Tân Phong - Web Việt Tân|
“Trung Quốc không phải là một siêu cường, cũng không bao giờ tìm cách trở thành siêu cường. Nếu ngày nào đó Trung Quốc đổi màu và trở thành một siêu cường, cũng đóng vai bạo chúa trên thế giới, và buộc khắp nơi chịu đựng sự bắt nạt, hung hăng và bóc lột của nó, thì mọi người trên thế giới cần điểm mặt chủ nghĩa đế quốc – xã hội của nó, vạch trần nó, chống lại nó và hợp tác với nhân dân Trung Quốc để lật đổ nó.”
– Đặng Tiểu Bình phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 10 tháng Tư, 1974
Trung Quốc có một câu cách ngôn “người và hàng hóa Trung Quốc ở đâu, biên giới Trung Hoa ở đó.” Quả thực, dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có tài thiên bẩm về thương mại, họ là những thương gia cự phách trong suốt tiến trình lịch sử đã để lại dấu ấn trên những con đường giao thương cổ xưa xuyên lục địa Á – Âu, băng qua sa mạc Gobi khắc nghiệt nhất thế giới mà chúng ta được biết đến với cái tên – “con đường tơ lụa.” Sự thịnh vượng và phát triển vượt bậc về kỹ nghệ của họ trong thời đại đế quốc nhà Đường là cảm hứng cho tham vọng “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình ngày hôm nay.
Năm 2019, GDP của nền kinh tế Trung Quốc đã vượt con số 14.360 ngàn tỷ Mỹ Kim và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai xét về tiêu chí GDP. Sức mạnh kinh tế kéo theo sự tự tin về chính trị, quân sự. “Quá lớn để có thể ẩn mình” – đó là lời khẳng định sức mạnh và tuyên bố từ bỏ phương châm “thao quang dưỡng hối” của họ Đặng để thực hiện tham vọng thống trị thế giới. Khắp thế giới, người ta đang nghe thấy tiếng gầm thét của con rồng Trung Hoa, từ Biển Đông, tới những vùng Bắc Cực xa xôi, dãy Himalaya hiểm trở và đại lục Đen mênh mông.
Với bất kể quốc gia nào, nó cũng nhe nanh, há cái miệng gớm ghiếc như chực ăn sống nuốt tươi những kẻ bé hơn mình, nó phỉ báng các giá trị tôn giáo, văn hóa bản địa, nó đạp bằng các nhà thờ Công Giáo, đốt cháy các giáo đường, tu viện Phật Giáo ở Tân Cương, nó lừa dối tất cả, nó mua chuộc, tha hóa các chính trị gia… Trong khi truyền thông phương Tây công chiếu các bộ phim ca ngợi các giá trị truyền thống Nho giáo, những bộ phim hoạt hình ngộ nghĩnh như “công phu Panda” và hàng ngàn trường đại học khuyến khích sinh viên học tiếng Tàu, “tìm hiểu” văn hóa 5000 năm của Trung Hoa vĩ đại…
Ngày 3 tháng Mười Hai vừa qua, Giám Đốc Tình Báo Mỹ John Ratcliffe đã nói thẳng cách tiếp cận của Trung Quốc với các quốc gia khác chỉ gói gọn trong 3 chữ R (Rob, Replicate and Replace: Cướp – Nhân bản – Thay thế) với tờ nhật báo Wall Street Journal. Mục đích của Bắc Kinh là thống trị thế giới, thay thế vị trí siêu cường của Mỹ. Trung Quốc chính là mối đe dọa lớn nhất với nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới kể từ Thế Chiến Thứ Hai.
XEM THÊM: Trung Quốc là hiểm họa số 1 đối với an ninh quốc gia
Đây có thể nói là một trong số những cáo trạng đanh thép nhất của một quan chức cấp cao Hoa Kỳ với Trung Quốc, chính thức đánh dấu một kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh mới. Cách nhìn nhận về Trung Quốc của cả lưỡng đảng Hoa Kỳ đều giống nhau thậm chí còn luôn chứng tỏ rằng đảng mình có đường lối chống Trung Quốc “cứng rắn” hơn.
Sự kiện RCEP (Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực) được ký kết, hình thành khối kinh tế và tự do thương mại chiếm tới 30% GDP toàn cầu và 2,2 tỷ dân là một thắng lợi chính trị của Trung Quốc tại Đông Nam Á – khu vực có vị trí địa kinh tế chính trị số 1 trong thế giới thế kỷ 21 và đồng thời là then chốt trong chiến lược “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình.
Được đánh giá là một hiệp định thương mại có những tiêu chuẩn thấp hơn so với CPTTP, EVFTA, WTO… về nhiều nội dung như xuất xứ hàng hóa, thương mại điện tử, viễn thông, bảo hộ trí tuệ, mà không có những qui định ràng buộc về môi trường và lao động, RCEP thực chất là một sân chơi của Bắc Kinh tạo ra để dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc có thể phát huy hết các sở trường cạnh tranh bất bình đẳng với khối doanh nghiệp của các thành viên trong RCEP, đồng thời mở đường cho một cuộc Đại Trường Chinh mới, đưa các doanh nghiệp Trung Quốc thoát khỏi sự truy bức của các chính sách bài Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Tất cả các nước tham gia RCEP đều có những lý do thuyết phục về việc tham gia hiệp định này. Nỗi lo sợ bị mất ưu thế trong cuộc đua tranh kinh tế và lợi ích trước mắt là một lực dẫn dụ quan trọng, nhưng vấn đề ở đây là Bắc Kinh có thể nuốt trôi bất cứ lời hứa hay đơn phương xé bỏ bất các qui định trong các trường hợp cụ thể nếu thấy bị bất lợi và chỉ “tuân thủ” luật chơi khi có lợi. Ở chiều ngược lại thì không. Hãy nhìn cách ứng xử thương mại của Bắc Kinh với Úc trong thời gian qua để thấy việc tuân thủ các qui định RCEP trong tương lai của Trung Quốc. Và như vậy, RCEP đơn giản chỉ là sân chơi sau nhà của rồng Trung Hoa – một bước mở rộng hơn ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị ở Đông Nam Á khi khu vực này trống vắng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Cần phải nhắc lại rằng kể từ 1975 tới nay, Hoa Kỳ đã thua Trung Quốc tới 3 lần ở khu vực Đông Nam Á. Lần thứ nhất là ở cuộc chiến tranh Việt Nam với một thất bại đáng hổ thẹn mà người Mỹ tưởng rằng là mình đã “có lợi” trong các “deals” với Trung Quốc Cộng Sản Đảng. Lần thứ hai là việc để cho Trung Quốc hoàn thiện chuỗi căn cứ quân sự ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và Philipines, tạo ra một hiện trạng cực kỳ bất lợi về lâu dài ở vùng biển chiến lược nhất thế giới. Lần thứ 3 là việc để cho Trung Quốc một mình “múa gậy vườn hoang” tạo ra một sân chơi riêng RCEP bao trùm phần lãnh thổ và kinh tế năng động, quan trọng nhất của Châu Á cũng như thế giới.
Ba thất bại chiến lược này khiến cho Hoa Kỳ sẽ rất khó khăn giành lại được thế cân bằng chứ đừng nói là chiến thắng Trung Quốc ở Châu Á.
Bà Phạm Chi Lan khi được hỏi về suy nghĩ của bà khi Việt Nam tham gia hiệp định này hẳn có rất nhiều lý do và cơ sở cho việc bà thấy “lo lắng nhiều hơn là vui.” Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc theo con số thống kê chính thức khoảng hơn 31 tỷ Mỹ Kim năm 2019 nhưng trên thực tế con số này phải cộng thêm gần 20 tỷ Mỹ Kim đi theo đường “tiểu ngạch,” tức là tương đương mức thặng dư thương mại của cả Hoa Kỳ và EU cộng lại.
Nền kinh tế gia công của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc cả đầu vào và đầu ra và một khuynh hướng rõ ràng là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển dịch về Việt Nam thông qua các phương thức khác nhau như liên doanh, đầu tư, mua lại các thương hiệu và các doanh nghiệp nội địa thông qua những một pháp nhân thứ 3… Trung Quốc đang thao túng và thống trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam, cũng như chi phối các ngành năng lượng, khai khoáng, may mặc, da giày…
Việc tham gia vào RCEP trước mắt không đem lại lợi ích gì rõ ràng mà chỉ gia tăng các chiều hướng đáng lo ngại này.
Chỉ trong 3 tháng gần đây, lượng nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc và xuất siêu vào Mỹ ở các mục hàng hóa cùng loại gia tăng rất nhanh. Xuất siêu hơn 20 tỷ Mỹ Kim – cao chưa từng có trong lịch sử giao thương giữa hai nước và điều đặc biệt lạ lùng trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái mạnh bởi dịch bệnh. Trong những báo cáo gần đây của Viện Chiến Lược Chính Sách Công Thương chỉ rõ rủi ro thương mại khi Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng hóa “tạm nhập tái xuất” từ Trung Quốc và lấy C/O Việt Nam. Động thái mới nhất của Hoa Kỳ là tiến hành đánh thuế các mặt hàng lốp xe ô tô của Việt Nam kể từ tháng Giêng, 2021 như một động thái trừng phạt ban đầu nếu Việt Nam không dừng lại các hoạt động gian lận sẽ phải chịu nhiều rủi ro và thiệt hại lớn hơn.
Những rủi ro mà Việt Nam đối mặt cũng là rủi ro mà tất cả các “đối tác” của Trung Quốc và các thành viên trong RCEP phải đối diện với mức độ khác nhau. Đối mặt với con rồng Trung Hoa quả thực là một điều khó khăn, người ta bị quyến rũ bởi vẻ lộng lẫy, uy mãnh của nó, bị choáng ngợp trước sức mạnh của nó và đến khi nhận ra mối nguy hiểm thì đã quá muộn.
Rất nhiều người muốn tìm hiểu tận cùng điều gì đã tạo ra sức mạnh của một Trung Quốc ngày hôm nay? Vì sao một quốc gia nghèo đói, có dân số tới hơn 600 triệu dân (1979), có địa lý khắc nghiệt lại trở thành một siêu cường chỉ sau 4 thập niên.
Rất nhiều người sẽ nói rằng thành công đó là do thể chế chính trị có hiệu năng cao, chiến lược phát triển hàng hóa tiêu dùng hướng tới xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Đặng Tiểu Bình trong 3 thập kỷ đã có hiệu quả to lớn…bla bla. Vâng, tất cả đều đúng cả. Và cả những chiến lược “thâm như Tàu” của họ trong các vấn đề ăn cắp công nghệ, thao túng thị trường, lũng đoạn hệ thống chính trị các lân bang, cạnh tranh không lành mạnh, phá hoại xã hội của các quốc gia khác một cách có hệ thống bằng việc hỗ trợ cho các băng đảng gốc Hoa sản xuất và phân phối ma túy đá khắp thế giới, buôn lậu người, rửa tiền, mại dâm, lao động nô lệ…
Tất cả đều đóng một vai trò nào đó trong việc tạo ra sức mạnh tài chính khổng lồ trong một thời gian ngắn và tiến bộ đáng kinh ngạc về mọi mặt từ khoa học công nghệ, quân sự, truyền thông, kinh tế 4.0… Nhưng để làm được tất cả những điều “phi thường” này, thì không thể không nói tới đặc tính chủng tộc của họ. Có lẽ không một tác gia nào của Trung Hoa có thể nói rõ hơn về điều này như Lỗ Tấn và nếu như bạn đã đọc “Đạo quân Trung Quốc thầm lặng” của Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo thì điều tuyệt vời của tác phẩm đó không phải chỉ là những kiến giải sâu sắc về kinh tế vĩ mô mà rốt cuộc là những câu chuyện về những “thương gia Trung Quốc” mới khiến người ta kinh ngạc. Đó chính là đặc tính chủng tộc.
Không phải đến khi Peter Navarro viết “Death by China” hay “The Coming China Wars”… vạch ra những trọng tội của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thế giới mới được biết tới sức mạnh đen tối của con rồng Trung Hoa. Gần 100 năm trước, “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” của nhà văn Đào Trinh Nhất đáng giá để được coi là một tác phẩm khách quan, toàn diện, sống động khi phân tích truyền thống, đặc tính của dân Hoa Kiều, cũng như vạch trần các thủ đoạn trong việc làm ăn, thao túng thị trường, buôn lậu, thuốc phiện, tiền giả… và ảnh hưởng của “Khách Trú” tới chính quyền sở tại.
Dường như tất cả những gì mà Đào Trinh Nhất đề cập tới, đều được lặp lại theo một văn phong hiện đại hơn, với những con số thống kê của xã hội Hoa Kỳ hiện đại, thay vì ở Việt Nam một thế kỷ trước đó. Và khi đó, Trung Quốc Cộng Sản Đảng còn chưa có hình hài như ngày hôm nay, vậy thì sức mạnh kinh tài, thương mại vượt trội, ảnh hưởng lũng đoạn chính trị bằng vô số những thủ đoạn đen tối của các bang hội người Hoa… những đặc điểm đó, đâu cần tới bàn tay “tạo tác” của đảng Cộng Sản Trung Quốc?
Nếu như tôi nói rằng đặc điểm đó có từ huyết quản của chủng tộc, hẳn nhiên rất nhiều người cho tôi là kẻ cổ xúy phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, để đưa ra nhận định khó khăn này, bản thân tôi đã phải tự thân soi xét bản thể vốn mang một phần dòng máu Hoa của mình, những trải nhiệm thực tế và đào bới trong kho tàng văn hóa, những tác giả lớn của Trung Quốc… với một sự dằn vặt, tự vấn và cả sự sám hối trong nhiều năm. Tôi cũng tin vào câu nói của một nhà văn khi bình phẩm bộ phim hãi hùng vụ về thảm sát rừng Katyn “chỉ có những thể chế tội lỗi, không có những dân tộc tội lỗi.”
Nhưng nếu như một dân tộc bị phỉnh lừa, bị tẩy não và dẫn dắt bởi một thể chế tội lỗi, liệu rằng họ có thể tự thức tỉnh để không làm điều tội lỗi hay không? Người Đức chẳng phải đã tôn sùng Hitler như thế nào, cũng như người Nga tôn vinh Lenin và người Trung Quốc thần thánh Mao Trạch Đông… và 100 triệu mạng người đã ngã xuống cho cuộc thử nghiệm “vĩ đại,” dưới những danh xưng, mục đích lý tưởng của người cộng sản. Đó là lỗi của “dân tộc” hay “thể chế”? Có lẽ là cả hai!
Cốt lõi sức mạnh của con rồng Trung Hoa phải chăng từ yếu tố chủng tộc và truyền thống văn hóa 5000 năm của họ? Nhưng dường như, tất cả những bản tính đen tối đã và đang được hội tụ, kích thích cao độ dưới một lăng kính khổng lồ tạo ra những luồng lửa địa ngục, khạc ra từ miệng con rồng ĐỎ, đó chính là thể chế chuyên chế Cộng Sản Trung Quốc. Ngọn lửa đó đang thiêu cháy thế giới.
Và ta hãy ghi nhớ lời phát biểu này của Đặng Tiểu Bình tại Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng Tư, 1974:
“Trung Quốc không phải là một siêu cường, cũng không bao giờ tìm cách trở thành siêu cường. Nếu ngày nào đó Trung Quốc đổi màu và trở thành một siêu cường, cũng đóng vai bạo chúa trên thế giới, và buộc khắp nơi chịu đựng sự bắt nạt, hung hang và bóc lột của nó, thì mọi người trên thế giới cần điểm mặt chủ nghĩa đế quốc – xã hội của nó, vạch trần nó, chống lại nó và hợp tác với nhân dân Trung Quốc để lật đổ nó.”
Liệu đây có phải là lời tiên tri của Đặng Tiểu Bình? Nhưng rõ ràng thời khắc mà ông ta nói tới đã đến, con rồng Trung Hoa hung hãn đang hăm dọa, áp bức các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là thời khắc mà người dân trên thế giới phải dũng cảm đứng lên chống lại nó. Những cạm bẫy kinh tế là chiếc thòng lọng, đừng trở thành “con tin” của rồng, vì sai lầm đó sẽ khiến chúng ta mất đi tự do, chủ quyền, lãnh thổ trước khi bị thiêu cháy thành tro bụi. Hãy nhìn số phận những người Uighur – Duy Ngô Nhĩ hôm nay, đó chính là chúng ta ngày mai.
Tân Phong
https://viettan.org/rcep-va-nhung-con-tin-cua-rong-trung-hoa/