Ly cafe năm mới nhắc tôi về một khoảng thời đầy bão dữ đã lùi qua nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện diện từng ngày chưa khi nào thôi khắc khoải.
Nâng ly cafe lên trên tay mà lại thấy có gì đó cay ngắt trong làn khói đang thoát lên trên miệng.
Bây giờ đã là một trăm năm, kể từ cái thời cụ Phan Chu Trinh đã rời xa nhân thế nhưng công cuộc của cụ còn dang dở cho đến bây giờ vẫn chưa có ai đủ trí tâm để mà đảm trách.
Người ta cứ chứng kiến những nỗi đau dày xéo lên đời sống dân chúng hết ở vùng này rồi lại tới vùng khác một cách liên tiếp, rồi cảm thán, rồi đóng góp từ thiện, rồi bỏ mặc đó cho người khác mang đi và kể cả chẳng cần bận tâm nó có đến được những mảnh đời khốn khổ lay lắt kia không - mà họ phải tìm cách trụ lại với cuộc sống mưu sinh vốn ngày càng thiết chặt lại trên những mảnh đời bơ vơ, cơ cực.
Dân chúng cứ tặc lưỡi thờ ơ, cứ thản nhiên chấp nhận mà rồi cứ kệ nó trôi đi thế nào thì trôi. Miễn sao đời mình còn có miếng cơm, manh áo đủ đầy là đã may mắn lầm rồi.
Đúng là cái may mắn và quyền lợi lẫn thân phận của con người chúng ta quả thực tầm thường và nhỏ mọn. Tôi không nghĩ người ta có thể cứ nhẹ nhàng coi mọi cái đã là sự ban ơn và ân huệ lớn lao, ngay cả cái sự tồn tại của mình cũng là sự nhỏ mọn đáng thương.
Với những con người như thế thì dân tộc mình cũng trở nên nhỏ mọn và yếu đuối. Chỉ đi cóp nhặt và sống lay lắt bên cạnh những cường quốc ngày càng đi lên. Còn người dân thì chỉ như những củ khoai tây mỗi người lăn theo một hướng của mình, mạnh ai nấy sống.
Ngày xưa khi dân tộc còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp và dùng chế độ phong kiến tàn bạo, mục nát để duy trì xã hội và bóc lột dân tộc ta qua đủ các loại thuế khoá, sưa cao, đủ loại chính sách đày đoạ và đè đầu cưỡi cổ thân phận con người chúng ta.
Cụ Phan Chu Trinh đã làm một cái việc tôi cho là đặc biệt cần thiết cho đất nước lúc bấy giờ, khi mà hai chế độ vừa thực dân vừa phòng kiến đoạ đày dân tộc mình trong khi người dân thì cam chịu chấp nhận gần như không có cái tư duy nào để phản kháng lại. Giữa lúc tăm tối như thế thì cụ Phan chính là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc khi thực hiện "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" để cứu vớt đất nước mình khỏi tình trạng u mê, bị đô hộ, bóc lột. Công cuộc của cụ chưa đủ dài và bị chống phá cũng như cản ngăn bởi quá nhiều phía, từ chính quyền thực dân và phong kiến, từ Phan Bội Châu rồi ông Nguyễn Ái Quốc, vì cho rằng đường lối của cụ không thích hợp khi đó. Tôi thì cho rằng chỉ là cụ bị ngăn cản bởi chính quyền Pháp, chưa đủ thời gian để chuyển biến được tình hình, thì cụ bị Pháp bắt đưa sang chính quốc Pháp để không cho cụ đi diễn thuyết mà khai dân trí nữa, vì Pháp hiểu là nếu tiếp tục để cụ khai dân trí cho dân tộc này thì sớm muộn người dân xứ An Nam sẽ giành được độc lập và dựng lên một quốc gia tiến bộ.
Năm mới, sau một trăm năm kể từ ngày cụ mất, tôi nghĩ rằng chưa khi nào tư tưởng của cụ là trở nên lỗi thời. Bởi chúng ta làm cách mạng xong thì hết sai lầm này đến sai lầm khác, mất vài chục năm mới chịu thay đổi tư tưởng từ nhà cầm quyền một cách nhỏ mọn và dè dặt. Nên dân tộc ta chưa có khai trí (chưa có trí tuệ của một quốc gia văn minh), chưa có dân khí (chưa có khí chất của một dân tộc mạnh) và cũng chưa có dân sinh (chưa làm ăn kinh tế đúng nghĩa).
Vậy nên, ba cái thứ mà cụ Phan đã làm từ một thế kỷ trước vẫn còn nguyên như thế. Chỉ khác bây giờ là quốc gia đã có độc lập, còn tự do thì phải xét lại theo nhiều khía canh thực thi như chúng ta thấy. Mà độc lập mà không có tự do thì không có nghĩa lý gì (Hồ Chí Minh toàn tập). Hơn nữa, độc lập mà chân khí dân tộc không có thì cũng chỉ là một quốc gia yếu kém và bệ rạc, lạc hậu. Độc lập mà không có kinh tế thì cũng chỉ để giải quyết miếng ăn, mà nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, thế thì "phi nông bất ổn", tức chúng ta chỉ để ổn định cái nhu cầu tối thiểu của một xã hội nếu nhờ vào nông nghiệp chứ chẳng thể nào thịnh vượng cho được. Mà cạn kiệt tài nguyên rồi thì lấy gì mà làm ăn, phát triển nữa đây, nếu con người và trí tuệ của đất nước không được tận dụng?
Khai dân trí, chưa lúc nào là cần kíp và dễ dàng hơn lúc này. Nên đây là lúc làm điều đó một cách tích cực nhất từ tầng lớp trí thức có lòng với dân tộc, quê hương và tổ quốc. Còn đợi chờ gì nữa mà cứ làm việc đâu đâu và vô bổ?
Một năm mới, nếu chỉ biết ước mơ và hy vọng, thì rồi sẽ như cô bé bán diêm, chết trong đêm tối mùa đông sau 3 đốm lửa nhỏ ngắn ngủi được thắp lên.
Chúng ta chết, chỉ vì ngồi đợi và hy vọng, mà không ai dám hành động dù là điên rồ như một chàng Đôn Ki Hô Tê, dẫu đơn thương độc mã thì cũng phải cưỡi lên mình ngựa để mà ra ngoài kia tìm chiếc cối xay gió để hạ gục nó.
Một năm lại đến, rồi lại qua, nó nhanh như một vệt chân qua đường, mà đời người đếm được bao nhiêu cái vệt chân ấy là hết đâu. Chẳng lẽ lại ngồi đếm thời gian và chờ đợi tự mọi thứ tốt lên, hoặc cứ tặc lưỡi mà mặc bỏ số phận trôi đi đâu về đâu thì về?
Chúng ta chẳng lẽ mãi cứ sống để tạo nên một thế hệ yếu hèn và kém cỏi đến mức này mãi hay sao? Cho đến khi ước mơ sẽ bị đoạ đày và là nơi để tìm kiếm những thứ ngược lại hiển hiện đau đớn trong đời thực giữa lòng của một xã hội?
FB Luân Lê