Nguyễn Phú Trọng sẽ làm thế nào để gỡ khó từ ràng buộc ‘công bằng và đối ứng’ và ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ của Trump?
Phạm Chí Dũng – VOA|
Vào những ngày này, giới chóp bu của chính thể độc tài ở Việt Nam hẳn đang khó ngủ. Thật trớ trêu, buổi ban mai cho một hiệp định thương mại giữa chính thể này với Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa hé mở thì lại phải nhận ngay một dự cảm cảm tối sẫm về những đòn trừng phạt thương mại đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lại đánh thuế thép Việt Nam!
Bởi cái cách mà Trump thốt ra - một cách mỉa mai và có phần nổi đóa - về Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019 là khá giống với tâm trạng và ngôn ngữ của Trump ngay trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra.
Biệt danh đầy miệt thị trên, không có vẻ là cách nói bốc đồng của Trump, đã phát ra một chỉ dấu đáng sợ: nền kinh tế Việt Nam - lảo đảo như một kẻ say rượu trong suốt 11 năm suy thoái qua - vào lần này phải đối mặt với một nguy cơ thực sự khi Việt Nam có thể trở thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, bị Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Nói là làm. Chỉ ít ngày sau sự xuất hiện biệt danh “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” của Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại nước này đã thông báo sẽ đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% - một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017.
Vì sao giới chức Mỹ trở nên nghiêm khắc với hàng hóa Việt Nam?
Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ?
Từ cuối năm 2017, những đòn trừng phạt đầu tiên của Trump đã khởi động. Thoạt đầu là những cú tăng vọt thuế lên mặt hàng tôm, rồi sau đó là thép và cả nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ. Nhưng những đòn này vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn sang tương lai đầy đe dọa bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Bắt đầu từ năm 2018, Trump khởi động chiến dịch tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc và có thể cả vào hệ thống chính trị độc tài của quốc gia đông dân nhất thế gới này. Chỉ ít lâu sau đó, một làn sóng ngấm ngầm di chuyển vùng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra. Còn đến khi Trump áp thuế cao ngất lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc thì làn sóng doanh nghiệp Trung đổ bộ vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ USD đăng ký vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhưng nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Bất chấp chính thể Việt Nam đang cố sức ve vãn Mỹ bằng nhiều thủ thuật ngoại giao, bằng bức tranh lợi ích thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Việt, bằng miếng mồi ‘hợp tác quốc phòng giữa hai nước’ và có thể bằng cả triển vọng lực lượng quân sự Mỹ có thể đặt chân lên quân cảng Cam Ranh, tiền vẫn là tiền - trong não trạng, quan niệm và bản chất của một nhà kinh doanh quá đỗi thực dụng như Donald Trump.
Một lần nữa, nhưng vào lần này có vẻ là thật, quy tắc ‘công bằng và đối ứng’ của Trump rất có thể sẽ áp đặt một cách thực chất lên cán cân thương mại Việt - Mỹ.
Việt Nam sẽ chỉ được xuất siêu vào Mỹ dưới 8 tỷ USD/năm?
Chỉ ít tháng sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã giương cao ngọn cờ ‘công bằng và đối ứng’ - một đòn thương mại liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại cho kinh tế Mỹ’ và đòi hỏi các Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ phải thực thi những biện pháp quyết liệt về hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng Việt Nam.
Đến tháng 5 năm 2018, một tin rất xấu xảy đến với chính thể độc đảng ở Việt Nam: Hoa Kỳ lộ hẳn mục tiêu ‘đòi nợ’ qua cán cân thương mại Mỹ - Việt quá chênh lệch trong những năm qua. Khi đó, ông Jeffrey Gerrish - Phó Đại diện Thương mại Mỹ đã tiến hành một chuyến công du đầy ẩn ý đến Hà Nội và gặp một quan chức cao cấp phụ trách kinh tế của Việt Nam là Ủy viên bộ chính trị kiêm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Mặc dù báo đảng Việt Nam chỉ tường thuật sơ sài “ông Jeffrey Gerrish, Hoa Kỳ mong muốn đạt được các thoả thuận với Việt Nam liên quan tới các vướng mắc về nhập khẩu ô tô, thanh toán điện tử và quy định về đặt thiết bị quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam trong dự thảo Luật An ninh mạng”, nhưng một số nhà quan sát kinh tế cho rằng nội dung chính mà Jeffrey Gerrish làm việc với Việt Nam sẽ là “san bằng thâm hụt thương mại” theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhằm buộc Việt Nam phải hạ mức thâm hụt thương mại xuống mức dưới 8 tỷ USD/năm.
Quả thật, nếu trong những năm tới Việt Nam phải tự cắt giảm mức thâm hụt thương mại vào thị trường Mỹ, bi kịch xuất khẩu sẽ kéo theo bi kịch kinh tế và cũng là bi kịch ngân sách dành cho chế độ một đảng ở Việt Nam.
Con số xuất siêu chỉ có 8 tỷ USD/năm trên sẽ khiến giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ hụt đến 75 - 80% so với những năm trước, làm cho cán cân nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường khác, đặc biệt từ Trung Quốc, tăng mạnh.
Trong khi đó, bức tranh quan hệ thương mại tổng thể giữa Việt Nam với các thị trường khác đang mang gam màu tối.
Trong tổng số 16 FTA (hiệp định thương mại tự do) của Việt Nam với các nước, chỉ có hai FTA với Mỹ và châu Âu là còn xuất siêu được - lần lượt là hơn 30 tỷ USD và 25 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là “dễ ăn”, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến 20 tỷ USD vào năm 2016, gần 25 tỷ USD vào năm 2017 và 24 tỷ USD vào năm 2018.
Còn với Trung Quốc thì khỏi nói: con số nhập siêu chính ngạch lên đến 20 - 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 - 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.
Trọng sẽ làm gì để đối phó?
Sau “công bằng và đối ứng” về thép, nhôm và tôm, và sau phát ngôn độc đáo "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” của Trump, dấu hỏi lớn là Trump sẽ còn có thêm những chế tài thương mại nào đối với Việt Nam?
Nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đánh mạnh thuế lên thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với những năm trước, và cho dù chưa đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ nhưng vẫn xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi về vấn đề này, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Vậy Nguyễn Phú Trọng sẽ làm thế nào để gỡ khó từ ràng buộc ‘công bằng và đối ứng’ và ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ của Trump?
Nhiều khả năng, và trên thực tế tương quan quyền lực nội bộ đảng hiện nay thì cũng chẳng còn khả năng nào khác, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao’ để công du Mỹ trong thời gian tới, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Phạm Bình Minh vào tháng 5 năm 2019.
Để ‘năn nỉ’ Mỹ nhằm trì hoãn đánh thuế lên hàng Việt Nam.
Chính vào lúc này, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động: những chuyến công du quốc tế của giới chóp bu Việt Nam không còn vênh vang như thời Việt Nam được tham dự vào bàn tiệc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và còn ngửi thấy mùi nợ công quốc gia lẫn nợ xấu ngân hàng, mà xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 11 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến ít nhất 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại.
Nhưng với Nguyễn Phú Trọng thì vẫn là giấc mơ cám dỗ về ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ và ‘đất nước có bao giờ được như thế này!’. Không chịu cứng rắn ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ dưới nhãn ‘made in Vietnam’, cũng không chịu cải cách bất kỳ cái gì trong một thể chế kinh tế lẫn chính trị song hành lụn bại như nhau, Trọng sẽ quá khó để thuyết phục Trump không biến Việt Nam thành đối tượng chiến tranh thương mại tiếp theo.