Vài ngày trước, một người bạn vong niên của tôi, người từng tham gia trong cuộc “20 năm nội chiến từng ngày” với tư cách một người lính của Miền Nam VN, kể rằng khi phóng viên hỏi ông: “làm thế nào để hòa giải dân tộc?”, ông trả lời “Chỉ có thể hàn gắn khi cả 2 bên đều hiểu rõ tính chất của cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến tranh mà bên nào cũng là nạn nhân của trò chơi chính trị trong tay các siêu cường”. Cả câu hỏi và câu trả lời đều làm tôi suy nghĩ, nó vừa khơi lên nỗi chua chát cùng tận vừa bất mãn mơ hồ. Và tôi muốn thử tìm một lý giải cho mình bên ngoài câu chuyện chính trị.
Người Việt phải chăng đã bất hòa với nhau từ lâu xa trong quá khứ chứ không phải từ 54 hay 75 ? Chúng ta bất hòa từ trong gia đình đến họ tộc, làng xóm; bất hòa từ trong nhà ra đồng lúa, từ tông tộc đến xã hội. Con cái và cha mẹ không phải là “gia hòa vạn sự hưng” mà là áp đặt và nghe lời; vợ chồng không phải “tương kính như tân” mà là trên dưới một chiều, anh em không phải “như thể chân tay” mà là “quyền huynh thế phụ”… Người trong nhà rất ít nói chuyện với nhau; khi nhỏ thì thường là cha nói con nghe, khi lớn lên thì im lặng xâm chiếm, mà hễ mỗi khi có chuyện cần bàn thì ngồi lại là liền xung đột. Vợ chồng mới cưới thì ríu rít được vài hôm, ngày qua tháng lại chưa lâu thì “mở miệng là cãi nhau”. “Đi họ bênh anh em nhà, đi chợ bênh anh em họ”. Hãy nhìn nông thôn Bắc và Trung bộ, khó tìm thấy một đám hiếu hỉ ma chay nào mà không lời qua tiếng lại, anh em cự cãi, chửi bới, từ mặt. Nhà càng đông người, nguy cơ “mất đoàn kết” càng lớn. Hễ chung bờ rào là chửi chó mắng gà, rào đường cách lối, nói xấu sau lưng. Hễ chung bờ ruộng là mắng cỏ bới lúa, là xách đòn gánh rượt nhau. Cái cách nói “dân Thanh Hóa, dân Nghệ An, dân xyz” thường mang hàm nghĩa phân biệt vùng miền với ý kỳ thị hoặc tự tôn…
Tại sao thế? Những tín điều như “tình làng nghĩa xóm”, như “tối lửa tắt đèn”, như bầu bí nhiễu điều…phần nhiều là để an ủi và phỉnh phờ hơn là một thực tế. Sự ganh ghét độ kỵ, thói ngồi lê đôi mách và nạn “tin giả” (fake news) đã có từ nhiều trăm năm trước.
Có một cái gì rất dễ đổ vỡ trong các mối quan hệ Việt. Người ta hoặc gắng gượng, hoặc màu mè, hoặc chịu đựng, hoặc miễn cưỡng…để “che mắt thiên hạ”. Người Việt rất sợ bị “cười” nên họ sẵn sàng “đóng cử bảo nhau”, “tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại”. Cả khen và chê đều không mấy khi thật lòng mà thường cốt để làm đẹp lòng nhau. Khen thì khen hết lời, lúc chê thì thành mạt sát hủy nhục. Những sự nối kết giữa người với người rất mong manh, nhưng kỳ lạ thay dù “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nhưng người ta lại có thể sống suốt đời cùng nhau; chê nhưng không bỏ, khinh nhưng không từ, oán mà không than. Đó là một trạng thái quái gở của quan hệ người – người trong cộng đồng Việt.
Ngay cả những người được cho / tự nhận là “đấu tranh dân chủ” ngày nay cũng khó mà ngồi lại cùng nhau. Cùng với việc chửi chính quyền là chửi nhau. Cái “cộng đồng” ấy chia rẽ một cách đáng kinh ngạc. Chính quyền, dân và “giới bất đồng” dường như chẳng bao giờ gặp nhau. Cứ mỗi người một ốc đảo mà hễ lại gần là nghi ngờ, là bất hòa, là tranh cãi.
Nói rất nhiều mà dường như chẳng có người nghe. Cãi rất to mà chỉ như tiếng ồn. Giữa người với người dường chỉ có những âm thanh hỗn tạp. Không ai thấy cần thiết phải nghe ai. Tất cả những cái tôi đều to đùng. Một điều tệ hại mà chúng ta ít thấy trong lịch sử: người trí thức ngày càng trở nên vô hình trong mắt dân cày. Người ta không còn trọng tri thức và trí thức nữa. Đây là tiếng chuông báo điểm sự suy tàn tột độ của một xã hội.
Phải chăng, chúng ta là một dân tộc “dũng cảm” như lời tụng ca? Điều ấy đáng ngờ. Hình như NỖI SỢ HÃI mới chính là “bản sắc” của nòi giống? Mặc cảm nghèo hèn, mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm dốt nát…đè nặng lên dân tộc suốt trường kỳ lịch sử. Càng mặc cảm thì biểu hiện ra càng trái ngược. Kẻ yếu nhược thường hung hăng, người nghèo hèn thường khoe mẽ, dốt thì hay nói chữ… Cái cơ chế phòng vệ này là một sự tinh quái của bản ngã; sự tinh quái đánh lừa chủ nhân của nó có thể suốt cuộc đời; và như thế là suốt chiều dài lịch sử của một cộng đồng.
Chúng ta đã bị kẻ láng giềng to con và thâm hiểm bắt nạt suốt cả ngàn năm. Rồi chính chúng ta cũng đã du nhập một chế độ đẳng cấp bất công vào mỗi ngôi nhà, mỗi xóm làng; chúng ta cai trị kẻ khác bằng con đường của chuyên chế. Chồng độc đoán với vợ, cha độc đoán với con, anh độc đoán với em, quan độc đoán với dân, giàu độc đoán với nghèo, lớn độc đoán với nhỏ. Đó là một loại khế ước của “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nó thâm nhiễm vào tất cả mọi cá thể, và từ nạn nhân của sự cai trị độc đoán, người ta sẽ trở thành những bàn tay độc đoán ngay khi có cơ hội. Đáng sợ hơn, ngày nay cái thiết chế ấy còn phủ trùm trên thân thể xã hội bằng cách nhân danh những thứ thật mỹ miều.
Sự coi thường, khinh bỉ hay nỗi sợ hãi và tính hèn hạ được sinh ra từ cái thiết chế “gạo tiền” này. Chúng ta giàu tự ái hơn là lòng tự trọng; chúng ta tự cao hơn là tự tôn; tự phụ hơn tự chủ, tự huyễn hơn tự học… Chúng ta theo đuổi mảnh bằng hơn là truy tầm chân lý; chúng ta theo đuổi tiền bạc mà bỏ quên mục đích của đời sống; theo đuổi địa vị mà quên đi trách nhiệm. Chúng ta nổi nóng với vợ con nhưng dạ vâng trước cường quyền; chúng ta làm từ thiện khắp nơi nhưng bỏ bê họ hàng; chúng ta ngọt ngào với thiên hạ nhưng cộc cằn với người nhà… Một đằng là “tạo dựng hình ảnh”, đằng kia là thể hiện quyền lực. Cả hai đều là biểu hiện sự yếu nhược của một cái tôi nhiều tổn thương và đổ vỡ. Chúng ta cố chống chọi với sự khiếm khuyết của nhân cách mình bằng những lối tiêu cực nhất như thế.
Nỗi sợ hãi là căn nguyên của tất cả? Càng sợ hãi, người ta càng hung dữ, càng sợ hãi người ta càng làm màu. Người Việt sợ nhất là bị “cười”, không được để người khác cười, phải mạnh mẽ lên, phải sang trọng lên, phải giàu lên, phải đẹp lên… Phải chứng tỏ rằng “ta đây chẳng kém ai”. Cuộc đời đã bị đánh mất bằng những cách như thế. Người ta bỏ lại phía sau tất cả để trưng ra một hình ảnh “đẹp” nhất – vì cái mặc cảm ấy nên suốt đời họ phải “sống cho người khác xem”.
Người ta nhìn nhau để sống, đua nhau để làm: xây nhà to, sắm đồ sang, mua điện thoại xịn, tậu túi xách và đồng hồ hàng hiệu… ngay cả khi không có tiền. “Giải quyết khâu oai” là mục tiêu của mỗi cuộc đời. Oai vì đồ đạc, oai vì áo quần, và đau khổ nhất là oai vì con cái. Để thỏa mãn sự đói khát truyền kiếp, người ta bấp chấp ước mơ của con cái để sẵn sàng đẩy chúng vào những cuộc chiến khốc liệt của trường chuyên lớp chọn, đẩy chúng vào những lớp học thêm bất kể ngày đêm. Họ sẵn sàng “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, nhưng thực ra đó là hi sinh đời con cho đời bố nở mặt. Cái sự “hiếu học” của người Việt có lẽ nên nhìn từ một góc độ khác: mặc cảm, mặc cảm của nhiều thế hệ. Người ta quên đi những chân giá trị của sự hiểu biết để tìm những chỗ dựa tiêu cực cho cái bản ngã thất bại của mình.
Chúng ta đổ vỡ từ bên trong bởi thân phận nô lệ và yếu nhược, nó làm thành một cuộc chiến tranh triền miên qua các thế hệ trong mỗi cá nhân. Từ sự bất hòa bên trong tinh thần dẫn tới những xung đột bên ngoài xã hội; từ những động loạn của thế giới vô thức biến hiện thành những cuộc chiến của những cái tôi. Ở thế kỷ 21 này, có lẽ tư duy nhị nguyên bị phát tướng nặng nề bậc nhất là trên xứ sở của chúng ta. Đẹp xấu, giàu nghèo, sang hèn, cao thấp… luôn sẵn sàng lao vào nhau để nổ tung thành các mảnh vỡ của xã hội.
Cuộc chiến tranh Nam – Bắc đã đi qua gần nửa kỷ mà mặc cảm còn đè nặng thành những lễ kỷ niệm, thành những khúc hoan ca, thành “ngày quốc hận”, thành những trận chiến bất tận trên mạng xã hội.
Mọi thứ chỉ có thể được hàn gắn khi mặc cảm được xua tan bởi sự lớn dậy của tư thế con người vượt lên trên thắng bại để sống với những giá trị tự thân mà không cần đến những thứ trang sức “anh hùng”, “thắng cuộc”, “văn minh”… Chừng nào người ta còn phải viện đến những món đồ ấy để làm sang, chừng ấy cuộc chiến còn chưa thể kết thúc. “Không ai có thể làm ta ô uế, cũng không ai có thể làm ta trong sạch”, “như người uống nước, nóng lạnh tự biết” – đó chính là sự trung thực tự thức về giá trị của bản thân. Và ở đây, liêm sỉ và sự tự tôn luôn phải song hành.
Những giá-trị-người, mà căn bản nhất và cũng sâu xa nhất là NHÂN PHẨM, phải được đánh thức và nuôi lớn. Nếu không “phổ cập” cái nền móng này trong tất cả cá nhân để mỗi người tự vượt lên trên những cơm áo gạo tiền danh vị mà sống đàng hoàng với sự tôn nghiêm thẳm sâu thì sẽ không cách gì hòa giải được.
Bài học của nội chiến Mỹ còn nguyên ở đó, khi cả 2 cùng tôn trọng nhau và tự trọng chính mình. Muốn hàn gắn dân tộc, trước hết cần tự hàn gắn những vết thương do mặc cảm gây nên. Và bên cạnh tất cả những điều ấy, có lẽ chúng ta cần một nỗi đau chung thay cho niềm tự hào? Trên tinh thần đó, sự hòa giải không phải chỉ là câu chuyện Nam – Bắc, mà căn bản hơn là câu chuyện của con người với con người, nhìn như lịch sử của cả một cộng đồng trong suốt chiều dài văn hóa của nó.
Thái Hạo