Nhà Văn

 
Một bạn không quen nhau trên Facebook chả hiểu nghĩ gì về tôi, tự dưng nhắn một cái tin như khiêu khích thế này:
“Hóa ra giới nhà văn các ông cũng rất vớ vẩn, nhỉ.”
 
Tôi nhắn lại:
“Tôi rũ hết rồi, ông bà tìm chỗ khác mà trút giận nhé”.
“Ông có chui vào hang như ông nói, cũng đừng nghĩ mình thoát trách nhiệm. Mùi xú uế là của chung các ông tạo ra, không sớm tẩy hết được đâu”.
 
Tôi đã định lờ đi, nhưng bỗng dưng thấy có gì đó nong nóng phía sau gáy, bèn nhắn lại:
“Chuyện gì mà ông/bà miệt thị chúng tôi ghê thế? Mà tôi và ông/bà có ân oán gì nhau không nhỉ?”
 
“Chuyện gì à, đầy ra đấy. Biết bao chuyện lớn thì các ông im miệng. Nhưng vài ba cái chuyện vô thưởng vô phạt, thì các ông tìm mọi cách để thể hiện như mình là đấng cứu thế. Chuyện gì à? Trên các diễn đàn, các ông nói bằng giọng của kẻ cao đạo, khí khái, bản lĩnh…nhưng chính mắt tôi từng chứng kiến các ông nịnh bợ kẻ có quyền chức đến mức phát tởm, xun xoe như bầy con nít sắp được chia kẹo, đến mức nước bọt của ông ta bắn vào mặt cũng không dám lau công khai, trong khi đối xử với nhau chả ra gì. Chuyện gì à? Nông dân bị cướp bóc ngày ngày, thì các ông a dua với kẻ cướp bóc. Người oan khốc đầy đường, đầy chợ, thì các ông ngoảnh mặt đi, tự dối lòng rằng các ông đang thực hiện sứ mệnh theo định hướng lớn. Chuyện gì à? Các ông ghen ghét, đố kỵ, nịnh bợ, mua danh, thèm khát quyền chức, tranh giành nhau từng tí quyền lợi, từng tí danh hão bằng cái móng tay. Các ông hãnh diện với vai trò là kẻ canh cổng. Nói thẳng ra là tởm, quái tởm! Chuyện gì à? Các ông bán linh hồn bằng những màn diễn đạo đức rẻ tiền, bằng những trang viết định hướng dối trá để đổi lấy sự ban thưởng. Dân chúng bây giờ khôn lắm rồi các ông ạ, họ biết cả đấy".
 
Cơn nóng gáy chuyển dần sang hai hốc mắt. Nhưng nghĩ nát óc vẫn không tìm ra đòn đáp trả tương xứng, đầu bỗng đau như búa bổ. Cuối cùng, dù đã quyết chí ẩn dật, ngày ngày luyện thở để hòa tâm bình khí, nhưng tôi vẫn phải xả ra một đoạn dài thế này để không di nát bét mấy con ruồi vô tội:
 
“Các ông bà đang bất công với nhà văn chúng tôi đấy. Chúng tôi cũng cùng trong cái ao tù nước đọng với các vị. Cái ao tù thì nước làm sao sạch được. Mà nước bẩn, thì nói như cổ nhân, biết rửa bằng gì. Chúng tôi đâu có phải là thần thánh. Cũng đói rách, cũng bị chèn ép, cũng bị lừa dối, cũng chịu đủ sự đối xử bất công. Trong khi biết bao người ở các ngành nghề khác, không những vừa có danh, vừa có quyền, vừa có bổng lộc, miệng nói đạo đức ngày ngày nhưng sống chả hơn gì ma bùn, thậm chí thua cả chó. Họ cũng chửi nhau, kiện tụng nhau, hại ngầm nhau, tranh chức tranh tước, cướp ngày cướp đêm, chạy án, mua bằng giả, ăn từ cái bỉm của trẻ trở đi, thậm chí thao túng cả lịch sử, đổi trắng thay đen như trở bàn tay và mức độ của những việc đó còn trắng trợn, tàn bạo hơn chúng tôi nhiều lần nhưng không bị các ông/bà soi mói, chẳng thấy các ông bà mắng mỏ. Trong khi nhà văn chỉ động làm việc gì đó là lập tức bị tất cả đổ dồn mọi cặp mắt vào, quy kết cho đủ thứ tội”.
 
Bấm nút gửi xong, tôi cảm thấy có chút hả hê. Cứ tưởng họ sẽ chả còn gì để nói. Nhưng sau đó kẻ vô hình, lần này tự xưng là làm nghề xây dựng, chuyên phá dỡ những ngôi nhà cũ nát, nói lại thế này:
 
“Những người mà ông nói tới, bất kể họ là ai, bất kể họ đang sống hay sắp chết, đều có thể làm thế, còn các ông bà thì không được phép! Tôi nhắc lại, các ông bà không được phép. Vì các ông bà là nhà văn? Các ông bà còn phải chỉ cho người khác, cho chúng tôi nên sống như thế nào cơ mà và chúng tôi luôn tin, thậm chí vẫn ngày ngày làm theo? Chả nhẽ các ông bà viết một đằng, khuyên người ta một đằng còn sống và làm một nẻo? Chúng tôi thất vọng chung quy cũng bởi chúng tôi vẫn thành kính ngước nhìn nhà văn các ông các bà NHƯ NHỮNG BẬC THÁNH THẦN”.
 
Nghe đến đây thì, thay vì hãnh diện, nói thật là tôi chỉ muốn chui tọt xuống đất vì xấu hổ.
Trời ạ, thánh thần quái gì đâu, và tự nhủ:
“May mà họ mới chỉ biết đến thế...”