Vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc (TQ), với dân số 15 triệu, có sức công phá được cảm nhận như một trận động đất kinh hoàng. Nó không chỉ làm rung chuyển thành phố Thiên Tân mà đã làm rung chuyển cả thế giới về sự thiệt hại mạng sống con người, thiệt hại vật chất và nhất là làm cho người ta hãi hùng về thực trạng xấu xa tồi tệ của xã hội Trung Quốc dưới chế độ cộng sản chứa đựng đầy những bưng bít dối trá.
Vào tối ngày 12/8/2015, hai vụ nổ liên tiếp đã xảy ra tại một nhà kho của công ty Tianjin Dongjiang Port Ruihai International Logistics (Hậu cần Quốc tế Nhuệ Hải Thiên Tân Đông Cương Cảng), chứa hơn 700 tấn natri xyanua, một loại muối độc hại, và những lượng lớn hoá chất nguy hiểm dễ gây cháy nổ như kali nitrat, một trong những thành phần chính của thuốc súng, ở một khu công nghiệp của thành phố cảng Thiên Tân, với sức công phá tương đương với 3 tấn (cho vụ nổ đầu tiên) và 21 tấn thuốc nổ TNT (cho vụ nổ thứ hai), tạo ra những quả cầu lửa khổng lồ bốc cao đến nỗi người ta có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa nhiều cây số với sức sóng công phá lan xa hàng cây số khiến nhiều trăm căn nhà gần đó bị tàn phá và cửa kính của những căn nhà ở cách xa 2 cây số cũng bị vỡ tung.
Các nhân chứng sống của vụ nổ đã cho biết như sau:
Cô Zhang Siyu, một người dân sống cách hiện trường vài km, cho The Global and Mail biết: "Tôi nghĩ đó là một trận động đất nên chạy vội xuống cầu thang mà không kịp xỏ giày. Mãi tới khi ra khỏi nhà, tôi mới nhận ra đó là một vụ nổ. Một quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời với những cột khói bụi bốc lên. Tất cả mọi người đều có thể trông thấy nó. Lúc vụ nổ xảy ra, mặt đất rung chuyển dữ dội. Những chiếc xe và các tòa nhà cũng rung lắc. Kính từ một vài tòa nhà vỡ vụn và mọi người bắt đầu bỏ chạy". Cô Zhang cho hay cô chứng kiến nhiều người bị thương đang khóc lóc vì đau đớn. Không thấy ai thiệt mạng nhưng Zhang có thể "cảm thấy cái chết".
Cô Monica Andrews, giáo viên người Canada sống gần khu vực xảy ra vụ nổ, bị đánh thức và vô cùng sợ hãi vì nghĩ đó là một trận động đất: "Tôi nhìn ra cửa sổ và trông thấy bầu trời đỏ rực. Tôi đã tận mắt chứng kiến vụ nổ thứ hai. Mọi thứ rất hỗn loạn. Tất cả mọi người rời khỏi chung cư vì nghĩ có động đất. Ánh sáng và ngọn lửa phát ra từ vụ nổ thật đáng sợ".
Ông Han Xiang miêu tả vụ nổ giống như trận động đất năm 1976: "Nhưng sau đó, đám mây nấm khổng lồ khiến chúng tôi nghĩ mình đang ở trong một cuộc chiến tranh".
Theo con số của chính quyền thì đã có ít nhất 112 người thiệt mạng (dựa trên số thi thể đã được tìm thấy, không kể số người hiện bị coi là mất tích) bao gồm hơn 20 lính cứu hoả, khoảng 1 ngàn người bị thương nặng nhẹ, 10 ngàn chiếc xe hơi đậu xung quanh khu nổ bị cháy đen, khoảng 17 ngàn gia đình mất tiêu nhà cửa, 1.700 xí nghiệp công nghiệp và 675 hộ kinh doanh bị thiệt hại, và vô số người lo bị nhiễm độc. Hiện đã có khoảng 10 ngàn y bác sĩ đang làm việc cứu chữa cho những người bị thương. Đến sáng ngày thứ ba (18/8) thì con số lính cứu hoả bị tử thương được xác nhận là 50 người.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác thì mức thương vong cao hơn nhiều. Trang mạng Đại Kỷ Nguyên loan tin có 1,400 bị chết, hơn 700 người mất tích.
Vụ nổ kinh hoàng đã gây nên nhiều thắc mắc và phẫn uất trong dân chúng.
Chất Natri xyanua nguy hiểm khi bị hòa tan hay bị đốt cháy sẽ phóng ra khí hydro xyanua và nếu hít phải sẽ gây cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể người có thể gây chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, cảm giác nghẹt thở, lo lắng, co thắt cơ, co giật, phù phổi, hôn mê và tử vong rất nhanh.
Người dân thắc mắc là tại sao chính quyền địa phương lại có thể cho phép các công ty liên hệ tồn chứa bất hợp pháp khoảng 7 chục lần hơn số lượng cho phép những hoá chất độc hại và những chất dễ gây nổ trong chu vi khu dân cư sống như vậy mà chỉ đến bây giờ khi tại họa xảy ra thì nội vụ mới nổ tung ra. Chính quyền TQ đã chính thức xác nhận nguồn tin trên.
Vậy ai là người đã phê chuẩn cho phép đặt nhà kho trái quy định? Chủ của công ty là ai? Tờ Đa Chiều ngày 15/8 đã tìm hiểu và cho biết là ông chủ thực sự của công ty này là thông gia với Phó thủ tướng Trương Cao Lệ; người phê chuẩn cho phép xây dựng nhà kho trái phép là Hà Lập Phong, nguyên Bí thư khu Tân Hải, hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách, phát triển quốc gia.
Cho tới giờ này chính quyền TQ vẫn chưa cho biết chính thức nguyên nhân vụ nổ.
Bên cạnh nỗi khổ đau vì có người thân tử vong và bị thương vì vụ nổ, nhiều ngàn người dân ở Thiên Tân và cả những nơi khác đã vô cùng phẫn uất vì tình trạng thiếu và che giấu thông tin của giới chức trách nhiệm TQ.
Những người có thân nhân mất tích đã la ó kêu gào khi không được cho vào tham dự cuộc họp báo của chính quyền: "Không ai cho chúng tôi biết bất cứ điều gì, chúng tôi đang ở trong bóng tối, không có tin tức gì cả".
Một thanh niên hét lên: "Chúng tôi là gia đình của các nạn nhân, các ông có quyền gì mà đối xử với chúng tôi như vậy?"
Ông Liu, một người cha cho biết ông vẫn chưa liên lạc được với con trai làm lính cứu hỏa: "Chúng tôi cố gắng gọi cho nó ngay khi xem tin tức về vụ nổ trên truyền hình, nhưng không thể nào liên lạc được", AFP dẫn lời người đàn ông họ Liu nói, giọng run run vì xúc động.
Một bà mẹ tên Long tuyệt vọng chờ tin tức về số phận con trai mình là Zhiqiao, một thành viên của một đội cứu hỏa được điều đến cảng Thiên Tân trước vụ nổ: "Có 25 người trong một đội", bà nói. "Một người trong đội của con trai tôi đêm qua được xác định là đã qua đời. Họ không nói bất cứ điều gì về những người khác, họ chỉ bắt chúng tôi chờ đợi và chờ đợi".
Điều mà người ta lo sợ nhất hiện nay là các hóa chất cực kỳ nguy hiểm có thể bay vào không khí, có thể vẫn đang rò rỉ từ hiện trường hai vụ nổ và tiếp tục gây cháy nổ. Các quan chức chính quyền Thiên Tân tuyên bố chất lượng không khí thành phố vẫn chưa có vấn đề gì, nhưng quan chức, cảnh sát và lính cứu hỏa có mặt tại hiện trường đều đeo mặt nạ phòng độc. Mới đây Tân Hoa xã đưa tin nồng độ cyanide trong nước ở Thiên Tân cao gấp 10,9 lần so với tiêu chuẩn an toàn thông thường sau hai vụ nổ. Hiện nồng độ cyanide đã giảm, nhưng vẫn cao hơn tiêu chuẩn an toàn.
Sáng ngày thứ ba (18/8), dân chúng và các nhân viên cứu tế đã dành một phút yên lặng để tưởng niệm những người đã mất, thay thế cho nghi lễ thờ cúng tuần thứ nhất (trong thất tuần – 49 ngày) cho người chết. Sau đó trời đổ mưa làm gia tăng nỗi lo các hoá chất tiếp xúc với nước mưa tạo ra khí độc, và nếu nước mưa cuốn trôi một số lượng lớn hoá chất xuống hệ thống cống rãnh thành phố thì chưa biết điều gì sẽ xẩy ra.
Điều làm cho người ta lo ngại hơn nữa là cách giải quyết vấn đề thiếu minh bạch của nhà nước TQ qua việc hạn chế tối đa những phản ứng chỉ trích mà một trong những việc làm là đã đóng cửa hơn 360 tài khoản mạng xã hội và xử phạt hơn 50 trang mạng với tội danh “gây hoảng loạn do đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, khiến độc giả tung tin đồn thất thiệt”. Theo luật của TQ, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù đến 3 năm.
Giáo sư King Wa Fu của trường đại học Hồng-Kông, người chuyên theo dõi sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền trên trang mạng Weibo (trang mạng chính của TQ) cho biết, sau khi vụ nổ ở Thiên Tân xẩy ra, mức độ kiểm duyệt trên trang mạng vừa kể đã gia tăng gấp 10 lần.
Tờ báo Want Daily của Đài Loan, xuất bản ở Thiên Tân, đã đăng tin về sự bối rối của các cơ quan truyền thông nhà nước trong thành phố sau khi vụ nổ xẩy ra. Đài truyền hình địa phương không có tin tức gì, suốt ngày chỉ chiếu đi chiếu lại phim truyện, trong khi dân chúng hoảng loạn đi tìm kiếm người thân.
Hôm thứ hai đã có một số những cuộc biểu tình đòi nhà nước phải minh bạch thông tin. Một số khác thì đòi nhà nước phải mua lại những căn nhà bị huỷ hoại của họ.
Qua vụ nổ Thiên Tân, dựa vào mức độ tác hại khủng khiếp gây ra bởi lượng hoá chất và chất dễ gây nổ được tồn trữ bất hợp pháp nhiều phần là do những cấu kết với ý đồ tham nhũng của các giới chức cầm quyền TQ nay mới lộ ra qua vụ nổ, người ta tự hỏi là ở TQ, với nền kỹ nghệ đang phát triển với mức độ bất kể như hiện nay, còn bao nhiêu những nguy cơ tương tự như Thiên Tân mà người dân chưa biết, và sẽ chỉ được biết khi nội vụ nổ tung ra như kiểu Thiên Tân? Mà không chỉ trong công kỹ nghệ hoá chất; cách đây 2 tháng, vụ hoả hoạn tại một trại gà ở tỉnh Cát Lâm (Jilin) đã giết chết 121 người.
Hơn thế nữa, nếu việc quản trị những nhà máy sản xuất điện cũng như vũ khí hạt nhân cũng tồi tàn như Thiên Tân thì tai họa đổ lên đầu người dân còn khủng khiếp biết chừng nào!
Và là người Việt Nam thì phải rùng mình khi nghĩ là nhà nước CSVN đang học đòi theo mô hình phát triển của Trung Cộng.
Hoàng Trường