Tân Phong - Web Việt Tân|
Báo chí trong nước thời gian qua thi nhau giựt tít “GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2035 đạt trên 10.000 USD” – được cho là theo đánh giá của IMF mà không rõ trích dẫn từ nguồn tài liệu nào và ai là người đưa ra đánh giá này. Giới chức Việt Nam lấy đó như một thành tựu vượt bậc và truyền thông “lề đảng” hoan hỉ tâng bốc. Cần lưu ý cách giựt “tít câu like” của báo chí Việt Nam hết sức ma cô, lập lờ đánh lận con đen vì con số GDP/đầu người và PPP là hai con số không thể thay thế và không tương đồng.
Mục tiêu GDP đạt mức 10.000 tỷ Mỹ Kim tới năm 2035, chỉ sau một vài bài báo “đặt hàng,” đã nghiễm nhiên trở thành một con số thống kê chính thức. Khuynh hướng thổi phồng thành tích và che dấu các yếu kém của chế độ thì hầu như đâu cũng có. Song đối với những quốc gia toàn trị và độc đảng thì điều này ở mức trơ trẽn đến phi thường và truyền thông “big lie” luôn là công cụ chủ đạo để biến dối trá thành “sự thực.”
Trước đó ít lâu, tờ báo chính phủ điện tử nhà cầm quyền CSVN đăng bài “Chúng ta đã tạo ra 1200 tỷ USD GDP,” đưa ra một bức tranh kinh tế được tô hồng lung linh trong 5 năm nhiệm kỳ của ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nào là tạo ra 8 triệu việc làm mới, nào là tăng mức thu nhập người dân trong vòng 5 năm lên tới 145%, số dân trung lưu nhiều hơn cả dân số của “4 con hổ Châu Á” và vị thế chính trị trong khu vực được nâng cao như thế nào…bla bla.
Quả thực nếu không có những kiến thức cơ bản về kinh tế vĩ mô, hầu hết độc giả đều cho rằng vai trò của “chính phủ kiến tạo” của ông Phúc to lớn lắm. Và nếu chỉ lướt qua cái tiêu đề mà không đọc hết bài viết thì không ít người có thể nghĩ rằng GDP Việt Nam đã là 1200 tỷ USD rồi.
Với một nền kinh tế mà hơn 70% xuất cảng thuộc về khối doanh nghiệp FDI thì việc đem cái chỉ số GDP/đầu người để làm thành tích kinh tế của “đảng và nhà nước” cũng giống như câu chuyện “mượn đầu heo nấu cháo.” Nhưng các “thiên tài đảng ta” chuyên nghề “của người phúc ta” nên việc lấy kết quả kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia làm thành tích kinh tế của “đảng và nhà nước” là “chuyện thường ngày ở huyện.”
Chỉ riêng 500 doanh nghiệp Hàn Quốc hàng đầu như Samsung, LG, Hyundai… đã chiếm tới 25% toàn bộ giá trị hàng hóa xuất cảng quốc gia với doanh số hàng trăm tỷ USD. Nhưng thực tế, ngoài số tiền thuế xuất nhập khẩu, phần thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tai nạn của lực lượng lao động… phần thặng dư thực sự từ sản xuất mà các doanh nghiệp Việt kiếm được từ việc cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp vốn FDI là rất khiêm tốn, chỉ khoảng 2-3% giá trị hàng hóa cuối cùng.
Không phủ nhận rằng việc thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập của người dân. Nhưng khách quan đánh giá hơn khi thấy rằng “lợi thế so sánh quốc gia” mà Việt Nam có được tới nay vẫn là nhân công giá rẻ, tiêu chuẩn về môi trường, nhân quyền, lao động dễ dãi… Một quốc gia có dân số 100 triệu dân, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, tài nguyên khoáng sản giàu có, vị trí địa kinh tế chính trị số 1 Đông Nam Á và thiên nhiên tươi đẹp, dù vậy đến nay Việt Nam vẫn là một trong các nước top cuối của khu vực, đó là một thất bại và đáng xấu hổ chứ không có gì để tự hào cả.
Năm 2019, theo chỉ đạo của ông Thủ Tướng Phúc, ngành thống kê đã phải “đẽo chân cho vừa giày” khi tính tăng thêm gần 25,4% GDP để “nặn” ra con số thu nhập bình quân 3000 USD/đầu người và hô biến tỷ lệ Nợ công theo % GDP đang ngất ngưởng ở con số 63,7% năm 2016 xuống mức 56,8%. Thực tế là Nợ theo con số tuyệt đối không ngừng “cao, cao mãi,” nhưng dưới bàn tay của những “thiên tài AQ” của đảng CSVN thì chiếc bánh GDP đã được cho thêm “bột nở,” tăng tới 25,4% theo “cách tính mới,” nên tỷ lệ Nợ công “giảm” đi theo tỷ lệ %. Chiêu trò “giấu rác dưới thảm” này không giúp cho việc Nợ biến mất hay nhỏ lại. Thực chất, Nợ chưa bao giờ giảm bớt mà phình to hơn bao giờ hết.
Theo thống kê của Statista thì Nợ hiện tại của Việt Nam là 154 tỷ USD và mỗi năm tăng thêm từ 12 – 13 tỷ USD tương đương với khoảng 5% GDP. Không biết khi con số Nợ mới lại tăng tiệm cận con số mà Quốc Hội đặt ra là 65% GDP, nhiệm kỳ tới, ông thủ tướng có tiếp tục “điều chỉnh” hay “tính lại GDP” nữa hay không? Nhưng chắc chắn một điều là khi đống Nợ đã bốc mùi thì tấm thảm phủ trên có đẹp mấy cũng sẽ là vô ích. Những tấm hóa đơn quốc tế khi tới hạn không trả được chỉ có một cách gọi mà thôi – Bankrupt! Và khi những chiêu trò “thao túng tiền tệ” học được từ người bạn 4 Tốt khi theo đuổi chính sách đồng tiền yếu để hỗ trợ xuất khẩu và gia tăng quĩ ngoại hối quốc gia bị Hoa Kỳ “chỉ mặt gọi tên” và trừng phạt thì những thiên tài đảng ta quay trở lại loay hoay với câu hỏi “làm thế nào để huy động tiền vàng trong dân?”
Năm 2020, nền kinh tế bị mất trắng ít nhất 50 tỷ Mỹ Kim vì dịch bệnh COVID-19. Chỉ riêng ngành du lịch – một trong những ngành mang lại nguồn ngoại tệ chủ yếu của quốc gia bị thiệt hại tới 23 tỷ Mỹ Kim và lượng kiều hối cũng như xuất khẩu lao động giảm mạnh. Số lao động “xuất khẩu” được chỉ 54.307 lao động so với kế hoạch đề ra là 70.000 lao động. Xuất cảng của nhóm ngành sản xuất chủ lực như da giày, may mặc, điện tử cũng giảm hơn 5 tỷ USD. Hơn 100.000 doanh nghiệp chính thức phá sản hoặc ngừng hoạt động, đóng mã số thuế. Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng thu nhập và ít nhất 1,3 triệu lao động bị thất nghiệp theo như công nhận mới đây của tờ Tuổi Trẻ.
“…Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng Mười Hai, 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.”
Với dẫn chứng số liệu trên của Tổng Cục Thống Kê, thì 14% trong số 32,1 triệu người đang độ tuổi lao động “bị buộc tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh” tương đương với con số lao động bị thất nghiệp phải là 4,6 triệu người. Đó cũng chính xác là con số thất nghiệp mà vào tháng Sáu, 2020, người viết đã đưa ra và cảnh báo về vấn nạn thất nghiệp nghiêm trọng sẽ gây áp lực lớn các vấn đề dân sinh cũng như an ninh trật tự xã hội. Trong bối cảnh vắc-xin chưa thể phổ biến rộng rãi thì thất nghiệp kéo dài với tỷ lệ cao sẽ là cơn ác mộng dân sinh thực sự.
Đa số doanh nghiệp tư nhân nội địa đã có lẽ “một đi không trở lại” và phải mất nhiều năm lực lượng này mới có khả năng phục hồi. Con số thất nghiệp trên thực tế chắc chắn lớn hơn với con số mà Tổng Cục Thống Kê đưa ra rất nhiều vì lực lượng lao động làm việc trong khối kinh tế phi chính thức của Việt Nam chiếm tới 57% tổng số lao động từ 15 – 60 tuổi. Trong khi khối kinh tế này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nhưng lại không được thống kê, đánh giá đầy đủ cũng như khó tiếp cận được những hỗ trợ ít ỏi của xã hội. Tương lai trong 5 năm tới, thất nghiệp sẽ là một vấn đề cực kỳ nan giải ở Việt Nam. Vậy mà, giới cầm quyền vẫn “nặn” ra con số GDP/đầu người tăng tới 3500 usd/đầu người năm 2020. Đó quả thực là một lời dối trá quá mức trắng trợn và vô sỉ.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi được ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế dương. Tuy vậy, cần phải nhắc lại rằng, nền kinh tế còn trụ được tới bây giờ là nhờ khối doanh nghiệp FDI với các tập đoàn đa quốc gia lớn có sức mạnh tài chính, công nghệ và thị trường toàn cầu. Khi hơn 80% khối dân doanh nội địa đã tê liệt hoàn toàn. Khối doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn và tổng công ty vốn không có dịch bệnh thì cũng luôn “lấy lỗ làm lãi”, và COVID-19 đã khiến cho rất nhiều các tập đoàn như hàng không quốc gia, đường sắt Việt Nam… rơi và cảnh lỗ ngập đầu, mất vốn sở hữu. Nền kinh tế dựa trên “3 trụ cột” đã què 2, còn lại 1 mà thôi. Dù vậy, với “1 chân” còn lại, Việt Nam vẫn có thể “cà nhắc” và may mắn hơn các nền kinh tế khác trong khu vực rất nhiều.
Có thể nói, theo một cách thức không thể hình dung nổi theo logic thông thường, cơn dịch bệnh đã đem lại cho Việt Nam cơ hội để vươn lên trên bảng tổng sắp về tăng trưởng GDP và hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Tuy vậy, nó không thực sự đánh giá được đầy đủ sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam mà nó chỉ cho thấy một chiều hướng phi logic đã xảy ra trong thế giới có quá nhiều biến số bất định.
Theo đánh giá của IMF, GDP danh nghĩa của Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Singapore và Malaysia và trở thành “nền kinh tế số 4” trong khu vực. Báo chí trong nước hoan hỉ nói về thành tựu vĩ đại nhờ… COVID-19 – giống như câu chuyện hài “Việt Nam xin Thượng đế cho mù một mắt và các ông bạn láng giềng mù cả hai mắt để mình trở thành thằng chột làm vua xứ mù” vậy. Một thứ não trạng thảm hại, đúng kiểu “mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì tại thiên tài đảng ta” bấy lâu nay.
Nhưng cái niềm tự hào đó thật dị hợm và lố bịch lắm thay. Những người cộng sản luôn lấy chính sách lừa bịp và dối trá làm quốc sách cai trị, giờ thì chứng dối trá ấy đã ngấm vào xương tủy trở thành một thứ gene hoang tưởng và tự kỷ. Không rõ, họ có thể xây dựng được một “tương lai hùng cường” như thế nào từ những con số GDP dối trá và mộng mị đó?
Tân Phong
XEM THÊM: