Tìm hiểu về cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong

Trong những tuần lễ đầu của tháng Sáu vừa qua, cả thế giới rung chuyển trước hình ảnh của hơn một triệu dân Hong Kong xuống đường biểu tình phản lối Dự Luật Dẫn Độ về Trung Quốc. Các cuộc đụng độ đã bùng nổ trên khắp Hong Kong trong hôm 12 tháng Sáu, khi mà lực lượng cảnh sát cố gắng chặn dòng người biểu tình đi vào trong tòa nhà Nghị Viện của thành phố. Hàng chục nghìn người tham gia tuần hành đã làm tê liệt nhiều tuyến phố trong lúc phản đối Dự Luật Dẫn Độ về Trung Quốc của chính quyền đặc khu.

Lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su, hơi cay, khí ga và gậy để giải tán đám đông những người biểu tình mặc áo đen – phần lớn là sinh viên và những người trẻ tuổi – kêu gọi chính quyền hủy dự luật mà chính quyền Bắc Kinh ủng hộ. Nhiều hàng rào cảnh sát chống bạo động đã được nhanh chóng lập ra, áp đảo số lượng người biểu tình đang tụ tập ở trung tâm thành phố ngay trước khi cuộc tranh luận về dự luật này được tổ chức bên trong tòa nhà Nghị Viện. Trước đó, vào cuối giờ sáng, người biểu tình bắt đầu tụ tập khiến cho nhiều tuyến phố bị tê liệt.

Những hình ảnh đầy căng thẳng trên khiến người ta nhớ lại Phong trào biểu tình “chiếm trung tâm” diễn ra tại Hong Kong vào năm 2014 khiến nhiều phần của thành phố này tê liệt suốt nhiều tháng liền. Lần này, hơn 100 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động trong hôm 12 tháng Sáu, một phần để thể hiện rõ sự đồng lòng với người biểu tình. Trong khi đó, các hội học sinh lớn của thành phố này cũng tuyên bố tẩy chay các lớp học để tham gia vào cuộc tuần hành trên đường phố.

Ngoài ra, các hiệp hội giao thông, mạng xã hội và cả một số hiệp hội giáo viên của Hong Kong cũng tham gia hoặc ủng hộ phong trào biểu tình. Hiệp hội các tài xế xe buýt còn điều nhiều thành viên của họ lái xe chậm đi cùng với đoàn người biểu tình để ủng hộ. 3.000 luật sư, công tố viên, sinh viên luật và các học giả đã tuần hành trong im lặng và kêu gọi chính phủ tạm gác đề xuất này.

Trên thế giới, nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại và ủng hộ phong trào đến nỗi nhà cấm quyền Bắc Kinh một mặt thì nói không can dự vào chuyện nội bộ của Hong Kong, một mặt thì lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Châu Âu đã “xía” vào chuyện nội bộ của…Trung Quốc.

Bài viết này tóm tắt một vài chi tiết cũng như đưa ra một vài nhận định.

Trước tiên, hiệp định dẫn độ là văn bản cho phép một quốc gia trục xuất các tội phạm về phía nước khác. Điều này tránh việc phạm nhân dùng lãnh thổ nước khác để lẩn trốn. Đây là chuyện bình thường trong quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng nếu đây là chuyện bình thường giữa hai quốc gia thì tại sao 1/7 dân Hong Kong xuống đường phản đối. Câu trả lời đó là vì bang giao giữa Trung Quốc và Hong Kong là “không bình thường”.

Năm 1997, sau 99 năm sống dưới quyền kiểm soát của Anh, Hong Kong được trả về cho Trung Quốc. Trước đó, trong những nỗ lực vớt vát, vị thống đốc cuối cùng của Hong Kong là Chris Patten đã đẩy nhanh những cải cách dân chủ. Tuy nhiên khi thâu tóm Hong Kong, Trung Quốc đã chôn vùi một số cải cách của Patten. Đặc biệt, Bắc Kinh chỉ cho phép bầu một nửa Quốc Hội theo quyền phổ thông đầu phiếu. Phần còn lại thuộc về những người ngoan ngoãn, dễ dạy. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc chấp thuận nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” và Hong Kong được gọi là một “đặc khu” thay vì một lãnh thổ của Trung Quốc − và tình trạng này sẽ kéo dài 50 năm, chấm dứt vào năm 2047.

Từ đây đến đó (2047), người dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng cũng như tiếp xúc với các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách để kiềm chế những cải cách chính trị của Hong Kong trong các cuộc thảo luận ba bên gồm đại diện của hành pháp (được gọi là trưởng đặc khu), Bắc Kinh và phía dân chủ.

Vào tháng Sáu, 2014, một “sách trắng” về tương lai đặc khu dấy lên nhiều lo ngại trong cánh dân chủ, theo đó hoàn toàn không có một tiến bộ gì trong việc bầu cử Quốc Hội và những chức vụ quan trọng trong hành pháp đều tiếp tục do Bắc Kinh bổ nhiệm. Người dân Hong Kong cảm thấy bị lừa gạt và họ càng ngày càng muốn xa rời cái gọi là “giá trị châu Á” mà Bắc Kinh hứa hẹn theo đó sự phát triển kinh tế và xã hội là vấn đề ưu tiên trên mọi đòi hỏi dân chủ.

Các cuộc thăm dò cho thấy sự gắn bó của 60% người Hong Kong với các quyền tự do cơ bản. Và để chứng tỏ sự độc lập của mình, người dân Hong Kong đã tự vạch ra một lằn ranh và quyét tâm bảo vệ mỗi khi Bắc Kinh đi quá xa. Ngay trong năm 2002, hàng chục ngàn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật cho phép Bắc Kinh hoàn toàn tự do đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập.

Và những gì vừa xảy ra đầu tháng 6, 2019 là một thí dụ điển hình của việc “lấn qua lằn ranh” với dự luật cho phép dẫn độ. Những lý do có thể được tóm tắt như sau:

− Người Hong Kong lo ngại rằng cải cách này sẽ làm hỏng hình ảnh quốc tế và sức hấp dẫn của đặc khu khi nó bị chi phối bởi một nền tư pháp Trung Quốc không minh bạch và bị chính trị hóa. Đã từ lâu, ai cũng biết rằng thành công kinh tế của Hong Kong là nhờ ở một nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật được thừa hưởng từ thực dân Anh.

− Theo các nhà chức trách, Dự Luật Dẫn Độ chỉ có mục địch ngăn Hong Kong trở thành nơi ẩn náu cho một số tội phạm và hoàn toàn không có mục đích chính trị. Nhưng người dân lại không tin vào những lời hứa cuội của luật pháp Trung Quốc và họ e rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến độc lập của nền tư pháp Hong Kong.

− Chính phủ đã tìm cách trấn an công chúng bằng một số nhượng bộ, bao gồm việc hứa chỉ trao trả những người chạy trốn vì các tội mang bản án cao nhất từ bảy năm tù trở lên. Nhưng công chúng vốn đã không tin tưởng vào “công lý” Trung Quốc trong đó mọi người sẽ là đối tượng bị giam giữ tùy tiện, xét xử không công bằng và tra tấn. Sophie Richardson của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) nói trong một tuyên bố rằng “Sẽ không ai được an toàn, bao gồm các nhà hoạt động, luật sư nhân quyền, nhà báo và nhân viên xã hội.”

Nói tóm lại, người dân Hong Kong khước từ mọi “công lý” đến từ đại lục, khước từ những “giá trị truyền thống” cũng như những hình ảnh về một Trung Quốc hùng mạnh. Nói toạc móng heo là họ muốn có một quy chế ngày càng độc lập mọi mặt với Trung Quốc − cho dù không được như Đài Loan. Cuộc biểu tình hàng năm 1 tháng Bảy kỷ niệm ngày trao trả Hong Kong về Trung Quốc, cuộc biểu tình “Chiếm trung tâm” vào năm 2014 và bây giờ tháng Sáu, 2019 chung quy cũng nhằm mục đích này.

Khi tôi đặt bút viết những dòng này thì tin sau cùng cho hay vào ngày 15 tháng Sáu, Đặc Khu Trưởng Hong Kong Carrie Lam vừa thông báo hoãn vô thời hạn các nỗ lực thông qua dự luật dẫn độ mới, sau một tuần chứng kiến làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ. Bà Carrie Lam thừa nhận “Dự luật đã gây nhiều chia rẽ trong xã hội”, bà cho biết đã nghe thấy những tiếng nói kêu gọi chính quyền của bà “tạm dừng và hãy suy nghĩ” và nói rằng “chúng ta phải luôn nghĩ đến những lợi ích lớn nhất của Hong Kong là khôi phục hòa bình và trật tự.”

“Trái banh bây giờ đang nằm trong tay Bắc Kinh”. Một Đài Loan đã làm họ lên máu huống hồ gì có thêm Hong Kong mà lại ngay ở trong đại lục. Chắc chắn lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối đầu với môt bài toán cực kỳ nan giải.

Ba phương án họ có thể chọn:

1. Thực hiện một cuộc đàn áp phong cách Thiên An Môn ở Hong Kong, và tàn sát một số sinh viên để mang lại trật tự. Kết thúc giấc mơ trở về quê hương của Đài Loan, và Đài Loan có thể quyết định trở nên độc lập. Đây sẽ là một thảm họa kinh tế và ngoại giao chưa từng có và sẽ làm kinh hoàng tất cả các nước châu Á để khiến họ sẽ chạy vào Mỹ, và Mỹ lẫn phương Tây có thể sẽ đóng cửa biên giới với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Lựa chọn này là không khả thi lẫn không mong muốn, ngay cả đối với lãnh đạo thủ cựu.

2. Áp dụng chính sách “câu giờ”, hy vọng các sinh viên sẽ chán − như chiến dịch “dù vàng chiếm trung tâm năm 2014”. Điều này có khả năng, nhưng ngược lại nó sẽ tạo tiền lệ và thói quen cho phong trào sinh viên và dân chủ. Đừng quên rằng vào năm 2014, đòi hỏi của giới trẻ là một cuộc bầu cử thực sự tự do chứ không “nửa mùa” như bây giờ. Cho dù không đạt được mục tiêu nhưng đến năm 2019, họ lại tiếp tục xuống đường với những đòi hỏi khác. Và cứ “đến hẹn lại lên” tập hợp lại để tiếp tục đối đầu với sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc.

3. Chấp nhận một cuộc bầu cử tự do với sự tham dự của các ứng viên độc lập cũng như ứng viên do Bắc Kinh tuyển chọn. Song song, vẫn duy trì chính sách “một quốc gia, hai thể chế”. Vì cho đến ngày hôm nay hầu như chưa có ai nghĩ đến chuyện đòi độc lập như Đài Loan. Điều này có thể làm vừa lòng các bên cũng như đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của đặc khu.

Về mặt logic, trước tiên, chính quyền Trung Quốc nên chọn phương án số hai và nếu tình hình diễn biến không thuận lợi thì sẽ bước sang phương án ba với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Hong Kong vẫn không vượt qua giới hạn chính trị − có nghĩa là tuyên bố độc lập. Nhưng một vấn đề khác đang là một mối nguy tiềm ẩn khiến Trung Quốc không dễ dàng chọn lựa, đó là ở Trung Quốc không chỉ có Hong Kong mà còn Ma Cao, Tân Cương, Tây Tạng, Quảng Đông, Nội Mông, Ninh Hạ.

Cuộc xuống đường chống Dự Luật Dẫn Độ 2019 đánh dấu 30 năm biến cố Thiên An Môn. Phải thành thực mà nói rằng các cuộc tưởng niệm biến cố này thực sự mờ nhạt và sức mạnh kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc đang làm cả thế giới hầu như quên lãng sự hy sinh của 10.000 thanh niên sinh viên dưới xích xe tăng trên Quảng Trường Thiên An Môn.

Cả thế giới? – Đúng! Trừ Hong Kong.

Phạm Minh Hoàng
https://viettan.org/tim-hieu-ve-cuoc-dau-tranh-cua-nguoi-dan-hong-kong/