Ảnh: tổng thống Trump và thủ tướng Angela Merkel. Ảnh do Carlos Barría chụp cho Reuters
Tiếp theo tin Mỹ rục rịch rút bớt quân đồn trú ở Đức được đưa ra vào ngày hôm qua, nhiều người đã đoán già, đoán non chuyện gì đã xảy ra. Thêm một số ý kiến từ những người lâu nay đã không thích tổng thống Trump, thì lại thấy lỗi của Trump ... mọi đàng.
Việc Mỹ rút quân ra khỏi Đức, thiệt hay hại thế nào. Và ai sẽ chịu thiệt với chuyện này. Thử nhìn xem chuyện này qua lăng kính của một người ... không biết gì về chính trị, ngoại giao, mà chỉ biết về sự công bằng trong xã hội.
Nato, một tổ chức liên minh giữa các quốc gia Bắc Đại Tây Dương bao gồm các quốc gia Tây Âu cùng Mỹ và Gia Nã Đại ở bên kia lục địa. Liên minh này nhằm tạo thế liên hoàn, kết hợp giữa các quốc gia để kềm chế Nga Sô trong suốt thời gian chiến tranh lạnh. Khi khối cộng sản ở Đông Âu tan rã, các quốc gia cộng sản cũ ở Đông Âu đã nhanh chân xin vào tổ chức này với mục đích nhờ có liên quân có thể ngăn chặn được sự xâm lăng bất tử từ Nga Sô, đàn anh cũ của họ.
Để duy trì hoạt động của Nato, từ năm 2013, các thành viên của tổ chức này đã đồng ý thông qua một luật lệ đóng tiền ... "niên liễm" là 2% GDP của mỗi quốc gia. Thế nhưng theo báo cáo từ 2013 cho đến 2019, có rất ít thành viên tuân thủ theo đúng luật mà mình đã cam kết. Quốc gia được xem là giàu có nhất nhì trong liên minh mà lại làm lơ đóng không đủ, chính là ... Đức Quốc. Việc có lẽ sẽ không có gì, nếu như tổng thống Mỹ không phải là ... ông Trump. Từ khi đắc cử lên làm tổng thống đến giờ, năm nào đi phó hội Nato, Mỹ cũng ...kêu gào, nhắc nhở đồng minh thực hiện ... "nghĩa vụ" của mình. Kêu gào, nhắc nhở không được, ông Trump đã cảnh cáo nhiều lần Mỹ sẽ rút bớt quân khỏi Đức để Đức đứng ra chịu trách nhiệm "phòng thủ" của mình. Dĩ nhiên, thủ tướng Đức, dân Đức, và có lẽ nhiều người ở Tây Âu sẽ không thích điều này và đã lên giọng trách móc Mỹ, "đả kích" tổng thống Trump rất nhiều.
Có công bằng chăng?
Trong những năm qua trong khi quân đội Mỹ đồn trú ở Đức nhằm tránh cho Đức khỏi sự "dòm ngó" của Nga, thì Đức lại "tự nhiên" đi làm ăn buôn bán với Nga trong các "giao dịch" về nguồn năng lượng. Đức không chịu đóng "niên liễm" không phải là không có tiền, mà chẳng qua Đức lại xài tiền theo những 'sách lược' khác có lợi cho Đức hơn là "nghĩa vụ" với ... đồng minh.
Ngược lại với Đức, Ba Lan cũng là một quốc gia trong liên minh Nato, dù nền kinh tế không bằng Đức, tham gia Nato sau Đức, nhưng lại là quốc gia thực thi "nghĩa vụ" của mình thuộc vào hàng ... nghiêm chỉnh nhất. Ba Lan cũng là quốc gia thân thiện bậc nhất với Mỹ, ủng hộ Mỹ trong mọi vấn đề trên thế giới. Ba Lan cũng thường lên tiếng yêu cầu khẩn thiết Hoa Kỳ đem quân đội đến đóng ở Ba Lan. Chính vì thế, cũng rất công bằng khi một quốc gia thực thi đúng "nghĩa vụ" phải được bảo vệ một cách đàng hoàng và vững vàng.
Một điểm cần nói thêm ở đây là sự hiện diện của chục ngàn quân nhân Mỹ. Đâu chỉ có quân nhân không thôi đâu, mà còn có vợ con của họ. Tính sơ sơ nếu có 35 ngàn quân, thì phải có thêm cỡ 15 ngàn công dân Mỹ sinh sống ở vùng đó. 50 ngàn người sinh sống cần phải đi chợ, mua hàng hóa các cái thì sẽ đem lại một khoảng lợi nhuận không nhỏ cho cư dân địa phương. Đức "keo kiệt" không chịu chi tiền đủ để đóng góp với đồng minh. Hưởng lợi được từ số tiền không chịu bỏ ra như cam kết, thì rồi đây sẽ mất đi một số tiền khác khi công ăn việc làm của người dân Đức trong vùng quân đội Mỹ đồn trú không còn nữa. Ngược lại, nếu quân Mỹ chuyển sang đồn trú ở Ba Lan, sẽ kéo theo công ăn việc làm cho người dân Ba Lan khi làm ăn buôn bán với những khách hàng, đồng minh đến từ bên kia bờ đại dương.
Âu cũng là lẽ công bằng với đồng minh vậy. Trách móc làm chi.
---------
Ghi Chú: bài viết có "bản quyền" của Quang An. Làm ơn đừng xoá tên tác giả khi đăng lại, nếu không muốn bị thưa ra toà vì tội ăn cắp "sản phẩm trí tuệ" như cộng sản!