40 năm quá đủ
Với nhiệt độ lý tưởng 23°C cùng nắng ấm đầu Xuân, thủ đô Berlin đã chào đón gần 200 đồng bào từ mọi miền nước Đức về tham dự ngày tưởng niệm lần thứ 40 tháng Tư Đen. Do con số 40 tròn nên chương trình sinh hoạt do Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức đã phong phú hơn mọi năm. Cái giá phải trả cho nhiều tiết mục khít khao là phần phát biểu của các đại diện hội đoàn về tham dự đã không được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên BTC cũng đã nhận được sự thông cảm đối về việc này.
Trước đại sứ quán CSVN
Đúng 12 giờ chương trình sinh hoạt bắt đầu với nghi thức chào cờ và mặc niệm hàng triệu nạn nhân của chế độ cộng sản của cả hai miền Nam Bắc. Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm đã đại diện Liên Hội cũng như BTC đã chào mừng và cám ơn các hội đoàn và đồng bào về tham dự ngày tưởng niệm. Bà sơ lược chương trình, tóm tắt biến cố và ý nghĩa của ngày 30.4.1975 đối với cả dân tộc Việt Nam: Một tai họa khủng khiếp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.
Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh, vừa điều hợp buổi biểu tình vừa phụ trách phần phát biểu tiếng Đức đã giới thiệu vị bác sĩ rất trẻ của cộng đồng người Việt tị nạn tại Đức: Huỳnh Quốc Bảo đại diện lớp trẻ lên phát biểu cảm tưởng về ngày 30.4. Sinh ra và trưởng thành tại Đức nhưng lòng luôn hướng về quê mẹ vì nơi đó còn đầy áp bức và lầm than. Bà Nhất Hiền, bà Bích Thủy và bà Phi Nga của Hội Phụ Nữ Văn Hóa tại Đức đã đọc một bài thơ về chủ đề miền Nam lọt vào tay cộng sản 40 năm trước. Ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện đảng Việt Tân đã nhấn mạnh đến những hoạt động công khai, ôn hòa nhưng không thiếu tính quyết liệt nhằm đòi lại quyền làm người của các xã hội dân chủ tại quốc nội đang từng bước đẩy chế độ độc tài vào thế lúng túng, tiến thoái lưỡng nan. Ông Nguyễn Hữu Dõng đại diện Hội NVTNCS tại Köln cũng đã lên Mic nhắc lại những ngày đau thương còn kéo dài đến tận bây giờ của dân tộc.
Các biểu ngữ được giương cao, mang trên người bằng cả 2 ngôn ngữ Việt – Đức như: “Tự do cho Việt Nam", “Tưởng niệm quốc hận 30 tháng 4”, 40 năm quá đủ”, “30.4.1975 – 30.4.2015 Tổ quốc ghi ơn”, “30.4.1975 ngày đau buồn của dân tộc Việt Nam", “Hèn với giặc – ác với dân”, “Hãy chấm dứt chế độ cộng sản tại Việt Nam", “Tự do cho các nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam" ....
Xen kẽ vào giữa những bài phát biểu, diễn văn ngắn là những bài hát đấu tranh như “Đáp Lời Sông Núi”, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, “Việt Nam Việt Nam”, “Dậy Mà Đi” làm bừng khí thế của đoàn biểu tình trước ĐSQ CSVN cửa đóng then gài kín mít mỗi khi có cuộc biểu tình tương tự hôm 25.4 vừa qua. Những khẩu hiệu tố cáo tội ác cộng sản như “CSVN hèn với giặc, ác với dân”, “CSVN bán nước cho Tàu cộng”, “Tự do, dân chủ, nhân quyền ... cho Việt Nam” cũng đã ầm vang một góc phố đang tấp nập xe cộ.
Do quá quen thuộc với tinh thần trật tự và bất bạo động của những người Việt tị nạn, dù có lúc hô khẩu hiệu vang trời, các viên nhân viên công lực Đức chỉ ngồi yên trên xe cảnh sát và quan sát ... cho xong nhiệm vụ.
Đúng 14 giờ, BTC tuyên bố chấm dứt phần 1, mọi người vội vã thu xếp biểu ngữ, cờ và dụng cụ để chuẩn bị ra Cổng Brandenburger để tiếp tục phần 2. Trước đó mọi người không quên chia nhau thùng trái cây tươi (gồm nho, táo, chuối và quít) do một đồng bào tốt bụng ở Bá Linh mang đến tặng đoàn biểu tình.
Cổng Brandenburger
Biểu tình, tuần hành ở quảng trường Paris.
Đây là khu đầy di tích lịch sử hàng ngày du khách từ khắp thế giới đến tham quan. Bên phía đông của Cổng Brandenburger lừng danh là Quảng trường Paris được bao bọc bởi khách sạn siêu hạng Adlon, tòa đại sứ Pháp. Bên phía tây là con đường 17.6, nơi diễn ra những lễ hội lớn trong năm như lễ Thống Nhất, đêm Giao Thừa, các sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế như lễ kỷ niệm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ. Cách đó không xa là khu vực gồm quốc hội và phủ thủ tướng Đức.
Trước 15 giờ, nhiều người di chuyển sớm đã đến nơi trước. Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh bắt đầu phần 2 bằng diễn văn tiếng Đức với mục đích cho người Đức và du khách hiện diện biết lý do tại sao có cuộc biểu tình. Anh Vinh nhấn mạnh ý nghĩa ngày 30.4.1975 đối với dân tộc Việt Nam cũng như những tội ác tày trời mà ĐCSVN đã liên tục phủ chụp lên cả nước suốt từ ngày cầm quyền. Tính lệ thuộc vào ngoại bang, hết Liên Sô đến Tàu cộng cũng được đề cập đến. Anh cũng không quên cám ơn chính phủ và nhân Đức đã tạo điều kiện cho khoảng 40.000 người Việt được quyền tị nạn và kiến tạo cuộc sống mới trên một đất nước phồn vinh, tự do, dân chủ và đầy lòng bác ái.
Truyền đơn bằng Anh ngữ và Đức ngữ nói lên thực trạng Việt Nam sau 40 năm dưới sự thống trị của tập đoàn CSVN cũng đã được phân phát cho khách qua đường.
Bà BS Mỹ Lâm đọc một bài diễn văn bằng tiếng Đức sau nghi thức rước cờ vàng của Nhóm Thanh Niên Cờ Vàng từ Hòa Lan sang tham dự. Người ta thấy những khuôn mặt rất trẻ của cộng đồng, hứa hẹn sự nối tiếp cuộc đấu tranh từ hải ngoại cho một Việt Nam dân chủ thực sự. Nghi thức trao cờ từ tay thế hệ đi trước vào tay thế hệ trẻ do ông Nguyễn Văn Rị từ Mönchengladbach điều hợp, đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, ngăn ngủi mà long trọng. Những chiếc áo dài tím, băng tím cột trên đầu được làm biểu tượng cho sự thương tiếc một nửa đất nước tự do đã mất vào tay cộng sản độc tài cộng sản từ 40 năm qua.
Nghi thức rước cờ đã kết thúc với một vòng tuần hành đẹp mắt quanh quảng trường Paris trong trong tiếng nhạc bài ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” và “Việt Nam Việt Nam” cùng những khấu hiệu đã hô trước đó 2 tiếng.
Tại hội trường thánh đường St. Aloysius
Sau khi di chuyển từ trung tâm Bá Linh về hội trưởng thánh đường St. Aloysius, các tham dự viên đã cảm nhận sự được chu đáo của BTC khi được mời dùng một bữa cơm thịnh soạn gồm 2 món thịt kho trứng gà và bò kho. Ngoài ra còn ê hề trái cây tươi, bánh ngọt đủ loại, cà phê, trà, nước lọc ...
Phần 3 chương trình bắt đầu bằng 2 nghi thức tôn giáo thực hiện riêng cho Công Giáo trong nhà thờ và Phật Giáo trong hội trường thánh đường St. Aloysius.
Lúc 18 giờ anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã giới thiệu quan khách trước nghi thức chào cờ và mặc niệm. Trong phần mặc niệm anh Vinh đã nhấn mạnh rằng mọi người cùng tưởng niệm cả những nạn nhân của chế độ cộng sản Đức và tiến sĩ Ernst Albecht, cố thống đốc tiểu bang Niedersachsen, người đầu tiên nhận người tị nạn VN vào nước Đức.
Nghi thức thắp nến tưởng niệm quanh bản đồ Việt Nam đã diễn ra trong âm thanh trầm mặc của bài “Kinh Hòa Bình” và trong bầu không khí rất trang nghiêm dưới sự hướng dẫn của linh mục chủ nhà Đỗ Ngọc Hà và ông Nguyễn Văn Rị.
Nối tiếp là bài diễn văn song ngữ của bác sĩ Mỹ Lâm nhấn mạnh tình trạng tồi tệ trên cả nước sau ngày tháng Tư đen đó. Phần cuối bài diễn văn đã đề cấp đến cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài, đòi lại mọi quyền làm người mà mọi người dân đáng lẽ phải có từ lâu.
Bộ dương ảnh “40 năm nhìn lại” thực hiện khá công phu với phần phụ đề song ngữ âm nhạc thích hợp đã được trình chiếu đến cử tọa. Phim bắt đầu từ cuộc tấn chiếm miền Nam vào đầu tháng 4.1975 cho đến việc ghi nhận những cuộc xuống đường vì cây xanh ở Hà Nội mới đây. Phim đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt của cử tọa.
Ông Phạm Công Hoàng đã vừa đọc thư của bà đương kim bộ trưởng quốc phòng Ursula von der Leyen, ái nữ của ông Ernst Albrecht, gửi tới BTC và Liên Hội, vừa dịch sang tiếng Việt. Bà Von der Leyen đã lên tiếng khích lệ và cầu chúc cộng đồng Việt Nam càng thành tựu hơn nữa trên nước Đức. BS Huỳnh Quốc Bảo đọc lá thư của ông Rainer Eppelmann gửi đến BTC. Thư sơ lược sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Đức và cũng chúc dân tộc Việt Nam sớm vứt bỏ cái thể chế tàn ác này để phát triển. Ông Eppelmann là một mục sư Tin Lành, từng là nhà hoạt động vì dân chủ dưới chế độ cộng sản Đông Đức. Ông hiện là Giám đốc Hội Điều Nghiên chế độ cộng sản Đông Đức.
http://www.ttdq.de/node/2204
Kế đến là 2 bài phát biểu ngắn của GS TS Johannes Kals và TS Josef Bordat. GS Kals, người đã vận động hơn 300 chữ ký của các chính trị gia và trí thức Đức để yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân, nói về công dân thế giới. Theo ông, khi ai cũng trở thành công dân thế giới, mọi công dân đều có quyền làm người thì nguy cơ chiến tranh sẽ giảm đến mức tối thiểu. Ông TS Bordat, một blogger khá nổi tiếng, cũng tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, cho rằng các quyền tự do căn bản, nhất là quyền tự do ngôn luận gắn liền với sự phồn thịnh của một quốc gia.
Trước khi đi vào phần văn nghệ đấu tranh, Ban chấp hành Liên Hội đã báo cáo những sinh hoạt Liên Hội đã thực hiện trong thời gian qua, báo cáo về tài chánh và những dự định của Liên Hội.
Nguyễn Phan