Tôi đến với đạo Phật từ năm bảy tuổi qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử. Tôi đến với đạo Phật không phải vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo nhưng đơn giản vì đạo Phật đem lại cho tôi những món ăn tinh thần mà tôi cần từ thuở chào đời: tình thương và lòng tha thứ. Tôi kính yêu Đức Phật bởi vì ngài bắt đầu hành trình giải thoát như một con người. Ngài đã từ chối cuộc sống cao sang, bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc, mang chiếc bình bát đựng đầy ắp tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại trong một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Nhiều nhà khoa học, kể cả Albert Enstein, đến với đạo Phật không phải vì đức Phật là đấng giác ngộ siêu nhiên nhưng vì ngài là nhà khoa học, nhà giáo dục, là người thầy đạo đức của con người. Đạo Phật không ban cho con người cứu cánh nhưng giúp cho con người những phương tiện cần thiết để tự đạt tới cứu cánh an lạc cho chính mình.
Tôi cũng yêu Gia Đình Phật Tử, tổ chức hướng dẫn thanh thiếu niên tu học theo tinh thần Phật Giáo. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa tin yêu để đời tôi không còn lạnh lùng, không còn cô đơn và không còn sợ hãi. Tôi có anh, có chị, có em. Gia đình tôi không còn heo hút dưới rặng tre già hiu quạnh, nhưng đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Tôi cảm nhận được rằng tình thương không phải nằm trong lời rao giảng suông nhưng là một điều có thật. Tôi được dạy để thương yêu nhân loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình. Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác. Tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó. Ngày tôi rời làng quê ở xứ Quảng ra đi, hành trang trí thức của tôi không có gì ngoài Bi Trí Dũng.
Thế hệ của tôi, từ đó lớn lên trong mùa bão lửa ngút ngàn của quê hương với bao nhiêu khó khăn vất vả. Nhưng càng vất vả bao nhiêu tôi càng biết cám ơn hạt giống Bi Trí Dũng do Gia Đình Phật Tử gieo trồng trong tâm hồn thơ ấu của tôi. Năm 1981, tôi rời tổ quốc ra đi theo tiếng gọi tự do. Nước biển Đông mênh mông, rừng phương Tây bát ngát, nhưng trong những đêm khuya, như con nai lạc nhớ về đoàn, về đội, tôi vẫn lắng tai nghe tiếng hú thân quen vọng về từ ký ức.
Ký ức của tôi về Gia Đình Phật Tử từ khi bảy tuổi cho đến ngày nay thì rất nhiều. Chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện để mỉm cười và những chuyện đã làm tôi rơi nước mắt trong mỗi lần nhớ lại. Tuy nhiên, hình ảnh làm tôi nhớ và cảm động nhất vẫn là buổi chiều Chủ Nhật đầu năm 1977 khi tôi đến chùa Ấn Quang để thăm bổn sư tôi khi nghe tin thầy từ Hội An vào dự đại hội lần thứ bảy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi vừa không có tư cách đại biểu và vừa ngại công an dòm ngó, nên chỉ biết ngồi trong quán Café bên kia đường Sư Vạn Hạnh để chờ thầy họp xong. Thầy tôi không vào tham dự đại hội nhưng tôi không biết nên vẫn cứ chờ mãi từ buổi trưa cho đến lúc trời chiều. Chùa Ấn Quang, cách đó hai năm là trung tâm điều hành Phật sự của Phật Giáo Việt Nam, hằng ngày tấp nập kẻ đến người đi, giờ đây là một ngôi chùa vắng vẻ. Trong đại hội trước, chùa Ấn Quang với những ống kính truyền hình, tiếng phóng viên trực tiếp truyền thanh của các hãng tin quốc tế, nhộn nhịp bao nhiêu, đại hội lần này diễn ra trong im lặng bấy nhiêu. Các “cư sĩ Phật Tử”, các “đệ tử trung thành”, các “chính trị gia Phật Giáo”, các “người hùng cách mạng”, v.v. đã không còn trở lại. Ngọn gió công danh đã thổi họ về hướng khác. Nhiều trong số họ đã sang Mỹ, sang Pháp, sang Anh. Một số khác còn ở lại và đang tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ, nhưng đã thay lời rao “dân tộc và đạo pháp”, bằng lời ca tụng “dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để thích hợp hơn với xu hướng chính trị của thời đại mới.
Trong lúc tôi đang miên man suy nghĩ về thế thái nhân tình trong quán Café bên đường Sư Vạn Hạnh, thì một Gia Đình Phật Tử khoảng 20 em, vài em ngành thanh, một số ngành thiếu và khá đông ngành oanh vũ bước vào chùa. Họ chở nhau bằng xe đạp. Các em lớn, chắc để tránh dòm ngó, đã mặc thêm bộ đồ thường, khi bước vào chùa mới cởi áo ngoài ra. Tôi không biết họ thuộc đơn vị nào vì tôi không nhớ chùa Ấn Quang có Gia Đình Phật Tử riêng. Không giống như ngoài Trung, mỗi chùa thường có một Gia Đình Phật Tử, và ngoại trừ những ngày lễ lớn, các gia đình sinh hoạt cố định trong sân chùa hay trong đoàn quán mình, các Gia Đình Phật Tử Sài Gòn Gia Định, có khi sinh hoạt luân lưu ở các chùa trong thành phố. Tiếng còi quen thuộc lại được thổi lên. Cả đoàn nghiêm chỉnh bắt ấn Tam Muội, hát bài Sen Trắng để chào đoàn kỳ, trước khi lắng nghe anh huynh trưởng dặn dò đôi điều cần thiết. Tôi ngồi khá xa, không nghe anh nói gì nhưng qua khuôn mặt nghiêm trang đượm một màu buồn, tôi thầm nghĩ, chắc anh không có gì vui để gởi gắm cho các em ngoài tình thương và niềm hy vọng. Gần một giờ sau, cả đoàn sắp thành một vòng tròn nhỏ, cầm chéo tay nhau và hát bài Dây Thân Ái trước khi tan hàng. Tôi nghe lòng mình cũng hát: “Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng. Ca hát vang không gian đơm hoa. Đường tuy xa nhưng tình bao la. Tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền. Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gan thép ta chia tay đừng buồn.”
Nhìn các em đi ra khỏi chùa, lòng tôi chợt dâng lên một niềm đau xót như chính mình đang trong cuộc chia ly. Tôi nhìn theo bóng các em khuất dần phía cuối con đường. Những con nai tơ tội nghiệp kia vẫn vô tình reo vui bên bờ suối mà không biết phía sau lưng bầy sói dữ đang chờ. Tôi tự hỏi, họ cầm tay nhau hôm nay, không biết tuần sau có còn được cầm tay nhau nữa hay không. Họ gặp nhau hôm nay, tuần sau có còn gặp lại nhau đông đủ như thế nữa hay không. Không ai có thể trả lời khi cả nước đang bị quay cuồng trong cơn lốc. Các công trình thủy lợi, chính sách kinh tế mới, các buổi mít-tinh thức chờ trắng mắt, các chiến dịch lượm lon, lượm giấy, các kế hoạch nhỏ, các buổi học tập “Năm điều Bác Hồ Dạy” sẽ một ngày không xa, cuốn hút tâm hồn chân thiện mỹ của các em vào quỹ đạo của lọc lừa và dối trá. Tôi lo cho các em, lo cho số phận của tổ chức đã hun đúc tôi nên người, lo cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam, và tương lai của quê hương Việt Nam mà tôi yêu tha thiết. Tương lai đất nước Việt Nam sẽ ra sao khi một đứa bé mới lớn lên mỗi ngày phải học thuộc lòng những câu đầy sắc máu: “Hạnh phúc tính theo đầu người, là anh giết được bao nhiêu giặc Mỹ. Như cây yêu đời sinh được mấy muôn hoa. Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi : giết chúng. Ôi hôm nay lòng ta như họng súng.” (Suy Nghĩ 1966, thơ Chế Lan Viên). ”Ôi hôm nay lòng ta như họng súng”!, nếu trước 1975, có ai bảo tôi đó là thơ Chế Lan Viên, tác giả của Điêu Tàn với những câu thơ rất dể thương “Có một người nghèo không biết Tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn. Có đứa trẻ thơ không biết khóc. Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” mà tôi thuộc nằm lòng từ ngày biết đọc văn thơ, tôi chắc chắn không tin.
Tôi cũng vô cùng kính phục tinh thần can đảm của anh huynh trưởng mà tôi chưa có dịp biết tên anh. Thật ra, lúc đó tôi cũng không có ý định tìm hiểu tên anh, bởi vì, ngay giữa tâm hồn tôi, anh đã có một cái tên rất đẹp: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Anh như con chim đầu đàn đang bay ngược chiều cơn bão lớn, cố giương đôi cánh tả tơi để che chở cho đám chim non. Tôi đau xót nghĩ đến bao nhiêu sự bức chế mà các cấp huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã phải chịu đựng từ sau 1975. Tôi vẫn nhớ lời Hòa Thượng Thích Long Trí nói với tôi trong dịp về Hội An thăm ngài vào năm 1976: “Công việc chính của thầy bây giờ là đi thăm nuôi.” Ý thầy muốn nhắc đến việc nhà cầm quyền lần lượt bắt giam hay gây khó dể các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng sau 1975. Không một đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Phật Thành Đạo nào mà không có cảnh bắt bớ, tự phê, tự kiểm theo sau. Những trấn áp, đe dọa đó đã làm các huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Hứa Văn Xuân của Gia Đình Phật Tử Quảng Nam, không còn chọn lựa nào khác hơn là thắp lên ngọn đuốc để đánh thức lương tri nhân loại, bằng chính nhục thể của mình.
Tôi nhớ lại cảnh Hòa Thượng Thích Trí Độ, lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo miền Bắc, trong chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay, già nua run rẩy trên khán đài đưa tay hoan hô đả đảo theo đám thiếu nhi quàng khăn đỏ trong buổi “diễu binh mừng chiến thắng” trước dinh Độc Lập mấy ngày sau 30-4-1975, tôi cảm thấy đau xót và xấu hổ. Hòa Thượng Thích Trí Độ, bổn sư của nhiều cao tăng Phật Giáo mà tôi từng nghe ca ngợi là cụ già mặc áo sơ-mi trắng đó hay sao?. Đâu là uy nghiêm của một bậc tôn sư? Đâu là danh dự của một tôn giáo có lịch sử dài hai mươi thế kỷ? Một chiếc áo tràng nâu ngài cũng không được mặc đừng nói gì là giáo hội, là tiền đồ đạo pháp. Sau này, có dịp hỏi thăm một giáo sư từ miền Bắc vào tiếp quản trường Luật về tình hình Phật Giáo miền Bắc, tôi biết Phật Giáo miền Bắc gần như không còn gì cả. Những ngôi chùa nổi tiếng như Trấn Quốc, chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Dâu, chùa Tây Phương, chùa Hương Tích, v.v… chỉ là những di tích lịch sử của một thời phong kiến xa xưa còn để lại. Phật giáo Việt Nam, nếu may mắn được nhắc đến, chỉ là Phật Giáo của đời Lý, đời Trần, Phật Giáo của Lý Công Uẩn, của Trần Thái Tông, chứ không phải Phật Giáo của thời ngài Tố Liên, ngài Vĩnh Nghiêm, ngài Tuệ Tạng. Đảng và nhà nước Cộng Sản nghiên cứu Phật Giáo Lý Trần chỉ để chứng minh tính thời đại, tính lịch sử đã qua của Phật Giáo như một món đồ cổ văn hóa, dấu vết của một thời vang bóng chứ không nhằm khai triển và phát huy các tinh hoa vượt thời gian và vượt không gian của Phật Giáo. Trong suốt mấy mươi năm, Phật giáo miền Bắc không được phép xây thêm một ngôi chùa nào, không được phép xây dựng một Phật Học Viện nào, không được phép tổ chức một Giới Đàn nào và dĩ nhiên cũng không đào tạo được thế hệ tăng ni nào cả.
Sau 28 năm, mặc dù văn minh thế giới và trào lưu tư tưởng con người đã đạt rất nhiều tiến bộ, cơn bão vô thần càn quét suốt 28 dài trên đất nước Việt Nam đầy bất hạnh vẫn chưa dừng. Nhân loại đã bước vào kỹ nguyên dân chủ đa nguyên. Năm 1974, chỉ có 41 nước trong số 150 quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ, phần lớn là các quốc gia kỹ nghệ tân tiến Châu Âu. Năm 1990, ba phần năm tổng số quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ. Từ anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến người thợ mỏ Nam Phi đều đã có quyền chọn lựa người lãnh đạo cho đất nước mình. Dân chủ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu (a global phenomenon). Thế nhưng Việt Nam thì không hay ít nhất thì chưa. Dân chủ tại Việt Nam vẫn là con đường một chiều dành riêng cho các lãnh tụ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục sống như một đàn chim trong chiếc lồng sắt, không hay biết gì về thế giới bên kia. Thật đúng như chị Vũ Thúy Hà, vợ của bác sĩ tù nhân Phạm Hồng Sơn, phát biểu trong bài phỏng vấn ký giả Evan Williams trên đài ABC Úc mới đây: “Chúng tôi thường nghe đến dân chủ nhưng thú thực chưa bao giờ biết nó là cái gì cả.”
Sau 28 năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đại diện của truyền thống hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam, vẫn tiếp tục bị đàn áp. Những chùa chiền, thiền viện, tự viện không chịu tuân phục chỉ thị của đảng, không chịu khép mình vào bộ máy lãnh đạo của đảng, đã bị ức chế trăm điều. Đảng Cộng Sản Việt Nam không những chỉ xúc phạm đến Phật Giáo Việt Nam nhưng còn xúc phạm truyền thống đạo đức, vốn là một phần quan trọng của nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam.
Lá thư của thầy Tuệ Sỹ cũng nhắc đến bao gương hy sinh cao quý mà nhiều thế hệ tăng ni đã phải hy sinh cho đạo pháp và dân tộc. Thầy viết: “Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư qua bao khổ lụy đau thương, bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.” Thầy Tuệ Sỹ không viết danh hiệu các bậc tôn đức tăng ni tử đạo hay đang mang gánh nặng dân tộc và đạo pháp trên vai, nhưng là người Phật Tử Việt Nam, làm sao chúng ta có thể quên, trên mỗi bước chân chúng ta đi hôm nay vẫn còn nghe vọng lại niềm đau nhức của bao nhiêu bậc tôn sư và tiền nhân đi trước.
Lịch sử Phật Giáo Việt Nam sẽ mãi mãi ghi đậm hình ảnh các tăng ni và đồng bào Phật tử các giới đã hy sinh trong mùa pháp nạn 1975. Hình ảnh các tăng ni đã tự thiêu tập thể tại chùa Dược Sư Cần Thơ cuối năm 1975. Hình ảnh của cố Hòa Thượng Thiện Minh bi hỏi cung, hành hạ đến chết và xác bị đem ra chôn ngoài bìa rừng Hàm Tân năm 1978. Hình ảnh ngài Quảng Độ cùng với bà mẹ già 80 tuổi bị đày ra một ngôi chùa hẻo lánh, sống trong khó khăn, đói khát ở Thái Bình từ năm 1982. Hình ảnh Hòa Thượng Huyền Quang, lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo Việt Nam, bị công khai sỉ nhục trên đài truyền hình năm 1980. Hình ảnh cố huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh tự thiêu trong ngày 2 tháng 9 năm 2001. Hình ảnh thân xác cháy đen của huynh trưởng Hứa Văn Xuân tự thiêu ở chùa Lan Hương tỉnh Quảng Nam tháng 10 năm 2001. Và bao nhiêu sự hy sinh âm thầm của những bậc bồ tát, các thánh tử đạo khác đã vì an lạc của đồng bào và tương lai của đạo pháp mà phát tâm hoàn thành đại nguyện.
Trong khoảnh khắc ngậm ngùi lo lắng cho quê hương và đạo pháp, lá thư của thầy đã vực tôi về lại với con đường chánh: “Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.” Thưa vâng. Giống như hình ảnh vô úy của anh huynh trưởng đứng trong sân chùa Ấn Quang năm 1977, tôi dặn lòng hãy giữ lấy niềm tin vào chánh pháp và trung thành với lý tưởng của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Đạo Phật là đạo của tình thương và tình thương chính là kỳ quan tinh thần vĩ đại nhất của văn minh nhân loại. Vó ngựa của đạo quân Hồi Giáo đã san bằng trung tâm văn hóa Phật Giáo Nalanda, tàn sát hàng triệu Phật Tử Ấn Độ nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và phát triễn. Lời Phật dạy sau hơn hai ngàn sáu trăm năm vẫn còn được nghe từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cho đến tận vùng băng tuyết xa xôi của xứ Siberia, Tây Á. Những lời kinh Phật được tụng từ tu viện đơn sơ ở cố đô Anuradhapura, Tích Lan, còn vang vọng đến giãng đường hiện đại của đại học Harvard, nước Mỹ. Cây Bồ Đề đầu tiên nơi đức bổn sư thành đạo bị đốn ngã nhưng hàng trăm triệu hạt giống bồ đề khác đã mọc và lớn lên tươi tốt khắp thế gian. Niềm tin và chân lý bao giờ cũng mạnh hơn cường quyền và bạo lực.
Một đoạn thư khác của thầy Tuệ Sỹ:
“Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay có người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội.”
Đây là một nhắc nhỡ vô cùng quan trọng dành cho mọi người Phật Tử. Thầy cảnh giác các hiện tượng thỏa hiệp, đầu hàng, tiêu cực, sợ hãi đang còn phổ biến trong sinh hoạt Phật Giáo trong nước, cũng như thái độ xa lánh, thờ ơ ở ngoài nước. Xây chùa lớn, chùa đẹp để làm gì trong khi cả một dân tộc đang trầm luân trong độc tài, nghèo nàn, lạc hậu? Đức Phật chẳng đã từng bảo đệ tử dọn cơm cho người ăn mày đói khát được ăn no trước khi nghe pháp hay sao? Thân không an thì làm sao Tâm an được.
Dân Tộc và Đạo Pháp không phải là khẩu hiệu đấu tranh chính trị nhằm lật đổ một chính quyền như một số người đang bôi nhọ mục đích đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay, nhưng là một thực thể gắn liền từ trong máu huyết của mỗi người Phật Tử Việt Nam. Trong suốt dòng lịch sử, sinh mệnh Phật Giáo Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với sinh mệnh dân tộc, cùng vui với niềm vui của đất nước và cùng chia một nổi đau chung của đất nước. Phật giáo không chủ trương độc tôn thống trị và cũng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, đã đóng một vai trò như thế. Trong thời đại Lý Trần, thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư đã tham gia trực tiếp vào việc trị nước chăn dân, và hầu hết vua chúa không những đều là Phật tử mà còn là tổ của các Thiền tông lớn, nhưng không phải vì thế mà Phật giáo trở thành lực lượng thống trị xã hội. Trái lại, các tôn giáo khác tại Việt Nam vẫn tồn tại và có ảnh hưởng quan trọng trong mọi sinh hoạt văn hóa xã hội, thương yêu và gắn bó với nhau. Các nhà vua thời Lý, thời Trần với quyền hạn tuyệt đối, nhưng thay vì xây dựng những đền chùa nguy nga bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân, các ngài đã để lại cho chúng ta ngày ngay những tổ đình uy nghiêm, tôn kính nhưng với một kiến trúc vô cùng khiêm nhượng. Tại sao? Đơn giản bởi vì các ngài là những vì vua nhân từ, lãnh đạo một đất nước vừa nghèo khó, vừa phải lo chống đở các triều đại Bắc phương không ngừng xâm lấn. Các ngài đã biết đặt sự an lạc của dân tộc lên trên sự hưng thịnh riêng của tôn giáo mình. Nước và sữa còn có thể phân ly nhưng Đạo Phật Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam không thể nào và cũng không ai có thể làm phân ly được. Câu thơ của Hòa Thượng Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” mang ý nghĩa vô cùng thân thương và tha thiết như thế đấy.
Khi đọc lần nữa câu kết luận của thầy: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình”, tôi chợt nhớ đến các em ngành thiếu, ngành oanh vũ trong sân chùa Ấn Quang buổi chiều năm 1977. Hai mươi sáu năm rồi, các em oanh vũ ngày xưa đã lớn. Và các em đoàn viên Gia Đình Phật Tử, nếu sinh ra ở hải ngoại trong cùng thời điểm, thì nay cũng đã trưởng thành. Thế hệ của các em lớn lên trong thời bình, không phải trải qua những ngày khốn khó. Nhiều trong số các em đang là những chuyên gia lỗi lạc trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ở nước ngoài. Nhưng trong tâm hồn các em, dòng suối Từ vẫn chảy, và trái tim của các em vẫn hướng về nơi có bóng Từ Quang tỏa sáng. Các em, chứ không ai khác, phải có trách nhiệm xây dựng lại đoàn, đội của mình một cách thích hợp với môi trường mà các em đang sống. Đừng sợ mất bởi vì mất để còn hơn là cố bám víu nhưng biết rằng sẽ mất vĩnh viễn. Các em, chứ không ai khác, phải biết tự làm vở chiếc vỏ dày bảo thủ trong tâm thức, trong tổ chức của các em, để những mầm xanh Bi Trí Dũng được có cơ hội lớn lên trên nền đất mới. Các em, chứ không ai khác, phải biết bay qua những ao tù nước đọng của quá khứ hoài nghi và định kiến, để phát huy tinh thần Bi Trí Dũng bằng thái độ khai phóng và dung hợp trong thời đại toàn cầu.
Được như thế, tôi tin, một ngày không xa, các em sẽ cùng với hàng trăm ngàn đoàn viên Gia Đình Phật Tử trong nước mang ngọn lửa tình thương, tin yêu và hy vọng thắp sáng bầu trời đất mẹ Việt Nam. Đêm tối sẽ qua đi. Bình minh sẽ đến. Trong sân chùa Trấn Quốc, Từ Đàm, Viên Giác, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi … những con chim oanh vũ lại cất cao tiếng hát. Sau lưng các em sẽ không còn đàn sói già rình rập nhưng là tiếng suối Từ róc rách, tiếng chuông chùa nhè nhẹ êm đưa. Các em sẽ hãnh diện và sung sướng bạch với Hòa Thượng Viện Trưởng: “Vâng, chúng con không còn sợ hãi nữa thầy ơi”. Cám ơn thầy.
Boston 2003
Trần Trung Ðạo - Trần Trung Đạo