Tham nhũng vì đâu?

Nguyễn Công Bằng

Báo chí Việt Nam lại mới vừa đưa tin Nguyễn Thị Hồng, cựu phó chủ tịch UBND TP HCM, cựu phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt hôm 15/7 bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bà Hồng 69 tuổi, từng giữ chức Giám đốc Sở Tài chính trước khi được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP HCM vào năm 2006. Bà về hưu sau 9 năm tại vị.

Bà Hồng bị bắt do liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan.
Trong đó, có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP HCM.

Thông tin bà Hồng cùng những đồng phạm bị bắt gần như chẳng người dân Việt Nam nào quan tâm nhiều. Vì ở đất nước này, người ta đều biết rằng các quan chức từ nhỏ đến lớn, đều tham nhũng cả.
Theo thông tin từ báo Thanh Tra thì năm 2023, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).

Ban Nội chính Trung ương cho biết: Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
 
Người dân ngao ngán khi từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban bí thư, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Thành uỷ TPHCM… tất cả đều tham nhũng hết.
Thậm chí, ngay cả các Đại biểu Quốc hội chuyên trách, những người được cho là có nhiều phát biểu mạnh miệng đứng về phía người dân, nhưng hoá ra cũng là những kể đầu cơ, trục lợi.
 
Trường hợp điển hình chính là ông Lưu Bình Nhưỡng. Khi ông Nhưỡng bị bắt, nhiều người đã đoán già đoán non rằng, do ông Nhưỡng mạnh miệng chỉ trích lực lượng công an nhiều lần nên đã bị trả thù. Nhưng nếu ông không làm thì sao vợ ông phải nộp lại 300.000 USD để khắc phục hậu quả.
 
Theo cáo buộc của cơ quan công an, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản trong thời gian giữ chức vụ đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
 
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định được số tiền ông Nhưỡng trục lợi là 300 nghìn USD, tương đương hơn 7 tỷ đồng Việt Nam. Tại Cơ quan điều tra, ông Nhưỡng đã thừa nhận hành vi phạm tội và số tiền mình đã trục lợi.
 
Ngoài ông Nhưỡng, mới đây ông Lê Thanh Vân cũng bị bắt. Ngày 10/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Thanh Vân, sinh năm 1964, trú tại Phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Ông Lê Thanh Vân là Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ông Lê Thanh Vân bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Đây là diễn biến trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Lưu Bình Nhưỡng và đồng phạm phạm tội Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại tỉnh Thái Bình.
 
Đến giờ thì người dân Việt Nam đều thấy ở cái hệ thống chính trị độc đảng này, vị nào cũng tham nhũng hết.
 
Theo tạp chí Xây dựng đảng thì nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là: “Thẳng thắn nhìn nhận chúng ta sẽ thấy, “lỗ hổng” ở đây chính là sự lạm quyền của một số cán bộ cấp cao, của người đứng đầu. Lạm quyền dẫn đến siêu quyền lực, siêu mánh lới, siêu mưu kế đen tối ở một số cán bộ, một số người đứng đầu. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến “lỗ hổng” kiểm soát quyền lực này chính là vai trò của người cầm cân nảy mực…cần phải có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát quyền lực, phòng, chống cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật.”
 
Một vấn đề rất quan trọng từ muôn thuở mà nhiều nhà chính trị học đã chỉ ra đó là cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Thế nhưng, quyền lực chính trị do Đảng Cộng sản nắm tuyệt đối và thống soái thì làm sao mà có cơ chế để kiểm soát.
 
Không phải ngẫu nhiên mà bộ máy ở các nước phương Tây trải qua hàng trăm năm kinh nghiệm, họ đã thấy cần phải kiểm soát và hạn chế quyền lực nhà nước. Nhưng vì quyền lực nhà nước mạnh vô song nên họ thấy rằng cần phải dùng chính quyền lực nhà nước để hạn chế quyền lực nhà nước, do đó, mới có cơ chế “tam quyền phân lập”, trong đó, quyền lực nhà nước sẽ được phân chia thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ba nhánh quyền lực này sẽ tạo ra cơ chế “check and balance” hay còn gọi là kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Ngoài ra còn có sự kiểm soát của đảng đối lập và báo chí như những công cụ quan trọng.
 
Thế nhưng, Đảng Cộng sản đã nắm trọn cả ba nhánh trong quyền lực nhà nước. Đảng đối lập thì không được phép thành lập, thậm chí chỉ có ý kiến khác biệt hoặc phản biện, chỉ trích các cơ quan nhà nước là đã bị mời lên hoặc phạt hành chính. Báo chí thì chỉ được phép nói theo định hướng, tức là chỉ được ca ngợi.
 
Thế cho nên tham nhũng là do đảng mà ra, còn đảng thì sẽ còn tham nhũng chứ chẳng khi nào hết được đâu.