Luân Lê|
Vậy là tôi đã tròn 34 tuổi. Vào tuổi này thì những người như Jefferson (44) hay Hamilton (32) và Madison (36) đã là những đại biểu góp mặt vào Hội nghị lập hiến đầu tiên của nước Mỹ năm 1787. Những con người kiệt xuất viết nên bản Hiến pháp của họ mà vẫn đứng vững đến ngày nay, thứ mà như một tài sản quý báu cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ trở nên vĩ đại vượt bậc hơn cả những quốc gia được thành lập trước họ.
Và tôi thì lọ mọ sống trong một nước cộng sản, nơi mà con người ta đang coi nhau như những sinh vật để chà đạp bằng mọi cách có thể. Họ chẳng có gì ngoài dối trá và bạo lực để dành cho nhau trong đời sống. Người nghèo bị khinh rẻ, kẻ giàu bị ghét bỏ hoặc đặt vào sự phán xét của các tội ác, kẻ trung bình an phận và sống dửng dưng qua ngày. Ai cũng có lý do và phận sự để gom mình vào trong những chiếc vỏ bọc để thoái bỏ trách nhiệm của mình trước thời cuộc.
Chúng ta muốn có một đất nước vĩ đại, thịnh vượng và văn minh, chúng ta không thể sống với một tâm thế của những kẻ nhỏ mọn, ti tiện và ác độc. Chúng ta muốn vĩ đại, buộc phải sống với phẩm chất vĩ đại, nhưng không phải là sự khuyếch trương và phóng đại cái bóng mình lên. Muốn thế, muốn có những trí tuệ vĩ đại, chính thể phải là dân chủ và thúc đẩy cho tự do tư duy, tự do tư tưởng của con người.
Chúng ta đến nay, sống với trạng thái mà hầu hết đến cả tầng lớp được đi học còn không thể hiểu nổi nhân quyền và dân quyền là gì, những người làm luật và hành nghề luật còn không đủ khả năng nhận thức đúng mức và chính xác về nó, không có căn bản nền tảng về triết học chính trị và pháp luật, chúng ta không thể đòi hòi bất kỳ một phẩm chất vĩ đại nào vì vốn những con người thiếu đi cái thực chất để vĩ đại thì không thể làm được bất cứ việc gì đáng kể và hữu ích cho xã hội.
Thời gian trôi quá nhanh cho một con người. Sắp hết thế hệ của những đau đớn hôm nay, sẽ lại tiếp nối là những thế hệ đau đớn mai sau, nếu hôm nay ta không chấm dứt những nguồn cơn của mọi sự đau đớn ấy. Không có gì ngoài các thảm trạng khủng khiếp xảy ra, nhưng chúng ta bất động như những tảng đá bị đông lạnh, không còn biết bất bình trước cái sai, điều trái, không còn biết phản kháng trước những bất công, điều xấu. Đó là một trạng thái rơi vào sự nô lệ và tiêu vong.
Tôi đã viết hơn nửa thập kỷ, gần như không ngừng nghỉ mỗi ngày, tôi vẫn kiên nhẫn cho mọi việc mình làm. Và tôi vẫn không ngừng hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, mặc dù những con người ở đây còn quá ngần ngại cho việc đọc hết một bài viết không quá dài. Một xã hội, một dân tộc không yêu việc học hỏi, sợ hãi việc đọc sách và không có một đấng soi sáng tinh thần, hẳn là khó lòng sáng suốt để gây dựng nên giá trị nào đó cho chính họ.
Cứ thêm một tuổi cộng vào cho mình, tôi lại thấy thêm một sự lùi xa về phía sau của đất nước mình. Thứ có ý nghĩa nhất chính là hôm nay, vì ngày mai luôn là một món nợ vô cùng không thể trả được.