Sri Lanka, bài học nhãn tiền

-Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop
 
Sri Lanka là quốc gia luôn có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam. Từ năm 2002 đến năm 2017, GDP bình quân đầu người luôn tăng và tăng gần 5 lần sau 15 năm. Cũng trong thời gian này GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng 6,5 lần. Nói chung, cả 2 quốc gia điều nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, đến năm 2022 thì Sri Lanka vỡ nợ. Đấy là kết quả của những chính sách vĩ mô chú trọng vào tăng trưởng nóng mà quên đi việc củng cố nội lực nền kinh tế.
 
Quốc gia đi vay nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước là chuyện bình thường. Tuy nhiên nếu chính phủ dùng đồng tiền đi vay mà đầu tư không hiệu quả thì đất nước cũng sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ như thường. Vậy nên, đừng nhìn vào con số tăng trưởng của Việt Nam cao vào hàng top thế giới mà cho rằng, kinh tế Việt Nam vững mạnh thì sai lầm. Nhìn vào nội lực là nhìn vào chất, nhìn vào con số tăng trưởng chỉ là nhìn vào lượng. Mà nhìn vào lượng thì đánh giá không chuẩn.
Cơ cấu ngành của nền kinh tế Sri Lanka như sau: Nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 12%, Công nghiệp chiếm khoảng 28.5% GDP, Dịch vụ khoảng 59.5%. Dịch vụ ở Sri Lanka chủ yếu là du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng và bất động sản. Du lịch thì phụ thuộc du khách nước ngoài, bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc vào du lịch và bất động sản nhà ở cũng neo chặt vào bất động sản nghỉ dưỡng, cũng lên cũng xuống theo nó, bởi phần lớn bất động sản của Sri Lanka dùng làm nhà nghỉ cho du khách bình dân. Như vậy, du lịch gặp khó khăn thì hơn nửa nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Với nông-công nghiệp quá nhỏ và quá yếu thì làm sao nó gánh nổi sức nặng nền kinh tế đất nước khi mà du lịch sụp đổ? Đó là lý do khi covid ập đến thì nền kinh tế Sri Lanka ngã gục như một boxer bị hạ đo ván.
 
Khi đến Sri lanka du lịch, du khách gần như không tìm thấy sản phẩm nào “made in Sri Lanka” mà chủ yếu là hàng nhập, mặc dù những mặt hàng giản đơn. Đó là bức tranh rất rõ về một nền sản xuất yếu kém không cung cấp nổi cho nhu cầu trong nước. Điều này cho thấy sự yếu kém trong quản lý nguồn vốn đất nước của chính phủ Sri Lanka. Chưa cần nói đến tham nhũng, chỉ cần nói đến việc điều hướng nguồn vốn xã hội không đúng thì cũng cũng đủ gây nguy hại khôn lường cho nền kinh tế.
 
Trước khi vỡ nợ một khoảng thời gian dài, tại Sri Lanka xảy ra hiện tượng giá đất tăng cao khiến nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất nhận thấy, mua đi bán lại một mảnh đất trong thời gian rất ngắn có khi kiếm lời còn nhiều hơn là tập trung đầu tư vào sản xuất hàng quý, thậm chí hàng năm. Cho nên, chất xám đất nước bị dồn vào trò mua đi bán lại kiếm lời mà bỏ mất phần sản xuất, trong khi đó nền sản xuất mới là trụ cột, là nội lực thực sự cho nền kinh tế. Tình trạng người người buôn đất, nhà nhà buôn đất nếu nhìn bề ngoài thì thấy rất nhiều người giàu nổi lên rất nhanh, nhưng về bản chất, nền kinh tế đất nước đang bị mục rỗng vì nền sản xuất bị teo tóp lại do nhiều người đang bỏ sản xuất chuyển sang buôn đất. Khi khủng khoảng ập đến thì đất nước có nông-công nghiệp mạnh sẽ tự cung tự cấp phần nhiều cho nhu cầu trong nước, nhờ đó mà quốc gia dễ hồi sức. Tuy nhiên với Sri Lanka thì nội lực nền kinh tế quá yếu nên đã ngã khụy không biết bao giờ mới gượng dậy.
 
Tại Việt Nam hiện nay, vì mãnh lực buôn đất mà những nhà sản xuất nổi tiếng cũng quay sang buôn đất kiếm lời, Trường Hải Ô Tô thì buôn đất Thủ Thiêm với dự án Đại Quang Minh, Trần Quý Thanh cũng không muốn bỏ lỡ món lợi nhanh nên cũng nhảy vào buôn đất vv... Hiện nay đất đai ở Việt Nam đang sốt... lên đến 40 độ, rất nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ đang có xu hướng tạm gác việc sản xuất nhảy sang buôn đất kiếm tiền. Đây là dấu hiệu rất không tốt. Bằng mọi giá phải dập tắt cơn sốt đất và giữ chân những nhà sản xuất ở lại với ngành, nếu không thì Việt Nam sẽ như Sri Lanka thứ nhì. ĐCS họ đã vẫn nhìn ra vấn đề và đang nỗ lực đại phẩu ngành bất động sản, tuy nhiên họ đang loay hoay xử lý như gà mắc tóc nên hiệu quả rất hạn chế.
 
Vấn đề của Sri Lanka là ở điều hành nguồn vốn sai, đấy mới là nguyên nhân chính. Tất nhiên là trong đó có nguyên nhân tham nhũng, tuy nhiên, nếu nói nguyên nhân tham nhũng thì Việt Nam cũng không thua kém. Nguyên nhân chính là thiếu tầm nhìn, không có giải pháp điều tiết nguồn vốn xã hội chảy nhiều vào sản xuất nên nền kinh tế xanh xao yếu ớt. Cơ thể yếu thì chỉ cần có bệnh ập đến là ngã khụy vì không đủ khả năng càng lướt. Tất nhiên việc vỡ nợ của Sri Lanka cũng một phần là có dính đến những món nợ “đáng tởm” của Trung Quốc, tuy nhiên nếu điều hành nền kinh tế tốt thì việc thanh toán những món nợ đó không phải là việc khó. Sri Lanka là bài học nhãn tiền cho Việt Nam, không biết ĐCS có học được hay không mà thôi./.
 
-Đỗ Ngà-