Năm 1593, Bruno bắt đầu bị Tòa án dị giáo Roma xét xử, dưới sự chủ trì của Hồng y Bellarmino, do việc chối bỏ một số giáo lý Công giáo nền tảng (như về Ba Ngôi, thiên tính của Đức Kitô, sự đồng trinh của Maria, sự biến đổi bản thể). Quan điểm phiếm thần của ông cũng là một vấn đề bị lưu ý nghiêm trọng.[4] Tòa án đã kết tội và ông bị hỏa thiêu tại Roma vào năm 1600. Sau khi chết, ông trở nên nổi tiếng, đặc biệt là với các nhà bình luận thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 coi ông là một tấm gương hy sinh vì khoa học,
SỨC MẠNH LOÀI THÚ TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
VÀ NHỮNG GIORDANO BRUNO THỜI THẦN QUYỀN CỘNG SẢN
1. Loài vật chỉ có sức mạnh cứng của cơ bắp. Con người khác loài vật ở chỗ con người có hai sức mạnh, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Sức mạnh cứng là cơ bắp và công cụ nối dài cơ bắp, nhân sức mạnh cơ bắp lên như gậy gộc, gươm giáo, súng đạn. Sức mạnh mền là trí tuệ, đạo đức, tình cảm và lương tâm con người.
Sức mạnh cứng là bản năng loài vật thì sức mạnh mềm là căn cước, là chỉ số của tính Người. Không có trí tuệ, đạo đức và lương tâm, loài vật không thể có sức mạnh mềm.
Từ loài vật tiến hoá thành người nên trong mỗi con người đều có hai phần, phần con và phần Người. Con người hoang sơ man rợ, phần con lấn át phần Người thì ứng xử xã hội và phản ứng với thách thức để tồn tại trong cuộc đời luôn luôn bộc lộ sức mạnh cứng. Con người văn minh, phần người là chủ đạo thì ứng xử và tồn tại chỉ bằng sức mạnh mềm và chỉ sức mạnh mềm mà thôi. Sức mạnh cứng chỉ để tự vệ.
Nhà nước là một tổ chức của xã hội loài người cũng có hai sức mạnh. Sức mạnh cứng là công cụ bạo lực nhà nước: quân đội, công an, toà án, nhà tù. Sức mạnh mềm là đạo lí xã hội, là giá trị tự do, dân chủ và luật pháp bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân, bảo đảm mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp giữa cá nhân với cộng đồng, giữa công dân với nhà nước. Sức mạnh mềm chỉ ra bản chất nhà nước, là chỉ số nhân văn, là thang bậc văn minh của một nhà nước.
Con người văn minh chỉ có thể ứng xử xã hội và tồn tại trong thời gian bằng sức mạnh mềm thì nhà nước văn minh trong đời sống dân sự cũng ứng xử và tồn tại trong thời gian bằng sức mạnh mềm. Ba mươi năm, nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược bằng sức mạnh cứng nhưng gần ba trăm năm trị nước, an dân chỉ bằng sức mạnh mềm. Còn gì đẹp hơn, ấm áp hơn về sức mạnh mềm khi tối mùng một, ngày rằm hàng tháng, từ trong hoàng thành, vua Trần thường tự chèo chiếc thuyền nhỏ ra chùa Khán Xuân cùng người dân thắp nhang lễ Phật. Dân lễ Phật tích đức và vua cũng lễ Phật tích thiện. Gần ba trăm năm tồn tại bằng sức mạnh mềm nhà Trần đã tạo ra thời kì thái bình, yên vui, kinh tế và văn hoá phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.
2. Người đứng đầu nhà nước và đảng chính trị lãnh đạo đất nước phải do lá phiếu của người dân tự do bầu chọn lên. Phải đáp ứng được đòi hỏi, mong muốn chính đáng của dân chúng, mới được dân dồn phiếu bầu chọn để thắng cử. Chỉ khi đó nhà nước mới thực sự của dân, do dân, vì dân và là nhà nước thực sự dân chủ.
Chức năng trung tâm và trọng yếu nhất của nhà nước dân chủ là xây dựng luật pháp công bằng, nhân văn, phù hợp với thời đại và thực thi nghiêm minh luật pháp trong trọng trách quản trị đất nước, điều hành hoạt động xã hội và bảo đảm cao nhất quyền con người, quyền làm chủ đất nước của người dân, để người dân được thắng thắn bộc lộ tư duy, được thể hiện cao nhất năng lực làm việc đóng góp cho xã hội và được sống với đầy đủ giá trị làm Người.
Người đứng đầu nhà nước và đảng chính trị dẫn dắt đất nước không do lá phiếu tự do của người dân bầu chọn mà do sức mạnh bạo lực dựng lên. Dù người dân có bị lùa đi bầu cử, dù đại biểu quốc hội có lũ lượt cầm lá phiếu nhét vào hòm phiếu, có nghiêm trang bấm nút biểu quyết cũng chỉ thực hiện vai diễn được quyền lực khuôn định sẵn trong kịch bản, chỉ là con rối do quyền lực giật dây. Đó đích thị là nhà nước độc tài, không thể chối cãi.
Trong nhà nước độc tài, tất cả quyền lực nhà nước trong tay một cá nhân hoặc một đảng chính trị thì nhà nước chỉ tạo ra thứ luật pháp bảo đảm sự cai trị bền vững của bạo lực độc tài. Như nhà nước Việt Nam tạo ra điều 4 hiến pháp dành cho đảng cộng sản quyền đương nhiên nắm quyền lực nhà nước. Chỉ có thứ luật pháp tước đoạt quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ đất nước của người dân. Như các điều 109, 117, và 331 hình sự hoá quyền con người, quyền công dân trong luật hình sự Việt Nam 2015.
Nhà nước độc tài ứng xử với dân, quản trị xã hội và duy trì sự tồn tại đều bằng sức mạnh cứng. Sức mạnh mềm trong nhà nước độc tài chỉ để trang trí, tuyên truyền lừa bịp và mị dân. Mọi nhà nước độc tài đều tồn tại bằng sức mạnh cứng, tồn tại bằng bạo lực nhà nước và sức mạnh mềm chỉ để mị dân. Ứng xử với đời sống dân sự của người dân bằng sức mạnh cứng là bằng chứng rõ nhất của nhà nước độc tài.
3. Sức mạnh cứng dù độc ác, bạo liệt, đẫm máu đến đâu cũng chỉ nhất thời. Từ thế kỉ 18, khi loài người làm cách mạng dân chủ nhân quyền giải phóng cá nhân và bước vào văn minh công nghiệp, không có chế độ độc tài nào tồn tại được trăm năm. Độc tài Liên bang Xô Viết hùng mạnh đến mức cùng với Mỹ chia đôi thế giới, làm ra bom hạt nhân và đưa người bay lên vũ trụ cũng chỉ sống được 73 nâm, 1917 – 1990.
Nhà nước cộng sản Việt Nam tồn tại bằng sức mạnh cứng từ 1945 đến nay, 2023, cũng đã 78 năm. Đỉnh cao muôn trượng “Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng / Trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau / Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu” (thơ của nhà thơ cộng sản Tố Hữu) đã vĩnh viễn qua rồi. Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam đang bộc lộ sự mục ruỗng đến ghê tởm và tàn bạo đến kinh hoàng. Càng mục ruỗng, càng tàn bạo, càng bộc lộ bản chất độc tài và đó là cái kết thúc trong tội ác của một nhà nước độc tài.
Sức mạnh cứng càng bạo liệt, càng thấp hèn. Vì thấp hèn nên sức mạnh cứng càng bạo liệt càng đưa con người xuống thấp dưới loài vật. Chỉ có sức mạnh mềm mới nâng con người lên cao hơn con vật và nâng bước chân loài người bước lên những bậc thềm văn minh ngày càng cao. Chỉ có sức mạnh mềm mới là tương lai của loài người, mới là mãi mãi.
Sức mạnh cứng, sức mạnh của loài thú tràn ngập trong xã hội, dìm xã hội vào man rợ, tối tăm. Duy trì quyền lực bằng sức mạnh cứng, nhà nước ấy thường xuyên tuyên những bản án man rợ với người dân lương thiện và trung thực cũng là tuyên những bản án tử hình lương tâm con người, tử hình đạo lí xã hội và tử hình cả thần công lí!
4. Chỉ có những quan toà lương tâm đã bị giết chết, không còn là con người lương thiện, chỉ còn là con người công cụ trong tay quyền lực mới tuyên những bản án man rợ với những công dân trung thực chỉ ôn hoà bộc lộ chính kiến, chỉ nói sự thật về thân phận ê chề của người dân, sự thật khốn cùng của đất nước trong nhà nước độc tài và chỉ ra sự phản dân hại nước của những quyền lực độc tài đang nắm vận mệnh nhân dân, đất nước.
Đạo lí xã hội đã chết, lương tâm con người đã chết mới có thể vu tội, bắt giam và tuyên án tù đày những nhân cách sáng đẹp làm nên phẩm giá Việt Nam, làm nên sự trường tồn Việt Nam: Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Ngọc Ánh, Lưu Văn Vinh, Đinh Thị Thu Thuỷ, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thuý Hạnh, Trần Bang, Nguyễn Lân Thắng . . . Nhiều lắm, không sao kể hết những tâm hồn con người, những khí phách Việt Nam bị những công cụ bạo lực không còn lương tâm bắt giam, bị những quan toà lương tâm đã chết bịa đặt, gán ghép tội trạng và trơ tráo tuyên án.
Chỉ có táng tận lương tâm đến kiệt cùng, lương tâm con người đã chết ngóm mới có hạng quan toà nhân danh nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên án tử hình bà Nguyễn Thị Năm, người đàn bà goá bụa đã dốc tiền bạc, của cải ra nuôi nhà nước cộng sản Việt Nam từ khi nhà nước cộng sản vừa ra đời không một cắc bạc trong ngân khố, không một hạt gạo trong kho nhà nước.
Tưởng như từ rừng rú tối tăm ra đô thị ánh sáng thì bản án man rợ giết người đàn bà 47 tuổi, giỏi việc nhà, đảm việc nước Nguyễn Thị Năm vĩnh viễn không còn nữa. Tưởng như dưới tán rừng già chỉ le lói chút nắng xiên khoai chiều tà, những du kích áo nâu vá vai chân đi dép cao su dẫn giải bà Nguyễn Thị Năm vào rừng, nổ súng giết người đàn bà tần tảo việc nhà, nồng nân yêu nước vĩnh viễn chìm sâu vào thời mông muội đã qua.
Nhưng không. Nhà nước độc tài còn ứng xử với dân bằng sức mạnh cứng, còn coi tiếng nói sự thật hợp pháp, chính đáng của dân nhưng không thuận tai độc tài đều là thế lực thù địch thì còn những vụ hành quyết thê thảm, rùng rợn hơn cả vụ hành quyết bà Nguyễn Thị Năm, ân nhân của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Ngay trên đất thủ đô chan hoà ánh sáng điện, giữa thời yên hàn, trong đêm thanh bình của làng quê, một trung đoàn cảnh sát cơ động, binh giáp nai nịt từ đầu đến chân, ầm ầm nã đạn, bắn pháo sáng, xông vào tận giường ngủ xả đạn vào đầu, vào ngực cụ già 85 tuổi đời, chưa hề có tội bị truy tố, 59 tuổi cộng sản, còn đang sinh hoạt đảng. Tổ chức thế trận lớn, huy động vũ khí hiện đại, giết dân rầm rộ và rùng rợn như vậy thì còn hoang dã, rừng rú gấp nhiều lần vụ âm thầm giết người đàn bà 47 tuổi Nguyễn Thị Năm trong rừng Thái Nguyên giữa thế kỉ trước.
Trong ánh sáng cách mạng dân chủ nhân quyền, quyền tự do ngôn luận đã là lẽ sống của con người thời văn minh công nghiệp, trong kỉ nguyên văn minh tin học thế kỉ 21, tự do ngôn luận đã trở thành năng lượng cuộc sống, thành sức mạnh thời đai mà những tâm hồn nồng nàn yêu nước, trung thực và ôn hoà sử dụng quyền tư do ngôn luận bộc lộ chính kiến trước những vấn nạn của dân của nước còn bị vu tội tuyên truyền chống nhà nước rồi liên tiếp và kéo dài như bất tận những vụ bắt giam, những phiên toà không có công lí vu tội người dân bộc lộ chính kiến về thời cuộc thì còn hoang dã và rừng rú gấp nhiều lần phiên toà tử hình bà Nguyễn Thị Nam trong rừng Thái Nguyên năm 1953.
Còn gì man rợ hơn giữa kỉ nguyên văn minh tin học người dân lên tiếng chỉ ra sự thật về hiện thực đất nước và hiện thực trong lòng người liền bị bắt giam bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước và phải nhận những bản án sáu năm, chín năm, mười năm, mười lăm năm tù.
Thế kỉ 16 trong nhà nước thần quyền Roma dưới quyền uy của giáo hội, nhà khoa học Giordano Bruno bị toà án dị giáo Roma buộc tội chống giáo hội, bị thiêu sống vì G. Bruno công bố phát hiện trái đất tròn và trái đất quay quanh mặt trời.
Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Ngọc Ánh, Lưu Văn Vinh, Đinh Thị Thu Thuỷ, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thuý Hạnh, Trần Bang, Nguyễn Lân Thắng . . . chỉ nói sự thật phải nhận án tù của toà án dị giáo cộng sản chính là những Giordano Bruno thời thần quyền cộng sản.
16.04.2023