Những đám tang không người đưa tiễn

Đám tang anh P. Cả đội ngũ khiêng quan tài và người thân đưa tiễn vỏn vẹn chục người.

Phạm Thanh Nghiên 

Con hẻm chật chội thường ngày kẻ ra người vào va quệt vào nhau, bữa nay rộng hẳn. Thế lại đỡ cực cho mấy người khiêng hòm. Hàng xóm đóng cửa cố thủ trong nhà. Chiếc quan tài lầm lũi đi, không thấy cánh tay nào giơ lên dù là qua khe cửa, vẫy chào tiễn biệt người quá cố.

NHỮNG ĐÁM TANG KHÔNG NGƯỜI ĐƯA TIỄN

Do không thể về nên em Tí chỉ có thể chứng kiến tang lễ anh trai qua cuộc gọi video với người thân. Hình do nhân vật cung cấp.

Dì Ba, em kế của má chồng tôi qua đời hai tuần trước. Hôm nhận được hung tin, hai vợ chồng tôi thảng thốt, và buồn. Nói thừa, người thân qua đời, ai chả buồn. Nhưng nỗi buồn thời phong toả, khác lắm. Tê tái, đeo đẳng mãi.

Không nghe thấy tiếng khóc, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cơn rầu rĩ, nét bần thần của con trai dì Ba lúc nói chuyện qua điện thoại:

-Má em bị mệt mấy hôm thì đi. May quá, không phải covid chị ạ.

Chết mà vẫn... may. Sao lại có thứ nghịch lý trớ trêu như thế. Nhưng đúng là may thật. Cả xóm nhà dì Ba bị “giăng dây” suốt từ hôm 10/7 đến giờ là tròn 1 tháng, đã được thả đâu. Trước hôm dì Ba mất hai ngày, cả nhà đã làm xét nghiệm, không ai “dính” covid cả. Dì lớn tuổi, đến khi phải về cõi, thì đi. Vậy thôi.

Nếu dì Ba chết vì covid, người ta đã đến khuân xác đi, chẳng được để ở nhà. Nhưng người chết thì quan tâm gì đến chuyện may rủi. Cốt nhẹ phận mình, giũ bỏ được cái cuộc đời trầm luân này, là vui rồi. Cái chính là cho kẻ sống. Cả nhà vẫn còn tám người gồm cha con cậu Tâm, dì Út, hai con trai, con dâu và cháu nội của dì Ba sống chung với nhau trong một căn nhà chật chội. Trước mắt cứ thoát cảnh phải dắt díu nhau đi đến các khu cách ly tập trung là tốt rồi. Ai cũng sợ phải đánh cược với tính mạng mình bằng sự may rủi. Rồi thì mọi chi phí, từ cỗ quan tài cho đến tiền hỏa táng, chuyến xe đò tiễn đưa dì lần cuối, đều do nhà Chùa chi trả. Gia đình không phải mất đồng nào. Với lại cũng chẳng có tiền mà lo. Lỡ nhà Chùa không giúp, chắc phải đi vay mượn. Thời buổi khó khăn thế này, vay mượn ở đâu.

Dì Ba có hai người con trai đều hiếu thuận, thương yêu nhau hiếm thấy. Cậu con trai thứ hai đã lập gia đình và có hai con. Hơn mười năm trước, Trung làm chủ thầu xây dựng, thu nhập cũng khá. Không những lo được cho má, đủ nuôi vợ con, mà còn giúp đỡ người này người kia lúc khó khăn, hoạn nạn. Đùng một cái Trung mắc bệnh, hai mắt gần như mù hẳn. Thương em, thương cháu, Tân quyết định không lập gia đình nữa, ở vậy nuôi mẹ, đỡ đần cho em. Từ khi Trung mắc bệnh, mọi chi phí, sinh hoạt hàng ngày đều trông chờ vào đồng lương còm cõi của Tân và của vợ Trung. Cuộc sống khó khăn suốt từ đầu năm ngoái khi cơn đại dịch ập đến, nay trở nên kiệt quệ vì lệnh phong tỏa. Nhưng có lẽ Trời thương, nên dì Ba ra đi nhẹ nhàng, con cái cũng không phải chạy vạy tiền nong để lo hậu sự. Coi như một sự bù đắp cho cuộc đời khổ cực của dì. Và phần thưởng vì sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các con dì.

Buổi tối trước hôm đưa dì Ba đi hỏa táng, nhân viên Trại hòm gọi điện thoại hỏi:

-Nhà cần mấy chiếc khăn tang để chúng tôi chuẩn bị?

Tân trả lời:

-Anh mang giúp ba cái thôi, hai cho con trai, một cho cháu nội.

Sáng sớm hôm sau, dì Ba được đưa đi. Tính cả mấy chú khiêng quan tài, đám tang vỏn vẹn khoảng chục người. Thằng Sâm đầu đội khăn tang, bê bát nhang của bà nội đi trước. Bác Tân dắt ba nó đi theo sau, lần mò từng bước, chậm hơn cả tiếng thở dài. Người chết không có di ảnh. Thành phố bị phong tỏa, không còn cửa tiệm nào làm việc. Vả lại, khu nhà dì Ba bị giăng dây, chẳng thể ra ngoài mà trông cậy ai làm cho tấm hình thờ. Con hẻm chật chội thường ngày kẻ ra người vào va quệt vào nhau, bữa nay rộng hẳn. Thế lại đỡ cực cho mấy người khiêng hòm. Hàng xóm đóng cửa cố thủ trong nhà. Chiếc quan tài lầm lũi đi, không thấy cánh tay nào giơ lên dù là qua khe cửa, vẫy chào tiễn biệt người quá cố.

Đến cổng lò thiêu, xe dừng lại. Anh em nhà Tân, Trung vái má lần cuối rồi ra về. Bây giờ dì Ba phải nằm một mình trong chiếc quan tài và chờ đợi. Đông người chết quá, không biết bao giờ mới đến lượt dì.

Nhân viên dịch vụ mai táng chở các hũ cốt đựng trong chiếc sóng nhựa đang tìm địa chỉ người nhận.

Sinh thời, dì Ba có tâm nguyện sau khi chết sẽ được hỏa thiêu, tro cốt đem rải xuống sông cho mát mẻ. Lẽ thường, nhận tro cốt xong cũng phải rước má về nhà thờ cúng ít hôm cho phải đạo. Nhưng do việc đi lại bị cấm đoán, xin xỏ khó khăn nên từ khu lò thiêu, Tân ôm hũ tro của mẹ rải ra sông rồi mới về nhà. Thế cũng xong một kiếp người.

Đám tang anh P cũng vậy, buồn thắt ruột. Thì cũng như đám của dì Ba, tính cả đội ngũ khiêng quan tài, đâu khoảng chục người. Hơn được tấm di ảnh để thiên hạ biết người chết là ai. Gớm, lôi “thiên hạ” vào để tự vỗ về nhau, cho dịu bớt cái nghịch cảnh chia cắt, cái thân phận bị trói buộc của mình, của người trong thời đại dịch. Khu xóm đạo nhà anh P không bị phong toả, một vài người hàng xóm thò đầu ngó ra cửa, ngậm ngùi nhìn theo chiếc quan tài đi ngang qua, miệng thì thầm lời kinh cầu nguyện.

Những ngày cuối cùng của anh P là một cuộc đợi chờ mòn mỏi, vô vọng. Căn bệnh ung thư bòn rút hết da thịt anh, đến nỗi hai hốc mắt như bị kéo rộng ra, sâu hoăm hoắm trên gương mặt chỉ còn ngổn ngang xương xảu. Chưa được gặp vợ chồng người em trai út, anh không nhắm mắt được. Cơn hấp hối cứ kéo dài mãi, làm đau cả người sống lẫn người sắp chết. Tiếng gọi “Tí ơi” đầy thân thương thuở nào hồi hai anh em còn nhỏ dại, giờ lịm dần, lịm dần rồi tắt hẳn trên khóe môi người đàn ông nay đã ngoài 50 tuổi. Vợ chồng “thằng Tí” không ở đâu xa, chỉ cách đó vài cây số mà không về được. Khi người ta nhân danh lệnh phong tỏa, giãn cách để kết luận “bánh mì không phải lương thực”, khi bác sĩ nhận lệnh điều động của nhà cầm quyền thành phố đi tiêm vaccine cho dân bị ách lại tại trạm kiểm soát với lý do “chỉ thị 16 không cần y tế” thì việc về thăm người thân đang hấp hối liệu có được chấp thuận?

Dẫu sao, dì Ba, anh P cũng được chết ở nhà, có người thân đưa tiễn. Đỡ tủi. Nhiều cảnh còn thảm thương, bi đát gấp bội lần. Hôm nay, tôi “được” (chữ “được” phải bỏ vào ngoặc kép) xem một đoạn video ghi lại cảnh người ta đang chuẩn bị đưa thi thể của một người chết vì covid-19 vào quan tài. Không biết người chết là nam hay nữ, nhưng được bọc kín trong tấm vải liệm màu vàng. Khoảng giây thứ 18 đến 20, cánh tay phải của người nằm trong tấm vải liệm cử động. Trang web Sài Gòn Nhỏ đăng đoạn video kèm lời bình luận của Thanh Hieu Bui như sau “Những người ở ngoài bận rộn với việc đưa xác lên xe tải để chuyển đi tới lò thiêu nên không để ý, người quay video cũng không chú ý đến cử động này. Có thể người này chưa chết hẳn, nhưng đã bị liệm rồi mang đi cho kịp chuyến xe”. Chắc là thế thật, vì trên xe còn một chiếc quan tài nữa đang đợi. Đoạn video chỉ vài chục giây kèm lời mô tả, bình luận ngắn gọn hẳn đã khiến người xem rùng mình, kinh hãi và xót xa.

Tại các khu cách ly tập trung, nhiều bệnh nhân covid-19 không bao giờ còn có cơ hội được trở về. Hoặc phải về nhà trong những bình tro không biết có phải là của mình không nữa. Trước khi chết, họ phải vật lộn với sự đau đớn, sợ hãi, tuyệt vọng và nỗi cô đơn tận cùng. Còn gì kinh khủng hơn khi cảm nhận được cái chết đang đến với mình, với người xung quanh mình. Mỗi ngày, người ta lại chứng kiến nhiều hơn hình ảnh các thi thể bị bó trong bao nilong, những chuyến xe ô-tô chở 4,5 quan tài nối thành hàng dài đến các lò thiêu khiến bao người bị ám ảnh. Những cái chết như thế, làm gì có đám tang. Mà có, chắc chẳng ai đưa tiễn.

Ôi! Sài Gòn nhuốm màu đau thương. Sài Gòn vương mùi tử khí.

Sài Gòn 10/8/2021.
***

NGƯỜi ĐI QUANH PHỐ VỚI TRO CỐT

Thanh Bình Thân Mến

Trời ơi, một Sài Gòn chừ nát tan vô độ
Đời mong manh khi tôi gặp người shipper áo trắng
Giao hàng chi, tôi nào muốn nhận một hũ tro than
Giao hàng chi, khi tôi không còn cả một que nhang
Trời ơi, một Sài Gòn nghề cốt tro giao vội
Nghe lạnh lùng như thế giới trùng trùng quỷ ma
Như Sài Gòn tôi xin đừng bán phận đời lũ tàu phù
Ai gieo chi đường về quê ruồng bỏ cả đồng bào
Tôi cũng không còn nước mắt khóc cho Sài Gòn
Chỉ còn đây lời trần tình ai mất ai còn
Tôi nào biết địa chỉ mà cha tôi được đón
Cha đi hôm qua, mẹ về hôm nay, đi về nơi nao
Tôi cũng đâu hay đất nước sẽ đi vể đâu
Sống không xong, thành phố không người,còi hụ, shipper…
Người vận chuyển tro cốt chở oan linh người chết
Đem giao linh thiêng, sao chẳng kèn ma, đưa tiễn kinh cầu
Shipper ơi, Sài Gòn bây giờ có bao tro cốt vô thừa nhận
Thân phận nhân dân cỏ hèn như Sài Gòn không ngày mai
Đớn đau xe cứu thương hàng hàng trước trung tâm hỏa táng
Còn lời nguyện cầu nào cho loài người biết xót xa nhau.