Tôi biết hôm nay sẽ là quá khứ vào ngày mai, nên cần sống tốt hôm nay, để có kỷ niệm đẹp cho quá khứ, từ đó cũng lấy đà …cho tinh thần thêm phấn chấn hướng đến hôm sau.
Nhưng ngày nào cũng vậy, từ sớm tinh mơ, chưa chào đón ngày mới, tôi đã vội nghĩ về những chuyện hôm qua, hôm kia vì mọi điều tốt đẹp vẫn còn ở ranh giới rất gần. Nhưng tôi không dừng ở đấy, tôi hay chạy một mạch về cuối con đường quá khứ êm ả, để nhìn ngắm những kỷ niệm đẹp vô giá, và thường chìm đắm trong đó….
Ôi, chiếc áo dài thời bé nhỏ của tôi…
Ngày ấy, lúc tôi khoảng sáu bảy tuổi, trong căn nhà nhỏ của cha mẹ ở Phú Thọ, trên chiếc giường gỗ to, trải chiếu hoa màu đỏ, tôi được mẹ mặc cho chiếc áo dài của mẹ, tay áo được xắn lên đến cổ tay, hai tà áo được mẹ gấp lên theo chiều cao của tôi và cài kim băng ở mỗi bên, tôi đi tới đi lui, tay hất hất hai tà áo theo bước đi và chăm chú ngắm mình trước cái gương dài và hẹp.
Mỗi lần mẹ may áo dài mới, tôi đều được mặc thử để mẹ ngắm xem màu áo thế nào trên dáng của con.
Dần dà, việc được mặc áo dài đứng trước gương trở thành “trò chơi” không bao giờ chán của tôi.
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ tôi đã là con búp bê đặc biệt của mẹ, biết nói, biết cười, biết tung tăng nghịch ngợm….để mẹ tìm niềm vui, cho vơi bớt nỗi nhớ thương ông bà ngoại còn ở lại miền Bắc.
Tôi nhớ những lúc mẹ gội đầu, mẹ ngồi trên chiếc ghế thấp, đầu cúi xuống để mái tóc dày và dài đổ xuống chiếc chậu nhôm nhỏ, tôi nhất định đòi mặc áo dài cài kim băng, đứng một bên múc từng gáo nước bồ kết âm ấm trong nồi dội lên tóc mẹ, rồi vén tà áo dài ngồi xuống khoắng nước, say sưa vò tóc mẹ trong lòng bàn tay…chẳng cần biết hai tay áo dài đã ướt đẫm.
…Rồi cha mẹ tôi dọn nhà đến gần trường học tiểu học Trương Minh Giảng, tôi học ở đấy được hai ba năm gì đó, thì cả gia đình theo cha tôi dọn ra Đà Nẵng.
Tôi lớn dần, mẹ bận rộn với các em nhỏ của tôi, nên trò chơi mặc áo dài cũng thưa dần đi.
Còn đây, đây là những chiếc áo dài thời Trung học….
Năm tôi đậu vào lớp đệ thất trường Trung Học công lập Phan ChuTrinh Đà Nẵng, mẹ may cho tôi một áo dài lụa trắng, một áo dài lụa màu thiên thanh là đồng phục của trường dành cho nữ sinh.
Càng nghĩ, tôi càng thương mẹ. Việc tôi trở thành nữ sinh trung học ngày ấy, đã khiến mẹ nhớ lại tuổi trẻ của mình, nhớ những tà áo dài lụa mềm mại ngày còn ở Hà Nội, nên mẹ may áo dài lụa cho tôi, trong khi tôi vẫn còn rất trẻ con, vẫn chỉ muốn quanh quẩn kín đáo với chiếc áo dài có cài kim băng hai bên tà áo, rồi đi đi lại lại trên giường của mẹ…
Tôi chưa lớn để là một nữ sinh, chưa có ý niệm gì về “nữ sinh với tà áo dài trắng”. Cho nên…những chiếc áo dài lụa trong năm đầu Trung học của tôi, thực sự là bóng dáng thanh xuân của mẹ, là ký ức đẹp và khó quên của mẹ.
Chiếc áo dài lụa bị nhăn nhúm, bị rách toạc vì chạy nhảy, leo trèo, được thay bằng chiếc áo dài vải popline, rồi vải tetoron vào ba năm cuối bậc Trung Học.
Áo dài vải popline đã là bạn chí thiết của tôi, từ một cô bé tóc thường rối bù, mặt đỏ gay, hai tà áo được cột chặt bên hông, chạy như tên bắn trong trò chơi u mọi… hoặc những buổi trưa vắt vẻo trên cây trứng cá phía trước nhà ở Cư Xá Đoàn Kết, ăn lấy ăn để những quả trứng cá mọng đỏ…lúc chờ xe đón đi học lớp buổi chiều…cho đến khi tôi mấp mé tuổi dậy thì.
Các năm cuối bậc Trung học, các bạn không còn chơi u mọi, nhảy dây, hay đánh thẻ nữa, tôi như bị lạc trong thế giới của chính mình.
Thỉnh thoảng tôi có cảm nhận như ai đó có cái nhìn đặc biệt về phía tôi, cũng có lần mơ hồ cảm nhận hình như là tình yêu …nhưng đã không có bàn tay nào đưa tới và cũng không có những quyến luyến mạo hiểm lãng mạn… có lẽ vì tuổi thơ vẫn còn bên tôi…
Đây nữa, đây là những tà áo dài cất giữ thanh xuân của tôi
Từ Đà Nẵng vào Sàigòn học Đại học, tôi từ giã áo dài vải trắng, quần trắng, thay vào đó là chiếc quần đen nền nã, và những tà áo dài lụa, áo dài soie với những màu “đất” nồng ấm.
Những tà áo dài này đã chia xẻ cùng tôi tuổi thanh xuân ở giảng đuờng Đại học Khoa học, những gặp gỡ bất chợt tại Hang đá Đức Mẹ ở trường Thánh Tâm trước giờ học Dương Cầm, những hẹn hò ở nhà sách Khai Trí, những thấp thỏm chờ đợi từ tầng lầu cao của khu nội trú Regina Pacis, những rong ruổi khắp phố với bò bía, nước mía, quán kem…và luôn ở bên tôi mỗi khi hoang mang thương cảm từ phim ảnh bủa vây…
Và hai chiếc áo dài bằng soie màu xanh nước biển và màu cam đỏ sang trọng, là đồng phục mẫu mực một thời của đại học Y khoa Minh Đức, cũng là hai tà áo dài sau cùng tôi được mặc trước khi mất miền Nam, chúng đã chứng kiến một dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước năm 1975.
áo bà ba.
Sau đó, mọi tà áo dài đều phải bị cất giấu hay vất bỏ. Tôi cũng như mọi người vội vã mặc những chiếc áo bà ba, chiếc áo mà thường ngày vốn đậm nghĩa đậm tình thôn xóm của người miền Nam, nay như một thay thế, một che đậy, nhưng đôi lúc cứ như chính nó đã kéo đi mất một thời văn minh đẹp đẽ và lãng mạn.
Còn đây là chiếc áo dài được vẽ trên giấy ở trại tỵ nạn và những chiếc áo dài mẹ tôi gửi sang
…Thương nhớ áo dài, sau khi vượt biên đến được Mã lai, tôi đã ghi tên học may áo dài tại trại tỵ nạn. Chiếc áo dài ước mơ chỉ mới bắt đầu bằng nét vẽ nét kẻ trên giấy, thì tôi được đi định cư. Nó được kẹp giữa những mẫu áo của các con và mớ giấy tờ gì đó hỗn độn được tôi đem theo sang Úc.
Nhưng tôi đã không cắt may áo dài, vì tôi không có cơ hội mặc nó. Mới định cư, đời sống tất bật ngược xuôi, những bữa sáng, bữa trưa ăn vội, để chạy cho kịp chuyến xe bus, xe lửa đến giảng đường, đi thực tập. Áo dài thướt tha quấn quýt đã trở nên vướng víu nguy hiểm trong đời sống chạy theo kim đồng hồ của tôi.
Nhưng tôi đã không cắt may áo dài, vì tôi không có cơ hội mặc nó. Mới định cư, đời sống tất bật ngược xuôi, những bữa sáng, bữa trưa ăn vội, để chạy cho kịp chuyến xe bus, xe lửa đến giảng đường, đi thực tập. Áo dài thướt tha quấn quýt đã trở nên vướng víu nguy hiểm trong đời sống chạy theo kim đồng hồ của tôi.
Biết tôi thèm áo dài, mẹ gửi cho tôi một lô vải soie Pháp đủ màu có thêu hoa. Brisbane ngày đó có một chị may áo dài rất đẹp. Thế là tôi may áo dài mặc trong lễ tốt nghiệp ra trường. Áo dài cho những bữa cơm gây quỹ Kháng Chiến. Áo dài trong các buổi lễ lạc của cộng đồng, nhưng chưa bao giờ tôi mặc thử áo dài đi làm cả, nghĩ lại cũng tiêng tiếc….
Và hai màu áo về sau…
Chỉ một thời gian ngắn sau khi định cư, tôi tham gia vào tổ chức đấu tranh, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (tức Mặt Trận, viết tắt là MT) của Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh.
Màu áo nâu là màu đồng phục của MT. Chiếc áo dài nâu đã gắn bó với tôi trong nhiều năm dài, cho đến bây giờ tôi vẫn còn vương vấn, thương yêu.
Màu sắc nào cũng đẹp, nhưng không màu nào ấm bằng màu nâu. Màu nâu là màu của đất. Đất của miền Nam, đất của miền Bắc trước hay sau năm 75, hay đất của các xứ sở tự do, văn minh giàu có nhất địa cầu, cũng chỉ là màu nâu. Chỉ khác chăng là mảnh đất ấy tươi sáng màu mỡ, có vui, có hạnh phúc hay bị cằn cỗi, nứt nẻ, đau thương, khổ hận. Và mình nghĩ gì, muốn gì khi nhìn thấy sự khác biệt ấy.
Tôi đã viết nhiều về niềm hãnh diện khi mặc chiếc áo dài đồng phục màu nâu, tất cả đều không ngoài ước muốn được chung sức với những người đồng chí hướng khôi phục lại mảnh đất quê hương, làm hồi sinh đất, tìm lại cho đất màu nâu tươi sáng, mà người Việt đã từng có một thời ở miền Nam.
Hàng triệu người đã nằm xuống với ước muốn bảo vệ mảnh đất thân yêu khi cộng sản xâm lăng miền Nam trước năm 1975. Khi miền Nam bị cưỡng chiếm, ước muốn ấy vẫn được tiếp tục tại hải ngoại và trở thành hào khí linh thiêng khi vẫn còn nhiều người tiếp tục xả thân, đổ màu đào trên đường trở về cứu nước.
…Nước bốc tình thương,
đất dậy linh hồn
người và người dập dồn muôn ngọn sóng,
triệu thịt da chung một nỗi ước mong:
“Đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng”
(thơ KCQ Võ Hoàng)
Thời gian trôi, ước nguyện vẫn chưa xong, một thế hệ mới đã vội trưởng thành.
Cần có thế hệ tiếp nối.
Những đắp bồi từ thế hệ trước, sẽ là nền tảng cho thế hê mới.
Ước nguyện của thế hệ trước, sẽ là ước nguyện của thế hệ mới
Thế hệ mới như bầu trời ban mai xanh ngắt, ấm áp tràn đầy ước mơ và hy vọng.
Tà áo nâu, tà áo đã giữ hơi ấm của đất một thời, giữ ấm hình hài những người đã hy sinh một thời… được thay bằng Tà áo xanh.
Tà áo xanh ái ân của Đoàn Chuẩn rồi cũng phai, nhưng tà áo xanh mang trọng trách hoàn thành ước nguyện khôi phục giang sơn, canh tân đất nước, đem hạnh phúc về cho dân tộc, sẽ mãi mãi tươi và không bao giờ phai được.
Tuy không cùng thế hệ, đôi lúc không có cùng suy nghĩ và có lúc quan niệm khác nhau về đời sống, nhưng tôi luôn hỗ trợ và làm hết sức mình có thể, khi được cùng các bạn trẻ tiến bước trong tà áo dài xanh.
Nhưng chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau…tôi xa hai tà áo nâu và xanh nhưng vẫn nhớ và thương cả hai nhiều lắm.
Với chiếc áo dài nâu, tôi có nhiều kỷ niệm vì đã được mặc chiếc áo này từ những ngày còn trẻ, từ lúc những người cùng thế hệ, cùng tuổi với tôi chia xẻ với nhau những ký ức về chiến tranh, tình yêu, vượt biên, chết chóc, nhớ nhà, nhớ nước… lúc những điều này vẫn còn mới, còn tươi!
Chúng tôi đã nghẹn ngào bên nhau, gắn bó với nhau, rồi thành tri kỷ của nhau. Tà áo nâu vì thế đã không bao giờ phai nhạt trong tôi.
Từ chiếc áo dài có kim băng thời bé nhỏ đến chiếc áo dài nâu, áo dài xanh sau này, chiếc áo nào cũng ấp ủ một điều gì đó, hay dính líu điều gì đó trong cuộc đời tôi… nên chúng không thể tách rời khỏi tôi.
Chúng là quá khứ, là kỷ niệm, tôi luôn giữ gìn cẩn thận, để được nghĩ đến và nhớ hoài, như nhớ những phần đời vô cùng quý báu và tươi đẹp đã qua…(PDH 07/22)
01.08.2022
Diem Huong Pham