Những chị Dậu thời nay (tiếp)

Ảnh: Những cuộc chạy trốn của người lao động tha hương (Nguồn: Đủ các báo)

Nguyễn Thông
 

Phải nói thẳng rằng những cuộc trở về quê, hồi hương của hàng vạn lao động, chủ yếu là người trẻ, và gia đình họ hồi đầu tháng 7, rồi giữa tháng 8, rồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa xảy ra là những cuộc chạy trốn. Không có từ nào chính xác hơn.
 
Trốn dịch chỉ một phần, bởi với những người dưới đáy xã hội, lăn lộn vật vã kiếm sống quen rồi, dịch đối với họ chả là gì. Thứ mà họ sợ là đói, chết đói, không chỉ một mình mình mà cả nhà chết đói.
 
Khi mới bùng phát dịch lần 4, tâm lý chung là nó sẽ tan, như những lần trước. Lại cộng thêm những lời hứa, trấn an của nhà cầm quyền, của hệ thống chính trị nên người ta ráng chờ. Đếm ngày một ngày hai, tuần này tuần nữa, tháng này tháng sau, niềm hy vọng cạn dần. Nguy nhất là cạn tiền. Chủ công ty, xí nghiệp, nhà máy còn chết dở, huống hồ người làm thuê. Nhà nước chỉ hỗ trợ trên tivi, trên mồm cán bộ. Vài ba mớ rau con cá, thùng mì, chục ký gạo, mấy trăm bạc của hàng xóm láng giềng, nhà hảo tâm, người làm từ thiện, tổ dân phố giúp đỡ họ chỉ như muối bỏ bể. Không công ăn việc làm, mất thu nhập, gạo hết, tiền hết, không thể nợ mãi tiền thuê nhà, chi phí điện nước xăng dầu điện thoại, hàng trăm thứ bà rằn cần thiết. Có thể chịu đựng, thắt lưng buộc bụng, nhịn đói, sống dở vài tuần, một tháng, chứ không thể tháng này qua tháng khác. Chỉ còn cách duy nhất: Về.
 
Về thì đâm đầu vào đâu? Chưa biết. Người nhà nước, chính quyền, ông thủ tướng dăm ba ngày lại lên tivi khẳng định không bỏ ai lại phía sau. Người tha hương làm thuê không bị bỏ bởi gần như chính quyền không thực sự quan tâm tới họ, không coi họ có trên đời. Họ đang gánh bi kịch thời đại, chạy trốn, vượt biên ngay trên chính quê hương đất nước mình.
 
Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, những dòng người di cư, bỏ quê đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi ngày càng nhiều càng đông. Cuộc sống, xã hội, đất nước chỉ đẹp trên giấy, trên báo chí tivi, trên báo cáo, hội nghị, còn thực tế ra sao, ai cũng biết. “Cửa son rượu thịt để ôi/Bao người chết đói xương phơi trắng đường”, thơ xưa viết vậy, nay không đến nỗi thế nhưng cũng gần như thế. Nhà cai trị đã làm được gì cho dân trên khắp đất nước này khi để họ phải tha hương, dồn về Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai kiếm sống.
 
Lâu nay, người ta chấp nhận tha phương cầu thực, bỏ quê đi làm thuê xứ người với hy vọng đổi đời, tới miền đất hứa bán sức lao động để nuôi thân, nuôi gia đình, có chút tiền dành dụm gửi về đỡ bố mẹ, vợ con ở quê nhà. Tự cứu mình trước khi trời cứu nhà nước cứu. Điều mà dư luận ít để ý, chính những người tha hương làm thuê ấy lại là lực lượng quan trọng gánh vác nền kinh tế nước này. Những con số tăng trưởng, thành tựu, GDP này nọ một phần nhờ họ. Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai phất lên, cờ đầu, đóng ngân sách nhiều nhất nuôi cả nước nhờ có họ. Ngân sách nuôi cả nước phần lớn dựa vào những tỉnh thành công nghiệp này, trong đó phần không nhỏ từ người lao động “tha phương cầu thực”. Chính ông Nên ông Mãi trị nhậm Sài Gòn còn kêu gọi họ đừng bỏ về, hãy ở lại giúp thành phố. Ông Phó thủ tướng Đam cũng có lần nói trên báo Tuổi Trẻ rằng hãy giữ vững miền Tây để hỗ trợ cho TP.HCM. Sao lại chỉ đặt vấn đề “họ giúp” mà không là “giúp họ”. Lúc nào các ông ấy cũng chỉ nghĩ tới sự bóc lột. Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào có ai.
 
Thưa ông Đam ông Chính ông Mãi ông Nên và đủ thứ ông bà, suốt mấy tháng qua các ngài đã bỏ mặc họ chống chọi xoay xở, giờ họ dưới vực rồi, có vuốt ve mơn trớn hay bạo lực để giữ lại cũng chả được. Rồi sẽ biết tay nhau khi dịch nhạt, tổ chức lại sản xuất, có trải thảm rước họ về cũng khó. Tất nhiên rồi các vị cũng kiếm được người thay thế họ, nhưng hắt hủi thợ lành nghề để làm lại từ số không, đó không phải là tư duy kinh tế.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện viết: Họ làm ra của cải cho TP.HCM. Họ làm ra GDP cho TP.HCM dẫn đầu cả nước. Vậy nhưng thành phố đã không cho họ niềm tin. Mất niềm tin là mất hết.
 
Nhìn cảnh đoàn người chạy trốn cái đói, xơ xác, thiểu não, khổ sở, vợ chồng con cái gia tài sau bao năm làm thuê chất cả lên chiếc xe máy vượt đường dài nắng nôi mưa gió rào chắn công an dân phòng, thật cám cảnh. Hỡi nhà cai trị, an dân, an sinh xã hội không phải lúc nào khác mà chính là lúc này, không phải trên tivi mậu dịch mà ở những chỗ này, không phải với đối tượng chung chung mà những con người cụ thể này.
 
Nhà báo Huy Đức nói không sai chút nào: Chống dịch chứ không phải chống lại con người. Phải đặt mình vào địa vị của những con người bị nhốt quá lâu trong khu vực bị phong tỏa, dịch bệnh đe dọa, nguồn sống cạn kiệt, cái chết tới gần thì mới hiểu tại sao lại có những người dám thách thức mạng sống của mình như thế.
 
Đi làm thuê làm mướn, không ai muốn bị mất việc. Cực chẳng đã, hết chịu nổi, bị cùng đường, bị bỏ rơi, mới phải mò về chốn cũ đói nghèo. Mọi hành động ngăn cản họ với lý do chống dịch đều vô cảm, nhẫn tâm. Con người không thể vô tri vô giác như cái hàng rào dây thép gai. Đám dài dân chúng xếp hàng quỳ lạy, cầm những bó nhang khấn vái người chức việc chỉ để xin được mở rào cho họ về quê chả nhẽ không làm động lòng mấy ông to bà nhớn lòng chai sạn. Hãy thôi lý luận, thuyết giáo những lời mị dân sáo rỗng để nghe tiếng kêu đứt ruột (đoạn trường tân thanh) của anh Nguyễn Văn Luân 28 tuổi người huyện Can Lộc, Hà Tĩnh: “Ở lại không chết vì bệnh thì cũng chết vì đói” (theo báo VnEpress ngày 23.9).
 
Đất nước này đang có hàng vạn, chục vạn anh Luân, những “chị Dậu thời nay”, dù biết “về thì đâm đầu vào đâu” nhưng vẫn phải về. Ông bạn tôi bảo chính phủ Phạm Minh Chính chỉ được cái võ mồm, trong cơn đại dịch này lộ ra cái tài lãnh đạo chỉ cỡ tầm xóm ấp.