Bài diễn văn mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh sáng 1 Tháng Bảy vừa qua hé lộ rất nhiều điều về đường lối của chính phủ Trung Quốc trong những thập niên sắp tới và báo hiệu nhiều thách thức lớn cho cộng đồng thế giới.
Bài diễn văn dài 65 phút mà ông Tập đọc trước 70.000 người và được truyền hình trực tiếp ra toàn thế giới thật ra không có điểm nào nổi bật, không có điều gì mới mẻ so với thủ thuật tuyên truyền truyền thống của các đảng Cộng Sản. Tựu trung, ông ca ngợi thành tích của đảng CSTQ đã đưa đất nước ra khỏi tình trạng nửa thuộc địa, nửa phong kiến nghèo đói tối tăm và “nhục nhã” hồi đầu thế kỷ 20, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay.
Từ đó ông khẳng định “nếu không có đảng CSTQ sẽ không có nước Trung Quốc mới và không có cuộc trẻ hóa của quốc gia” và “sự cai trị của đảng CSTQ là điều cần thiết để bảo đảm Trung Quốc tiếp tục trở thành một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và vĩ đại về mọi phương diện.”
Ông kêu gọi 1,4 tỷ dân Trung Quốc trung thành tuyệt đối với đảng CSTQ, một lòng một dạ đi theo đảng để thực hiện “cuộc trẻ hóa vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”… “Sự thành lập đảng Cộng Sản ở Trung Quốc là một biến cố tạo dựng thời đại, làm thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử Trung Quốc hiện đại, chuyển hóa tương lai của đất nước và dân tộc Trung Quốc, thay đổi cảnh quan sự phát triển của thế giới,” ông Tập nói. Vào các dịp kỷ niệm, lãnh tụ nào của đảng Cộng Sản cũng phát biểu những lời khoa trương như vậy, không có gì khác.
Nhưng đáng chú ý là những điều ông Tập không nói tới. Trong khi hết lời ca ngợi những thành tích vinh quang của đảng CSTQ, ông không hề nhắc tới những tội ác khủng khiếp mà đảng này đã gây ra cho dân tộc Trung Hoa, từ chương trình Đại Nhảy Vọt (Great Leap Forward) do Mao Trạch Đông phát động năm 1958 với mưu toan bắt kịp sự phát triển của Anh mà hậu quả chỉ là làm cho 40 triệu người Trung Quốc bị chết đói, đất nước tan nát, điêu tàn; cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1966 kéo dài tới khi Mao chết 10 năm sau đó đã phá tan nền văn hóa và đạo đức của đất nước Trung Quốc; rồi cuộc thảm sát hàng ngàn sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu, 1989, dưới thời Đặng Tiểu Bình…
Trái với sự thật lịch sử, ông Tập trâng tráo khẳng định: “Người Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức hay nô dịch các dân tộc khác, không phải trong quá khứ, không phải bây giờ và cả trong tương lai.” Nghe những lời xảo ngôn như vậy, người ngoại quốc không khỏi giật mình cám cảnh cho số phận các dân tộc bị Trung Quốc cưỡng chiếm và đày đọa ở Tân Cương (nước Cộng Hòa Đông Turkistan cũ), Tây Tạng, và mới nhất là bảy triệu dân Hong Kong bị tước đoạt tự do và quyền tự trị. Hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược mà Cộng Sản Trung Quốc tiến hành và chuốc lấy thảm bại với Nga, Ấn Độ, Việt Nam cũng không hề được nhắc tới trong bài phát biểu của ông Tập.
Một mặt ca tụng người Trung Quốc như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý và sự hòa hợp, mặt khác ông Tập không ngừng khích lệ chủ nghĩa dân tộc trong 1,4 tỷ người Trung Hoa và vẽ ra trước mặt họ mới đe dọa của các “thế lực thù địch” để kêu gọi người dân trung thành với đảng CSTQ. “Người Trung Quốc chúng ta nêu cao công lý và không bị chùn bước trước các mối đe dọa bạo lực… Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực ngoại quốc nào bắt nạt, đàn áp hoặc nô dịch hóa chúng ta. Bất kỳ kẻ nào nuôi dưỡng ảo tưởng làm điều đó sẽ sứt đầu mẻ trán và đổ máu trên cái Trường Thành bằng thép được xây dựng từ máu thịt của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc,” ông Tập nói.
***
Để thực hiện khát vọng “trẻ hóa” đất nước Trung Quốc, ông Tập khẳng định Trung Quốc phải đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin và thực hiện “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc.” Trong bài diễn văn, ông Tập nhắc tới Marx-Lenin 14 lần trong khi chỉ bốn lần đề cập tới Mao Trạch Đông và ba lần nhắc tới Đặng Tiểu Bình.
“Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” là cụm từ yêu thích của Tập, xuất hiện trong hầu hết các bài diễn văn của ông ta. Nó mô tả một hệ thống cai trị độc tài toàn trị đặt căn bản trên học thuyết Cộng Sản của Marx, phương thức kiểm soát toàn diện xã hội bằng guồng máy công an trị của Lenin, kết hợp với nền kinh tế theo thị trường tự do dưới sự điều tiết của đảng, gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống này không theo nguyên tắc công hữu hóa tư liệu sản xuất của chủ nghĩa Cộng Sản và cổ xúy đấu tranh xóa bỏ giai cấp nhưng duy trì sự độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản, tước bỏ quyền tham gia chính trị và các quyền tự do căn bản của người dân, biến họ thành những “con vật kinh tế” chỉ biết lao động, làm giàu và thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân và gia đình.
Một hệ thống cai trị như vậy biến người dân thành những cá thể rời rạc, đèn nhà ai nhà nấy rạng, không quan tâm và sẵn sàng lợi dụng cộng đồng xã hội để thủ lợi cho riêng mình. “Chúng ta phải tiếp tục vận dụng chủ nghĩa Marx vào bối cảnh Trung Quốc. Chủ nghĩa Marx là hệ tư tưởng nền tảng và dẫn dắt, trên đó đảng và đất nước ta được thành lập; đó chính là linh hồn của đảng ta, là ngọn cờ mà đảng phấn đấu…,” ông Tập nói.
Khác với những người tiền nhiệm của ông ta như các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào – những người đã từng thực hiện những bước cải cách chính trị hạn chế, giảm bớt vai trò kiểm soát của đảng CSTQ và để cho các lực lượng thị trường được vận động tự do hơn – ông Tập Cận Bình đưa Trung Quốc trở lại với chế độ chuyên chế thời Mao, khôi phục vị thế “thống soái” của đảng CSTQ trong mọi khía cạnh đời sống Trung Quốc.
Không chỉ các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp nhà nước mà cả các công ty tư nhân cũng phải có các chi bộ đảng CSTQ và các chi bộ này tham gia trực tiếp vào việc điều hành hoạt động kinh doanh, bổ nhiệm nhân sự và các công việc khác. Bài diễn văn của ông Tập liên tục đề cao thành tích của đảng CSTQ và nhấn mạnh vai trò của đảng là yếu tố không thể tách rời khỏi con đường vận động của xã hội Trung Quốc.
Khác với Mao, Tập xây dựng chế độ đảng trị của mình trên một nền công nghệ tiên tiến – cái mà Karl Marx và Lenin không biết tới nhưng nhà văn George Orwell đã hình dung ra từ giữa thế kỷ trước trong tác phẩm “1984”… Những tiến bộ về công nghệ thông tin, video theo dõi trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) giúp cho ông Tập và đảng CSTQ giám sát nhất cử nhất động của 1,4 tỷ dân Trung Quốc, đi sâu vào suy nghĩ và tình cảm của từng người và mạng lưới quan hệ xã hội của họ để nhanh chóng phát hiện những ý tưởng phản kháng của dân chúng.
Xã hội dân sự, thành phần bất đồng chính kiến của Trung Quốc gần như đã bị quét sạch trong tám năm cầm quyền vừa qua của ông Tập Cận Bình. Nói một cách ngắn gọn, chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc mà ông Tập cổ xúy là sự phối hợp giữa chủ nghĩa Mao + công nghệ thông tin + chủ nghĩa tư bản thị trường hoang dã; trong đó con người bị tha hóa thành một đơn vị sức lao động, không tôn giáo, không gia đình, lạc loài và vô vọng.
Một đặc điểm của chế độ toàn trị mà ông Tập giành một phần quan trọng của bài diễn văn để nhấn mạnh là “quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với các lực lượng vũ trang nhân dân.” “Chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp toàn diện để nâng cao lòng trung thành của các lực lượng vũ trang…”
Nếu như ông Mao Trạch Đông nổi tiếng với câu nói “Chính quyền sinh ra từ nòng súng” thì hôm nay ông Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định “Đảng đã nhận ra sự thật không thể tranh cãi là đảng phải chỉ huy súng và xây dựng quân đội nhân dân của riêng mình.” Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với học thuyết chiến tranh hiện đại, theo đó quân đội độc lập với chính trị, chỉ lo bảo vệ đất nước mà không chịu sự chi phối của các đảng phái.
Những yêu cầu mà ông Tập đặt ra cho quân đội Trung Quốc không thể không làm cho nhiều người phải giật mình: “Chúng ta phải tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại với nhiều đặc tính hiện đại. Có can đảm chiến đấu và sự ngoan cường đi tới chiến thắng là những gì đã làm cho đảng ta trở nên bất bại,” ông Tập nói.
Có một sự trùng hợp nào đó mà ngay trong ngày kỷ niệm 100 năm đảng CSTQ, các vệ tinh quân sự đã phát hiện Trung Quốc đang xây dựng sâu trong sa mạc phía Tây nước này hơn 100 si-lô (silo) chứa hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn nguyên tử, có thể bắn tới lục địa Hoa Kỳ.
Bài diễn văn nặng tính dân tộc chủ nghĩa và có phần hiếu chiến của ông Tập làm cho mọi người không thể không hoài nghi những lời đường mật của ông ta chỉ cách đây vài tuần, trong đó ông Tập bày tỏ mong muốn một Trung Quốc “đáng yêu, đáng tin và đáng kính” như một cách giải tỏa ác cảm của thế giới đối với chính sách “Ngoại Giao Chiến Binh Sói” mà Bắc Kinh đang thực hiện.
***
Trung Quốc sẽ đi về đâu giữa thế giới này? Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình hé lộ một “giấc mộng Trung Hoa,” trong đó Trung Quốc – với nền kinh tế phát triển mạnh, với đội quân hùng hậu nhất – sẽ thay thế Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới – hệ thống toàn trị độc đảng sẽ thay thế cho chế độ dân chủ tự do hiện được coi là hình thái kinh tế xã hội tốt nhất mà nhân loại đạt được, dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Một số học giả Trung Quốc, tất nhiên, đang ra sức quảng bá cho tư tưởng Tập Cận Bình. Trên tạp chí uy tín Foreign Affairs số đặc biệt về Trung Quốc (Tháng Bảy và Tám, 2021) Giáo Sư Nghiêm Học Đồng (Yan Xuetong), viện trưởng Viện Quan Hệ Quốc Tế của Đại Học Thanh Hoa – đại học hàng đầu Trung Quốc, cho rằng hệ thống dân chủ tự do của phương Tây không có tính phổ quát, không phù hợp với Trung Quốc, là nơi chính quyền coi trọng sự an toàn xã hội và thịnh vượng kinh tế hơn là các quyền tự do phù phiếm. “Washington sẽ phải chấp nhận sự khác biệt về quan niệm hơn là cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên người khác,” ông Nghiêm viết.
Có thật vậy không? Hãy xem trường hợp Đài Loan – vùng đất mà ông Tập đã và đang nỗ lực thu phục về Hoa Lục. Bài diễn văn của ông Tập dành hẳn một đoạn dài để nói về Đài Loan. “Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện sự thống nhất hoàn toàn Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử, là cam kết không lay chuyển của đảng CSTQ,” ông Tập nói. Nhưng ông ta quên rằng, đảng CSTQ chưa bao giờ chiếm được Đài Loan, chưa bao giờ đặt được sự cai trị của họ ở đó và hòn đảo vẫn là một lãnh thổ độc lập, tự trị, theo một thể chế chính trị hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc lục địa. “Chúng ta phải hành động cương quyết để đánh bại hoàn toàn mọi cố gắng ‘Đài Loan độc lập’… Không ai được coi thường quyết tâm, ý chí và năng lực của nhân dân Trung Quốc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ,” ông đe dọa.
Đáp lại những tuyên bố đó, Hội Đồng Các Vấn Đề Lục Địa của Đài Loan khẳng định dân chủ tự do, nhân quyền và pháp quyền là các giá trị cốt lõi mà người dân Đài Loan bảo vệ, khác xa chế độ chuyên chế ở bờ bên kia của eo biển. “Bản chất của quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan phải đặt trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Hai mươi ba triệu người Đài Loan đã bác bỏ chính sách ‘Một Trung Quốc’ do đảng CSTQ đơn phương đề ra. Chính phủ Đài Loan sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nền dân chủ và tự do của Đài Loan,” hội đồng tuyên bố trong thông cáo báo chí gửi tới truyền thông ngay sau bài diễn văn của ông Tập.
Đi xa hơn, Đài Loan tố cáo Trung Quốc đang nhân danh “trẻ hóa dân tộc” để thực hiện chế độ chuyên chế, can thiệp vào trật tự quốc tế và bộc lộ tham vọng trở thành thế lực thống trị khu vực và toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ thống tự do dân chủ thế giới.”
Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden nhận định thế giới đang trong cuộc đấu tranh, không chỉ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà “giữa những lợi ích của các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế trong thế kỷ 21.” Trong cuộc đấu tranh đó, cả Washington và Bắc Kinh đều đang nỗ lực quy tụ các nước đồng minh và đối tác để ngăn chặn ảnh hưởng của nhau; đứng về phía Trung Quốc có Nga, Bắc Hàn, Iran và một số chế độ độc tài khác, đối đầu với phe dân chủ tự do do Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu dẫn dắt.
- XEM THÊM: Từ ‘Con Đường Tơ Lụa Mới’ của Trung Cộng… tới đề án Tái Thiết Một Thế Giới Tốt Hơn của Nhóm G7
***
Chưa rõ mô hình “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình có được thế giới chấp nhận như giấc mơ của ông ta hay không nhưng các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng toàn cầu cho thấy, dưới quyền của ông Tập, Trung Quốc ngày càng trôi dạt ra xa cộng đồng nhân loại.
Khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research thực hiện tại 17 quốc gia Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ từ ngày 1 Tháng Hai đến 26 Tháng Năm và được công bố ngày 30 Tháng Sáu, so sánh thái độ và tình cảm của người dân đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy có 61% người được hỏi có thiện cảm với Hoa Kỳ trong khi số ủng hộ Trung Quốc chỉ là 27%; nước ủng hộ Trung Quốc nhiều nhất là Singapore (đa số là người gốc Hoa) với 64% và nước ghét Trung Quốc nhất là Nhật, chỉ có 10% có thiện cảm.
Tương tự như vậy, trong những vấn đề quốc tế, lòng tin của thế giới vào ông Tập Cận Bình cũng ở mức thấp như từ trước đến nay, trong khi niềm tin vào ông Joe Biden đang tăng lên rất nhanh sau khi ông nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Người dân Thụy Điển chẳng hạn, có 85% tin vào ông Biden trong khi chỉ có 12% tin vào ông Tập và ngay tại Mỹ, có 60% tin tưởng ông Biden và chỉ có 15% tin lời ông Tập.
Nếu phải lựa chọn một cường quốc làm đối tác kinh tế thì trong tất cả các nước được khảo sát thì hơn một nửa cho rằng, có quan hệ kinh tế mạnh với Hoa Kỳ thì tốt hơn với Trung Quốc; cụ thể 64% muốn làm đối tác với Hoa Kỳ và chỉ 21% muốn làm ăn với Trung Quốc.
Không ai ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, thành một đất nước giàu mạnh và một “cổ đông có trách nhiệm” của cộng đồng thế giới. Nhưng con đường trỗi dậy của Trung Quốc dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản là con đường hủy diệt tự do và nhân phẩm mà ngay đến người gốc Hoa ở Đài Loan, những người yêu chuộng tự do ở Hoa Lục cũng không chấp nhận được.
Đảng CSTQ là “những cương thi (zombie) chính trị,” là nhận định của bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường Đảng Trung Ương Trung Quốc, hiện lưu vong tại Hoa Kỳ. Đem một thứ chủ nghĩa tôn sùng bạo lực, phi tự do đã bị phần lớn nhân loại vứt bỏ ra làm “nền tảng,” làm “linh hồn” để chinh phục thế giới, ông Tập Cận Bình và đảng CSTQ đã đặt thế giới trước những thử thách không hề nhỏ. Và nhân loại cần phải cảnh giác.
Hiếu Chân
Nguồn: Người Việt