Chấp nhận chịu đòn ông Donald Trump đánh tới tấp, Bắc Kinh vẫn hoan nghênh các công ty Mỹ vào nước Tàu làm ăn. Trong hình, người dân Thượng Hải, Trung Quốc, đi chợ Costco ngày khai trương hôm 27 Tháng Tám, 2019. (Hình: Hector Retamal/AFP/Getty Images)
Ngô Nhân Dụng - Người Việt|
Tháng Ba, 2018, khi bắt đầu xuất quân tấn công Trung Cộng mở màn cuộc chiến tranh thương mại, Tổng Thống Donald Trump “tuýt” cho đội ngũ những cử tri ủng hộ mình: “Chiến tranh thương mại tốt, và thắng dễ dàng” (Trade wars are good, and easy to win).
Nếu bây giờ có ai hỏi lại, ông Trump chắc vẫn không thay đổi ý kiến.
Bữa trước lúc đang ở Pháp có người hỏi ông Trump có “nghĩ lại” về chiến thuật dùng quan thuế đánh trên hàng Trung Quốc để tạo áp lực trên đối phương hay không, ông Trump mới đầu nói, “có,” tức là ông có nghĩ lại. Nhưng tối hôm đó các tùy viên của ông đã giải thích lại cho rõ. Ông Trump “nghĩ lại” vì tiếc không đánh mạnh tay hơn, ngay từ trận đầu! Chứ không phải ông muốn nghĩ lại, không đánh đòn nào hết.
Lối giải thích này hợp lý. Nếu ngay từ năm ngoái ông tổng thống Mỹ áp dụng suất thuế 25%, hay 30% trên “tất cả $550 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc” thì trận chiến trong 16 tháng qua đã diễn ra khác hẳn, không giống như bây giờ!
Chúng ta không thể đoán cuộc chiến sẽ biến chuyển thế nào. Cũng như không ai đoán được nếu Nhật không tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng [Pearl Harbor] năm 1941 thì cục diện thế giới đã thay đổi ra sao.
Nhưng có thể đoán được rằng nếu bị đánh vũ bão ngay trong đợt tấn công đầu, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không có 16 tháng để nghiên cứu chiến lược, chiến thuật cũng như tâm lý của ông Trump. Các xí nghiệp Trung Cộng sẽ không có thời giờ để chuẩn bị di tản một số cơ sở làm ăn sang Việt Nam hay Mã Lai Á để tránh thuế. Dân chúng Trung Quốc cũng không có 16 tháng để nghe những lời tuyên truyền khích động “mối nhục” bị một nước da trắng ép buộc và có thời giờ để tập sống “thắt lưng buộc bụng” nếu kinh tế nước Trung Hoa suy sụp.
Ông Trump, ngay từ đầu, đã đánh nhẹ quá! Chi mà chỉ đánh 10% trên $50 tỷ hàng hóa! Nửa năm sau đó mới tăng thêm $200 tỷ, dọa đánh thêm $300 tỷ nhưng lại báo trước cả tháng. Bây giờ, bị bên địch đánh lại $75 tỷ thì mới nổi giận giáng đòn chí tử: Sẽ đánh hết $550 tỷ, và sẽ đánh 30% chứ không phải chỉ có 10% hay 25%.
Liệu “đòn chí mạng” này có đánh gục được ông Tập Cận Bình hay không?
Có lẽ chính ông Trump cũng không tin hoàn toàn là sẽ thắng. Nếu ông tin 100 phần trăm rằng ông Tập Cận Bình sẽ không chịu nổi những đòn quan thuế mới, chỉ còn đường cởi giáp quy hàng, thì ông Trump chỉ cần ngồi đó tọa hưởng, để tâm lo những chuyện quan trọng khác. Nhưng hôm 3 Tháng Chín, ông tổng thống Mỹ lại lên tiếng đe dọa ông sẽ “ĐÁNH MẠNH HƠN” (Viết hoa MUCH TOUGHER trong nguyên văn) sau khi ông tái đắc cử năm 2020. Từ nay tới đó, trong 16 tháng, ông Trump nói, kinh tế nước Tàu sẽ lụn bại.
Không biết ông Tập Cận Bình nghĩ thế nào trước những lời đe dọa mới này? Nhưng căn cứ vào thái độ của họ Tập trong thời gian qua thì có thể đoán rằng “Tập Cận Bình đã chịu thua Trump!”
Đây là một cách nói, xin đừng hiểu lầm.
Ông chủ tịch nước Tàu đã chịu thua ông Trump. Nghĩa là ông ta chấp nhận các hậu quả của cuộc chiến thương mại, không biết sẽ kéo dài bao lâu, biết rằng không thể làm gì khác để ông Trump thay đổi. Trung Cộng sẽ chấp nhận để nước Mỹ tấn công, cũng giống như phải chịu đựng một cơn bão nhiệt đới, có thể sẽ biến thành cuồng phong bất cứ lúc nào.
Trong 14 tháng tới, ông tổng thống Mỹ sẽ còn ra chiêu nhiều lần, nhử một đòn lại đánh một đòn, có lúc ngọt ngào, lúc dọa nạt, và bao giờ cũng ồn ào. Ông Trump còn cất trong túi nhiều đòn có thể tung ra vào Tháng Mười tới, trước khi dân Mỹ đi bỏ phiếu.
Nhưng Tập Cận Bình sẽ chỉ tiếp tục những gì ông ta đang làm từ hơn một năm nay. Không phải riêng ông Tập. Bộ máy lãnh đạo Cộng Sản nước Tàu đã chấp nhận một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Cuộc chiến đến hết năm 2020 vẫn chưa kết thúc, dù sau đó ai làm tổng thống nước Mỹ cũng vậy!
Hiện nay đảng Dân Chủ đã theo ông Trump trong trận thương chiến với Trung Cộng, ủng hộ mạnh hơn đảng Cộng Hòa. Ông Trump dọa sau khi được tái cử ông sẽ đánh mạnh hơn. Nhưng một vị tổng thống đảng Dân Chủ mà lên thì cuộc chiến cũng không kết thúc.
Hiện nay, Bắc Kinh đã chấp nhận không có cách nào làm cho ông Trump hài lòng!
Có thể nói từ Tháng Năm vừa qua hai bên đã đồng ý trên nguyên tắc với nhau rồi. Họ chỉ có lập trường trái ngược khi muốn thi hành những quy tắc chung đó mà thôi. Nhưng đây là chướng ngại quá lớn khiến cho cuộc chiến không cách nào giải quyết.
Chướng ngại là, Trung Cộng vẫn giữ một lập trường, không thay đổi: Yêu cầu chính phủ Mỹ xóa bỏ các thứ quan thuế trước khi ký kết bất cứ cái gì. Nếu không, là bị bắt nạt, mất thể diện quốc gia.
Lập trường Mỹ thì ngược lại: Phải tiếp tục đánh thuế quan trên một số hàng, dù ít hay nhiều. Mỹ nói thẳng: Cứ tiếp tục đánh thuế quan cho đến khi nào Trung Cộng làm đúng tất cả những điều họ hứa hẹn! Vì thuế nhập cảng là thứ võ dễ nhất có thể đánh kinh tế Trung Cộng! Một chữ ký là có hiệu lực ngay. Quả thật là “dễ dàng,” như ông Trump đã “tuýt.” Nếu chấm dứt các món thuế thì Mỹ đâu có cách nào để buộc đối phương phải giữ lời?
Đó là mâu thuẫn then chốt.
Mỹ đã yêu cầu Trung Cộng phải cho các xí nghiệp Mỹ hoạt động bình đẳng và không ép họ phải tiết lộ các bí mật về sáng chế, phát minh. Trung Cộng hứa sẽ làm đúng như vậy. Mỹ bảo là hứa hẹn không đủ, Phải thay đổi các luật lệ để bảo đảm các công ty nước ngoài được cạnh tranh với các công ty nước Tàu.
Nhưng đây là điều rất khó hiểu đối với nước Trung Hoa. Chính các công ty tư nhân trong nước Tàu bị chèn ép trong khi các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, mà có ai than thở gì đâu?
Điều khó hiểu thứ hai: Nhà nước Trung Quốc đã hứa sẽ đối đãi tử tế với các công ty Mỹ, một lời hứa là đủ tại sao không tin?
Điều khó hiểu thứ ba: Tại sao nước Mỹ muốn đóng vai một cường quốc da trắng tới nước Tàu, yêu cầu chính phủ Tàu thay đổi các luật lệ cho các công ty Mỹ tự do làm ăn, mà không hề quan tâm đến lịch sử đầu thế kỷ 19, khi các nước Âu Châu cũng hành động đúng như vậy? Dân Trung Quốc làm sao có thể chấp nhận “mối nhục bất bình đẳng” đó lần nữa?
Những điều trên, ông tổng thống Mỹ không quan tâm, nếu ông biết có những thắc mắc đó. Cho nên ông sẽ không nhượng bộ. Ông Tập Cận Bình cũng không thể “chịu nhục” như các vua quan nhà Thanh gần 200 năm trước. Nhà Thanh đã bị lật đổ, ai cũng còn nhớ.
Cho nên ông Tập đã chịu thua. Không thể thảo luận gì với ông tổng thống Mỹ! Chấp nhận chịu đòn ông Donald Trump đánh tới tấp và trả đũa một cách dè dặt. Bắc Kinh vẫn hoan nghênh các công ty Mỹ vào nước Tàu làm ăn. Costco mới đại khai trương một cửa hàng lớn ở Thượng Hải. Tesla đang xây một cơ xưởng khổng lồ làm xe hơi chạy điện cũng ở Thượng Hải.
Cả bộ máy tuyên truyền Cộng Sản sẵn sàng kích thích cho dân chúng Trung Hoa hăng hái cùng chịu hy sinh nếu kinh tế suy yếu.
Trong khi đó, thì ông Tập Cận Bình tìm cách giảm bớt hậu quả của các miếng đòn quan thuế. Hạ thấp giá đồng tiền so với đô la Mỹ, hàng nước Tàu bán qua Mỹ sẽ rẻ hơn chút đỉnh, bù cho thuế quan làm tăng giá.
Thúc đẩy thị trường quốc nội để bù cho những mất mát trong thị trường xuất cảng. Bắc Kinh đưa ra 20 biện pháp kích thích tiêu thụ, nới lỏng cho các địa phương vay nợ dễ dàng hơn để cung cấp việc làm cho những công nhân mất việc vì hàng xuất cảng xuống thấp.
Trong khi đó các công ty Tàu tìm cách mở cửa qua làm ăn ở các nước Thái Lan, Nhật, Nam Hàn, lại thúc đẩy những thỏa ước mậu dịch tự do với các nước Đông Nam Á và Âu Châu.
Tập Cận Bình đã chịu thua, không đấu với Donald Trump nữa. Bây giờ là một cuộc chạy đua coi bên nào chịu đòn giỏi hơn. Ngay từ đầu, mục Bình Luận này đã đoán trong cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung bên nào chịu đựng được lâu hơn sẽ thắng. Đến giờ điều này vẫn đúng.
Ngô Nhân Dụng - Người Việt