Thảm họa Formosa - Nỗ lực vận động Đài Loan

I- THẢM HỌA FORMOSA

Thảm họa Formosa đã và đang trở thành ung nhọt nguy hiểm có thể làm sụp đổ chế độ Cộng sản Việt Nam do chính sự bưng bít, bao che tội ác Formosa của Bộ Chính Trị, khi họ đã dành quá nhiều ưu đãi cho một thiểu số tài phiệt Đài Loan cấu kết với Trung Cộng đầu độc người dân Việt Nam qua dự án luyện kim tại khu công nghiệp Vũng Áng.

Thủ phạm chính của thảm họa này là Tập Đoàn Nhựa Formosa (Formosa Plastics Group) của Đài Loan, từng bị tổ chức bảo vệ môi trường của Đức là Quỹ Ethecon trao giải "Hành Tinh Đen" cho tập đoàn này vào năm 2009. Đây là Giải dùng để chỉ đích danh những công ty gây ra những tai hại môi trường lớn nhất trong năm.

Tập Đoàn Nhựa Formosa (Formosa Plastics Group) đầu tư tại Việt Nam qua dự án Khu Liên Hợp Gang Thép và Cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng, dưới tên Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Ha Tinh Steel Corporation = FHS) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 với tổng số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 10,548 tỷ Mỹ Kim với các hạng mục công trình chính:

- Xây dựng nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất Nhà máy liên hợp gang thép lên 22,5 triệu tấn/năm;

- Xây dựng cảng Sơn Dương với 11 bến tàu ở giai đoạn một trong tổng số 32 bến tàu;

- Xây dựng Tổ Hợp Nhà Máy Nhiệt Điện Formosa với tổng công suất 650MW, bao gồm 5 tổ máy phát điện.

Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa tại Hà Tĩnh. Ảnh: AFP

Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Không những thế, nhà cầm quyền CSVN còn dành cho FHS nhiều ưu đãi chưa từng có như được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền....

Ngoài ra để bảo đảm sự hoạt động lâu dài của FHS, trong Hợp đồng thuê đất ký kết giữa Ủy ban nhân dân hành chính Hà Tĩnh và FHS vào ngày 6 tháng Hai, 2009, đã quy định rằng: “tỉnh Hà Tĩnh không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; Đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòn3g, an ninh, hai bên tiến thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện.”

Vì là một tập đoàn chuyên về nhựa, Formosa không có kinh nghiệm trong lãnh vực luyện kim nên đã nhờ các kỹ sư và công ty luyện gang thép của Trung Cộng tư vấn. Công nghệ mà Trung Quốc mang sang thiết kế ở nhà máy gang thép tại Vũng Áng thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường tới hàng chục nghìn m3/ngày.

Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà FHS và các kỹ sư Trung Quốc lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Arsenic ra những đường ống ngầm chạy ra biển Vũng Áng.

Kể từ khi thảm họa môi trường biển Việt Nam do Formosa gây ra bùng nổ vào ngày 6 tháng Tư, 2016, đến nay đã một năm trời qua, cả thủ phạm chính là Formosa và kẻ đồng phạm là nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã không làm bất cứ một hành động nào trong cả 3 hướng là: 1/ Bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của người dân Việt Nam, 2/ Cải thiện môi trường biển Việt Nam bị hủy hoại khốc liệt, 3/ Đền bù những thiệt hại mà sự ô nhiễm đã gây ra cho người dân Việt Nam.

Formosa, mặc dầu đã cúi rập đầu xin lỗi người dân Việt, đã không làm bất cứ hành động nhỏ nhặt nào để cải thiện môi trường biển mà họ đã hủy hoại, mà còn tiếp tục xả thải chất độc ra biển khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tệ hại và trầm trọng hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà và lãnh đạo bộ, ngành tắm biển để chứng minh biển Miền Trung đã an toàn. Ảnh: BizLive

Nhà nước CSVN, thay vì cảnh báo người dân về sự nguy hiểm khi tiêu thụ các hải sản bị ô nhiễm, về sự nguy hiểm khi đụng chạm đến nước biển bị ô nhiễm đã từng gây tử vong, lại dối trá khi khuyến khích người dân ăn hải sản độc hại và tắm nước biển vẫn còn độc hại.

Nhà nước CSVN đã gian và dối khi âm thầm chấp thuận khoản đền bù hoàn toàn không tương xứng là 500 triệu mỹ kim từ Formosa mà sau đó họ đã gian trá trả lại cho Formosa dưới hình thức thuế. Tệ hơn nữa, khoản tiền 500 triệu Mỹ kim trở thành tưởng tượng này, dù ít ỏi, cũng đã không đến tay người dân mà vào túi của nhiều từng lớp cán bộ CSVN tham nhũng.

Hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là những ngư dân tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, đã mất công ăn việc làm, không còn thu nhập, không được đền bù, đã lâm vào cảnh khốn cùng.

Trước tình cảnh đó, người dân miền Trung chỉ còn một cách là kiện thẳng Formosa để đòi bồi thường. Thay vì hỗ trợ việc đòi công lý và công bằng chính đáng này của người dân, nhà nước CSVN lại dùng toàn lực cản trở, ngăn chặn, trấn áp, hành hung, thậm chí đả thương cả các linh mục, các lãnh đạo tôn giáo và người dân đi kiện Formosa.

Không phải đợi đến khi những việc làm hợp lý như biểu tình và khiếu kiện không được Formosa và nhà nước CSVN đáp ứng, mà ngay từ khi tin tức về Formosa gây ô nhiễm được bung ra, đầu tiên là các tổ chức đấu tranh, những lãnh tụ tôn giáo, những nhà hoạt động nhân quyền đã ý thức về sự gian trá của Formosa cấu kết với sự ngoan cố bao che của nhà nước CSVN, và từ đó nhận ra nhu cầu can thiệp của quốc tế.

Trong nỗ lực đó, một số chính giới và NGO tại Đài Loan đã tích cực tham gia vào phong trào hỗ trợ ngư dân miền Trung và đặc biệt nhất là vận động dư luận Đài Loan hỗ trợ cuộc đấu tranh tìm công lý của giáo dân miền Trung trong thời gian qua.

II- NỖ LỰC TỪ ĐÀI LOAN

Nỗ lực này là một chuỗi những vận động thật phi thường của nhiều cá nhân, tổ chức của người Đài Loan và Việt Nam, đóng góp vào công cuộc đi tìm công lý cho nạn nhân Formosa.

Gióng tiếng chuông buộc Formosa nhận tội

Sau nhiều điều tra và chuẩn bị, ngày 16 tháng Sáu, một cuộc họp báo đã diễn ra tại Quốc Hội Đài Loan với sự hiện diện của 3 dân biểu Quốc Hội Đài Loan và đại diện các tổ chức phi chính phủ gồm Hiệp Hội Luật Sư Môi Trường, Hiệp Hội Bảo Vệ Nhân Quyền (theo dõi, giám sát Công Ước Nhân Quyền) và Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan mà Giám Đốc là LM Nguyễn Văn Hùng với mục tiêu là đòi hỏi công ty Formosa Đài Loan phải làm rõ tình trạng ô nhiễm biển Việt Nam, ai đã trách nhiệm gây ra ô nhiễm.

Ngày hôm sau, 17 tháng Sáu, các tổ chức phi chính phủ đã có một cuộc họp báo ngay tại khách sạn Vương Triều nơi diễn ra một buổi họp của cổ đông công ty Formosa, với mục đích trình bày cho các cổ đông việc công ty của họ đã gây ra tội ác tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, thảm họa môi trường ở miền Trung Việt Nam do tập đoàn Formosa gây ra đã làm rúng động Đài Loan. Quốc Hội và truyền thông Đài Loan đã tạo một sức ép không nhỏ khiến Formosa phải cúi đầu nhận tội. Không dừng ở đó, chính quyền Đài Loan vẫn tiếp tục có những hành động quyết liệt để khiến Formosa không thể vì lợi nhuận mà bất chấp luật pháp, tàn phá môi trường ở Đài Loan cũng như Việt Nam, và để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của Formosa đến chính sách hướng Nam của Đài loan.

Một kết quả cụ thể mà mọi người mong đợi là vào chiều ngày 29/6, bảy đại diện của Formosa, bao gồm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Formosa là ông Trần Nguyên Thành, đã hai lần gập người xin lỗi nhân dân Việt Nam, thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành và thành viên ban lãnh đạo cúi đầu xin lỗi người dân VN. Ảnh: chụp từ video clip

Ông Trần Nguyên Thành nói: "Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ. Bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố, chúng tôi mong sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam". Chủ tịch Formosa cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Công ty cam kết khắc phục để tồn tại, hạn chế hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ nhà máy theo yêu cầu của Việt Nam.

Rất tiếc là hành động gập người và những lời xin lỗi được gọi là “chân thành đến từ trái tim” của ông Chủ Tịch và ban đại diện Formosa là hoàn toàn dối trá qua việc tiếp tục xả thải, và thậm thụt việc đền bù qua loa chiếu lệ với nhà nước CSVN sau đó.

Trực tiếp gặp nạn nhân Formosa

Ngày 31 tháng Bảy, một phái đoàn gồm những NGO của Đài Loan do bà Su Chih-fen (Tô Thị Phần), một dân biểu cao cấp thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền của tân Tổng Thống Thái Anh Văn dẫn đầu đến Việt Nam nghiên cứu.

Phái đoàn gồm 9 người trong đó có các chuyên gia về môi trường, Giáo sư Đại học và các nhà xã hội, đến Hà Nội với kế hoạch đi Hà Tĩnh nhằm tìm hiểu về thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam. Khi tới Hà Nội, cả đoàn đã bị an ninh cản lại ở sân bay Nội Bài và thu giữ toàn bộ hộ chiếu, ngăn không cho đáp chuyến bay đi Vinh.

Sau hơn 9 tiếng bị cầm giữ, và chỉ sau khi được nhân viên Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội ra sân bay can thiệp, đoàn mới đòi lại được hộ chiếu để tiếp tục chuyến hành trình bằng xe vào Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, phái đoàn đã tiếp xúc được một số nạn nhân là những thợ lặn khu công nghiệp Vũng Áng, những bà con ngư dân bị mất trắng tay công việc kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá tôm kể từ khi phát hiện cá chết hàng loạt.

Ngoài việc tiếp xúc các nạn nhân khoảng hơn một ngày, phái đoàn của bà dân biểu Su Chih-fen cũng đã vào trong khuôn viên tác nghiệp của nhà máy gang thép Hà Tĩnh Formosa để quan sát nơi thải những chất hóa học của nhà máy. Phái đoàn dự tính là ngay sau khi về lại Đài Loan sẽ tổ chức một cuộc điều trần ở Quốc Hội để công bố kết quả chuyến thị sát thảm họa Formosa; nhưng do những áp lực “chính trị” giữa chính quyền Đài Loan và CSVN, bà Su Chih-fen đã phải dời cuộc điều trần cho đến ngày 30 tháng Chín.

Trong báo cáo trước Quốc Hội, bà Su Chih-fen đã nhấn mạnh: “ ... ở Việt Nam, Formosa như cái bướu độc ung thư, phá hoại nghiêm trọng môi trường sống của Việt Nam. Ở Việt Nam tôi gặp được vài bạn trẻ, họ thấy hãng thép của Đài Loan nằm ở Hà Tĩnh như một cái vại lớn thải ra khí độc, ô nhiễm bãi biển của họ, làm chết cá trong biển vì nhiễm độc. Những người trẻ tuổi kêu cứu một cách vô vọng, kêu cứu với Formosa thì chẳng thể kêu ở Việt Nam. Trớ trêu thay, ở đó là vậy! ...”

Đưa nguyện vọng dân Việt đến dư luận Đài Loan

Sau chuyến thị sát thảm họa Formosa, các tổ chức NGO Đài Loan đã có cơ hội làm việc trực tiếp với một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, dẫn đến nhu cầu thắt chặt mối quan hệ để cùng vận động dư luận Đài Loan quan tâm về sự kiện Tập Đoàn Formosa đang gây nguy hại môi trường biển tại Việt Nam.

Trong tinh thần đó, một số tổ chức xã hội dân sự và chính trị Việt Nam và Đài Loan như Hội Anh Em Dân Chủ, Dân Trí Việt, Hội Bầu Bí Tương Thân, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, Đảng Việt Tân, Tổ chức EJA - Environmental Jurists Association (Hội Luật Gia Đài Loan vì Môi Trường), Hiệp Hội Bảo Vệ Nhân Quyền (theo dõi, giám sát Công Ước Nhân Quyền) và Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan đã phối hợp tổ chức hai sinh hoạt:

Sinh hoạt thứ nhất là cuộc họp báo diễn ra vào 10 giờ sáng ngày 10 tháng Tám, 2016 ngay trước trụ sở chính của công ty Formosa tại Đài Bắc.

Mục tiêu của cuộc họp báo và biểu tình là để cảnh báo về thảm họa môi trường tại vùng biển Miền Trung nước Việt Nam do công ty Formosa, với sự tiếp tay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, gây ra khi xả thải hàng trăm tấn hóa chất độc hại thẳng ra biển gây nên cái chết của hàng ngàn tấn cá và các hải sản khác, cũng như tàn phá môi trường biển của Việt Nam trải dài hàng mấy trăm cây số mà tác hại sẽ kéo dài nhiều chục năm.

Hiện diện trong cuộc họp báo và biểu tình, ngoài các đại diện của các tổ chức trách nhiệm cuộc họp báo, người ta thấy sự hiện diện và phát biểu của nữ luật sư Echo Lin, Tổng Thư Ký EJA (Hội Luật Sư Môi Trường); bà Yibee Yang, Giám Đốc Covenants Watch (Giám Sát Các Quy Ước); bà Eling Chiu, Tổng Thư Ký Taiwan Association for Human Rights (Hội Nhân Quyền Đài Loan); Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, Giám Đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Đài Loan; ông Hoàng Tứ Duy, Phát Ngôn Nhân Đảng Việt Tân; Ông Nguyễn Hoàng Thanh Tâm tuyên đọc phát biểu của Linh Mục Đặng Hữu Nam từ Hà Tĩnh.

Sinh hoạt thứ hai là tổ chức cuộc biểu tình diễn ra ngay sau cuộc họp báo kết thúc với sự tham dự đông đảo của anh chị em công nhân đang làm việc tại Đài Loan.

Những người tham gia biểu tình đã cầm các biểu ngữ với nội dung đòi lại công lý cho môi trường Việt Nam, tố cáo việc Formosa hủy hoại môi trường Việt Nam, đòi lại môi trường sạch cho Việt Nam, đòi Formosa bồi thường thích đáng những thiệt hại họ đã gây ra, đòi Formosa phải lập tức chấm dứt hoạt động và rời khỏi Việt Nam, truy tố Formosa và tất cả nhũng người liên đới tiếp tay vào việc Formosa hủy hoại môi trường Việt Nam,...

Sau buổi họp báo và cuộc biểu tình, đại diện ban tổ chức đã có những tiếp xúc với một số chính trị gia Đài Loan trong buổi chiều cùng ngày và ngày hôm sau 11 tháng Tám.

Trao thỉnh nguyện thư đến Quốc hội Đài Loan

Song song với cuộc vận động dư luận quan tâm đến thảm họa Formosa tại miền Trung, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và Đài Loan đã thực hiện một Thỉnh Nguyện Thư nhằm vận động Chủ tịch Quốc Hội Đài Loan chính thức lên tiếng buộc Tập Đoàn Formosa phải nghiêm chỉnh bồi thường và phục hồi lại môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung.

Kết quả có đến 38 tổ chức xã hội dân sự và chính trị Việt Nam và Đài Loan cùng ký tên. Trong hai ngày 5 và 6 tháng 12, 2016, Linh Mục Nguyễn Đình Thục của Giáo Phận Vinh, đại diện các nạn nhân của thảm họa Formosa, đã cùng với Linh Mục Nguyễn Văn Hùng và các tổ chức NGO Đài Loan, có buổi gặp gỡ với Văn Phòng Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan để trình bày về thảm họa Formosa. Trong cuộc gặp này, Linh Mục Nguyễn Đình Thục đã đại diện 38 tổ chức trao Thỉnh Nguyện Thư đến ông Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan yêu cầu can thiệp.

Thỉnh nguyện thư bao gồm 5 điểm chính chư sau:

1/ Yêu cầu công ty Formosa phải công bố kết quả điều tra nội bộ về nguyên nhân xả chất thải độc hại và công ty Formosa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả mà họ đã gây ra.

2/ Dùng áp lực của giới hành pháp Đài Loan để hỗ trợ lời kêu gọi của chúng tôi mở cuộc điều tra khoa học độc lập và thiết lập việc giám sát chất lượng môi trường toàn diện.

3/ Theo dõi và can thiệp vào tiến trình bồi thường các nạn nhân của thảm họa để đảm bảo đầy đủ tiền bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân này.

4/ Thúc đẩy công ty Formosa bạch hóa toàn bộ nội dung của các thoả thuận với chính quyền Việt Nam.

5/ Thúc đẩy chính quyền Đài Loan thêm luật hoặc sửa đổi luật để ngăn ngừa các công ty có vốn đầu tư Đài Loan hoạt động tại nước ngoài không được lợi dụng các quốc gia yếu kém về luật lệ và thực thi bảo vệ môi trường.

Cuộc vận động được tiếp nối với một cuộc họp báo tại Quốc Hội ngày hôm sau 6 tháng 12, 2016.

Trong dịp đến Đài Loan vận động lần này, Linh Mục Nguyễn Đình Thục cũng đã thay mặt Giáo Phận Vinh và các nạn nhân Formosa cảm ơn các hỗ trợ quý báu của các vị dân biểu và NGO Đài Loan, cũng như trả lời một số cuộc phỏng vấn của nột số cơ quan truyền thông Đài Loan.

Chất vấn đại diện tập đoàn Formosa

Với những áp lực mạnh mẽ của dư luận sau nhiều tháng vận động, vấn đề Formosa gây ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam đã được chính thức mang ra chất vấn tại Quốc Hội Đài Loan vào chiều này 30 tháng 12, 2016.

Thành phần những đối tượng bị chất vấn gồm có đại diện Công Ty China Steel (công ty này có 25% cổ phần đầu tư vào cảng Vũng Áng Hà Tĩnh), kế đến là đại diện của các Bộ Kinh Tế, Bộ Ngoại Giao, Bộ Ngân Khố của Đài Loan.

Thành phần những người chất vấn gồm có các Dân biểu Đài Loan Su Chih-fen, Chen Manli, Wu Kuenyuh và đại diện một số các tổ chức chính trị và xã hội dân sự Việt Nam.

Mục tiêu của buổi chất vấn nhằm đòi hỏi công ty Formosa phải minh bạch hóa những hồ sơ gây ra ô nhiễm tại Việt Nam đồng thời đặt vấn đề với các cơ quan chính phủ trong việc giám sát những hoạt động của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tránh gây ô nhiễm và các hiện tương tiêu cực khác.

Tuy nhiên trong buổi đối chất, các dân biểu và nhà báo đã rất bất bình về những nội dung trả lời của đại diện Công ty China Steel có vốn đầu tư chung với Formosa tại Vũng Áng là đã dựa vào cái gọi là “bí mật ký kết với nhà cầm quyền CSVN” để không tiết lộ một số những chi tiết liên quan đến thảm họa Formosa.

Qua cuộc đối chất này, các dân biểu và một số tổ chức NGO Đài Loan thấy rằng cần phải xúc tiến để Quốc Hội chính thức ra một đạo luật chế tài những công ty Đài Loan khi họ làm những điều sai trái tại những quốc gia khác, đặc biệt là tại những quốc gia yếu kém về hệ thống pháp quyền.

Cuộc họp công khai chất vấn này có được là nhờ công khó miệt mài đấu tranh và vận động của các tổ chức chính trị, xã hội dân sự và lãnh đạo tôn giáo ở trong và ngoài nước.

III- TẠM KẾT:

Vì sự u tối và ngoan cố của nhà nước CSVN tiếp tục bao che cho kẻ tội phạm Formosa nên môi trường biển Việt Nam tiếp tục bị hủy hoại, người dân Việt vẫn không được đền bù thiệt hại, và vẫn tiếp tục lâm vào cảnh khốn cùng.

Thảm họa Formosa ngày càng trầm trọng hơn. Bất công vẫn tồn tại và tiếp diễn.

Công cuộc vận động chính giới và người dân Đài Loan đã cho thấy những kết quả rõ rệt và phấn khởi và vẫn đang được các tổ chức chính trị, xã hội dân sự, tôn giáo tiếp tục xúc tiến.

Điều quan trọng là người dân Việt đã bị dồn đến bước đường cùng và đã mạnh mẽ quyết liệt đứng dậy để trực tiếp đòi hỏi công lý.

Không ai còn nghi ngờ gì nữa về việc Formosa sẽ sớm phải đóng cửa và rời khỏi Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là nhà nước CSVN có còn phương cách nào chạy tội để không phải chung số phận cùng lúc với Formosa hay không mà thôi!

Nguồn: http://www.viettan.org/Tham-hoa-Formosa-No-luc-van-dong.html