Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ!

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng CSVN, đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 29 đến 31 tháng 5. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Phúc và cũng là chuyến đi gặp ông Trump đầu tiên của một lãnh đạo trong vùng Đông Nam Á. Chuyến đi mà chắc chắn cả ông Phúc lẫn đảng CSVN đều mong đợi với nhiều kỳ vọng.

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)

Nhưng dư luận chung thì khá thờ ơ với sự kiện này. Phải chăng người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không mấy chờ đợi có những xoay chuyển gì tích cực cho tình hình tại Việt Nam, sau chuyến đi này của ông Phúc.

Lý do là khi những vi phạm nhân quyền trầm trọng và hiện tượng tham nhũng ngập tràn tại Việt Nam vẫn không có chỉ dấu thuyên giảm và biện pháp khắc phục. Còn các chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ về các vấn đề nhân quyền, Biển Đông, an ninh Á châu vẫn còn là những dấu hỏi lớn.

Nhưng trước hết mục tiêu gặp gỡ của hai ông Trump và Phúc là gì?

Mậu dịch

Đây là mục tiêu hàng đầu của CSVN vì tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, muốn tăng trưởng phải dựa vào đầu tư ngoại quốc và xuất cảng. Hiện Hoa Kỳ là quốc gia đứng thứ 8 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, và đứng đầu danh sách xuất cảng của Việt Nam ($42 tỷ); hơn cả Trung Quốc ($19.2 tỷ), và Nhật ($15 tỷ).

Tỷ phú Donald Trump là người luôn đặt quyền lợi kinh tế hàng đầu trong mọi chính sách bang giao; do đó, rất hợp với mục tiêu của ông Phúc.

Trở ngại hiển nhiên là mối thương giao hiện nay giữa hai nước đang đem lại thâm thủng mậu dịch cho Hoa Kỳ - điều mà ông Trump chống đối kịch liệt trong thời gian tranh cử, và Việt Nam là một trong những nước đã bị ông lên án là “cướp” việc làm của người dân Mỹ.

Thâm thủng mậu dịch là một ám ảnh lớn đối với ông Trump, khiến ở hội nghị G7 với các cường quốc kinh tế tại Ý mới đây, ông Trump đã bất kể cung cách ngoại giao lên tiếng chỉ trích Đức là “xấu, rất tệ” vì đã bán quá nhiều xe sang Hoa Kỳ mà không mua xe Mỹ. Ông cũng dọa sẽ cấm xe Đức được nhập cảng vào Mỹ.

Nhưng đó là chuyện Đức và Mỹ. Việt Nam có thể khác vì lượng thâm thủng mậu dịch với VN nhỏ hơn nhiều, chỉ khoảng 32 tỷ năm 2016, so với $347 tỷ của Trung Quốc, $65 tỷ của Đức và $69 tỷ của Nhật. Vả lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn có một mối lo chung khác, đó là Trung Quốc.

Biển Đông

Nhu cầu dùng Việt Nam để ngăn chặn chính sách xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông hầu có thể duy trì tự do hàng hải trên tuyến đường huyết mạch này cũng như mục tiêu bành trướng của Bắc Kinh, khiến ông Trump có thể chấp nhận thâm thủng mậu dịch (ở một mức nào đó) đối với Việt Nam.

Nhu cầu gia tăng đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu để đối trọng với Trung Quốc và đàn em Bắc Hàn đã được thể hiện qua mối bang giao thắm thiết của TT Trump đối với Thủ tướng Abe của Nhật ngay sau khi đắc cử; và vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Trump cũng đã mời một loạt lãnh đạo các nước Á Châu như Thái Lan, Singapore, Philippines tới Washington.

Ông Trump cũng sẽ tham dự một loạt hội nghị cấp cao tại châu Á vào tháng 11 tới, bao gồm: hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, được tổ chức tại Philippines, quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017; Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Đà Nẵng.

Tuy dẹp bỏ TPP (Trans Pacific Partnership) vì đó là dấu ấn “dễ ghét” của Tổng thống Obama, ông Trump không hẳn là sẽ rút lui về cố thủ trong “lô cốt” Hoa Kỳ theo chính sách “America First” và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa như ông đã từng tuyên bố, mà thực tế đã khiến ông Trump phải thay đổi cách nhìn về tương quan với thế giới.

Riêng đối với Việt Nam, ngoài cuộc gặp giữa ông Phúc và Trump, Hoa Kỳ còn gởi hàng không mẫu hạm tới tuần tiễu trong vùng và tặng Việt Nam 6 tàu tuần tra và một tuần duyên vào tuần trước. Số lượng này được ấn định là 18 chiếc thời ông Obama, nhưng ông Trump thuộc loại tính toán hơn. Ngay cả phần thâm thủng mậu dịch với Việt Nam có thể sẽ được “trừ nợ” vào các khoản trang bị vũ khí và tàu tuần tra này.

Việt Nam cũng lại cần Hoa Kỳ để quân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng dù không thể kết thân, do nỗi ám ảnh về những ảnh hưởng tốt đẹp của nền dân chủ hàng đầu này có thể làm lung lay chiếc ghế quyền lực độc tôn của đảng.

Với nhu cầu đồng thuận về kinh tế và địa chính trị như thế, người ta có thể hình dung ra cuộc hội đàm Phúc-Trump kỳ này sẽ rất “vui vẻ”, nhất là cuộc họp tiếp theo sau “đường mòn” thân ái giữa ông Tập và ông Trump hồi tháng 4 vừa qua. Thêm vào đó, tư cách khúm núm quen thuộc của các lãnh đạo đảng CSVN trước các thế lực lớn sẽ dễ dàng chiếm được thiện cảm của ông Trump, người nổi tiếng thích được “thần phục.”


Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang (trái), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2 bên trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ hai từ bên phải) tới tham dự Hội nghị Quốc Tế tại Yanqi Lakep, phía bắc của Bắc Kinh, hôm 15-5-2017. Ảnh: AFP

Bối cảnh bất lợi

Xét về nhu cầu, ông Phúc sang Mỹ kỳ này chắc chắn thuận lợi với đối tác về cả hai mục tiêu: tăng cường quan hệ và hợp tác kinh tế. Nhưng ông Phúc lại gặp một trở ngại lớn, đó chính là bối cảnh “tang gia bối rối” mà ông Trump đang gặp phải liên quan tới những thất bại liên tục về các chính sách đối nội như: hủy bỏ và thay thế luật bảo hiểm sức khỏe Obamacare, dự thảo ngân sách, luật di trú, tiền xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ, cải tổ luật thuế ...

Trầm trọng và nhức đầu hơn hết là cuộc điều tra gắt gao của cả Quốc hội lẫn bộ Tư pháp Hoa Kỳ về mối liên hệ của ông Trump và các phụ tá của ông với Nga, được mệnh danh là “Russiangate” hay “Kremlingate” (tương tự như vụ Watergate làm sụp đổ ngôi vị tổng thống của ông Richard Nixon).

Bối cảnh này có thể nói là khá “xui xẻo” cho ông Phúc khi dư luận hàng ngày chỉ chú tâm tới những điều tiêu cực của ông Trump và nội các. Ngay cả chuyến công du hải ngoại vừa rồi của ông Trump cũng vướng mắc nhiều điều tiếng về cách ứng xử của ông đối với các đồng minh trong khối NATO và G7.

Vấn đề nhân quyền

Tuy gặp những bất lợi do sự rối rắm tình hình chính trị nước Mỹ, ông Phúc sẽ cảm thấy “thoải mái” khi không bị ông Trump nhắc nhở về những vi phạm nhân quyền của đảng CSVN và nhà nước độc tài mà ông đại diện.

Ngoài những phát biểu thường xuyên khen ngợi các nhà độc tài trên thế giới, từ Hitler cho tới các lãnh đạo độc tài ngày nay tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Philippines, Trung Quốc, Syria, Iran, Libya, Bắc Hàn; ông Trump chưa bao giờ lên tiếng cổ võ cho các giá trị nhân quyền phổ quát, cũng như không hề lên án các hành vi bạo lực và vi phạm nhân quyền trên thế giới.

Tuy nhiên, dù ông Trump và ông Phúc không đề cập tới nhân quyền, nhưng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và hải ngoại nói chung sẽ không để yên cơ hội đánh động lương tâm thế giới và tranh đấu cho quyền làm người này của dân tộc Việt Nam.

Ngoài những cuộc biểu tình chống đối trước Tòa Bạch Ốc, đại sứ quán và các tòa lãnh sự CSVN đồng loạt trong ngày hội đàm Phúc-Trump, các chính giới Mỹ ủng hộ cuộc tranh đấu cho nhân quyền của người Việt đã nhân cơ hội này đồng hành lên tiếng về nhân quyền trước Quốc hội Hoa Kỳ, gặp gỡ các nhà tranh đấu, các cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, gia đình của các nạn nhân bị chết thảm trong tay nhà nước bạo lực, đại diện các nạn nhân vụ Formosa...

Chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 21, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tổ chức Hội thảo bàn tròn với các nhà hoạt động Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, về tình hình nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 12 tháng 5, dưới sự chủ tọa của Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tiếp xúc với một phái đoàn Xã Hội Dân Sự Việt Nam vào ngày 25 tháng 5.

Trước đó vào tháng Hai, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (gọi tắt là USCIRF) đã lên tiếng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.

Người Việt quan tâm vẫn tiếp tục vận động nhân quyền, không chờ đợi như một sự đương nhiên của chính quyền Trump hay bất cứ một tổng thống nào. Các chính giới quan tâm tại Quốc hội và bộ Ngoại giao Mỹ, các NGO và các chính quyền dân chủ trên thế giới luôn có mặt và sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ. Vấn đề là chúng ta có kiên trì vận động và tranh đấu cho tương lai của dân tộc Việt Nam hay không mà thôi.

*

Tóm lại, chuyến đi Mỹ kỳ này của ông Phúc sẽ có vẻ “thuận buồm xuôi gió” hơn những chuyến đi trước của các ông Phan Văn Khải, Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang. Tuy nhiên, thành quả cụ thể sẽ không nhiều.

Về mặt ngoại giao, chuyến đi sẽ giúp tăng cường quan hệ Việt-Mỹ mà không làm khó chịu Trung Quốc, vì mối tương quan Xi-Trump cũng đang tốt đẹp.

Về mặt kinh tế, mối thương giao song phương sẽ phải mất một thời gian thương lượng (TPP mất 10 năm mới thành hình), đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam muốn giảm thuế quan đánh trên các mặt hàng nhập cảng khi Mỹ đang bị thâm thủng mậu dịch với Việt Nam, và ông Trump luôn dọa sẽ tăng thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu để quân bằng mậu dịch.

Ông Phúc có thể yên tâm là không bị ông Trump nhắc tới thành tích vi phạm nhân quyền của CSVN. Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump đang bị truyền thông Mỹ “rọi đèn” thường xuyên vào các chính sách và việc làm tiêu cực, các cuộc biểu tình chống ông Phúc và lên án các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam sẽ được dư luận Mỹ chú ý nhiều hơn, và đây là một cơ hội tranh đấu tốt cho người Việt.

Theo http://www.viettan.org