Người Việt và “sự im lặng của bầy cừu”

Mong rằng chúng ta đừng chọn cách im lặng, mà hãy lên tiếng vì chính nghĩa.” – Alexander Solzhenitsyn.

Tân Phong - Web Việt Tân|

Liên tiếp trong thời gian ngắn trước đại hội 13 của đảng CSVN, người ta được chứng kiến nhiều vở tuồng “đốt lò” của ông Tổng tịch, các cuộc bố ráp và đàn áp, bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, facebooker, nhà báo độc lập và cả người có đơn tố cáo các quan chức đương nhiệm. Gần đây nhất là việc bắt giữ người vô cùng tùy tiện và trái pháp luật của công an Đắk Lắk đối với hai ông Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn. Nguyên nhân được biết là vì hai ông Quý và Tuấn đã đứng đơn tố cáo Bí Thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông này.

Thực ra, việc quan chức cộng sản đạo văn, quay cóp, mua bằng, sử dụng bằng đểu, bằng giả, thuê người học hộ, thi hộ… là “chuyện thường ngày ở huyện.” Nó phổ biến tới mức mà sau một hồi giới chức cầm quyền tiến hành khảo sát điều tra đã té ngửa ra có tới 87% tất cả quan chức từ cấp trung ương đến cấp xã đều vi phạm. Và nếu như xử lý kỷ luật thì …chẳng có ai đủ tiêu chuẩn nữa. Chuyện thế là hòa cả làng Vũ Đại.

Giờ đây, bất cứ xã, phường nào ở miền Bắc Việt Nam, chỉ là một viên chức quèn ngồi đóng dấu “củ khoai” cũng sở hữu tấm bằng tiến sĩ của một trường đại học ở …Mỹ hay của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Giới chức CSVN giờ cũng không mấy nhắc đến chuyện học hành, bằng cấp chính qui như là tiêu chuẩn quan trọng để làm quan nữa. Cũng phải thôi, nói cho cùng, nguồn gốc người cộng sản, có “lãnh tụ” nào học hành cho ra hồn đâu?

Chuyện hai ông Tiến Sĩ Quý và Tuấn đứng đơn tố cáo ông Bí Thư, Tiến Sĩ Bùi Văn Cường “đạo văn” ở cái thời buổi “tiến sĩ nhiều như lợn con” này …kể cũng không mấy “hợp thời.” Lại vào đúng lúc “nước sôi lửa bỏng” đại hội 13. Chẳng biết có động cơ “phe ta giết phe đồng chí bạn” hay không? Nhưng thôi, ở đây người viết không bàn đến khía cạnh đó, cũng như sự vi phạm trắng trợn luật pháp của công an Đắk Lắk khi tiến hành một vụ bắt cóc ông Quý ở giữa thành Hồ. Mấy hôm trước, ông Quách Duy, chuyên viên văn phòng ủy ban nhân dân thành Hồ cũng bị bắt giam vì có hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Ở xứ toàn trị này, việc bắt, giết, bỏ tù một người dân nó dễ lắm. Và tất cả điều đó đều “đúng pháp luật, đúng qui trình” cả.

Nếu không xét về thân phận, địa vị thì có thể thấy sự tương đồng giữa những người như ông Quý, ông Duy, ông Tuấn… với ông cựu Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cả cụ Lê Đình Kình. Xét rộng ra, là tất cả hơn 90 triệu dân Việt Nam cũng đều giống nhau. Tất cả, dù là dân đen, trí thức hay quan chức cao cấp đều có thể lập tức trở thành tội phạm, bị bắt giam hoặc giết chết mà chẳng cần đến một phiên tòa xét xử nào (hoặc nếu có chỉ là một phiên tòa trình diễn trơ trẽn). Tất cả, đều có thể trở thành vật hiến tế bất kể lúc nào.

Thôi thì không nói tới thân phận bọt bèo của người dân ở xứ toàn trị này làm gì. Đối với những viên chức cao cấp của đảng cộng sản, họ được trao quá nhiều đặc quyền nhưng lại không có cơ chế giám sát và kiểm soát. Những khẩu hiệu “học tập đạo đức, tư tưởng, tác phong Hồ Chí Minh” nó cũng giống như việc kêu chó sói ăn bắp cải thay vì thịt cừu. Việc lạm quyền, lộng quyền và đi vượt qua các khuôn khổ luật pháp là chuyện dễ dàng và đương nhiên được chấp nhận ở xã hội Việt Nam. Chỉ “đồng chí” nào “đen đủi,” bị phe nhóm khác lập mưu hại, thì tội lỗi mới được bày ra trước công luận. Tức là, bất kể ai cũng đều có thể trở thành tội phạm và bị đảng tuyên án vào một ngày đẹp trời mà trước đó quá trình công tác của họ luôn “hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đảng và tổ chức giao phó.” Không có một cơ chế kiểm soát quyền lực nào hiệu quả ngăn ngừa họ sai lầm và tha hóa. Trường hợp ông Chung hay trước đó là bí thư thành Hồ, ủy viên trung ương đảng Đinh La Thăng, cũng như tất cả các “củi đốt lò” khác đều như vậy.

Hôm trước, có dịp về thăm lại bạn bè cũ ở Bộ Khoa Học và Công Nghệ, nghe dăm ba câu chuyện về ông tân chủ tịch thủ đô mà não cả ruột gan. Có lẽ, cái đất ngàn năm “văn vật” Thăng Long đã đến hồi mạt vận. Toàn thứ “cóc nhái nhảy lên…làm ông, làm bà.” Chuyện về ông cựu Chủ Tịch Chung, dân tình có khen, có chê. Cái tiêu chuẩn của người dân Việt đòi hỏi các bậc “quan phụ mẫu” ở xứ này giờ thấp lắm. Họ chấp nhận một thực tế đương nhiên rằng “thằng nào cũng ăn, thôi thì đứa nào làm được chút gì ích lợi cũng còn hơn chẳng làm gì.” Với ông Tướng Chung, dân Hà Nội cũng vẫn ghi nhận một vài việc tốt nho nhỏ mà ông Chung làm được trong nhiệm kỳ của mình.

Tuy vậy, ngoài đám hưu trí và giới chức CSVN, những câu chuyện cung đình, “củi lửa” ở cái lò ông Trọng giờ cũng “nhạt” hơn trước nhiều lắm. Người dân lo cái dạ dày đang đói cồn cào, lo kế sinh nhai ngày một khó khăn, chuyện “đốt lò” giờ cũng như “mông vú showbiz,” đem ra bình phẩm dăm câu ba điều trong lúc “trà dư tửu hậu,” coi như một thứ tin tức giải trí ở xứ Đông Lào. Ai cũng hiểu rằng, chẳng có thứ Công Lý nào được thực thi cả, mà chỉ là một cuộc “chó ăn thịt chó” mà thôi.

Phần lớn dân tình cũng dửng dưng trước cuộc thảm sát ở Đồng Tâm hay việc ba viên công an bị thiêu cháy thành than… Ở xứ này, con người ta hàng ngày đối diện với quá nhiều bất công, đối diện với quá nhiều cái ác, bị bào mòn trong một cuộc mưu sinh nhọc nhằn, đua chen giành giựt lợi ích, cái Lương Tri nó đã bị què cụt đi từ khi nào không rõ. Người ta câm lặng trước đau khổ, chịu đựng đau khổ và lấy sự đau khổ của những kẻ khác làm vui. Cảm xúc và sự đồng cảm trước bi kịch của đồng loại đã hầu như biến mất khỏi tuyệt đại đa số những “công dân thủ đô.”

Nhà lý luận dân chủ lừng danh John Dewey trong cuốn sách “The Problems of Men” xuất bản 1946 có nói “Mỗi một cá thể trong tầng lớp đáy xã hội có thể không được trí tuệ cho lắm. Nhưng ở một điểm thì họ thông minh hơn bất cứ người nào khác, đó chính là họ biết rõ chân họ bị kẹp giày ở chỗ nào, chỗ đó đang làm đau họ.” Người dân biết rõ điều gì làm cuộc sống của họ trở nên cùng cực, đau khổ. Nhưng có lẽ, những người cộng sản Việt Nam đã làm được một điều “phi thường” hơn là họ thuyết phục được người dân Việt Nam rằng “Tất cả các đôi giày khác cũng sẽ bị đau chân như vậy thôi.” Do vậy, nhu cầu để đổi một “đôi giày” khác dễ chịu hơn dường như không có trong suy nghĩ đám đông thị dân đã quen với chịu đựng và ngóng chờ một ơn huệ. Trước cái Ác, bất công hoành hành ở mảnh đất này, họ lựa chọn sự im lặng nhẫn nhục. Sự im lặng đó đồng thuận với cái Ác, ngầm thừa nhận cái Ác như một luật định được chấp nhận. ĐÓ là thành công lớn nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Như một hội chứng lây nhiễm đáng sợ, thói quen này bắt rễ sâu vào nhận thức và suy nghĩ của người Việt khi đứng trước bất cứ bi kịch của đồng loại. Sinh mạng, tài sản bị tước đoạt, luân lý bị chà đạp, nhân phẩm bi coi thường… tất cả đều chẳng mấy có tác động đến trí não họ. HỌ chỉ quan tâm đến lợi ích và dục vọng. Trước số phận bi thảm của những người dân ở Đồng Tâm, trước cái chết đầy ám ảnh của cụ Kình và giờ đây tiếp tục là những nạn nhân mới của nhà cầm quyền cộng sản, họ đều im lặng, xì xầm bình luận và rồi nhún vai …ngồi chờ. Chờ một sự thay đổi tự nhiên sẽ diễn ra, chờ đến lượt chính bản thân họ trở thành nạn nhân kế tiếp?

Dường như, có một quá trình suy thoái bệnh hoạn trong tâm lý học đám đông ở người Việt. Họ đang chấp nhận một “định mệnh đương nhiên” không thể tránh, họ thờ ơ trước bi kịch và chấp nhận cái Ác. Và dù cho các cá nhân, những tổ chức đấu tranh cho dân quyền, nhân quyền lên tiếng, đấu tranh cho quyền lợi của chính họ thì những người Việt cũng lãnh đạm thờ ơ và …im lặng!

Giống như trong bộ phim kinh dị kinh điển của Hollywood “Sự im lặng của bầy cừu,” cô bé Clarice Starling cố gắng mở cửa chuồng giải thoát đàn cừu chạy trốn khỏi tên đồ tể, nhưng chúng không chạy, chúng cứ đứng đó, bối rối và không chịu chạy đi…”  Nỗ lực tuyệt vọng của cô bé Clarice không cứu được đàn cừu, rốt cuộc chỉ là một việc làm vô ích. Liệu có một phép lạ nào có thể cứu giải được một dân tộc có não trạng của một đàn cừu như vậy?

Tân Phong

https://viettan.org/nguoi-viet-va-su-im-lang-cua-bay-cuu/