Sinh hoạt người Việt tại Đức nhân 49 năm Tháng Tư Đen

Trưa 27 tháng Tư, 2024 gần 100 người Việt đã đến trước đại sứ quán CSVN ở Berlin để bắt đầu ngày sinh hoạt Tháng Tư Đen.

Buổi biểu tình bắt đầu bằng nghi thức chào cờ Đức và Việt và tưởng niệm nạn nhân cộng sản đã bỏ mạng trong các trại tù cải tạo và trên đường vượt biên vượt biển sau ngày 30 tháng Tư 1975 tang thương đó.

Sau nhiều tuần mưa gió lạnh liên tiếp, trời hôm qua bỗng ấm áp trên 20°C dưới ánh náng vàng khiến màu cờ vàng thêm phần rực rỡ.

Bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm đã đại diện ban tổ chức buổi biểu tình và Liên Hội Người Việt Tị Nạn CS tại CHLB Đức đọc bài diễn văn ngắn chào mừng, cám ơn người tham dự.

Bác sĩ Mỹ Lâm nhắc lại ý nghĩa đầy tai họa của ngày 30 tháng Tư 1975 đối với dân tộc Việt Nam mà từ đó cả nước sống trong một chế độ toàn trị và mất hết mọi quyền tự do căn bản.

Giới quan chức lãnh đạo ĐCSVN thì sống xa hoa nhờ quốc nạn tham nhũng trong khi đại đa số dân Việt Nam phải đối diện với cuộc sống cơ cực, thiếu thốn, nghèo đói. Bất công xã hội là điều ai cũng thấy rõ.

Thêm vào đó, nghị quyết 1334/QD-TTg ký ngày 10.11.2023 còn có mục đích khống chế người Việt hải ngoại, dù điều này vi phạm luật pháp của nhà nước pháp quyền Đức.




Ông Huỳnh Nhu đại diện Hội Người Việt TNCS tại Hamburg tiếp lời bác sĩ Mỹ Lâm tố cáo CSVN là tập đoàn „hèn với giặc, ác với dân“. Bất công xã hội, kinh tế lạc hậu, đạo đức xã hội trở nên suy đồi hơn lúc nào hết là hậu quả trực tiếp của hàng loạt chính sách cai trị sai lầm.

Luật sư Nguyễn Văn Đài so sánh việc thống nhất hai miền Đông và Tây nước Đức dưới thể chế tự do với quá trình tương tự ở Việt Nam và nêu ưu điểm vượt trội khi sống trong một thể chế tự do, nơi mọi quyền căn bản của con nước được tôn trọng và bảo vệ bởi luật pháp thật sự do dân và vì dân.

Luật sư Đài nêu nhận xét, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thuộc về bản chất của chế độ nên không thể nào giải quyết rốt ráo và tốt đẹp được cho đất nước. ĐCSVN hô hào chống tham nhũng chỉ là làm cho có thôi.

Ông Phạm Công Hoàng, cố vấn cho Liên Hội tố cáo CSVN đã biến đất nước thành nhà tù vĩ đại sau ngày 30 tháng Tư 1975 nhằm trả thù công chức, sĩ qua, binh lính Việt Nam Cộng Hòa và giam giữ những nhà bất đồng chính kiến cho đến tận hôm nay.

Xen kẽ giữa các bài phát biểu súc tích là tiếng hô khẩu hiệu như „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam!“, „Đả đảo ĐCSVN“, „ĐCSVN hèn với giặc, ác với dân“ bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Đức.

Những bài hát đấu tranh như „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“, „Trả lại cho dân“, „Việt Nam, Việt Nam“ ... được ban tổ chức mở lên để đoàn người cùng hát vang một góc phố.

Sau gần 1 giờ đồng hồ, ban tổ chức đã thu xếp dụng cụ để cùng

Sau khi chấm dứt buổi biểu tình trước sứ quán csvn, mọi người di chuyển đến quảng trường Pariser ngay cổng Brandenburg lịch sử nổi tiếng và cũng là nơi „phải đến“ của du khách khi viếng Berlin.

Biểu tình cạnh Brandenburger Tor

Phần nghi thức bắt đầu tại đây có thêm phần chào cờ và quốc ca Ukraine, quốc gia đang bị Nga xâm lăng và đang trở thành biểu tượng của việc chống các chế độ độc tài hung hăng trên thế giới.

Nơi đây luôn có đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới tới thăm. BS Mỹ Lâm đã có bài phát biểu tương tự bằng Đức ngữ. Các khẩu hiệu bằng tiếng Đức lên án CSVN cai trị Việt Nam bằng bàn tay sắt và lên tiếng đòi nhân quyền và các quyền tự do khác cho dân Việt Nam vốn là khát vọng bấy lâu nay của dân VN.

Tiếp lời BS Mỹ Lâm, ông Nguyễn Thế Bảo, chủ tịch Hội NVTNCS tại Nürnberg và vùng phụ cận, cũng phát biểu bằng tiếng Đức đã nói cho dân Đức hiểu về sự cai trị độc đoán, chuyên quyền của ĐCSVN nên dân VN cũng như về ý nghĩa của ngày Tháng Tư Đen. Và vì sao dân Việt Nam phải lên tiếng biểu tình bày tỏ chính kiến.


Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, phó chủ tịch Liên Hội và cũng là người điều khiển chương trình sinh hoạt tại 3 nơi hôm qua một lần nữa giải thích cho người Đức rõ vì sao người Việt tị nạn cộng sản có mặt tại nước Đức. Ông cũng lên tiếng cám ơn chính phủ và dân Đức đã mở rộng vòng tay cưu mang người Việt.

Phần sinh hoạt thứ hai này kết thúc bằng những tấm ảnh chụp chung trước Brandenburger Tor với rừng cờ vàng và biểu ngữ.

Hội trường nhà thờ St. Bonifatius

Sau chừng 90 phút biểu tình, đoàn biểu tình giải tán để di chuyển đến nhà thờ St. Bonifatius ở gần đó.

Ở đây mọi người được dùng bữa chiều với món bò kho đặc sắc do vợ chồng anh chị Giang – Huệ tự tay nấu và mang đến  từ thành phố Pinneberg cách Berlin gần 350km! (và đây cũng không phải là lần đầu tiên anh chị có đóng góp đáng quý này.

Cầu nguyện theo nghi thức Phật Giáo do cư sĩ Trí Lực và ông Phạm Công Hoàng phụ trách; theo nghi thức Công Giáo do ông Nguyễn Văn Rị thực hiện bằng việc thắp nến trên bản đồ hình chữ S.

Một lần nữa BS Mỹ Lâm cám ơn người tham dự. Lời cảm tạ đặc biệt dành cho anh Vĩnh Điệp đến từ Augsburg cách Berlin hơn 600km đã lo những dụng cụ  âm thanh cho biểu tình và văn nghệ rất nặng nề mà anh chở đầy 1 xe. Mỗi lần di chuyển là mỗi lần khó nhọc nhưng với tấm lòng tha thiết, nhiệt tình cháy bỏng với đất nước, anh đã không quản ngại bao khó khăn để phục vụ sao cho ngày sinh hoạt thành công.

BS Mỹ Lâm cũng cám ơn cư sĩ Trí Lực đến từ xứ Thụy Điển xa xôi, ca sĩ Thụy Uyển và nhạc sĩ Cao Thìn, hai người luôn sát cánh với cộng đồng người Việt ở Âu Châu trong những sinh hoạt đấu tranh bằng lời ca tiếng nhạc đặc sắc đã trở thành quen thuộc.

BS Mỹ Lâm không quên cám ơn anh chị Giang – Huệ và các anh chị luôn sốt sắng giúp đỡ ban tổ chức về mọi mặt. Bà cũng cám ơn tổ chức „Hành Động Kitô Giáo Nhằm Xóa Bỏ Tra Tấn“ (ACAT), tuy không thể đến tham dự nhưng đã gửi thư bày tỏ sự liên đới và ủng hộ ban tổ chức trong ngày sinh hoạt đầy ý nghĩa này.

Kết thúc ngày sinh hoạt là tiết mục văn nghệ. Ngoài anh chị Uyển và Thìn, nhiều người đã chia sẻ với cử tọa những bài hát, bài thơ, câu chuyện vui trong bầu không khí vừa trang nghiêm vừa ấm áp tình giữa những người cùng chung chí hướng đấu tranh cho một Việt Nam tự do, dân chủ và nhân bản.

Chương trình chấm dứt khoảng 20 giờ. Mọi người cùng chung tay dọn dẹp với ban tổ chức./.