự trong thiên hạ. Tuy tuổi đời so với nhiều người thì còn trẻ, nhưng trí tuệ lòng tốt và bản lĩnh của LS Ngô Anh Tuấn thì nhiều người lớn tuổi hơn anh không sánh được. Trí tuệ, lòng tốt và bản lĩnh không đo bằng năm tháng. Anh là một trong số 13 vị luật sư tự nguyện bào chữa miễn phí cho các bị can trong Vụ án Đồng Tâm đang xét xử. Anh còn là luật sư tự nguyện bảo vệ quyền lợi cho bà Dư Thị Thành – vợ của cụ Lê Đình Kình. Với tất cả các luật sư tự nguyện bào chữa cho đồng bào Đồng Tâm – xin ngả mũ kính phục!
LS Ngô Anh Tuấn sinh và lớn lên ở giải đất Mỹ Quan, Yên Lý - là một địa danh nổi tiếng của Phủ Diễn Châu. Mỹ Quan là quê của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên, của các Giáo sư Toán học Nguyễn Tố Như, Nguyễn Nhuỵ và nhiều trí thức thành danh khác. Đất sinh ra người.
Nhắc đến LS Ngô Anh Tuấn là bởi vì anh vừa đưa ra câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
Chao ôi, một câu hỏi chỉ gồm 6 từ mà có phép nhiệm màu soi sáng cả vụ án Đồng Tâm đang tiêu tốn hàng triệu chữ của các quan toà và viện kiểm sát.
- Nếu các quan toà chiều nay 14/9/2020 tuyên án nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
- Nếu các kiểm sát viên kết tội nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
- Nếu những người quyết định đưa hàng ngàn cảnh sát đến Đồng Tâm lúc 2-3 giờ sáng ngày 09/1/2020 nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
- Nếu tất cả chúng ta nghe được câu hỏi “NẾU BỐ BẠN LÀ CỤ KÌNH?”
Xin mời đọc câu hỏi của Luật sư Ngô Anh Tuấn dưới đây.
Nếu bố bạn là cụ Kình?
Bạn có muốn được biết tại sao bố mình bị người khác bắn chết trong phòng ngủ của chính căn nhà riêng của mình rồi được gán cho một tội danh giết người mà không cần phải thông qua xét xử?
Trong phiên toà, không dưới 5 lần tôi đề nghị phải là rõ hành vi và nguyên nhân dẫn tới việc người ta phải bắn chết cụ Kình, một ông già hơn 80 tuổi tay phải chống gậy. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc tới nội dung này, tôi đều bị vị Chủ tọa nhắc nhở là luật sư không được đề cập tới nội dung này vì nó không liên quan tới vụ án. Tôi không đồng ý vì rõ ràng trong trang 49 cáo trạng rành rành là cụ Kình đã phạm tội giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, vậy tại sao không được xem xét trong vụ án này? Không xem xét trong vụ án này thì sẽ xem xét trong vụ án nào khi mà đơn thư tố giác của bà Dư Thị Thành, vợ cụ Kình không nhận được bất kỳ câu phản hồi nào nhưng lại được cáo trạng nêu rõ là đơn này là không có cơ sở xem xét? Dẫu vậy, những nội dung tôi đề cập trong cả phần hỏi, phần tranh luận, đối đáp đều được gạt sang một bên...
Nếu cụ Kình là cường hào ác bá thời hiện đại, liệu sau mấy chục năm làm quan chức địa phương, cụ có phải ở trong một căn nhà trên mức xập xệ một chút với tài sản trong nhà hầu như không có gì đáng giá? Là cường hào ác bá, liệu rằng người dân nơi đây có kính trọng và yêu thương như vậy không? Báo chí mà bạn được đọc về hình ảnh xấu xa của cụ chắc đủ rồi, bạn cứ thử tự mình về Đồng Tâm để có cái nhìn khách quan hơn. Gặp bất kỳ ai bạn cũng có thể nghe họ kể về cụ với đầy sự kính trọng, tự hào và thương cảm. Bạn chỉ được nghe điều bạn đọc trên báo chí khi bạn vào UBND xã để gặp lãnh đạo hoặc tới nhà các quan chức mà đã bị cụ tố cáo cho đi tù mà thôi...
Ai chết cũng phải có lý do và hơn ai hết, người thân của người chết càng có lý do để được biết cái lý do ấy. Vậy tại sao, trong cùng một thời điểm, cùng một vụ án, người này chết thì được biết lý do còn người kia thì không, có sự phân biệt đối xử nào không?
Hỏi thật, nếu bố bạn là cụ Kình, bạn sẽ hành xử ra sao trong tình huống này?