Chu Vĩnh Hải|
Nhà độc tài khét tiếng, người đi theo đường lối cộng sản Maoism, ông Robert Mugabe, lãnh đạo đầu tiên của Zimbabwe độc lập, vừa qua đời ở tuổi 95 tại Singapore, nơi ông thường xuyên trị bệnh trong những năm qua. Thế giới bớt đi một kẻ độc ác nhưng thế giới cần phải nhớ đến kẻ tàn độc này để tránh vướng vòng độc tài nghiệt ngã, để nói không với cái ác.
Robert Mugabe: không biết xây, chỉ giỏi phá
Ma đưa quỷ đến thiên đường
Năm 1880, những người Anh da trắng tìm đến Zimbabwe- một đất nước Châu Phi tươi đẹp, có thiên nhiên hoang dã và đa dạng, có nhiều tài nguyên khoáng sản để làm ăn. Những người Anh với nhiều phẩm chất như giàu trí tuệ, có công nghệ cao, tư duy thương mại tốt, kỹ năng quản trị tuyệt vời đã nhanh chóng thành đạt, giàu có trên một đất nước hầu như còn hoang dã. Các hầm mỏ được khai quật mang lại lợi nhuận cao, đóng góp lớn nhất cho nhà nước Zimbabwe. Và hàng ngàn trang trại mọc lên, biến Zimbabwe thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu ở Châu Phi với những nông sản cao cấp. Do uy tín với cộng đồng người da đen bản địa, dần dần người Anh da trắng được người bản địa tín nhiệm làm người quản trị chính quyền từ trung ương đến địa phương. Thiểu số người Anh da trắng đã xây dựng nên một thể chế dân chủ cho đất nước này, mang đến cho người dân tự do, hạnh phúc và thịnh vượng. Cho đến năm 1979, khi người Anh còn quản trị và điều hành đất nước, khi thiểu số người da trắng còn làm chủ các hầm mỏ, công xưởng và các trang trại, Zimbabwe vẫn là một đất nước thịnh vượng và hạnh phúc bậc nhất Châu Phi với tổng thu nhập bình quân trên đầu người là 3500 USD/người/năm- một khoản thu nhập khủng vào thời điểm đó.
Và, Robert Mugabe xuất hiện. Ông ta đã làm đảo lộn tất cả, xóa bỏ tât cả các giá trị và thành tựu trên đất nước Zimbabwe, biến thiên đường trở thành địa ngục.
Robert Gabriel Mugabe sinh ngày 21-2-1924,đã trở nên nổi tiếng trong thập niên 1960 khi làm lãnh đạo của Liên minh quốc gia Châu Phi Zimbabwe(ZANU) trong cuộc chiến tranh du kích theo đường lối marxsism bạo lực chống lại cộng đồng thiểu số da trắng điều hành và quản trị Zimbabwe. R. Mugabe được nhiều người dân Châu Phi nói chung và người dân Zimbabwe nói riêng coi là người anh hùng của công cuộc giành độc lập, một nhà cách mạng. Nhưng khoảng cách từ người anh hùng- nhà cách mạng đến một nhà độc tài nhẫn tâm là một khoảng cách rất gần.
Vào năm 1980, quá mệt mỏi với khủng bố, súng đạn, chết chóc, tàn phá do Liên minh quốc gia Châu Phi mà đứng đầu là R. Mugabe gây ra, những người da trắng thiểu số ở Zimbabwe đã quyết định rút lui khỏi Zimbabwe, và trao quyền điều hành đất nước Zimbabwe cho ZANU trong hòa bình. Cũng trong năm 1980, R.Mugabe lên nắm quyền, cho đến tận năm 2017 này. Trong 37 năm dài dằng dặc đó, nhà độc tài khét tiếng R. Mugabe đã đày đọa nhân dân và đất nước Zimbabwe ra sao?
Tận cùng đày đọa
Đầu tiên, Mugabe tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ các công ty khai thác mỏ, các công xưởng của người da trắng. Đây thực chất là một cuộc cướp đoạt. R.Mugabe công hữu hóa không chỉ theo luận thuyết sai lầm của Karl Marx mà còn có mục đích nhận hối lộ. Tổng thống Robert Mugabe được cho là có từ 5 đến 10 tỷ USD, nhờ các mỏ kim cương của Zimbabwe. Những khoản hối lộ đến từ các công ty quốc doanh, các nhóm lợi ích, việc cấp phép khai mỏ đã mang đến cho bản thân ông R. Mugabe, gia đình ông và thân tộc của ông một cuộc sống cực kỳ xa hoa và vương giả trong bối cảnh người dân triệt để bần hàn.
Noi gương các quốc gia cộng sản khác, nhà độc tài R. Mugabe đã sắt máu tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất trên đất nước Zimbabwe: Ông ra lệnh tịch thu hàng trăm ngàn hec ta đất đai nuôi trồng từ hàng chục ngàn trang trại sầm uất của những người da trắng để chia lại cho người da đen Zimbabwe, tịch thu hàng ngàn trang trại để giao lại cho những người ông quen biết. Người dân Zimbabwe vốn không được trang bị các kiến thức về nông nghiệp, vốn chỉ quen làm công hưởng lương, không có khả năng điều hành và quản trị đã không thể duy trì và phát triển được các cánh đồng, các nông trại từng một thời là niềm tự hào của đất nước. Chỉ trong vòng 4-5 năm, các trang trại, các cánh đồng đã trở nên hoang tàn và xơ xác. Không chỉ không có các nông sản cao cấp xuất khẩu để mang về ngoại tệ, Zimbabwe còn khủng hoảng thiếu trầm trọng lương thực và thực phẩm thiết yếu triền miên. Trước thảm họa nhân đạo khốc liệt ở Zimbabwe, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi R. Mugabe trả đất đai và trang trại lại cho người da trắng để họ gầy dựng lại và phát triển, để họ bảo đảm cuộc sống của người dân. Nhưng, người cộng sản trung kiên R. Mugabe đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi sinh ra để chống thực dân. Bọn người da trắng không được phép sở hữu đất đai của đất nước tôi”. Đói là thảm trạng kinh niên trên mảnh đất một thời trù phú và thịnh vượng này.
Siêu lạm phát là đặc trưng nổi bật của nền kinh tế Zimbabwe. Vào năm 2008, Zimbabwe có lạm phát lên đến 1.300.000%. Để mua một ổ bánh mì, người dân đã phải mang theo hai bảo tải tiền. Cũng vào năm này, Zimbabwe đã phát hành đồng bạc có mệnh giá cao nhất thế giới: đồng đô la 100 tỉ, qui đổi ra đô la Mỹ được 24 cent. Trên đất nước Zimbabwe, bất cứ người dân nào cũng là tỉ phú, nhưng là tỉ phú thiếu ăn, thiếu áo, thiếu học hành, thiếu thuốc men y tế…
Không chỉ tàn phá kinh tế, nhà độc tài R. Mugabe đã quyết liệt tàn phá các giá trị tự do- dân chủ- nhân quyền mà thiểu số người da trắng đã dày công gây dựng cho nhân dân và đất nước Zimbabwe.
Hoang tưởng là thuộc tính nổi bật của R. Mugabe. Để chứng minh với thế giới rằng Zimbabwe là một quốc gia tươi đẹp, R. Mugabe đã cho triệt phá hàng trăm ngàn ngôi nhà tương đối tồi tàn trên đất nước, qua đó đẩy hàng triệu người dân vào thảm cảnh màn trời chiếu đất. Trong các hội nghị quốc tế và hội nghị quốc gia, R. Mugabe thường ngủ, và hình ảnh xấu xí, vô văn hóa này được phơi bày tràn lan trên truyền thông thế giới. Và, ông nói với người dân Zimbabwe nghèo đói và hồn hậu: “Không phải tôi ngủ. Tôi đã để cho đôi mắt của tôi nghỉ ngơi”. Một sự gian trá rợn người mà không phải bạo chúa nào cũng có can đảm để thực hiện.
Theo thống kê, vào năm 2016, GDP bình quân trên đầu người của Zimbabwe là 370 USD/ người/năm, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của nam giới Zimbabwe là 43 tuổi, tuổi thọ trung bình của nữ giới là 42 tuổi. Dưới sự cai trị sắt máu của R. Mugabe, 4 triệu người dân- tương đương với 25% dân số đã bỏ nước ra đi. Hiện tại, cứ 10 người dân Zimbabwe thì có một người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV mà không được nhà nước trợ giúp bất cứ thuốc men nào.
Đất nước đói nghèo và bất hạnh, nhưng R. Mugabe và gia đình lại sống một cuộc đời đế vương. Vào năm 2012, R. Mugabe chi một triệu USD để tổ chức sinh nhật lần thứ 88 của mình. Vợ và con ông R. Mugabe thường xuyên đi du lịch tới những thiên đường du lịch. Không chỉ thế, vợ R.Mugabe còn sở hữu rất nhiều kim cương cực kỳ có giá trị, đến nỗi giới buôn bán kim cương trên thế giới gọi bà là “người đàn bà kim cương”. Báo chí thế giới cho rằng, mỗi lần đi mua sắm người đàn bà kim cương này chi khoảng 1 triệu USD.
Đau thương, bất hạnh và ai oán hiện diện đến hang cùng ngõ hẻm của đất nước Zimbabwe. Các tiếng nói phản kháng đã nhanh chóng bị dập tắt bởi những họng súng lạnh lùng và tàn nhẫn của quân đội và cảnh sát- hai lực lượng được R. Mugabe đối xử hậu hĩnh để mua chuộc lòng trung thành.
Không ai có thể cầm lòng được trước các thảm cảnh ở Zimbabwe. Vào năm 2008, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush trong một diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ trích chính phủ Zimbabwe “bạo ngược và đàn áp dân chúng”. Cũng vào năm 2008, trước chuyến công du đến 5 nước Châu Phi, Tổng thống Bush đã bỏ qua lối nói ngoại giao để thẳng thừng tuyên bố: “Tại Zimbabwe , một nhà độc tài mất uy tín cai trị với việc khan hiếm thực phẩm, lạm phát gia tăng và đàn áp khốc liệt. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ tự do ở Zimbabwe và tôi kêu gọi các quốc gia lân cận, trong khu vực, kể cả Nam Phi có hành động tương tự. Chúng tôi mong muốn cơn ác mộng này chấm dứt và dân chúng Zimbabwe được tự do”.
Thế giới văn minh căm ghét R. Mugabe nhưng có một thế giới ma quỉ khác vinh danh ông ta. Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã trao tặng giải thưởng Hòa bình Khổng Tử cho R. Mugabe với lí do :”Ông Mugabe đã vượt qua nhiều gian nan và kiên định trong việc xây dựng nền chính trị và trật tự kinh tế quốc gia. Trong khi đó, ông cũng trợ giúp hết mình với chủ nghĩa Liên Phi và sự độc lập của châu Phi”.
R. Mugabe có phẩm chất gì để mà vinh danh? Cũng như những người cộng sản khác, người cộng sản- nhà độc tài- tổng thống R. Mugabe không biết xây mà chỉ giỏi phá. Và cũng như số phận của nhiều nhà độc tài khác, R. Mugabe đã không thể mãi mãi ngự trị trên ngai vàng được dát bằng máu và nước mắt của nhân dân.