Quan niệm Việt Tân về Hoà và Đồng

Ý nghĩa của Hoà và Đồng được gói ghém trong lá cờ Việt Tân

 

HOÀ

Hoà được thể hiện qua màu trắng của đoá hoa: ánh sáng trắng là ánh sáng thiên nhiên được cấu tạo bởi các gam màu trong cầu vòng.

Mỗi màu có sắc thái riêng biệt nhưng khi nhập chung lại thành ánh sáng trắng. Hoà nhập nhưng không hoà tan vì vẫn giữ được bản sắc của mình khi đứng riêng.

Nhưng khi nhập lại với nhau thì cái riêng hoà hợp theo cái chung, làm cho cái chung có bản chất phong phú đa dạng, đa nguyên, gồm những sự khác biệt nhau trong hài hoà trông như là một.

 

Đảng viên Việt Tân gồm mọi thành phần, mọi giới khác nhau, mỗi người có cá tính riêng, có sở trường sở đoản khác nhau, nhưng khi gia nhập chung vào một tập thể, cùng hòa hợp bổ túc cho nhau trong đảng Việt Tân mà không bị hoà tan bản sắc thành một khuôn duy nhất.

Từ đó, khác biệt bất đồng không có nghĩa là phải bất hoà. Đây chính là thái độ ứng xử của những con người biết trân quý giá trị nhau: Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà: người quân tử bất đồng với nhau nhưng vẫn hoà khí với nhau, kẻ tiểu nhân dù có lúc đồng ý với nhau nhưng vẫn hay hục hặc bất hoà với nhau chuyện đâu đâu.

Ví dụ lịch sử: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh mỗi người có hai đường hướng cứu nước trái nhau nhưng đối xử với nhau rất hoà và tương kính trong khi đó ta thấy có hiện tượng trong cộng đồng tỵ nạn hải ngoại là tuy cùng đồng ý chống cộng nhưng người ta chửi bới nhau hà rầm rồi than thở cộng đồng không đoàn kết.

Làm sao giữ được hoà khí trước những dị biệt?

Trước hết tự mình mở cái tâm và trí của chính mình ra. Để thấy và thực sự cảm được rằng những dị biệt là điều tự nhiên bình thường trong cuộc sống, không những thế mà còn là sự cần thiết cho cuộc sống. Một vườn hoa đẹp không thể chỉ có 1 thứ hoa mà không có loài hoa khác kể cả cỏ dại. Không thể có ban ngày nếu không có đêm. Không thể có sự sống nếu chỉ có 1 loài, 1 chất duy nhất

Làm sao vẫn hoà được và không ghét kẻ nghịch ý mình?

Tâm lý tự nhiên là không thích nghe hay đọc những ý trái nghịch với mình. Và đã không thích ý thì thường ghét luôn chủ nhân của ý nghịch đó. Một khi đồng hoá ý và người là một thì dễ sa vào vũng lầy tấn công cá nhân nhau khi tranh luận thay vì tập trung mổ xẻ bàn cãi trên cái ý.

Người Mỹ có câu: Great minds discuss ideas, medium minds discuss events, small minds discuss persons, dịch thoát ý: đại nhân (tâm hồn lớn) bàn cãi về các ý tưởng, trung nhân bàn cãi về những sự cố, tiểu nhân bàn cãi về các cá nhân.

Cho nên để khỏi làm tiểu nhân, ta tách bạch ý và người riêng ra và nhớ rằng một người có thể có nhiều ý khác nhau (trong hiện tại và theo thời gian), trong đó có những ý hợp với ta cũng như có ý trái nghịch. Khi định ghét người vì ý nghịch thì ráng nhớ lại những lúc đã, đang hay sẽ có những ý hợp với nhau để mà hết ghét.

Nắm được những điều trên ta sẽ thấy thoải mái tranh luận bàn cãi với nhau một cách rốt ráo nhiều vấn đề nhạy cảm hay chia sẻ ngay những bất bình của mình. Vì khi nghĩ rằng bất đồng đưa đến bất hoà, tranh cãi trên một vấn đề hăng quá đưa đến giận ghét, tấn công cá nhân nhau, ta sẽ cảm thấy rất ngại bày tỏ bất đồng với nhau, nên thường nhịn không cãi theo tinh thần 10 điều nhịn chín sự lành để mong duy trì đoàn kết hoà khí. Nhưng kết quả thường trái ngược vì nhịn thì thường ấm ức, lâu ngày tích tụ không nói ra cho đến khi chịu hết nổi nổ bùng mất kiểm soát trước giọt nước nhỏ làm tràn ly đầy. Lúc này là lúc đưa đến đổ vỡ làm tổn thương nhau thật, nhất là khi người khác không thể hiểu sao chuyện nhỏ như giọt nước lại thành lớn chuyện.

Chia sẻ với nhau những bất bình của mình sớm lúc sự bất đồng vẫn còn nhỏ có khi chỉ mới nhen nhúm thường giúp nhau dễ giải quyết sự khác biệt hơn là im lặng để bụng khiến người khác không hiểu mình nghĩ gì, khó tạo cảm thông với nhau. Sự im nhịn thường nung nấu thêm sự bực dọc, từ đó sinh ra những suy diễn chủ quan tiêu cực về nhau và cứ thế vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.

Giữ được tâm thoải mái, không giận ghét sẽ làm cách thức chia sẻ, lời lẽ của ta hiền hoà tròn trịa hơn, ít làm đối tượng khó chịu, mà tâm cũng sẽ mở ra theo mình để lắng nghe mình mà không dựng nên hàng rào phòng thủ, chực chờ phản công. Ngay cả khi sự bất đồng không giải quyết được, ít nhất hai bên sẽ hiểu nhau hơn, hiểu được lập luận, cảm nghĩ của nhau để tôn trọng nhau mà đồng ý trên sự không đồng ý (agree to disagree), và như thế vẫn hoà được với nhau.

Nhưng thực hành được những điều trên, giữ được hoà khí với nhau rồi thì sao nữa?

ĐỒNG

Nếu hoà chỉ để mà hoà thì sẽ chẳng ngồi với nhau được lâu. Vì tuy tôi hoà với anh, tôi tôn trọng các ý khác biệt của anh, tôi vẫn thích chơi với những người cùng chung ý, hợp với tôi hơn là ngồi chơi với anh. Nhưng nếu chúng ta cùng đồng lòng làm chung một việc gì đó, cùng có mục đích chung, thì hoà và ngồi lại đoàn kết với nhau là một nhu cầu cần thiết cho cả hai bên. Đoàn kết không phải là cứu cánh, đoàn kết để mà đoàn kết. Mà đoàn kết để đồng tâm cùng làm, cùng đeo đuổi một chuyện chung.

Chữ Đồng cũng được biểu hiện trong lá cờ Việt Tân với đoá hoa sáu cánh. Đây là hình ảnh của ba trái tim, mỗi hai cánh hoa là phần gốc trên của tim, ba trái tim tượng trưng cho ba miền đất nước hội tụ lại ở tâm điểm của hoa. Đồng Tâm đeo đuổi làm chuyện lớn. Và chính cái mục đích lớn đó, chuyện chung, lý tưởng chung đó, lại trở thành chất keo củng cố, tạo điều kiện cho cái Hoà.

Ví dụ lịch sử : Trần Hưng Đạo có cha là Trần Liễu có chuyện hiềm khích tư thù với em mình là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông). Nhưng trước nguy cơ xâm lược của nhà Nguyên bên Tàu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã dẹp thù nhà mà sát cánh dưới trướng vua Trần Thái Tông dẹp giặc chung. Rồi tuy quyền bính trong tay, công lao trùm đời, ông vẫn chung thuỷ với 4 đời vua Trần liên tục vì trước chuyện đất nước chung, chuyện thù nhà trở nên cỏn con vô nghĩa.

 

Lấy ví dụ gần đây trong cộng đồng người Việt lưu vong. Trong bao chục năm trời, ta nghe những lời than thở sao thiếu đoàn kết, và có biết bao lời kêu gọi phải đoàn kết, phải ngồi lại với nhau trước rồi mới tính được chuyện lớn, phải làm gì. Khi xem đoàn kết là điều kiện cần phải có trước thì mới tính chuyện chung, người ta dễ lẫn lộn xem đoàn kết, hoà với nhau là cứu cánh ưu tiên vì không cảm thấy cái gì là chuyện lớn một cách cụ thể. Nên không ngồi với nhau được lâu. Nhưng khi có chuyện lớn cụ thể chung trước mặt, v.d những lần chống đánh các lãnh đạo VC đến Mỹ, thì chẳng cần ai kêu gào đoàn kết, các cộng đồng, tổ chức, đoàn thể tự nhiên đồng tâm cùng làm việc, chung tay nhắm vào mục tiêu chung.

Như thế HOÀ để ĐỒNG làm Chuyện Lớn Chung.

Và khi nhìn nhắm tới chuyện lớn chung phía trước, thì những hục hặc cá nhân sẽ trở nên chuyện nhỏ, không đáng kể, ta dễ cảm nhận được cái Tôi của mình không quá lớn, cái tâm của ta sẽ mở ra để thấy rằng những dị biệt khác ý nhau nhiều khi là điều rất có ích, giúp vấn đề chung được phân tích mổ xẻ rốt ráo khách quan từ nhiều góc độ khác nhau để từ đó rút ra những giải pháp tốt nhất. Như thế ĐỒNG phát triển cái HOÀ.

Hoà và Đồng có quan hệ hữu cơ với nhau là vì thế. Thực hành tốt quan niệm Hoà Và Đồng trên giúp cho ta nâng tâm trí mình lên cao, dễ thoải mái tinh thần trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.