Trước đây Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục độc quyền soạn, in và bán sách giáo khoa có trợ giá nhà nước nhưng cả giá cả và chất lượng đều bị than phiền.
Sau đó dưới sức ép dư luận, nhà nước cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thêm một số Nhà xuất bản, tác giả, và các nhà xuất bản sẽ tổ chức in ấn, phát hành. Giám đốc Sở, hiệu trưởng các trường, hoặc giáo viên, phụ huynh, học sinh được quyền tự chọn cho mình một bộ sách thích hợp trong số những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nội dung. Đây là một sự tiến bộ nhưng kết quả lại bất ngờ cay đắng cho phụ huynh học sinh nghèo: giá sách giáo khoa tăng vọt. Ví dụ giá sách giáo khoa lớp 2 và 6 tăng gấp 3 lần, trong khi đó chất lượng là một dấu hỏi!?
Tại phần lớn các nước trên thế giới, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, không chịu tác động của thị trường bởi nhà nước trợ giá nên rất rẻ hoặc dùng ngân sách in và phát miễn phí cho học sinh. Trong khi đó tại VN hiện nay, các đầu nguồn cung cấp sách giáo khoa trình bày ra đủ thứ các chi phí như quyền tác giả, in ấn, trung gian phát hành..., xem sách giáo khoa như một loại sách thông thường, đẩy giá cao ngất để kiếm lời trên mồ hôi, nước mắt dân nghèo.
Nhà nước một mặt chủ trương "xã hội hóa" sách giáo khoa, mặt khác thả nổi giá sách, nghĩa là bỏ hết mọi trách nhiệm về giá cho dân tự lo liệu. Mà các đầu nậu (tôi bắt buộc phải dùng từ này, kể cả NXB GD) thì lòng tham vô đáy, lợi nhuận đặt cao hơn tất cả, sá chi cụm từ "giáo dục".
Với đất nước 100 triệu dân, dù một bộ sách giáo khoa chỉ tăng vài trăm ngàn nhưng nhân lên cả hàng triệu bộ sách thì cái lợi nhuận đó là vô cùng lớn để có thể... giết nhau khi tranh giành thị phần.
Và cũng trong đất nước 100 triệu dân này, người có con đang đi học đa số vẫn là người nghèo, chạy ăn từng bữa.
Đó là phi nhân bản thưa ông tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông có ý kiến gì không?
12.04.2021
Fb Nguyễn Đình Bổn