Một số bảng xếp hạng vị trí các nước của các tổ chức quốc tế vừa được đài BBC đưa ra trong một bài báo ngày 2 Tháng Tư vừa qua. Nếu chỉ tính từ năm 1975 tức là đã 44 năm, qua các bảng xếp hạng này, Việt Nam ngày nay đứng ở vị trí nào so với một số nước trên thế giới?
– Về Giàu Nghèo: Bảng xếp hạng dựa trên khả năng quản lý và các chính sách kinh tế của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ. Trong 192 nước trên thế giới, Tạp chí Global Finance xếp Qatar, Macao (một đặc khu hành chánh của Trung Quốc) và Luxembourg đứng đầu bảng, trong lúc Việt Nam đứng ở hạng 128/192 quốc gia. Tức là thuộc hàng quốc gia nghèo.
Không thể chối cãi đây là một thứ hạng thấp, thể hiện sự thất bại của Việt Nam trong nhiệm vụ nâng cao đời sống dân chúng của chính quyền cộng sản thời hậu chiến. Chính đường lối kinh tế tạp nhạp của cái gọi là “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đã dẫn đến kết quả tụt hậu của nền kinh tế so với các quốc gia trong vùng.
Nhưng sự tai hại của đuờng lối kinh tế này chính là hố cách biệt giàu nghèo ngày càng bị đào sâu. Nhờ dựa vào kinh tế thị trường Việt Nam có tỷ phú, triệu phú đô-la do lao vào kinh doanh bất động sản thay vì sản xuất hàng hoá nên đồng thời cũng có đoàn quân “lao động hợp tác” kiếm sống nơi xứ người, nuôi sống chế độ bằng “kiều hối”.
– Về Quyền Con Người: Tổ chức Human Freedom Index xếp Việt Nam hạng 124/162 quốc gia. Thứ hạng này tương tự như thứ hạng của “Giàu Nghèo” cho thấy khi các quyền con người như tự do cá nhân, tự do trong đời sống xã hội dân sự và ngay cả đời sống kinh tế bị hạn chế khắt khe, mọi động lực vươn lên của người dân lập tức bị triệt tiêu.
Việt Nam cũng có thể tự hào vì dù sao “tự do” do chính quyền ban phát cho người dân vẫn còn đứng trên 38 nước. Nhưng nhà nước Việt Nam vẫn không thể biện bạch cho việc các cuộc biểu tình ôn hoà của người dân bị đàn áp tàn bạo, bắt bớ tràn lan. Chẳng hạn gần đây nhất cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu, 2018 chống dự luật thành lập 3 đặc khu kinh tế đã có hàng trăm người bị bắt đưa ra toà. Những tiếng nói bất đồng dù trong tinh thần ôn hoà xây dựng vẫn bị bóp nghẹt. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi dự luật Quyền biểu tình của người dân cứ bị trì hoãn từ năm này qua năm khác bởi Bộ Công An.
– Về Hạnh Phúc: Báo cáo hàng năm của tổ chức World Happiness Report (WHR – Báo cáo Hạnh phúc thế giới) công bố ngày 20 Tháng Ba, 2019 nhân Ngày Hạnh Phúc Quốc Tế, Việt Nam được xếp hạng 94/156 nước trên thế giới.
Dĩ nhiên thước đo hạnh phúc của mỗi nước trên thế giới do sự nghiên cứu, thăm dò của Tổ chức WHR đưa ra cũng không phản ảnh hạnh phúc của người dân trên thực tế. Nếu so sánh các con số từ năm 2013 khi WHR bắt đầu xếp hạng các nước, Việt Nam đứng hạng 63/156 và liên tục thăng hạng theo chiều hướng “kém hạnh phúc hơn” trong các năm 2015 (hạng 75/158), 2016 (hạng 96/157), năm 2017 hạng (94/155), năm 2018 (hạng 95/156).
Những con số dao động trên chứng tỏ Việt Nam đang khó khăn đuổi theo hai chữ “hạnh phúc” còn quá xa vời. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn kém xa Singapore, Thái Lan, Philippines và chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar và may mắn thay lại ngang hàng với Trung Quốc. Nguyên do là từ tình trạng một xã hội bất an, giàu nghèo chênh lệch, các quyền con người bị chà đạp, gánh nặng thuế khoá, nạn tham nhũng được Đảng Cộng Sản Việt Nam dung dưỡng, khó mà nói người Việt Nam chạm tay vào hai chữ hạnh phúc thực sự trong đời sống.
– Về Tự Do Báo Chí: Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) xếp Việt Nam hạng 175/180, đứng trên Trung Quốc, Bắc Hàn trong khu vực Á Châu.
Từ nhiều năm liền, thứ hạng này không thay đổi, Việt Nam bị đánh giá là điểm đen về tự do báo chí, đồng thời cũng là kẻ thù của Internet. Hà Nội luôn tự hào là mình có hàng ngàn tờ báo và đài phát thanh, tức có rất nhiều tự do báo chí hơn nhiều nước khác. Nhưng ai cũng biết tất cả báo, đài này đều đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Ban Tuyên Giáo Trung Ương chính là tổng biên tập đầy quyền uy và duy nhất trong làng báo quốc doanh. Ở Việt Nam, chính sách chung của Đảng được mô tả thẳng thừng: Báo chí cách mạng là công cụ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và cương quyết từ chối mọi hình thức báo chí tư nhân.
Tuy nhiên trước thế giới và ngay trong ngày thứ nhì của phiên họp 125 của Uỷ Ban Nhân Quyền (Human Rights Committee) của Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thuỵ Sĩ, Việt Nam vẫn “hãnh diện” trả lời khi bị chất vấn về tự do báo chí rằng “Chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay!” Quả thật Việt Nam không có kiểm duyệt vì các bài báo được viết đúng theo khuôn khổ chỉ đạo của tuyên giáo và công an. Sự kiểm duyệt cũng được các nhà báo luôn tự thực hiện vì miếng cơm manh áo, đồng thời cũng là cách tự bảo vệ.
– Về Phát Triển Con Người: Báo Cáo của Human Development Index thuộc UNDP của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đứng ở hạng 116/189. Đây cũng là một thứ hạng thấp so với thế giới, sau 45 năm hoà bình và xây dựng đất nước. Báo cáo này tập trung vào tình hình phát triển của những vấn đề y tế, giáo dục, nghèo đói, bình đẳng giới tính và môi trường.
Thử tìm hiểu coi Việt Nam đã làm được gì để phát triển con người?
Trước hết về y tế, chưa bao giờ người dân Việt Nam lại đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là về thực phẩm ngay trong bữa cơm hàng ngày. Trúng độc thực phẩm diễn ra thường xuyên hơn; gần đây hàng trăm học sinh ở Bắc Ninh bị nhiễm sán do ăn thịt heo từ trường Mầm Non… nhưng Bộ Y Tế cho rằng chưa cần chữa trị ngay bây giờ mà phải chờ đến lúc sán lớn!
Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) trong năm 2018 số bệnh nhân bị ung thư tăng lên 165.000 người với khoảng 94.000 người chết. Đây là một con số tăng cao bất thường, gây nên tình trạng bệnh nhân nằm tràn lan dưới gầm giường và ngay trên lối đi. Trong khi thiếu thốn bệnh viện cho người dân, Việt Nam không thiếu những công trình xây dựng nghìn tỷ nằm “đắp chiếu” và tượng đài “hoành tráng” dựng lên bằng tiền thuế của dân. Nói khác đi sức khoẻ người dân chưa hề được chính quyền quan tâm đúng mức, điển hình vụ Công ty Formosa đầu độc ven biển Miền Trung xảy ra vào tháng 4 năm 2016 bị che giấu ngay từ đầu.
Môi trường hiện nay cũng là một vấn đề cần được quan tâm vì nó liên quan mật thiết đến chất lượng sống của xã hội và sức khoẻ của người dân. Ba năm trước đây, thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa gây ra tại 4 tỉnh ven biển Miền Trung, với những cuộc biểu tình chống Formosa bảo vệ môi trường nổ ra nhưng bị đàn áp thẳng tay. Cho tới nay dù môi trường biển bị thiệt hại nặng nề và phải hàng chục năm sau mới có thể phục hồi, chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục lấp liếm bao che cho Formosa. Cho dù các chính quyền địa phương ra rả tuyên bố “môi trường đã trở lại bình thường, biển đã sạch” nhưng không có gì chứng minh để được tin là sự thật.
Cạnh đó, nạn ô nhiễm không khí đô thị cũng là một điều đáng lo ngại đối với Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền cộng sản tỏ ra rất lơ là. Báo cáo đánh giá của tổ chức IQAir AirVisual 2018 cho biết thủ đô Hà Nội đứng đầu (cùng với Jakarta) trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí và được coi như đô thị ô nhiễm đứng nhất Đông Nam Á. Không riêng tại Hà Nội, người dân trong các thành phố lớn đang cầm cự với khói bụi bằng khẩu trang, kính đeo mắt khi ra đường. Người dân chỉ thấy chính quyền chăm chú tăng giá xăng dầu qua thuế phí môi trường trong lúc môi trường ngày càng tệ hại. Báo cáo của Tổ chức Phát Triển Xanh cho thấy năm 2017 “người dân Hà Nội chỉ có 38 ngày được hít thở không khí trong lành”.
Cuối cùng là giáo dục. Chỉ cần nhìn vào nền giáo dục, người ta cũng có thể thấy bộ mặt trong tương lai của một quốc gia. Vì giáo dục chẳng những rèn luyện kiến thức văn hoá mà còn đào tạo những thế hệ tương lai có khả năng thay đổi và làm chủ xã hội. Từ sau năm 1975, chính sách giáo dục của Việt Nam vẫn hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa khép kín mà sai lầm lớn nhất là chú trọng số lượng bỏ qua phẩm chất đào tạo.
Cạnh đó chương trình giảng dạy lạc hậu, không đáp ứng được thế giới hiện đại bên ngoài. Thỉnh thoảng người ta lại nghe chương trình giáo dục cải cách, đổi mới nhưng đâu hoàn đấy. Kết quả trước mắt là những con người được đào tạo thiếu kỹ năng chuyên môn để đáp ứng một cách tốt nhất cho nhu cầu công việc. Bộ Giáo Dục & Đào Tạo thay vì đưa ra những quyết sách đúng đắn về giáo dục lại loay hoay với những quy định lặt vặt về mập ốm cao thấp, 3 lần 4 lần cho sinh viên nhập học.
Một số dẫn chứng nêu trên cho thấy là nhà cầm quyền CSVN trong hơn 4 thập niên qua, quan tâm duy nhất của họ là làm sao duy trì sự ổn định quyền lực cai trị hơn là chú trọng đến việc cải thiện đời sống nhân dân. Họ luôn luôn nói đến cải cách, đổi mới nhưng làm theo kiểu hô hào đầu voi đuôi chuột. Khi cộng sản nói cải cách họ chỉ thực hiện sao cho không làm ảnh hưởng đến uy quyền hay chỉ giúp tăng cường sức mạnh của hệ thống cai trị độc tài. Trong khi đó họ cố tình kiềm chế hay tìm cách giữ chặt sức vươn lên của con người và xã hội Việt Nam.
Tóm lại sau gần 45 năm thống trị toàn thể đất nước, Đảng CSVN chỉ chăm chú vào việc truy tìm “phản động” để giữ chặt quyền lực, bỏ qua việc nâng cao dân sinh, dân quyền để ngày càng đẩy lùi dân chúng vào tình trạng chịu đựng, an phận trong bàn tay khắt khe của đảng.
Những con số nêu trên là những con số biết nói. Nó đã nói lên một cách rõ ràng tình trạng bi đát của xã hội Việt Nam hiện nay và thói giả dối, lừa bịp của chế độ độc tài.
https://viettan.org/nhung-con-so-biet-noi/