Rostock-Lichtenhagen 1992: Một cuộc thảm sát được báo trước

Franka Maubach, ZEIT 22-8-2022
Người dịch: Nguyễn Nhật Lệ

DĐKP giới thiệu: Cách đây đúng 30 năm, một cuộc bạo động mang tính kỳ thị chủng tộc ở Rostock-Lichtenhagen vốn có thể đã làm nhiều người Việt Nam thiệt mạng. Xin giới thiệu bài phân tích của GS Franka Maubach, người thử truy tìm nguồn gốc của nạn kỳ thị chủng tộc ở Đức. Bài phân tích rất hữu ích cho người Việt Nam đang sinh sống ở Đức, khi quan tâm đến tâm lý xã hội của người bản xứ.

May mắn là không ai chết, nhưng tác giả gọi đó là cuộc thảm sát vì như tác giả nhận xét, “Sự leo thang về các tin đồn và định kiến, bản chất cực đoan và thời gian của bạo lực, sự tham gia của người dân, khoảng trống quyền lực bi thảm và sự bất động chính trị cho phép người ta gọi đó một cuộc thảm sát”.

Cách đây 30 năm, đối với những người xin tị nạn và lao động theo hợp đồng Việt Nam, bạo lực đã leo thang ở Rostock-Lichtenhagen. Đằng sau điều này là một lịch sử lâu dài về phân biệt chủng tộc, và lan dần qua Cộng hòa Liên bang cũ [Tây Đức].

Từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 8 năm 1992, nhóm bạo lực cánh hữu đã tấn công “Ngôi nhà Hoa Hướng Dương” ở Rostock-Lichtenhagen, chính xác hơn là: tấn công những người sống trong đó. Họ đập vỡ vỉa hè để dùng làm hung khí, ném chúng vào cửa sổ, ném cocktail Molotov và các cây đuốc, cho đến khi tòa nhà bốc cháy. Sau khi trung tâm tiếp nhận những người xin tị nạn ở đó được sơ tán, nơi những người tị nạn chủ yếu từ Đông Âu sinh sống, các cuộc tấn công nhắm vào hơn 100 người Việt Nam trong ký túc xá bên cạnh. Họ chỉ có thể chui qua qua nóc tòa nhà để tự cứu mình.

Những người chứng kiến, hàng nghìn người từ khu vực đó, đã cổ vũ cho những tên tội phạm hung hãn và vỗ tay reo hò. Đó là một đám đông nhóm Quốc xã và những người hàng xóm đã hoành hành trước “Ngôi nhà Hoa hướng dương”. Không ai giúp đỡ. Có lúc, cảnh sát đã rút lui, các chính trị gia đầu hàng bằng cách đưa các nạn nhân ra khỏi Lichtenhagen, có nghĩa là nhượng bộ những yêu cầu thô lỗ: “Người nước ngoài, cút đi!”. Sự leo thang về các tin đồn và định kiến, bản chất cực đoan và thời gian của bạo lực, sự tham gia của người dân, khoảng trống quyền lực bi thảm và sự bất động chính trị cho phép người ta gọi đó một cuộc thảm sát.

Hình ảnh của bốn ngày đó đã bám chặt trong ký ức cộng đồng. Chúng thường xuyên được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Những năm kỷ niệm tròn nói riêng cho chúng ta một tình thế khó xử: một mặt, chúng gợi nhớ lại những sự kiện lịch sử có nguy cơ bị xóa mờ qua những sự kiện hiện tại. Mặt khác, những hình ảnh quen thuộc thường được liên kết với những cách diễn giải khuôn mẫu đã được tạo ra vào thời điểm đó và từ đó đã trở nên củng cố. Những chuyện ấy ngày nay vẫn phải được xem xét lại.

Thay vì chỉ nhìn vào bạo lực bùng phát và các sự kiện trước “ngôi nhà hoa hướng dương”, chúng ta phải đặt các sự kiện trong bối cảnh lịch sử, chẳng hạn phân loại chúng theo lịch sử của thành phố hoặc đối chiếu chúng với các hình thức bạo lực phân biệt chủng tộc, vốn dĩ hơn hẳn và vượt xa các sự kiện lớn ở Hoyerswerda, Rostock-Lichtenhagen, Mölln, Solingen, cũng rất phổ biến. Thay vì tường thuật những gì đã xảy ra theo quan điểm về phía thủ phạm và hành động của họ, chúng ta nên phân tích dựa trên quan điểm của các nạn nhân. Và thay vì chỉ hiểu Lichtenhagen như là lịch sử Đông Đức, chúng ta nên theo dõi các dòng sự kiện liên tục không chỉ liên quan đến CHDC Đức mà còn dẫn đến Cộng hòa Liên bang cũ. Bởi vì diễn ngôn về Đông Đức như là một nước Đức đen tối đã đưa ra và hiện vẫn còn đưa ra một lý do thuận tiện để không phải đối diện với tình trạng phân biệt chủng tộc cụ thể của Tây Đức, vốn đã trở nên đặc biệt độc hại vào những năm 1980. Với sự thống nhất, sự phân biệt chủng tộc ở Đông Đức và Tây Đức sau đó cùng nhau phát triển, củng cố lẫn nhau và gây ra một động lực bạo lực bao trùm cả hai vùng của nước Đức thống nhất và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Các cuộc bạo động phân biệt chủng tộc tại “Ngôi nhà Hoa Hướng Dương” ở Lichtenhagen, khu được xem là kiểu mẫu từ những năm 1970 trước khi trở thành khu nhà ở tiền chế, là một sự kiện đặc biệt bi thảm, nhưng không phải là một sự kiện cá biệt. Lichtenhagen được nhớ đến không ít bởi vì nó đã được ghi nhận và phổ biến gần như tức thời trên các phương tiện truyền thông, trong khi vô số vụ bạo lực khác vẫn không hề được nói đến. Các phương tiện truyền thông đã dựng Rostock-Lichtenhagen như một sân khấu để trình diễn; đôi khi thậm chí còn được tiền cho một màn chào Hitler được ghi vào máy ảnh. [ND: hình ảnh lôi kéo khán giả để câu view hoặc làm quảng cáo].

Trước đây đã từng xảy ra các cuộc biểu tình và bạo loạn trước ký túc xá của các cựu công nhân nước ngoài đến từ Việt Nam hoặc Mozambique: không chỉ ở Hoyerswerda vào tháng 9 năm 1991, mà còn ở nhiều nơi khác. Định kiến ​​đối với lao động hợp đồng đã phổ biến trong thời kỳ CHDC Đức. Họ được tuyển dụng vào khoảng năm 1980 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, để bù đắp cho tình trạng tụt hậu của hiện đại hóa và thiếu lao động, và thường là lao động chân tay nặng nhọc trong các công ty quốc doanh. Mặc dù họ đã được hứa đào tạo về tinh thần “đoàn kết quốc tế”, nhưng thực tế tại chỗ thì khác hẳn – như ở Rostock, nơi nhiều người Việt Nam làm việc khuân vác tại cảng biển, dùng lưng và sức người để mang hàng từ tàu vào bờ. Nhưng lý do gì sinh ra sự phẫn nộ đối với nhóm người này?

Ở Đông Đức, người Việt Nam được coi là có đặc quyền

Trái ngược với thực tế, người dân Đông Đức coi lao động nước ngoài là đặc quyền. Người ta cho rằng họ có khả năng tiếp cận đặc biệt với ngoại tệ và hàng hóa khan hiếm mà họ sẽ tích trữ trong ký túc xá để buôn bán. Trên thực tế, họ đã gửi một phần tiền lương về nước dưới dạng hàng hóa, qua đó hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, bởi vì báo chí chính thức của đảng cộng sản không đưa ra bất kỳ thông tin nào về lao động nhập cư ngoài khía cạnh ý thức hệ, nên đã sinh ra một mạng lưới tin đồn dày đặc và có tác dụng mạnh mẽ.

Bức tranh về “người xin tị nạn giả hiệu”

Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt sau khi thống nhất nước Đức, những người lao động nhập cư thường là những người đầu tiên bị sa thải khỏi công ty của họ, thậm chí có người đã bị sa thải vào năm cuối cùng của CHDC Đức. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao ở Rostock, nơi mà sau năm 1945, một khu vực công nghiệp hàng hải mới đã phát triển, một xã hội công nhân bến cảng bây giờ đang tan rã. Đối với những người lao động hợp đồng trước đây, tự kinh doanh là cách duy nhất để có được quyền ở lại lâu dài. Nhiều người kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, bán đồ gia dụng, sản phẩm điện tử hoặc thuốc lá. Họ đã phải đấu tranh với nỗi sợ hãi cơ bản về sự sinh tồn cũng như sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử hàng ngày.

Cách đây vài năm, nhà báo Christian Bangel của ZEIT đã sử dụng hashtag #Baseballschlägerjahre để lưu hành một thuật ngữ thu hút sự chú ý về bạo lực trong cuộc sống hàng ngày. Trong bộ phim tài liệu truyền hình cùng tên, tâm điểm là các nạn nhân. Ví dụ Nguyễn Đình Khôi, người sống ở Rostock vào thời điểm của cuộc thảm sát. Trước khi thống nhất, anh đã làm việc ở Karl-Marx-Stadt, bị sa thải vào mùa hè năm 1990 và sau đó chuyển đến Rostock để bán hàng tại chợ ở đó. Quầy hàng của anh thường xuyên bị phá dỡ bởi những người phát xít mới. Ngay từ tháng 12 năm 1990, chỉ hai tháng sau khi thống nhất, một bài báo về sự phá hủy quầy hàng của anh đã xuất hiện trên Ostsee-Zeitung. Sau cuộc tấn công này, Nguyễn Đình Khôi cũng tự trang bị vũ khí, với những thanh kim loại và bất cứ thứ gì tiện dụng ở quầy hàng, luôn luôn sẵn sàng phòng thủ.

Bởi vì anh ấy đã có kinh nghiệm bản thân về nạn phân biệt chủng tộc, nên ban đầu anh ấy không ngạc nhiên về tình trạng bạo lực ở Lichtenhagen. Anh nói trong bộ phim tài liệu, điều khiến anh kinh hãi là mức độ của nó và sự kiện số đông người dân đã tham gia: “Rất nhiều người! Hàng nghìn người! Họ xem và vỗ tay!”

Trong khi lịch sử phân biệt đối xử trong cộng đồng Việt Nam có thể bắt nguồn từ CHDC Đức, sự phẫn nộ đối với những người xin tị nạn chỉ thực sự phát triển từ sau năm 1990. Vào thời điểm đó, quy chế tị nạn của Tây Đức được áp dụng Đông Đức – một sự chuyển giao cơ cấu và thủ tục, điều vẫn chưa được khảo sát một cách thấu đáo trên quan điểm lịch sử đương đại. Nhưng các sự kiện của Rostock-Lichtenhagen cho thấy quá trình chuyển giao này thực sự có vấn đề. Nếu bạn nhìn xa hơn bốn ngày bạo động của tháng 8, bạn có thể thấy rằng tình hình trên thực tế đã trở nên tồi tệ trong nhiều tháng trước – và chính các chính trị gia có trách nhiệm đã làm cho nó leo thang. Trung tâm tiếp nhận dành cho những người xin tị nạn, mở cửa vào tháng 12 năm 1990 trong một phần của tòa nhà ngay bên cạnh khu chung cư của người Việt, nhưng không được chuẩn bị cho một số lượng lớn người tị nạn, trong đó có nhiều Romnja Đông Âu. Suốt ngày họ ở trước “Ngôi nhà Hoa hướng dương”, ăn và ngủ ở đó.

Các hộ gia đình lân cận đã phản đối từ rất sớm với những lá thư gửi thành phố: không chỉ chống lại “những người xin tị nạn”, mà còn chống lại những thanh niên Đức hung hãn, mà như họ đã nói trong một bức thư từ tháng 6 năm 1991 là “bẩn thỉu, thối tha, đập phá về đêm” và phản đối “tiếng ồn ào trên đường”. Họ kêu gọi phải thành lập “nhà ở cho người xin tị nạn” ở bên ngoài khu dân cư và lập lại rõ ràng rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không bài ngoại!”.

Ở Cộng hòa Liên bang, nổi lên hình ảnh “người xin tị nạn giả hiệu”

Lời nói và việc làm đã làm chứng cho điều ngược lại. Những định kiến ​​cổ hủ được lưu truyền từ thời CHDC Đức đã bùng phát và trộn lẫn với hình ảnh “người xin tị nạn giả hiệu” vốn đã hiện diện và có ảnh hưởng rất lớn ở Cộng hòa Liên bang [Tây Đức] những năm 1980. “Con thuyền đầy người” [ND: ý nói Boat People] đã được in trên trang bìa của Der Spiegel và đã phục vụ cho đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử. Lúc đó, các phương tiện truyền thông lá cải như SuperIllu, được đọc hàng trăm nghìn lần, đã đưa cuộc tranh luận về vấn đề tị nạn sôi nổi sang phía Đông.

Không lâu sau vụ Lichtenhagen, tạp chí này đã xuất bản một phóng sự có tựa đề “Dân chúng phẫn nộ người tỵ nạn” về một ngôi làng ở Sachsen: 200 cư dân, 84 người xin tị nạn. Trong một tổng hợp phức tạp văn bản và hình ảnh, chủ nghĩa chống người Zi-gan và diễn ngôn về tị nạn đã được kết hợp một cách ấn tượng và trộn lẫn với nhau theo một cách độc hại. Hình ảnh một con mèo chết được cho là xác nhận trực quan rằng, “người Zi-gan”, như nó vẫn được gọi ở khắp mọi nơi vào thời điểm đó, đã ăn động vật (trong báo chí địa phương Rostock, con vật đó là mòng biển thay vì con mèo).

Những đêm bạo lực

Vào thời điểm đó, một số tờ báo đã phát triển để trở thành một phương tiện xã hội trước khi thuật ngữ này thậm chí tồn tại: Những thư độc giả tức giận gởi cho các biên tập viên kêu gọi các chính trị gia giải quyết vấn đề. Ở Rostock, họ thậm chí còn đe dọa bạo lực. Đó là một cuộc thảm sát được thông báo trước: “Trong đêm từ thứ bảy đến chủ nhật, chúng tôi sẽ dọn dẹp ở Lichtenhagen. Đó sẽ là một đêm nóng”, theo Rostocker Anzeiger ngày 19 tháng 8. Nhiều đêm bạo lực diễn ra. Đối với phe cực hữu, họ đã thành công hoàn toàn: Dưới tác động của các sự kiện đó, quyền tị nạn cơ bản đã bị bãi bỏ vào tháng 5 năm 1993.

Nhưng không chỉ có cuộc tranh luận về quyền tị nạn đã được nhập khẩu. Chuyên gia về chủ nghĩa cực hữu Anton Maegerle gần đây đã chỉ ra điều đó và cách những người theo chủ nghĩa tân phát xít Tây Đức tiếp tục châm ngòi cho ngọn lửa Đông Đức. Michael Andrejewski, chẳng hạn, đã thành lập “Danh sách Hamburg cho việc cấm người nước ngoài” vào năm 1982 – cùng một năm khi nhà thơ kiêm công nhân Semra Ertan tự thiêu ở Hamburg để phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Cộng hòa Liên bang. Mười năm sau, Andrejewski đến Rostock để tiếp tục thổi bùng sự tức giận của người dân ở Lichtenhagen bằng những tờ quảng cáo.

Các sáng kiến ​​về “cấm người nước ngoài” đã được thành lập ở nhiều thành phố của Đức vào những năm 1980. Nhưng bầu không khí không những chống lại những người xin tị nạn, mà còn chống lại những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ – và chống lại việc định cư lâu dài của họ. Một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhập cư điên cuồng đã nảy sinh ở mọi cấp độ xã hội, một vũ trụ của riêng với “lòng căm ghét Thổ Nhĩ Kỳ”, như đôi khi người ta vẫn gọi nó. Lúc đó, những ngôi nhà sinh sống của các gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phóng hỏa vào năm 1984 ở Duisburg-Wanheimerort vùng Tây Bắc và năm 1987 ở Schwandorf thuộc Bavaria.

Trong các sự kiện liên tục này xảy ra các cuộc tấn công đốt phá ở Mölln và Solingen vào năm 1992 và 1993, trong đó một số thành viên của gia đình Arslan và Genç thiệt mạng. Chúng không phải là hệ quả của những cuộc tàn sát ở Đông Đức, mà có nguồn gốc riêng, tính cách riêng và nỗi kinh hoàng của riêng chúng.

Thực tế là lịch sử bạo lực phân biệt chủng tộc khoảng năm 1990 hiện đang được xử lý chủ yếu không phải nhờ có nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, những người bị ảnh hưởng nhất quyết yêu cầu được làm rõ. Ở Rostock, Hội Diên Hồng là một trong số đó, là hội những người sống sót được thành lập ngay sau cuộc thảm sát, ban đầu chủ yếu để hỗ trợ cộng đồng trong những vấn đề rất thiết thực như tìm việc làm và quyền ở lại. “Hội đồng Di cư” của thành phố, như nó được gọi ngày nay, cũng được thành lập vào tháng 9 năm 1992.

Tiếng nói mạnh mẽ của Rostock, như Nguyễn Đỗ Thịnh, người đã ở trong nhà trong lúc bị tấn công và sau đó là một thời gian dài chèo lái vận mạng của Diên Hông cùng với Mai Phương Kollath, đã được củng cố trong những năm gần đây bởi thế hệ trẻ. Dan Thy Nguyen, chẳng hạn, một người thế hệ hai của thuyền nhân Tây Đức, đã phỏng vấn những cư dân của “Ngôi nhà Hoa Hướng Dương” và sáng tác thành một vở kịch và một buổi phát sóng trên đài phát thanh. Với anh, họ không xuất hiện như những nạn nhân thụ động, mà là những người sống sót với kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam, những người biết cách tổ chức bản thân trong trường hợp khẩn cấp và tự thoát thân từ mái nhà. Giống như anh, nhà xã hội học Teresa Koloma Beck, trong một văn bản với tiêu đề khiêu khích “Tôi là người chiến thắng, không phải nạn nhân!”, đã yêu cầu phải đưa ra ánh sáng hành động của những người bị bạo lực, dù nhỏ đến đâu.

Nhìn chung, có quá ít thông tin về câu chuyện tự tổ chức của người di cư, đặc biệt lúc nhìn về Đông Đức. Hiểu Lichtenhagen từ nhiều khía cạnh và trên hết là từ quan điểm của những người sống sót sẽ giúp chúng ta mô tả các hình thức phân biệt đối xử và các hành vi bạo lực chính xác hơn và phân biệt rõ hơn giữa chúng với nhau. Một mặt, điều này là cần thiết vì khoa học lịch sử luôn phải được chọn lọc, đặc biệt là hiện nay thuật ngữ phân biệt chủng tộc thường được sử dụng một cách bừa bãi cho các hiện tượng rất khác nhau. Mặt khác, như nhà công luận Carolin Emcke đã viết, “quan sát chính xác, không chỉ phân biệt hời hợt” cũng là một phương thuốc chống lại sự thù hận. Bởi vì chính lòng căm thù đã khái quát hóa mọi thứ. Mặt khác, quan sát cẩn thận có thể tách bạch các nạn nhân với những người khác.

Nguồn: https://www.zeit.de/2022/34/rostock-lichtenhagen-1992-pogrom-rechtsextremismus-rassismus/komplettansicht

Về diễn tiến, quý vị có thể vào Youtube.com, cho từ khóa Rostock-Lichtenhagen sẽ có nhiều video để xem. Xin quý vị hãy chọn các đài đứng đắn, tránh bị rơi vào Fake News của các phe quá khích, hữu cũng như tả.

(Người dịch xin bỏ bớt vài hình cho gọn nhẹ.)

FRANK MAUBACH: Giáo sư sử học về lịch sử cận đại và đương đại tại Đại học Wuppertal.