Nhiều khi ngẫm sự đời cũng hay thật.
Mới hôm nào đi Trường Sa, qua vùng biển gần đảo Gạc Ma, tàu dừng lại làm lễ thả hương hoa "cho vụ CQ 88", nhưng về viết bài thì cấm được nhắc một chữ đến thằng giặc Trung Quốc.
Còn nhớ trong bài ký của mình, sếp tổng đã thay hết các từ "giặc" thành "đối phương" rồi, thế mà vẫn sót một từ "tàu giặc", mấy hôm sau có công văn nhắc nhở liền.
Mình làm biên tập, cứ nhắc đến chiến tranh biên giới phía Bắc, toàn phải chỉnh là "loạn biên giới".
Thỉnh thoảng giao ban lại được nghe phổ biến, sếp tổng báo này, phóng viên báo kia bị kỷ luật vì nhắc đến giặc Tàu, giặc Trung Quốc.
Lạ thật, giặc Pháp, giặc Mĩ nhắc vô tư mà giặc Trung Quốc thì cấm nhắc, cứ như lưỡi bị đơ vậy.
Rồi làng văn thì nay xì xào, mai bàn tán về việc cuốn X, cuốn Y bị cấm vì viết về... giặc Trung Quốc.
Giờ thì báo đài có vẻ như được nói thoải mái rồi, riêng văn học nghệ thuật thì vẫn "thầm thì, thẽ thọt, thì thụt" khi nhắc đến giặc Trung Quốc. Ví dụ, thử làm một đêm ca nhạc kiểu như Giai điệu tự hào phát những bài hát viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979 mà xem, cấm ngay.
Đây là hình ảnh dép nhựa, bát cơm, áo, vũ khí... còn lại trong khoang tàu HQ-604 mà các thợ lặn vớt lên vào năm 2008, 20 năm sau bị giặc Trung Quốc đánh chìm dưới đáy biển.
Tưởng niệm, nhắc nhớ, dâng hương, triển lãm, dựng bia... mà mỗi việc đơn giản nhất là gọi cho đúng tên kẻ thù là "giặc Trung Quốc" thôi mà sao khó làm vậy?
Nguồn: FB Nguyễn Đình Tú