Nguyễn Đình Cống
Mấy lâu nay nhiều người cho rằng lãnh đạo nhà nước Việt Nam đang chọn cách đu dây giữa các cường quốc. Họ nghĩ rằng chọn cách đó là khôn ngoan. Tôi lại nghĩ hơi khác, rằng chỉ nên xem đu dây là giải pháp tình thế, tạm thời, vì đó là sự khôn ngoan của kẻ yếu thế mà láu cá chứ không phải cách hành xử lâu dài của người thông minh. Nhưng có phải Việt Nam đang đu dây thật không? Tôi cho là không. Vậy thực chất đang làm gì với các cường quốc.
Trang Bauxite Việt Nam ngày 27/8 đăng bài ‘Cán cân lệch sẽ… ngã’ của Lưu Trọng Văn, trong đó có đoạn:
“Hiện Việt Nam đang phải vào tình thế đu dây giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nhưng VN lại đang chính danh có hiệp định mức cao nhất của sự gắn bó là “Đối tác Toàn diện Chiến lược” với Trung Quốc, trong khi đó lại chỉ chính danh ký kết hiệp định “Đối tác Toàn diện,” mức thứ ba của sự gắn bó, với Mỹ. Điều này thể hiện ở khía cạnh chính danh, cán cân quá lệch về phía Trung Quốc bấy lâu nay… Chúng ta phải minh bạch và sòng phẳng trước thực tế chính danh này.”
Bài của Lưu Trọng Văn gợi cho tôi ý nghĩ rằng lãnh đạo nhà nước Việt Nam không đu dây mà đang làm một việc tồi tệ hơn, đó là ôm chân Trung Cộng và lợi dụng lòng tốt của Mỹ với ý nghĩ rằng Mỹ đang cần sự ủng hộ của Việt Nam.
Khái niệm cơ bản của đu dây là giữ cân bằng. Không những Lưu Trọng Văn mà rất nhiều người thấy rõ sự mất cân bằng.
Việt Nam đề ra chính sách ba không rồi nâng lên thành bốn không là mắc vào âm mưu thâm độc của Trung Cộng, là theo chỉ đạo của chúng nó. Làm như vậy đã không biết phải hổ thẹn mà còn ra sức tự hào. Đáng chê trách và cũng đáng thương thay.
Mất cân bằng (hoặc cán cân lệch) sẽ…ngã đổ khi nó đạt đến và vượt qua trạng thái giới han. Sự lạnh nhạt trong việc đón bà phó tổng thống Mỹ vừa qua là thêm một hạt sỏi ném vào phía mất cân bằng. Nếu vẫn tiếp tục như thế này, không sớm thì muộn sẽ ngã đổ. Biết làm sao bây giờ!
Xin chép lại đây lời đề nghị của Lưu Trọng Văn:
“Cân bằng các mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc một cách công khai, minh bạch, tự chủ, độc lập với niềm tự hào Dân tộc là đòi hỏi vô cùng chính đáng mang tính Lịch sử của Nhân dân Việt Nam đối với TBT Nguyễn Phú Trọng – người thực tế theo điều 4 Hiến pháp là lãnh đạo cao nhất hiện nay của Việt Nam. Đáp ứng hay không đòi hỏi này là trách nhiệm Lịch sử của chính nhà lãnh đạo cao nhất ấy.”
GS Nguyễn Đình Cống