Đỗ Đăng Liêu - Web Việt Tân|
Yếu tố thành công và tạo sinh khí cho một cuộc mít tinh hay một cuộc biểu tình chính là sự tham gia đông đảo của nhiều người, nhiều thành phần. Nói cách khác, SỐ ĐÔNG quyết định cho sự thành bại của mọi cuộc tụ họp.
Có ai đó đã viết: “Nếu có người rủ ngày mai xuống đường biểu tình thì tôi sẽ tới đó nhưng đứng từ xa quan sát, nếu thấy người tham dự là hàng chục thì tôi sẽ bỏ về; nếu là hàng trăm thì tôi sẽ tiếp tục quan sát; nếu là hàng ngàn thì tôi sẽ vào tham gia.”
Như vậy thì thấy là cái lý (đồng ý với lý do cần biểu tình) và cái tâm (ý muốn tham gia, góp sức) đều đã có. Nhưng đi kèm cái lý và cái tâm thì có cái sợ. Nỗi sợ đã cản trở cả lý lẫn tâm.
Lo sợ là bản chất tự nhiên và bình thường của con người. Kiểm soát được cái sợ để đi đến hành động, tiến hay thoái mới là vấn đề. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân và từng hoàn cảnh.
Trong trường hợp nói trên, khi số người hiện diện đông đảo, và càng đông thì nó ảnh hưởng càng mạnh lên cả ba yếu tố lý, tâm và sợ.
Số đông củng cố lý trí vững mạnh, tự tin hơn vào suy nghĩ của mình.
Số đông cũng kích thích, làm gia tăng quyết tâm hành động.
Số đông, quan trọng hơn cả, tạo cảm giác mình mạnh mẽ (và thực sự là vậy) và làm giảm sự sợ hãi.
Số đông không biến cá nhân đó thành người can đảm hơn nhưng đủ để đưa cá nhân đó từ trạng thái “không dám” đến “dám” hành động.
Lấy một thí dụ nhỏ trong đời thường. Đó là khi một người gặp cảnh một tên du đãng to lớn, bặm trợn, hung hãn đang bắt nạt một phụ nữ mảnh mai yếu đuối thì ta sẽ làm gì?
Không kể những kẻ thuộc loại vô tâm, có thể thản nhiên quay mặt bỏ đi, cho rằng đó là “chuyện thiên hạ,” chẳng đáng quan tâm, thì khỏi nói ở đây. Nhưng là người có ý thức, “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha,” thấy có trách nhiệm phải can thiệp thì ta sẽ làm gì?
Quả thật là không khôn ngoan nếu nghĩ đến việc dùng sức mạnh bạo lực để can thiệp. Vậy can thiệp bằng cách nào? Gọi phone báo cảnh sát, hô hoán làng nước cầu cứu, …?
Có thể tên du đãng sẽ phản ứng rất dữ dội, hung hăng, thậm chí có thể đả thương nếu một mình ta đơn độc yêu cầu hay cản trở hắn. Nhưng hắn sẽ phản ứng ra sao nếu có một số đông, chỉ cần khoảng chục người, cùng bước tới can thiệp ôn hoà bằng lời nói? Có xác suất cao là hắn sẽ phải ngừng và bỏ đi khi thấy tình thế đã trở nên bất lợi.
Như vậy, phải chăng là không cần dùng đến bạo lực, cũng không đòi hỏi sự can đảm phi thường, mà chỉ cần hành động ôn hoà mà vẫn đạt được kết quả tốt đẹp mà mọi người cùng mong đợi nếu có số đông.
Đó là sức mạnh của số đông. Không cần dùng đến sức mạnh bạo lực (dù có hay không), chỉ dùng đến “uy tín và hình ảnh” của sức mạnh mà nó tạo ra. Yếu tố “can đảm” tưởng là cần thiết dường như đã có thể loại bỏ.
Câu hỏi đặt ra là làm sao có số đông?
Số đông không thể tự nhiên mà có. Nó đến từ sự khởi xướng lúc đầu của một hay vài ba người tiên phong, nhưng sau đó truyền lửa để lan tỏa ra nhiều người khác, khi nhìn thấy rõ những sự quan tâm muốn bày tỏ của khối quần chúng thầm lặng về một vấn đề hay sự kiện nào đó. Nói cách khác, số đông khởi đi từ một số người hiểu biết nguyên lý và sức mạnh của số đông, và biết rằng sau họ sẽ có những người khác, cũng hiểu nguyên lý đó, cùng tham gia. Dĩ nhiên, họ cũng là những người hiểu rõ ba yếu tố lý, tình và can đảm hơn người và sẵn sàng hy sinh, chấp nhận rủi ro.
Trong đời sống xã hội, mọi người đều bình đẳng trong cách ứng xử, không ai bắt ai làm nhiều hơn hay hy sinh hơn; nhưng khi cần đến sự nối kết và truyền lửa cho nhau, sẽ có những người tiên phong xuất hiện, đúng theo tinh thần “hào kiệt lúc nào cũng có” để điều hướng mọi người tụ họp thành số đông có ý nghĩa. Vì vậy, hưởng ứng và tham gia phải là bổn phận chung của mọi người khi cùng nhìn ra những nhu cầu thay đổi của xã hội, đất nước để được tốt đẹp hơn.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có hàng trăm, hàng ngàn nhà hoạt động xã hội, những hào kiệt đương thời, đang quằn quại trong lao tù CSVN hay đang bị trấn áp chính là những người tiên phong, chấp nhận mọi hy sinh để truyền lửa yêu nước và khát vọng dân chủ đến với mọi người, chờ mong SỐ ĐÔNG bộc phát trong một ngày lịch sử của đất nước.
Hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng nhau thực tập để tạo dựng số đông vì đó chính là sức mạnh vạn năng, tạo ra những thay đổi dựa trên ý chí dấn thân, tinh thần trách nhiệm của mọi người Việt Nam.
Đỗ Đăng Liêu
XEM THÊM: