Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|
Lực lượng công an từ bao năm nay vẫn nổi tiếng với câu nói đã trở thành chân lý của ngành này: “Còn đảng còn mình.” Sự khẳng định ấy còn được đảng CSVN xác nhận vững chắc rằng, công an là một lực lượng vũ trang nòng cốt, tuyệt đối trung thành với đảng và được ví như lá chắn thép và thanh gươm sắc bén bảo vệ đảng.
Trong niềm “tự hào” đó, người đứng đầu ngành đàn áp dân bảo vệ đảng, ngày 27 tháng Giêng, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã trình bày tham luận trước diễn đàn đại hội đảng XIII. Bài tham luận đưa ra cái gọi là 3 thách thức đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của đảng CSVN và sự tồn vong của chế độ như một thông điệp cảnh báo. Ba thách thức ấy là:
– Âm mưu hoạt động chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch;
– Nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông;
– Nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ khiến làm mất niềm tin của nhân dân vào chế độ.
Trong 3 nguy cơ này, nguy cơ về nội bộ là quan trọng nhất vì nó sẽ làm chế độ sụp đổ từ bên trong. Tự diễn biến, tự chuyển hóa là hình thức phản tỉnh ngay trong bộ máy quân đội, công an và một bộ phận cán bộ chính quyền. Đây là những người đã nhìn thấy sự thất bại của chế độ nằm trong sự thất bại chung của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Trong nhận thức của họ, mô hình độc tài độc đảng, đàn áp dân chủ kéo dài từ thập niên này đến thập niên khác của đảng CSVN chỉ đưa đến một đất nước với nền kinh tế èo uột và nền chính trị ngày càng phản dân chủ. Chính vì thế, Tô Lâm đã khẳng định tự diễn biến, tự chuyển hóa làm mất an ninh chính trị nội bộ, làm suy yếu sức chiến đấu của chế độ từ gốc rễ.
Theo ông Tô Lâm, để khắc phục thành công 3 nguy cơ này, chế độ CSVN phải cương quyết không chấp nhận đa đảng, tức không để thành lập tổ chức đối lập trong nước, vì như thế sẽ làm rối loạn xã hội. Nhiều lãnh đạo đảng CSVN trước đây đã khẳng định một chiều rằng Việt Nam không cần chế độ đa đảng vì đó là học thuyết phi mác-xít nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng mà lịch sử đã giao phó. Vai trò lịch sử ấy cũng không thể chia sẻ vì không có một thế lực chính trị nào có đầy đủ khả năng lãnh đạo đất nước thành công như đảng CSVN.
Đây là một hình thức ngụy biện của kẻ độc tài núp dưới chiêu bài yêu nước độc quyền, bất chấp con đường tiến hoá của nhân loại. Vì khi ra sức giữ chặt quyền lực trong bàn tay sắt thì còn quyền lực nào để chia sẻ với ai?
Hóa ra khi đề cập đến 3 thách thức sống còn của chế độ, Tô Lâm có dịp giải thích vì sao đảng sợ tổ chức đối lập hình thành. Theo Tô Lâm nếu để cho khuynh hướng đối lập tồn tại, nó sẽ lôi kéo đảng viên, phân hoá chính quyền và gây khó khăn từ trong nội bộ đảng. Mặt khác những nhận định của Tô Lâm cũng chỉ là cách nói ngụy biện bào chữa vì sao đảng không chấp nhận cho luật biểu tình và luật lập hội ra đời.
Trong báo cáo trước đại hội XIII, ông Trọng đề cao khẩu hiệu “lấy dân là gốc” trong khi Bộ Công An cố tình trì hoãn hai bộ luật căn bản về quyền dân sự, sợ dân biểu tình và lập hội chống chế độ. Vậy phải chăng miệng thì nói lấy dân làm gốc nhưng thực tế là “lấy đảng làm chủ?”
Mặt khác khi nói về nguy cơ đe dọa chủ quyền trên Biển Đông, là một sự kiện không còn nằm trong hai chữ “nguy cơ” mà thực tế là Việt Nam đã mất phần lớn chủ quyền, Tô Lâm tỏ ra khôn khéo không hề nhắc đến tên thủ phạm. Điều này cho thấy sự cam tâm làm nô tài Trung Quốc của một số lớn các lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN, trong số đó có bộ trưởng Công An.
Đây là sự sai lầm trầm trọng của đảng CSVN. Chính sự bưng bít, thông tin một chiều đã làm cho nội bộ đảng phân vân và từ đó bất mãn càng gia tăng, đẩy niềm tin vào đảng xuống số không. Ngày nào lãnh đạo CSVN còn cố bưng bít thông tin và giữ chặt quyền lực độc tài trong tay thì ba thử thách đối với sự tồn tại của chế độ vẫn còn.
Lịch sử sẽ nghiêm khắc lên án những kẻ nô lệ ngoại bang, muốn dùng bạo lực cộng sản để ngăn chặn con đường tiến lên của dân tộc.
Phạm Nhật Bình