Dự kiến từ ngày 8 đến ngày 10/3 phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm sẽ được đưa ra xét xử. Ở Phiên sơ thẩm thì nhóm bị cáo đến 29 người, còn phiên phúc thẩm thì chỉ có 6 người. Vì sao vậy? Vì đơn giản kết thúc phiên sơ thẩm nếu bị cáo không kháng án thì sẽ không có phiên phúc thẩm. Chỉ có 6 bị cáo có án nặng nhất là kháng án còn lại thì có lẽ họ hài lòng với bản án sơ thẩm.
29 người mà 6 người có bản án nặng khác thường, điều đó cho thấy dường như chính quyền CS đã phân 29 bị cáo ra thành 2 nhóm đối tượng: nhóm thứ nhất, đối tượng bị cho là cầm đầu; nhóm thứ nhì là đối tượng làm theo. Theo nguyên tắc “đánh rắn phải đánh cho dập đầu” thì chính quyền CS họ sẽ xử rất nặng những người mà họ cho là “cầm đầu”. Thường thì kẻ tấn công mới bị liệt vào loại cầm đầu nhưng ở vụ án Đồng Tâm này thì kẻ tấn công lại là giám đốc công an thành phố Hà Nội - Nguyễn Hải Trung, ông ta là lưỡi kiếm sắt bén của đảng nên không thể liệt ông ta vào tội cầm đầu được mà tội đó chính quyền đổ lên đầu những người dân bị họ tấn công. Kẻ cầm đầu Nguyễn Hải Trung đã được ông Nguyễn Phú Trọng phong từ thiếu tướng lên trung tướng sau vụ thảm sát Đồng Tâm này. Quy tắc “tao là luật” nó như vậy. Ai bảo làm thường dân chi? Ráng chịu!
Tại các nước pháp quyền, khi nhân viên điều tra bắt bị can họ có nhiệm vụ thông báo “quyền im lặng” cho bị can để đảm bảo quyền lợi cho bị can, đồng thời luật ở xứ đó là cho bị can có quyền có luật sư ngay từ đầu để luật sư đại diện cho thân chủ đối phó với cơ quan điều tra trên cơ sở tôn trọng luật pháp và tránh thiệt thòi cho thân chủ. Đấy là các nước dân chủ, tuy nhiên ở Việt Nam thì khác, luật pháp quy định “quyền im lặng” nhưng không bao giờ cảnh sát điều tra tôn trọng nó. Nếu ai “ngoan cố” mà im lặng thì công an sẽ đem vào phòng kín đánh cho mở miệng khai ra. Tuy nhiên đôi khi họ đánh quá ác nên nạn nhân không những không mở miệng mà còn nhắm mắt vĩnh viễn. Nạn bị can bị giết trong khi bị tạm giam diễn ra rất phổ biến ở cái xứ có cái tên dài lê thê CHXHCNVN này.
Ở tại các nước dân chủ, quyền có luật sư ngay từ đầu là quyền cơ bản để trao cho bị can công cụ đối phó với những trò ép cung nhục hình của cơ quan điều tra. Tuy nhiên ở CHXHCNVN này thì chính quyền CS tước mất quyền đó của bị can. Họ trao cho cảnh sát điều tra cái quyền “cấp giấy phép bào chữa”, và khi nào có giấy phép thì luật sư mới được phép bảo vệ thân chủ. Chính cái trò làm luật gian trá này nó đã tạo ra khoảng trống thiếu vắng luật sư trong quá trình tố tụng theo ý muốn của cơ quan điều tra, chính lúc thiếu luật sư ấy, cảnh sát điều tra ra tay bức cung nhục hình để tạo ra một bản án sai lệch nhưng lại có thành tích phá án nhanh để lập thành tích. Vì vậy ở Việt Nam một khi ai bị công an bắt thì xem như người đó “ốm đòn” với họ. Phải nói với thứ quy định quái đản như thế, rất khó để có án “đúng người đúng tội” được. Đó là lý do tại sao án oan rất phổ biến ở Việt Nam.
Quay trở lại vụ án Đồng Tâm. Đây vốn là vụ án điểm, chính quyền CS muốn xử thật nặng để đè bẹp ý chí dân oan trên toàn quốc như: Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng vv... thì họ khó mà chịu lùi bước trước các luật sư bào chữa. Ngay như kẻ chủ mưu gây tội ác giết người mang xác về phanh thây như Nguyễn Hải Trung mà được thăng quân hàm lên trung tướng thì điều đó cũng có nghĩa cơ hội cho 6 bị cáo kia là rất hẹp. Còn nước còn tát, mong rằng 12 luật sư làm được điều thần kỳ để cứu họ. Mong rằng họ cãi sao cho tòa tuyên hủy án sơ thẩm điều tra lại. Như thế đã là kỳ tích. Mong các luật sư làm nên kỳ tích.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
25.02.2021
Đỗ Ngà