Thuốc trị cúm Avigan của Nhật Bản với thành phần chính là Favipiravir.
Ảnh: Fujifilm Holsings Corp/ AP
Lê Cầm|
Các nhà khoa học cho biết thuốc chống cúm Avigan do Nhật Bản phát triển phát huy hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nCoV.
Ông Zhang Xinmin, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc, trong họp báo hôm qua, cho biết loại thuốc này có hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng của hai tổ chức y tế Trung Quốc. Thuốc phát huy tác dụng đối với các triệu chứng liên quan đến nCoV, kể cả viêm phổi, và không có tác dụng phụ đáng kể.
Các thử nghiệm được tiến hành với 240 bệnh nhân của thành phố Vũ Hán và 80 bệnh nhân ở Thâm Quyến. Những bệnh nhân dương tính nCoV ở Thâm Quyến sau khi dùng thuốc 4 ngày đã chuyển sang âm tính, trong khi phải mất trung bình 11 ngày cho những người không dùng thuốc.
Thử nghiệm cũng cho thấy hình ảnh X-quang phổi cải thiện 91% sau khi dùng thuốc. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ điều trị thông thường, không dùng Avigan, chỉ cải thiện được 62%.
Thành phần chính của Avigan là Favipiravir, có khả năng ngăn chặn các gene của virus nhân lên trong các tế bào nhiễm bệnh.
Ông Zhang cho biết loại thuốc này rất an toàn và hiệu quả, do đó họ quyết định sử dụng và khuyến cáo dùng Avigan trong điều trị bệnh nhân nCoV tại Trung Quốc. Một công ty Trung Quốc đã được chính phủ phê duyệt vào tháng trước để sản xuất hàng loạt loại thuốc này theo cấp phép từ Nhật Bản.
Đại diện nhà sản xuất Avigan tại Nhật Bản, ông Junji Okada, chủ tịch của Fujifilm Toyama Chemical, cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì nếu Avigan có thể góp phần chấm dứt dịch bệnh."
Chính phủ đang dự trữ thuốc cho khoảng 2 triệu người, nhưng ông Okada cho biết công ty đã chuẩn bị nhân lực khẩn cấp, huy động hơn 100 người để có thể thúc đẩy sản xuất khi được yêu cầu.
Các nhà quản lý Nhật Bản đã phê duyệt Avigan vào năm 2014, nhưng nó chỉ có thể được sản xuất và phân phối theo yêu cầu của chính phủ để sử dụng trong sự bùng phát của một loại virus cúm mới. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý không sử dụng Avigan cho phụ nữ có thai để tránh nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị đối với nCoV, các nhà khoa học cũng đang thử nghiệm một số loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân nCoV như thuốc trị HIV- Kaletra, thuốc chống virus Remdesivir. Song song đó, các nhóm nghiên cứu trên thế giới cũng đang chạy đua để tìm ra vaccine và các loại thuốc điều trị đặc hiệu với nCoV.
Ngày 16/3, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Công ty Công nghệ Sinh học Moderna bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19. Viện Công nghệ Sinh học Flemish và Đại học Gent, Bỉ, phát triển thành công kháng thể chống lại quá trình nCoV xâm nhập tế bào người, một bước tiến tới phương thức điều trị Covid-19 đầy hứa hẹn.
Tính đến 19/3, Covid-19 tiếp tục lan rộng tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người nhiễm và chết vì nCoV toàn cầu tăng lên lần lượt 218.389 và 8.937, số ca tử vong ở châu Âu cao hơn châu Á. Dịch cũng có dấu hiệu bắt đầu lây lan mạnh ở Đông Nam Á. Indonesia ghi nhận 55 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày lớn nhất. Tổng cộng 227 người nhiễm và 19 người chết ở Indonesia. Malaysia là vùng dịch lớn nhất ở Đông Nam Á với 790 người nhiễm, hai ca tử vong.