Pham Doan Trang|
Một trong các tác giả từng cộng tác với Nhà xuất bản Tự Do - nhà văn, nhà báo Phạm Thành (sinh năm 1952, sống ở Hà Nội) - vừa bị công an bắt giam sáng nay, 21/5/2020.
Đây là hành động mới nhất trong chiến dịch trấn áp NXB Tự Do nói riêng và quyền được viết, được đọc ở Việt Nam nói chung, từ mùa thu năm ngoái đến nay. Mới cách đây chưa đầy hai tuần, anh Phùng Thủy, một shipper chở sách thuê cho NXB, đã bị công an phục kích, bắt cóc đem về đồn đánh trọng thương. Tháng 10/2019, một shipper ở Sài Gòn cũng bị bắt, bị đánh tương tự khi đang đi giao sách cho NXB Tự Do, trong số ấn phẩm đó có cuốn “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” của nhà văn Phạm Thành, do NXB Tên Lửa ấn hành.
Về vụ bắt giam nhà văn Phạm Thành hôm nay, NXB Tự Do nhận định:
“Trong quá khứ, chính quyền cộng sản Việt Nam từng nhiều lần đàn áp giới văn nghệ sĩ, nhằm bịt những tiếng nói đối lập, phản biện. Từ các chiến dịch đàn áp nổi tiếng như “Nhân văn Giai phẩm”, “nhóm xét lại chống đảng”, đến vụ án “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do”, từ những vụ bắt giam, cầm tù, sách nhiễu các nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chí Dũng, Lê Anh Hùng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Thư..., đến việc săn lùng người viết, người làm sách; đánh đập, sách nhiễu người giao sách, người đọc sách của Nhà xuất bản Tự Do… Tất cả đều có một điểm chung: sự tàn bạo, bất dung đối với người cầm bút cũng như người cổ xuý cho quyền được cầm bút, được viết, được đọc”.
“Nhưng nhu cầu tự do của người dân không bao giờ có thể bị bạo quyền dập tắt. Các thế hệ người viết nối tiếp nhau vẫn luôn cất lên tiếng nói tự do, tiếng nói vì công lý, hòa bình và dân chủ”.
***
Về phần Phạm Thành, tôi biết rằng ông đã chuẩn bị tinh thần cho sự đàn áp này từ lâu. Bị tống vào Hoả Lò khi tiết trời mùa hè đang nóng tới gần 40 độ C, chẳng phải là điều dễ chịu gì với một ông già gần 70 tuổi. Nhưng thái độ ngạo nghễ lâu nay của ông qua những bài viết, những bình luận nảy lửa trên mạng, và qua cuốn sách chửi thẳng mặt Nguyễn Phú Trọng, mà người yếu bóng vía “chỉ nhìn bìa cũng phát khiếp”, cho thấy rằng ông đã lường trước tất cả và sẵn sàng đón nhận tất cả.
Mà thực ra, không riêng ông. Tôi nghĩ rằng từ trước đến nay, tất cả những người đã dám cầm bút viết về chính trị ở Việt Nam với tinh thần “không kiểm duyệt”, là đều phải tự ý thức được mình đang “viết dưới giá treo cổ” rồi. Số người ấy còn quá ít ỏi, nhưng thời nào, xã hội cũng cần đến họ - những con người sẵn sàng vào tù để theo đuổi công lý, tự do, sự thật trên những trang viết của mình.