Thông báo Hội nghị 14 cho biết kết quả bầu chọn nhân sự Đại hội đảng XII đã hoàn tất và nhất là Trung ương đảng đã bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương khóa XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu bế mạc Hội nghị 14, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết thêm là Ban chấp hành trung ương đã biểu quyết thông qua nhân sự là ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư Khóa XI thuộc trường hợp đặc biệt tái cử Khóa XII và danh sách đề cử các vị ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước cho Khóa XII “với số phiếu rất tập trung”.
Mấu chốt của những điều nói trên cho thấy có 2 điểm quan trọng:
– Khi ông Trọng nói Hội nghị 14 đã thông qua nhân sự là ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư khóa XI thuộc dạng đặc biệt để tái cử khóa XII, cho thấy là chỉ có ông Trọng mới là người được vị trí này vì chỉ có ông Trọng vừa ở trong Bộ chính trị và vừa đứng đầu trong Ban bí thư. Ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng chỉ là Ủy viên Bộ chính trị, không nằm trong Ban bí thư.
– Sau nhiều căng thẳng từ Hội nghị 12, 13 cuối cùng việc chuẩn bị nhân sự tứ trụ coi như hoàn tất.
Những thông tin nói trên được minh họa với ba dữ kiện được tán phát khá rộng rãi trên mạng Internet.
Dữ kiện thứ nhất là Bộ chính trị đã bỏ phiếu đề cử chức danh Tổng Bí Thư thì ông Trọng được 6 phiếu, ông Sang được 5 phiếu còn ông Dũng chỉ được 1 phiếu. Vì lý do đó mà ông Trọng đã được Bộ chính trị giới thiệu ra ứng cử chức danh Tổng Bí Thư cho nhiệm kỳ XII.
Dữ kiện thứ hai là nhiệm kỳ Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng là một năm và sau đó, Trung ương đảng khóa XII sẽ chọn người khác thay thế dựa trên thành phần tân Ủy viên Bộ chính trị được bầu ra trong đại hội XII.
Dữ kiện thứ ba là Hội nghị trung ương 14 đã bỏ phiếu kín đề cử nhân sự tứ trụ cho Khóa XII với kết quả ông Nguyễn Phú Trọng được đề cử vào chức Tổng Bí Thư với 135/175 phiếu; ông Trần Đại Quang được đề cử vào chức vụ Chủ Tịch Nước với 151/175 phiếu; ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử chức vụ Thủ Tướng với 155/175 phiếu; bà Nguyễn Thị Kim Ngân được đề cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội với 163/175 phiếu. Trong khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạt con số 70/175 phiếu.
Rất khó có thể kiểm chứng những dữ kiện nói trên là thật hay giả khi nó thuộc loại “bí mật quốc gia” như trường hợp thư của ông Nguyễn Tấn Dũng viết gửi cho Nguyễn Phú Trọng và Trung ương đảng về việc không xin tái cử Khóa XII, khi mà các phe đang tìm cách tung những tin hỏa mù để tấn công lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo dõi cuộc đấu đá giữa phe đảng (Nguyễn Phú Trọng) và phe chính phủ (Nguyễn Tấn Dũng) trong suốt 5 năm qua, nhất là từ Hội nghị Trung ương 6 (2012) về vụ kỷ luật đồng chí X cho đến Hội nghị 13, tràn ngập những đơn tố cáo gia đình và cá nhân ông Dũng cho thấy là phe đảng đã tìm mọi cách triệt hạ Nguyễn Tấn Dũng.
Chính trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chơi bài “lật ngửa” khi viết thư không xin ra tái cử với hy vọng là dùng diễn đàn Trung ương đảng để cho đàn em đề cử mình ra tranh với Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng qua kết quả Hội nghị 14, ông Trọng đã dùng sự lưu nhiệm ghế Tổng bí thư 1 năm và Quyết định 244 để buộc Trung ương phải bầu chọn theo đề cử của Bộ chính trị; vì thế mà ông Dũng đã không thể xoay trở như dự tính là dùng đàn em đề cử ngay tại Hội nghị Trung ương, kể cả trong đại hội đảng.
Điều này cho thấy là ván bài của ông Dũng đã bị ông Trọng tháu cáy, vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất là Nguyễn Phú Trọng với tư cách Chủ tịch Tiểu ban nhân sự đã dàn dựng ra trận đồ để chính ông Dũng đã bị phế bỏ võ công khi tự mình viết đơn không xin tái cử.
Thứ hai là chuyến đi thăm Trung Quốc một cách đột xuất của Nguyễn Sinh Hùng ngay sau Hội nghị 13 đầy căng thẳng về vấn đề nhân sự, cho thấy là Tập Cận Bình đã hậu thuẫn Trọng hơn là Dũng để Việt Nam không đi ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh.
Mặc dù phe đảng của Nguyễn Phú Trọng đã thắng thế trong cuộc đua quyền lực, nhưng ông Trọng sẽ chỉ ngồi thêm 1 năm ở ghế Tổng bí thư, không chỉ vì tuổi tác (hiện tại đã 72 tuổi) mà vì những cam kết từ đầu.
Nguyễn Tấn Dũng sẽ không rút về ở ẩn tại Phú Quốc như các ông Nguyễn Minh Triết, Phan Văn Khải đã làm mà sẽ tập hợp đàn em để tung ra những lời phán theo kiểu “thái thượng hoàng” như thời Đỗ Mười, Lê Đức Anh đối với Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Lý do dễ hiểu là Bộ chính trị khóa XII, ngoài Nguyễn Phú Trọng, đa số đều là đàn em và nhận những ân sủng của ông Dũng trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh đó, có thể khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu vào năm 2017, Trung ương đảng khóa XII sẽ bầu Trần Đại Quang làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Trần Đại Quang
Nói cách khác là Nguyễn Tấn Dũng không thực hiện được phương án Putin cho chính mình thì sẽ giúp cho đàn em cùng băng công an là Trần Đại Quang trở thành nhân vật quyền lực: Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư từ Hội nghị 3 của Trung ương đảng khóa XII.
Nếu điều này xảy ra thì dù Nguyễn Phú Trọng có thắng, phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng sẽ khuynh loát bên trong và đảng CSVN sẽ rơi vào tình trạng phân hóa cùng cực trong vài năm trước mặt.
Đây là cơ hội của phong trào dân chủ và điều này có xảy ra cũng chỉ là định mệnh kết cục của đảng CSVN.
Trung Điền