- canhco’s blog – RFA
‘…Chưa có nước nào trên thế giới nghĩ tới biện pháp này vì nước người ta hiểu rõ càng in tiền ra nhiều thì lạm phát theo đó mà tăng cao. Hơn nữa cho dù có in tiền mới ra chăng nữa thì khi chúng lưu hành trên thị trường ngay lập tức sẽ trở thành cũ…’
Nhật có lẽ là nước đầu tiên gửi 1.000 nhân viên y tế sang giúp Trung Quốc đối phó với thảm họa Coronavirus. Thế giới ngưỡng mộ nước Nhật về những hành động thiết thực này nhưng ít ai để ý tới tầm nhìn của nước Nhật khi nhanh chóng tiếp cận với vùng bị dịch, trước nhất là trợ giúp y tế cho nạn nhân nhưng quan trọng hơn Nhật đang thực tập bài học chống dịch ngay trên vùng bị dịch hóa.
Từ sự tiếp cận này Nhật sẽ có kinh nghiệm như chính bệnh dịch đang hoành hành tại Nhật để có thể biết đích xác nếu cùng trường hợp như vậy xảy ra tại Tokyo thì chính phủ và hệ thống y tế của Nhật sẽ phải làm gì trong ngắn và dài hạn. Nhóm chuyên gia này không những học hỏi được những gì mà nạn nhân của Trung Quốc cần mà họ còn có thể lên một phác thảo chính xác những việc cần làm hay những dụng cụ y tế cần phải có cho một trận dịch tương tự trong tương lai, hay thậm chí họ có thể áp dụng ngay khi Coronavirus hoành hành tại Nhật trong tương lai gần.
Là một nước lớn Trung Quốc chưa bao giờ có những hoạt động tương tự như Nhật, chẳng hạn khi Nhật bị động đất hay sóng thần xảy ra Trung Quốc không hề gửi người sang trợ giúp và vì vậy những kinh nghiệm quý giá của Nhật không được Trung Quốc khai thác, học hỏi và khi những trận động đất xảy ra tại Trung Quốc người ta chứng kiến những hành động cứu cấp không thể gọi là hiện đại hay có tính hệ thống mà nó giống như cung cách đối phó thiên tai của những nước đang phát triển.
Việt Nam cũng không thoát ra khỏi tư duy co cụm của Trung Quốc khi đối phó với dịch bệnh. Những quyết định gần đây của chính quyền Việt Nam cho thấy cách suy nghĩ rất đơn giản và duy ý chí.
Trung Quốc đang ê chề vì sự cố bắt 8 y bác sĩ vì cho rằng những người này phát tán thông tin không chính xác về Coronavirus để rồi sau đó Tối cao pháp viện của Trung Quốc buộc công an đã sai trái trong việc cấm công dân phổ biến tin tức về bệnh dịch. Cho tới khi một trong tám người bị bắt, bác sĩ Lê Văn Lượng, qua đời vì Coronavirus cả Trung Quốc rúng động và mạng Weibo tràn ngập những lời lên án chính phủ và hàng triệu người công khai đòi tự do ngôn luận.
Không học hỏi được kinh nghiệm của chính đàn anh trong cùng một vụ việc, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại ký một chỉ thị dài ra lệnh cho các cơ sở trực thuộc Bộ TT&TT phải thắt chặt báo chí, truyền thông nhất là mạng xã hội không được đưa tin về Coronavirus để tránh hỗn loạn xã hội. Chỉ thị có tên: “Về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra” có đoạn: “Chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật”.
Người dân từ rất lâu khẳng định rằng mạng xã hội là nơi thông tin nhanh lẹ đa dạng nhất trong toàn bộ hệ thống thông tin của Việt Nam. Dĩ nhiên thông tin lúc nào cũng có sai lệch, ngay cả báo chí chính thống cũng không tránh khỏi tình trạng này huống hồ là mạng xã hội, nơi tập trung gần phân nữa công dân nước Việt. Vấn đề ở đây cần nêu ra là thế nào là sai sự thật?
Ngay trên bình diện chuyên môn, các chuyên gia về y tế của Việt Nam hiện đang tranh cãi về một chữ có tính kỹ thuật là từ “aerosol” cũng như hiệu quả đích thực của việc dùng khẩu trang vậy thử hỏi Bộ TT&TT có dám đứng ra cấm họ không được thông tin sai lệch hay không?
Người dân có quyền nghi ngờ con số người chết vì Coronavirus tại Trung Quốc là không chính xác vì thói quen che giấu thông tin của nước này đã thâm căn cố đế, vậy sự nghi ngờ ấy có thể bị Bộ TT&TT kết án là bóp méo sự thật để yêu cầu Google hay Facebook đóng cửa hay gỡ bỏ tài khoản của người lên tiếng hay không?
Rồi nữa, bên cạnh những thông tin tiêu cực vẫn xuất hiện những lời lẽ, nhận xét đi ngược lại sự lo lắng của toàn xã hội khi cho rằng chỉ một ngày tai nạn giao thông của Việt Nam bằng cả dịch Coronavirus tại Vũ Hán thì lo lắng làm gì, cứ ăn no ngủ say không việc gì phải xoắn! Trước những thông tin này Bộ TT&TT có cho rằng nó đang phá hoại nỗ lực phòng chống Coronavirus hay không, nếu có thì phải xử lý thế nào?
Trong khi Trung Quốc thử nghiệm dùng tia cực tím khử trùng tiền mặt để chống Coronavirus thì Việt Nam chơi sang hơn ra lệnh các ngân hàng “Cách ly tiền cũ, đưa tiền mới vào lưu thông phòng lây nhiễm”
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN giải thích rằng biện pháp nêu trên được ban hành là do “thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch ở Việt Nam trong lúc Ngân Hàng Nhà Nước chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt.”
Chưa có nước nào trên thế giới nghĩ tới biện pháp này vì nước người ta hiểu rõ càng in tiền ra nhiều thì lạm phát theo đó mà tăng cao. Hơn nữa cho dù có in tiền mới ra chăng nữa thì khi chúng lưu hành trên thị trường ngay lập tức sẽ trở thành cũ vì chúng phải qua tay người sử dụng, mà đã qua tay rồi thì làm sao tránh được chuyện mang mầm bệnh trên những tờ bạc mới phát hành ấy?
Coronavirus có lẽ là phép thử để đời cho nhân dân Việt Nam khi nhìn cách đối phó của chính quyền. Dịch bệnh rồi sẽ trôi qua nhưng những hình ảnh mà chính quyền đang tạo ra nhằm lấy tiếng cho từng cá nhân sẽ không bao giờ được người dân tha thứ.