Trần Hiếu Chân
Không nắm giữ bất cứ quyền năng “cứng” nào, nhưng Thầy Thích Minh Tuệ đang lan tỏa một khối sức mạnh cuốn hút. Thầy mang lại sự tương phản vượt trội so với “các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước” đang ngập ngụa trong tham nhũng và đấu đá trên thượng tầng Ba Đình. Chính quyền Hà Nội, vì thế mà run sợ.
------------------------
Nhưng càng run sợ, Đảng và Nhà nước càng tỏ ra bất lực và thiếu khôn ngoan dưới con mắt của công chúng, cả trong nước lẫn quốc tế. Và họ đã liên tục bố ráp thầy và tăng đoàn. Nhà sư Thích Minh Tuệ mất tích lần thứ hai (1). Trước đấy, đại chúng vốn đã rất hoang mang, lo lắng cho sự an toàn của thầy và tăng đoàn, khi được biết trong đêm tối, chính quyền đã bố trí hai công an (loại an ninh chống bạo động) xốc nách một nhà sư đang ngái ngủ, bốc tất cả lên các xe đặc chúng, rồi “tẩu tán” kẻ vô Nam, người ra Bắc (2). Có thể nào hình dung, nhà nước cộng sản áp dụng “chuyên chính vô sản” đối với cả các nhà sư đi khất thực không một khí cụ gì trong tay, trừ nồi cơm điện? Thứ này thì Đại tướng Tô Lâm chưa liệt vào danh sách “vũ khí công an cần quản lý” để đệ trình trước Quốc hội (3). Với cương vị tân Chủ tịch nước, tướng an ninh khoác vỏ nguyên thủ lại còn “sắt máu” hơn trước kia khi còn làm bộ trưởng công an, ra lệnh đàn áp tăng đoàn của thầy Thích Minh Tuệ theo cách thế giới văn minh không thể tưởng tượng nổi!
Ngược lại với sự thấp hèn và thô lậu nói trên của công an là tầm minh triết về ứng xử của Thầy. Giản dị như cuộc sống hàng ngày, Thầy xưng “con” với tất cả mọi người. Xưng con là sự tôn trọng tha nhân, tin vào đại chúng. Một ngày nào đó họ có thể thành Phật. Điều này thể hiện lòng tin vào tiến triển và tiềm năng của mỗi con người, hy vọng vào khả năng thay đổi của từng con người và lòng nhân từ đối với những người khác. Không chỉ trong phật pháp, mà ra ngoài xã hội, điều này bao hàm một lý tưởng nhân văn cao đẹp. Kiếp nạn của tha nhân có thể rất khác nhau, kiếp trước họ có thể là bố mẹ hay ông bà của mình, nên lúc nào cũng cần có sự cung kính và khiêm nhường. Minh triết này nhấn mạnh sự liên kết và tương tác phức tạp giữa các cá thể trong xã hội. Đây là một sự liên kết karmic (nhuận nghiệp) giữa mọi người, cho thấy rằng, mỗi cá nhân có quan hệ và tương tác với những người khác trong quá khứ và hiện tại. Việc nhìn nhận mối quan hệ này có thể thúc đẩy sự hiểu biết, sự đồng cảm và tinh thần hòa giải giữa những con người khác nhau. Ta là Phật đã thành (Buddha nature). Tha nhân là Phật sẽ thành (Becoming Buddha). Một minh triết vi diệu biết bao! (4)
Nhưng giờ này Thầy ở nơi nao? Hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi thống thiết! Những tin tức nhỏ giọt từ người em trai của thầy vẫn chưa làm yên lòng hàng triệu con tim hâm mộ. Ngay khi được tin thầy “mất tích” lần thứ nhất, đại chúng khắp từ Bắc chí Nam đã đổ về miền quê xa lắc xa lơ tại tỉnh Gia Lai. Các chuyến bay đến tỉnh lỵ Gia Lai bị cháy vé. Còn đường xưa hoang vắng bỗng nhiên nhộn nhịp những đoàn người đủ loại thành phần. Khách bộ hành, khách xe đò, đường ngắn, đường dài nối đua nhau suốt cả tuần lễ đến Gia Lai, chỉ mong được gặp để chiêm bái và đảnh lễ Thầy. Đúng như một Blogger trên VOA sau cái đêm tăng đoàn bị bố ráp, đã cảm thán: “Thích Minh Tuệ phải chăng là phép thử từ “Cõi Trên”? Phép thử ấy hàm ý về hành động tu tập hoặc sự hiện diện của nhà sư và tăng đoàn tình nguyện quá đỗi phi thường, cuốn hút cộng đồng trong và ngoài Phật tử, cả Việt Nam lẫn quốc tế. Phép thử ấy hàm ý như cuộc kiểm tra về mặt thế tục cũng như tâm linh, nhưng trong một số biểu hiện cụ thể, nó còn là sự giao thoa và bổ sung lẫn nhau giữa những hoạt động đời thường với các trải nghiệm siêu nhiên” (5).
Với phép thử từ “Cõi Trên” như thế, xin hỏi Tô Đại tướng kiêm tân Chủ tịch Nước, liệu ông có thể ra lệnh cho lập các chốt kiểm soát trên “không gian Cốc” của Thầy, hay trên cả địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai? Thậm chí cứ cho rằng, các ông có thể thiết lập một hệ thống mật thám, cả chìm lẫn nỗi khắp trên đất giải đất hình chữ S này để ngăn cản người dân và các Phật tử tiếp cận ánh sáng từ trí huệ của Bề Trên? Sự mất tích hiện nay của Thầy chắc chắn là do áp lực từ phía công an và chính quyền. Nhưng các ông có hiểu rằng, Sư Minh Tuệ và tăng đoàn sẽ tự hòa mình vào cuộc đời này, vào cát bụi trần gian, trải dài mênh mông, tự do và tự tại, cho dù Sư sẽ ẩn trên hang núi hay xuống bến chợ lưng đèo… (6) Điều này thì không chỉ guồng máy đàn áp của nhà nước công an trị, mà ngay cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cũng không thể đốn ngộ! Bộ máy kìm kẹp tôn giáo những tưởng, ra tay đối với thầy và tăng đoàn như vừa qua, cộng thêm với các chủ trương bó hẹp không gian truyền thông xã hội, Thầy sẽ biến khỏi trái đất mãi mãi!
Đại chúng tạm thời bơ vơ, mất phương hướng và cạn kiệt lòng tin vào chính quyền, vào đạo pháp “quốc doanh”. Theo đó, tu chỉ sống trong chùa, phải đăng ký để được Nhà nước cấp phép! Bình luận của Nguyễn Nhơn ngày 23/6 trên RFA đã giễu nại một cách “chuẩn không cần chỉnh” khi Blogger này giật tít: “Tìm cách hạ bệ Thích Minh Tuệ – Ai có cái thang, cho Giáo hội xin!” GHPGVN trong một phút hăng say đã trèo tuốt lên cái thang cao ngất của sự kẻ cả. Chính là cái công văn ngạo mạn rũ bỏ tất cả mọi liên quan với hành giả Thích Minh Tuệ, căn dặn Phật tử không được hoan nghênh chào đón nhà sư vì ông không phải là tu sĩ của Giáo hội (7). Kể cũng lạ, mấy tay An ninh tôn giáo đội lốt nhà sư (có học hành đạo pháp hẳn hoi) sao không hiểu “nhân chi sơ” của 13 phép tu Hạnh Đầu Đà là gì, mà đòi Thầy Minh Tuệ phải lăn tay làm Căn cước, phải đăng ký mới được gọi là “khất sỹ”(?) Cách Công an và Chính quyền hiện nay đối với thầy chứng tỏ họ lúng túng, sợ hãi đến rối trí trong việc xử lý hiện tượng Thích Minh Tuệ. Lúng túng, sợ hãi nhưng lại cậy quyền, cậy thế nên đã dẫn đến những cách hành xử bất minh. Mà không chỉ bất minh lại còn vô tuệ!
Mặc cho GHPGVN không công nhận Thích Minh Tuệ và tăng đoàn là các tu sĩ chính thức và họ đã cố tình đưa ra nhiều thông tin để mạ lỵ và xúc xiểm thầy và tăng đoàn. Ngược lại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV) lại ca ngợi các khất sỹ, vì đã tuân thủ các hạnh nguyện đầu đà và khuyến khích tinh thần tự do tu tập. Điều đáng nói hơn là, ngay từ những ngày đầu, đặc biệt sau cuộc bố ráp thầy và tăng đoàn lúc nửa đêm ngày 2/6, thì hiện tượng Thích Minh Tuệ đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Sự mất tích của Thầy cũng đã thu hút sự chú ý của một số chính trị gia quốc tế. Dân biểu Hạ viện California Michelle Steel đã bày tỏ quan ngại về tình hình này và nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam không cải thiện tình trạng tự do tôn giáo, họ có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ. Dân biểu Michelle Steel vào ngày 11/6 ra thông cáo báo chí lặp lại kêu gọi Bộ Ngoại giao của Chính phủ Tổng thống Joe Biden hiện nay hãy đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các quốc gia cần Đặc biệt Quan tâm” (CPC) do tình trạng bách hại tự do tôn giáo ngày càng tăng, đặc biệt tình hình Sư Minh Tuệ hiện nay (8).
__________
Tham khảo:
(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/unofficial-monk-thich-minh-tue-disappears-again-while-many-other-monks-disappear-on-their-way-heading-to-his-place-06142024060438.html
(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-concern-about-missing-of-monk-thich-minh-tue-06052024072117.html
(3) https://nld.com.vn/bo-truong-to-lam-trinh-du-luat-ve-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro-196240520171721488.htm
(4) https://thuvienhoasen.org/a34154/duc-phat-cua-chung-ta-our-buddha-sach-song-ngu-
(5 và 6) https://www.voatiengviet.com/a/thich-minh-tue-chan-tran-chi-thep-/7640642.html
(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/please-give-vn-buddhist-sangha-a-ladder-06232024092741.html
(8) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/steel-calls-accountability-for-religious-freedom-violations-in-vietnam-06122024081943.html