Tinh thần hòa và đồng

 
 ảnh: Internet
 
 
- Lý Thái Hùng -
 
 
 
Có bao giờ bạn nghe đến hai chữ Hòa và Đồng chưa?
 
Tôi nghĩ là có bạn cũng đã từng nghe qua hai chữ này. Nếu bạn nào đã từng đọc những quyển sách luân lý cổ xưa của Tàu được dịch và phổ biến ở Việt Nam thì trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử có nói một câu như sau:
“Quân tử hòa nhi bất đồng; tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.
 
Nghĩa là người quân tử hòa với mọi người, nhưng không đồng. Kẻ tiểu nhân đồng với mọi người nhưng không hòa.
Nói rộng ra, nhiều người đã giải thích rằng người quân tử vì có trí tuệ nên nảy sinh những bất đồng về ý kiến. Dẫu vậy họ vẫn giữ được hòa khí để sống dung hòa cùng nhau.
Trái lại, tiểu nhân là những kẻ không có chính kiến để mà bất đồng, dẫu vậy lại luôn bất hòa cùng nhau vì đố kỵ, ganh ghét, cạnh tranh hơn thua. Còn chúng ta nếu đã có học, có kiến thức mà lại đố kỵ, ganh ghét nhau và cố tình gây bất hòa, thì còn suy đồi và bệnh hoạn hơn cả tiểu nhân.
 
Bạn nghĩ sao về lối giải thích này?
 
Tôi thì không đồng ý khi phân biệt giữa quân tử (người có học) và tiểu nhân (người ít học) để nói đến ý niệm Hòa và Đồng trong xã hội ngày nay, khi mà tri thức và hiểu biết không làm thước đo để phân biệt giữa quân tử hay tiểu nhân.
Ngày nay, quân tử hay tiểu nhân phải định ở Nhân Cách chứ không thể trên tri thức. Người có nhân cách phải thể hiện nhân cách ấy ra ngoài bằng một thái độ sống nhất quán và bằng những hành động cho thấy chỗ đứng trước sau như một trong xã hội; nó đóng góp một phần nào đó vào nền tảng đạo lý của cộng đồng.
 
Vì xã hội loài người gồm nhiều cộng đồng khác nhau, trong mỗi một cộng đồng phải có sự giao lưu giữa cá nhân với cá nhân bằng những nguyên tắc sống lâu dài nhằm bảo đảm cho cái xã hội mà cộng đồng ấy lấy làm nền tảng luôn luôn hài hòa và ổn định.
 
Đó chính là tinh thần Hòa và Đồng.
 
Hòa nói lên sự biết chấp nhận những khác biệt của mỗi cá nhân để tìm thấy cái chung của số đông.
 
Đồng là sự cùng nhau chung sống để chia sẻ trách nhiệm và phúc lợi qua sự chấp nhận như một "khế ước xã hội".
 
Tinh thần Hòa không cho phép một nhóm người, hay một đoàn thể nào áp đặt khuôn mẫu độc nhất bắt mọi người tuân theo. Sự chấp nhận khác biệt để tìm mẫu số chung chỉ đạt được nếu mỗi cá nhân được bảo đảm quyền được thông tin, học hỏi và có cơ hội phát biểu, thảo luận để tìm sự đồng thuận của đa số.
 
Tinh thần Hòa khuyến khích sự trao đổi, thu nhận những ý kiến khác biệt nhưng không tiêu diệt nhau vì những khác biệt đó. Như vậy Hòa là tinh thần ứng xử giữa con người với nhau và Đồng là tinh thần chung sống tuân theo một khế ước tập thể. Hòa với nhau để Đồng làm việc chung là yếu tính của dân chủ.
 
Có chấp nhận sự khác biệt của nhau thì con người mới được khai phóng và xã hội mới thực sự có điều kiện phát triển toàn diện.
 
Trong một xã hội không có tinh thần Hòa, Đồng thì "hàng trăm loại cúc đều chỉ nở thành hoa vạn thọ", nói theo cách ví von của cụ Phan Khôi.
 
Tóm lại, Hòa là mạch nguồn của muôn hồng nghìn tía, của yêu thương và thăng tiến. Trong khi tinh thần Đồng là cội nguồn của bao dung, không chia cắt và công bằng. Một dân tộc chia sẻ tinh thần Hòa và Đồng là một dân tộc không phân chia đẳng cấp, không phân biệt đối xử vì khác biệt chính kiến, nguồn gốc hay văn hóa. Sức sống của Hòa, Đồng là sự không cực đoan. Không thể đẩy tinh thần tự do đến mức quá trớn hay nhân danh tập thể để triệt tiêu ước vọng của thiểu số.