“Từ một Giáo Hội bị đàn áp đã đi đến một Giáo Hội mạnh mẽ”
Đức Hồng-Y Marx kết thúc chuyến công du tới nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Hôm nay, Chủ nhật, 17 tháng Giêng 2016, vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Hồng-Y Reinhard Marx đã trở về lại nước Đức sau 9 ngày thăm viếng Việt Nam (8–17 tháng giêng 2016).
Ngài tổng kết rằng đã đạt được thành quả tốt trong những cuộc gặp gỡ với các vị Giám Mục Việt Nam, với những vị đại diện các tôn giáo khác, đại diện chính quyền cũng như kinh tế. Chuyến viếng thăm đã diễn ra ở những khu thuộc phạm vi rộng của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; dự định đến thành phố Vinh, miền Trung Việt Nam, để đàm thoại với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cũng là Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Việt Nam về Công Lý và Hòa Bình, đã bị các cơ quan nhà nước ngăn cấm.
Đức Hồng-Y Marx dùng chuyến viếng thăm này để nói lên tình liên đới giữa Giáo Hội Đức quốc với các tín hữu công giáo tại Việt Nam. Chuyến công du cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ quốc tế cho một Giáo Hội đã bị đàn áp trong những thập niên qua và hiện giờ đang được hưởng một mức độ tự do nhất định, để có thể thi hành những trách nhiệm mục vụ. “Những viên chức của giáo hội mà tôi gặp gỡ trao đổi nói rõ là Giáo Hội Việt Nam có thể làm được rất nhiều việc - nhưng bị lệ thuộc vào thời vận chính trị của chính quyền trung ương cũng như lòng hảo tâm của các cơ quan hành chánh địa phương. Đây không phải là tự do tôn giáo được bảo đảm bằng luật pháp như chúng ta mong muốn, nhưng tình hình hiện nay cũng khác xa so với trạng huống giáo hội bị đàn áp trong những thập niên trước.” Đức Hồng-Y Marx tin chắc rằng, là từ một Giáo Hội bị đàn áp đã đi đến một Giáo Hội mạnh mẽ.
Ngài nói tiếp: “Tôi không những chỉ cảm nhận được ở các Đức Giám Mục và Linh mục, song ngay cả ở số đông các tín hữu một sức mạnh tinh thần lớn và lòng không sợ hãi. Đây là nền tảng cho một tương lai tốt đẹp của Giáo Hội này.”
Trong buổi gặp gỡ với chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, trong đó bao gồm tất cả mọi tổ chức và đoàn thể xã hội dưới sự chỉ đạo của nhà nước, với ủy ban văn hóa quốc hội cũng như với ủy ban nhà nước cho những vấn đề tôn giáo, vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã thảo luận những bước phát triển kế tiếp cho tự do tôn giáo cũng như mối tương quan giữa nhà nước và Giáo Hội. Đức Hồng-Y Marx đã lên tiếng công nhận những cải tiến của những năm qua, không riêng chỉ việc cho phép Giáo Hội quyết định đào tạo bao nhiêu linh mục để đáp ứng trách nhiệm mục vụ. Ngài cũng nêu lên những phê bình của các vị Giám Mục Việt Nam về dự án đạo luật tôn giáo với những bổn phận phải ghi danh và báo cáo tỉ mỉ, có thể là cái cổng-yết-hầu dẫn đến tình trạng kiểm soát toàn bộ Giáo Hội Việt Nam.
Trong những thánh lễ công cộng tại Hà Nội, Tam Đảo, Sở Kiện, thành phố Hồ Chí Minh có hàng mấy ngàn người tham dự, Đức Hồng-Y Marx luôn đề cập đến tự do tôn giáo. Tại nhà thờ chính tòa thành phố Hồ Chí Minh, Đức Hồng-Y Marx đã kêu gọi sống từ lòng thương xót của Thiên Chúa; lòng thương xót này vượt qua mọi ranh giới, tường thành cũng như mọi hận thù và tạo điều kiện cho con người bắt đầu một cuộc sống mới: “Hành động của Chúa Giêsu đánh dấu và tạo điều kiện cho một cách nhìn mới. Cho tới nay nó vẫn có giá trị cho các lãnh vực xã hội, văn hóa và chính trị; là những lãnh vực được kêu gọi vượt qua những ranh giới.” Trước đó Đức Hồng-Y Marx đã gặp gỡ và trao đổi với Đức Tổng-Giám-Mục Sài-Gòn, Phaolô Bùi Văn Đọc.
“Việt Nam là một xã hội đang trong tiến trình thay đổi và đang nỗ lực để có một định hướng căn bản cho tương lai. Nhiều thế lực trong và ngoài đảng Cộng Sản tham gia vào cuộc tranh luận xã hội này”, đó là nhận định của Đức Hồng-Y Marx. Ở Hà Nội Ngài đã có cơ hội gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến; và ở thành phố Hồ Chí Minh Ngài đã trao đổi với giới trí thức công giáo. “Về mặt kinh tế Việt Nam là một xã hội tư bản. Xã hội này bị cộng sản cai trị. Mô thức này đưa đến những căng thẳng trầm trọng; nó không đáp ứng được những đòi hỏi tự do ngày càng lớn và rất khó tổ chức được tình liên kết xã hội lâu dài”. Vì thế Đức Hồng-Y Marx luôn nhắc lại trong những buổi gặp gỡ các đại diện chính giới, cũng như với các giám đốc người Đức ở thành phố Hồ Chí Minh và trong buổi gặp gỡ tại một trường huấn nghiệp giúp các thiếu niên nghèo (do những tổ chức giáo hội và xã hội Đức nâng đỡ), về nền tảng giáo huấn xã hội của công giáo đi con đường thứ ba bên kia chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản.
Đức Hồng-Y Marx đã thăm viếng các xưởng dệt ở cả miền Bắc cũng như miền Nam, để có được một ấn tượng về điều kiện lao động và sản xuất. Trong dịp này đã sáng tỏ một điều là, cơ chế giám sát của nhà nước bảo đảm một cách tổng quát tình trạng có thể chịu được cho công nhân - trong ngành kỹ nghệ dệt vải nhất là phụ nữ - nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về luật lệ công đoàn. “Nhưng người ta được phép hy vọng rằng, với mức độ gia tăng hợp tác quốc tế này, trong trung hạn sẽ dẫn tới một sự thay đổi”, Đức Hồng-Y Marx nghĩ như thế.
Ngày cuối của chuyến viếng thăm đã dành cho nhà dòng Thủ-Thiêm. Nhà dòng này được xây dựng vào năm 1840; có 300 nữ tu; nằm chung với một nhà thờ giáo xứ trong một khu vực thành phố, mà người ta muốn thay đổi hoàn toàn thành một khu kinh tế với những căn nhà cao tầng.
Các vị nữ tu cùng với cả Giáo Hội Việt Nam đang chống lại lệnh giải tỏa của nhà nước. Đức Hồng-Y Marx đã nói lên tình liên đới của các vị giám mục Đức-Quốc đối với các nữ tu, cũng như lời cảm ơn chính phủ Đức-Quốc vì thái độ ân cần trong vụ này. “Sự xung đột đang diễn ra ở đây đi ra xa khỏi nguyên nhân cụ thể. Vấn đề đặt ra là chương trình hiện đại hóa kinh tế có được phép (theo nghĩa của từ ngữ) đạp nát cuộc sống xã hội với những hình thức sinh hoạt đa dạng và lịch sử của nó không. Và câu hỏi được đặt ra là: Có hay không những quyền và giá trị, mà người ta không được phép hy sinh cho động cơ lợi nhuận.”
Đức Hồng-Y Marx hứa với Giáo Hội Việt Nam rằng, chính trong giai đoạn biến chuyển khó khăn này các vị giám mục Đức-Quốc sẽ đứng sát vai với Giáo Hội Việt Nam.
Minh Hoài lược dịch
Bản tiếng Đức:
http://www.thongtinducquoc.de/node/2617
http://www.dbk.de