Chiều tối nay, 13/6, các báo đồng loạt đưa tin Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Nhà cầm quyền đã trắng trợn lật lọng những gì cam kết với nhân dân Đồng Tâm. Thật đáng sợ.
Tháng 4/2017, cuộc khủng hoàng Đồng Tâm đã tới độ căng thẳng nhất. Người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát khi lực lượng này tấn công vào làng Hoành.
Ngày 22/4/2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội về Đồng Tâm lúc mà cả hai bên đều cần một lối thoát. Vì vậy, một thỏa hiệp nhanh chóng được chấp nhận: người dân Đồng Tâm thả nốt 19 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát còn lại còn ông Chung ký một bản cam kết gồm 3 nội dung: Làm rõ về vấn đề đất đai ở Đồng Xênh, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm và xác minh xử lý kẻ bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình.
Kết quả này được công luận tán đồng, có cả sự tung hô, cho rằng kết thúc có hậu, rằng nhà nước và nhân dân cùng thằng, rằng chính quyền có năng lực và sáng suốt…
Với quyết định khởi tố vụ án Đồng Tâm của Công an Hà Nội, nhà cầm quyền đã vứt mọi cam kết với nhân dân Đồng Tâm vào sọt rác. Khởi tố vụ bắt người giam giữ, làm hư hỏng tài sản nhưng không thấy nói gì đến vụ công an bắt 4 người trái pháp luật, đánh gãy xương ông Lê Đình Kình như lời cam kết của ông Chung.
Ngay sau khi có sự thỏa thuận giữa người dân và ông Nguyễn Đức Chung, nhiều người cảnh giác, nghi ngờ nhà cầm quyền sẽ không giữ đúng cam kết. Lật lọng, lường gạt là một thuộc tính của chế độ này nên người ta nghi ngờ là phải. Mặc dù vậy, họ vẫn cứ hy vọng những điều tốt lành cho người dân Đồng Tâm. Việc lật lọng cam kết với người dân Đồng Tâm không làm cho họ bất ngờ nhưng làm cho họ phẫn nộ.
Hẳn là nhà cầm quyền đã tính toán kỹ lưỡng trong ván bài này. Nhưng kỹ lưỡng không có nghĩa là sẽ đem lại một kết quả tốt lành hay có hiệu quả. Người tâm lành tính một kiểu, kẻ xảo quyệt tính một kiểu. Trong sự tính toán thiệt hơn, còn có cả mục tiêu thỏa mãn sự cay cú, ăn thua vốn xuất phát từ bản chất kiêu ngạo, hiếu thắng của người cộng sản.
Theo Facebook Lương Ngọc Huỳnh, ngay sau khi có tin Công an Hà Nội khởi tố vụ Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình đã có cuộc điện thoại trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Đức Chung. Trong đó có đoạn ông Chung phân trần: “dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay, anh Đồng và cô Lan xử lý thế là không được! Nếu lúc đó tôi không ký thì chỉ cần ai hô một câu thì hậu quả như thế nào cụ biết rồi…”.
Nghe như chuyện bắt nạt nhau của trẻ con ngoài đường chứ không phải là của một ông chủ tịch thủ đô với nhân dân. Nếu đúng là ông Chung nói thế thì đây là nguyên cớ để giải thích sự lật lọng của họ. Nhưng dù có nói thế nào đi chăng nữa thì còn ai người ta tin mà chỉ có sự khinh bỉ, căm ghét, phẫn uất.
Chỉ ái ngại cho nhân dân Đồng Tâm. Suốt quá trình suốt thời gian rào làng chống cướp, họ luôn luôn giương lên những khẩu hiệu nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào đảng. Họ đã từng vỡ òa niềm vui khi nghe đọc bản cam kết của ông Nguyễn Đức Chung.
Lịch sử cướp đất và giữ đất bao giờ cũng diễn ra theo trình tự: cưỡng chế (cướp), nạn nhân đi khiếu kiện, nạn nhân vào tù. Đã có rất nhiều dân oan các tỉnh thành vào tù vì đi khiếu kiện. Bắt bỏ tù, loại bỏ người cầm đầu, kiên định là biện pháp để chúng rảnh tay cướp đất của dân. Với những vụ khiếu kiện mang tính tập thể làng xã gần đây có Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) với 7 người đi tù, Trịnh Nguyễn (Từ Sơn, Bắc Ninh) với 12 người vào tù…
Và bây giờ thì đến Đồng Tâm. Có vẻ như việc cảnh sát ngoan ngoãn để cho dân bắt rồi khởi tố về việc bắt người giam giữ theo một kịch bản đã được sắp đặt để đạt được mục tiêu cuối cùng là dẹp tan việc đòi đất của nông dân Đồng Tâm. Sẽ có bao nhiêu người Đồng Tâm vào tù vì tội đòi đất? Tất nhiên ra tòa, họ mang một tội danh khác mà quan tòa gán cho theo lệnh của kẻ có quyền.