Phát biểu ‘ăn dày’ là trơ lì với tham nhũng

RFA|

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ sáng ngày 23/6, một cử tri ở quận này đề nghị xử lý nghiêm vụ nâng khống giá mua máy xét nghiệm COVID-19 ở một số địa phương mà báo chí trong nước đăng tải thời gian gần đây.

Đáp lời yêu cầu của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cập nhật thông tin nhóm nâng giá máy xét nghiệm tại Hà Nội đã bị công an bắt giữ.

Đồng thời nhận định sẽ không giảm nhẹ tội cho những cán bộ này vì đã “ăn quá dày” khi kê khống các máy chỉ 2 tỉ đồng lên đến 6 - 7 tỉ đồng.

Nhận xét phát biểu của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, Nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cho rằng:

“Bà ấy vô tình vô ý nhưng bà ấy nói thật. Bà ấy đã từng làm theo hệ thống nhưng chắc ngày xưa không ‘ăn dày’ như vậy, ăn mỏng nhưng ăn nhiều lần, ăn trong nhiều năm. Từ hồi bà làm cán bộ đến nay chắc ăn mỏng nhiều lắm. Nói lên sự thật của chế độ độc đảng: vào đảng để tham nhũng quyền lực, tham nhũng tài sản. Nếu khôn ngoan, mị dân sẽ ăn từ từ, ăn nhiều đầu mối, nhiều nơi, ăn mỏng thôi, tích tiểu thành đại. Mấy ông kia thì bà ấy cũng nói thật là ăn một quả quá đậm, từ 1,5 tỷ mà kê đến 7 tỷ thì gấp mấy lần, đáng lẽ kê gấp đôi thì không sao.”

Dưới góc nhìn chuyên môn về ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết cả ông và bạn ông đều ngạc nhiên trước việc dùng từ ‘ăn dày’ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

“Ngạc nhiên của anh ấy là người thuộc hàng cao nhất theo thể chế ở Việt Nam mà lại nói bỗ bã theo kiểu dân đen bình thường. Nhưng cả anh lẫn tôi đều thấy là cái bỗ bã ở bên ngoài, còn cái quan trọng hơn là cách nói ‘ăn dày’ quá dường như người cao nhất đất nước dần dần chấp nhận thực tế là ở Việt Nam hết sức phổ biến hiện tượng tham nhũng. Sau một thời gian người ta trơ lì với tham nhũng, trơ lì đối với những người làm hành vi tham nhũng và trơ lì với những người nghe chữ tham nhũng. Có ai ngờ người lãnh đạo cao nhất cũng có dấu hiệu trơ lì như vậy.”

Đồng quan điểm cho rằng phát biểu của bà Kim Ngân là sự thật và chính xác tệ nạn tham nhũng trong xã hội Việt Nam hiện nay, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già còn cho rằng về mặt luật học, bà Chủ tịch Quốc hội không được phép sử dụng ‘ăn dày, ăn mỏng’ mà phải căn cứ vào pháp luật.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc già còn đánh giá rằng phát ngôn của bà Kim Ngân còn chứng tỏ bà là một người không hiểu biết gì về nghệ thuật chính trị.

“Trong những quốc gia độc đảng toàn trị, họ không chịu sự giám sát và họ không hề chịu trách nhiệm trước những phát ngôn bất cẩn. Vì vậy họ có quyền tuyệt đối trong tay nên họ không lưu tâm đến chuyện ăn nói trong vai trò là một chính khách. Vì vậy nó cũng góp phần làm rõ cho người dân thấy những phát ngôn của người cộng sản dù ở cấp cao nhất thì họ cũng chứng tỏ trình độ của họ.”

Vào ngày 6/5 vừa qua, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho báo giới trong nước biết sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án nâng khống giá mua hệ thống xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.


Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố và bắt giam ngày 22/04/2020

 

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong vụ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19, 7 cán bộ có liên quan đã cấu kết, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần.

Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng không chỉ riêng vụ việc mua máy xét nghiệm SARS-CoV-2, mà căn bản là văn hóa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ‘văn hóa phong bì’ đã có từ rất lâu và thậm chí còn được công khai trong thời gian trước. Ông dẫn chứng:

“Đến thời ông Đỗ Mười trở đi ngay cả ông Đỗ Mười tôi đọc một số báo ông hỏi trong hội nghị các nhà báo Lê Phú Khải và một số nhà báo ‘đã lấy phong bì chưa’. Thế phong bì là một kiểu tham nhũng rồi. Đi họp là việc phải đi sao các nhà báo đến lại được phong bì? Bất cứ ai đến họp được phong bì thì tiền đó ở đâu? Ở dân! Nếu có lương, tiêu chuẩn, tất cả mọi thứ rồi tại sao lại có phong bì dày mỏng, có khi mỏng lại bị chê?”

Còn theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, căn bệnh tham nhũng trong vụ mua máy xét nghiệm virus Vũ Hán và những lãnh vực khác đều không có thuốc chữa. Trong đó, qua phát biểu vừa nêu của bà Kim Ngân lại một lần nữa xác định rõ chế độ cộng sản ở Việt Nam tồn tại là nhờ ở tham nhũng.

“Những cái họ đưa ra theo chủ trương gọi là ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ phản ánh tình hình đấu đá trong nội bộ của người cộng sản với nhau. Nó không mang thực chất chống tham nhũng, tham nhũng xuất phát do chế độ độc đảng toàn trị, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối nên không chống được.”

Do đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng nếu diệt tham nhũng tức là diệt chế độ và điều này đã được chính lãnh đạo cao cấp nhất như ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.

PGS. TS. Hoàng Dũng cũng đưa ra quan điểm cho rằng căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam không thể chữa được. Ông hoài nghi rằng chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra liệu có tác dụng hay không khi người dân thấy được sự trơ lì với tham nhũng qua phát biểu của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 23/6 vừa qua.

Fb Nguyễn quốc Việt

Đã ăn không chừa thứ gì
Thì so dày, mỏng làm chi vậy trời
Muốn ăn, khỏi đợi ai mời
Ăn vặt, ăn chính...cả đời cứ ăn