Theo báo chí Việt Nam loan tải, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến viếng thăm Trung Quốc trong tháng 1 năm 2017.
Trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí Thư từ tháng 1, 2011 cho đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã có 3 lần viếng thăm Trung Quốc. Lần thứ nhất vào tháng 10, 2011 (dưới thời ông Hồ Cẩm Đào), lần thứ hai vào tháng 4, 2015 (dưới thời Tập Cận Bình) và đây là lần thứ 3.
Ảnh: Ông Nguyễn Phú Trọng gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh Tháng 4, 2015.
Hai lần trước, chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Trọng đều ít nhiều liên hệ đến những căng thẳng tình hình Biển Đông và đây là thời kỳ mà cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội cùng hợp xướng khẩu hiệu 16 Vàng và 4 Tốt.
Chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần này của ông Trọng đã được ông Phạm Bình Minh đưa ra trong cuộc họp báo hôm mồng 5 tháng 1, thay vì là một thông cáo chính thức của Trung ương đảng như các lần trước đây.
Dư luận đã đưa ra hai giả thuyết về chuyến đi của ông Trọng lần này: Một là để tham khảo với Bắc Kinh về việc tổ chức Hội Nghị APEC vào tháng 11, 2017; hai là trao đổi về ý đồ của Bắc Kinh trong việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông.
Cả hai giả thuyết nói trên đều không có trọng lượng lớn để ông Nguyễn Phú Trọng phải đến Bắc Kinh gặp họ Tập trong lúc ông Trọng đang “bận rộn” việc chuẩn bị Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương đảng mà nhiều dấu hiệu cho thấy là ông Trọng có thể ra đi.
Hơn thế nữa, Bắc Kinh vừa mới đón ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban bí thư, từ 19 đến 21 tháng 10, 2016, cho thấy là ông Trọng không cần thiết phải có một chuyến viếng thăm gấp rút, dù chỉ là để “tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước” như ông Phạm Bình Minh tuyên bố với báo chí.
Như vậy, chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần này của ông Trọng nhiều phần là do sự thúc giục từ phía Bắc Kinh. Tại sao?
Thứ nhất, Tập Cận Bình đang lo ngại phải đối đầu với Hoa Kỳ dưới chính thể của ông Trump, vốn có những phát ngôn thiếu “thiện cảm” đối với Trung Quốc. Đặc biệt là ông Trump đã chọn một êkíp phụ trách về mậu dịch vốn có đầu óc chống Bắc Kinh, đứng đầu là Tiến sĩ Peter Navarro – tác giả tập sách “Chết Bởi Trung Quốc” phát hành năm 2011.
Dù có tránh né xung đột, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn dưới thời ông Trump sẽ thay đổi rất lớn và nhiều phần gây ra những bất lợi cho Trung Quốc về ba lãnh vực: mậu dịch, sản xuất và tiền tệ. Trong khi đó, CSVN là một đối tác kinh tế đã mang lại số thặng dư mậu dịch đáng kể cho Bắc Kinh.
Trong mối quan hệ bấp bênh đó, Tập Cận Bình muốn lãnh đạo đảng CSVN đứng về phía Trung Quốc như nhiều thập niên qua.
Thứ hai, Tập Cận Bình cũng rất lo ngại ông Trump sẽ lôi kéo CSVN gần hơn với Hoa Kỳ không chỉ do nhu cầu Biển Đông, mà còn nhằm mở rộng đối tác chiến lược Mỹ – Việt, để cô lập Bắc Kinh. Những hành động mang tính chất bác bỏ các quy ước cổ điển mà Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đã đồng thuận từ năm 1972 cho đến nay như: không coi Đài Loan là một quốc gia độc lập, không đối thoại hay gặp gỡ những lãnh đạo của Đài Loan vân, vân… Ông Trump đều vi phạm hay nói đúng hơn là đã phá đổ.
Tuy ông Trump không chủ trương duy trì Hiệp định TPP, nhưng chính sách đối ngoại của ông Trump vẫn là tăng cường quyền lợi Mỹ ở Á Châu, trong đó nhu cầu củng cố mối quan hệ giữa Mỹ với Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc Châu và Việt Nam để bảo vệ sự ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, chắc chắn sẽ gây bất lợi cho chính sách bành trướng của họ Tập hiện nay.
Trong thế trận đó, Tập Cận Bình dùng một số hứa hẹn trợ giúp về kinh tế để kiềm hãm CSVN nằm trong sự chi phối của mình và để bẻ gãy đòn cô lập của ông Trump.
Nói tóm lại, chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Trọng vào tháng 1, 2017 hoàn toàn không vì nhu cầu “xây dựng đối tác chiến lược giữa hai nước,” mà là để phục vụ cho nhu cầu của họ Tập trong việc lôi kéo Hà Nội trong chiến thuật đối đầu với ông Trump mà thôi.